Chuyện ba người - Bùi Đê Yên
H ọ có ba người, ba cô gái người nhiều hăm bảy, người ít hai mươi lăm, vẫn được là cô vì chưa ai trong số họ được đeo nhẫn cưới. Họ thường tới quán cà phê ven biển này vào chiều thứ bảy, chủ nhật hoặc hiếm họa cũng có khi vào các tối khác trong tuần, nếu một trong ba người không phải làm thêm, dạy kèm hoặc học đêm.
Thông thường người khởi đầu là Trang, với câu mở đầu ít khi thay đổi.
- Ngồi trong quán vắng lúc im ắng thế này mới thú vị làm sao! Đời mình thấy cũng thảnh thơi nhàn hạ hơn ối kẻ... Một sữa tươi chút cà phê: bảy nàn rưỡi, thêm nưm trăm đồng nhạc nhẹ, xanh vàng gì cũng được.
Thủy và Lương đã quá quen với cách nói thiếu trước hụt sau, nhảy cóc, không có vẻ gì là của dân tổng hợp văn ấy rồi, nên chỉ ngã người xuống ghế nhìn ra biển. Chẳng quan tâm tới thái độ hờ hững của hai bạn, Trang lại thở ra một câu khác:
- Hôm nay bên tao phát động cuộc thi viết “Người tốt việc tốt” về những đơn vị, địa phương, tư nhân làm kinh tế giỏi. Khoảng ngàn từ mà treo giải năm triệu, thấy có cay không? Lâu rồi tao chưa kiếm được cái giải nào. Lương, mày lang bạt nhiều công ty có cửa nào giúp tao không? Tiền thưởng chia ba, tao hai mày một. Má! Xấu xa, tiêu cực đầy ra đấy chẳng bao giờ thấy thi viết, thi lách gì, toàn thấy điển hình tiên tiến, khá giỏi hoài, riết rồi không tốt cũng ca cho tốt để kiếm tiền chơi. Ừ. Đúng rồi, công ty mày thấy nói làm ăn cũng được.
- “Thùng rỗng kêu to” đấy mày ơi! Phát triển đâu không thấy có điều lương cán bộ công nhân viên tụi tao giảm hai mươi phần trăm tháng trước, tháng này nếu doanh thu không đạt mười tỷ thì khoản bị cắt sẽ là ba mươi phần trăm. Đang đói dài ra đây này!
Nhắc đến tiền, Trang im lặng liền. Trong ba người, nếu so về tiền lương thì của Lương là cao nhất nhưng ngoài lương ra cô không có khoản thu nào khác ngoài công việc, ngoại trừ món tiền thưởng tết âm lịch và lễ hai-tháng-chín. Trang và Thủy là dân hành chính sự nghiệp lương ba cọc ba đồng nhưng ngoài lương ra, Trang có tiền nhuận bút cộng tác thêm với các báo, tiền hoa hồng của các hợp đồng quảng cáo, phong bì của các cơ sở đơn vị, Thủy có tiền dạy thêm, phong bì quà cáp của phụ huynh học sinh mà Trang và Lương gọi là tiền bổng lộc. Tuy vậy trong chuyện tiền bạc chi phí trong nhóm, Lương bao giờ cũng tỏ ra rộng rãi phóng khoáng, có lẽ là do gia đình khá giả. Lương thì chẳng có gì, cả xe, cả nhà đều của bố mẹ... Nhưng ít ra Lương cũng không phải lo ky bo, tích cóp phòng khi cơ nhỡ ốm đau, thất nghiệp như Trang và Thủy. Trang thường nói với Thủy: Lương thuộc thành phần quý tộc đi chơi với Lương nên chọn chỗ xịn xịn một chút. Đồ dùng quần áo, phấn sáp của Lương lấy xài lại cũng còn tốt chán, kể cả những thằng bồ mà Lương đã đá cũng vậy. Nói thế nhưng Trang chẳng bao giờ nghĩ tới việc bỏ rơi Hải, anh chàng đồng nghiệp, cùng quê mà suốt ngày Trang kêu chán. Trang lớn tuổi nhất trong cả bọn, tuy là con nhà nghèo nhưng Trang lại là con út và là con gái duy nhất trong nhà. Thuở bé Trang thường được bố kiệu lên vai đi khắp làng trên, xóm dưới, được giành cho mọi thứ ngon, đẹp trong nhà. Lớn lên, bố mẹ Trang bán cả ruộng vườn cho cô gái út ăn học. Khi Trang cầm được tấm bằng đại học trên tay nhìn lại bố mẹ đều đã già, nhà vẫn mái lá, anh em “kiến giả nhất phận” mà ai cũng nghèo. Một mình Trang nổi trội trong nhà, trong làng, trong xã thật nhưng làm gì với cái bằng ngữ văn loại ưu ở vùng quê “chó ăn đá, gà ăn sỏi” của cái xứ quanh năm nắng hạn mưa vùi đó thì Trang và bố mẹ nghĩ mãi không ra. Theo lời khuyên của anh cả Trang, bố Trang nuốt nước mắt để đưa con gái cưng ra đi với chưa đầy triệu bạc vay mượn và tấm vé tàu cũng tiền vay, cũng may Trang là đứa lanh lợi và thực tế nên chưa đầy hai tháng sau, Trang đã xin được việc làm. Sau mấy lần đổi dời rồi Trang cũng vào được cái tòa soạn báo duy nhất ở cái thành phố biển nửa thị nửa thành này. Là phóng viên hợp đồng, lương thấp, không xinh đẹp cũng chẳng giàu sang gì, Trang thấy Hải cũng xứng đôi. “Mơ mộng gì cao xa để rồi ở giá suốt đời, nhất là cái thời buổi bọn đàn ông con trai chọn vợ chỉ xem mặt, xem nhà. Hai cái mặt tiền ấy đều xấu, có thằng thực tình là may mắn lắm rồi!”. Trang thường tưng tửng bảo với hai bạn như vậy. Hải không đẹp trai, tài hoa gì, giàu có cũng không nhưng được cái rất chiều chuộng và giỏi chịu đựng cái tính cách vừa nhõng nhẽo, yếu ớt vừa ngang tàng, lập dị của Trang.
- Con người ta ai cũng “nhân vô thập toàn” mình không hoàn thiện sao đòi người ta toàn diện được!
Câu nói đó của Trang thường nhắm vào Thủy. Thủy và Trang cùng quê, cùng thuê nhà ở một khu nhà trọ, nhưng lại khác nhau ở chỗ lựa chọn bạn trai. Thủy học sư phạm, thời sinh viên vốn nổi tiếng đẹp và chăm chỉ nhưng lại còn nổi tiếng hơn nữa về sự kỹ tính, hay tự ái và... nghèo. Bao nhiêu người đến rồi đi. Tới khi ra trường, đi làm cả năm rồi vẫn thấy Thủy một mình, một bóng. Bố mất sớm, mẹ đã già, hoàn cảnh còn khó khăn hơn của Trang. Ngay từ năm thứ hai, Thủy đã đi dạy kèm, tiếp thị mỹ phẩm để kiếm tiền. Bây giờ cũng chẳng mấy lúc Thủy rảnh, thu nhập cũng không đến nỗi nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Mẹ thì nay ốm mai đau, anh chị thì không có nghề nghiệp gì, một đứa em trai đang đi học, suốt ngày vòi tiền chị. Công việc vất vả, những lo toan hằn sâu đã khiến Thủy già đi nhanh chóng. Đôi khi soi gương thấy những nếp nhăn trên khóe miệng và vết quầng thâm dưới mắt, Thủy cũng hốt hoảng chạy ra shop sắm vài bộ quần áo, làm lại cái đầu, mua đại một hộp kem dưỡng da. Rực rỡ được vài tuần với một chàng trai hào nhoáng nào đó, vài tháng sau lại thấy Thủy một mình một bóng, buồn bã, ủ ê và tàn tạ hơn trước. Trang bảo: “Con điên, chỉ xem trọng hình thức, thế thì khổ là phải”.
Danh sách người yêu của Trang chỉ có Hải là duy nhất chứ của Thủy thì kéo dài đến ba bốn cái gạch đầu dòng nhưng rồi như Lương vẫn hát: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, mãi Thủy vẫn chẳng tìm được tình yêu thực sự. Nó ở đâu trong cái anh chàng Sơn cao ráo, trắng trẻo, có cặp mắt sắc lẻm, quen nhau chưa đầy tuần đã nói lời yêu đương thắm thiết để chưa đầy tháng sau đã không thấy quay trở lại. Trong cái anh chàng Toàn bẻm mép cứ luôn miệng khoe Thủy là vợ sắp cưới trong khi Thủy chỉ thấy anh ta là kẻ “vô công rồi nghề”. Rồi Thắng, anh chàng mà Thủy chấm tới bảy điểm vì làm bên dầu khí, lại đẹp trai, nghiêm túc, chỉ đáng tiếc anh ta cũng lại “nghiêm túc” với Thủy tới mức chẳng bao giờ chịu đưa Thủy qua cái cầu thang tối om để lên phòng với lý do rất chính đáng “sợ hàng xóm láng giềng dị nghị”. Trang, sau vài lần gặp gỡ, khịt mũi: “Thằng đạo đức giả, nó ngại dấn sâu vào mối quan hệ với những đứa con gái ở một mình, nhất lại là ở trong căn phòng trọ tồi tàn chật hẹp như tụi mình nữa, thôi quên nó đi!”. Thế là lại đứt.
Những đứa con gái xa nhà, lo lập nghiệp, lo giúp đỡ gia đình, gánh cả gánh nặng trên đôi vai mảnh mai như Thủy, như Trang không bao giờ hồn nhiên được như Lương. Lương không đẹp bằng Thủy, không giỏi giang như Trang, nhưng Lương có sự tự tin, vô tư và tốt bụng của những đứa con gái không phải đối mặt với những toan tính tiền bạc. Lương không mang nặng nỗi mặc cảm, tự ti, những tính toán thực tế đến nhỏ nhen của kẻ nếu không mời bạn thì ngại, mời thì cứ cắn rứt không yên như Trang và Thủy. Lương thường mắng Thủy cái tội cứ rầu rầu mặt than phiền về nỗi nhà cửa chật hẹp, tồi tàn; và so sánh giữa căn phòng ga trắng, nệm êm, ti vi, máy tính, đầy đủ của Lương với cái phòng trọ chật hẹp bừa bộn vì cả nhà vệ sinh, nhà bếp đều gói gọn trong cái diện tích mười sáu mét vuông của mình. Lương thương các bạn, thông cảm với bạn nhưng Lương không phải là Thủy nên không hiểu được sự xấu hổ của Thủy, không thể biết nỗi khổ của cảnh mỗi sáng đi làm phải thu dọn mất mười lăm phút những bàn ghế, nệm, ga chăn, chiếu, xoong nồi, sách vở để rồi tối về lại mệt mỏi bày ra, sau khi đã vững tâm là không còn khách khứa nào đến chơi nữa. Tuy nhiên Lương thường tỏ ra thích thú và ganh tỵ với hai bạn về việc: không phải lau nhà (cái khoảng trống, sau khi xếp gọn đồ đạc còn lại chưa đầy năm mét vuông có lau cũng chẳng mệt gì), đỡ phải khóa mở mấy lần cửa (vì cửa cũng là cổng luôn). Rồi cả cái việc có thể ngồi trên giường vừa học vừa nấu cơm. Tất cả đều làm cô thích thú. Lương thường chặn những câu than phiền của các bạn bằng những cái bĩu môi:
- Chẳng bao giờ, tụi mày hiểu được cái cảnh ì ạch lau nhà vào những sáng chủ nhật, rồi lau cửa kính, giặt rèm cửa. Rồi cái khó nhọc của việc leo hết ba sáu bậc cầu thang về đến phòng mình đột nhiên chuông điện thoại hoặc chuông cửa reo, mà nhà cũng có phải của tao đâu cho cam! Tao sợ ra ở riêng lại chẳng có được cái chỗ chui ra chui vào như của chúng mày ấy chứ!
Những lời than phiền luôn cố tỏ ra thành thực đó của Lương khiến Trang và Thủy bớt mặc cảm và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa họ, để rồi những lúc bị mẹ la, Lương có thể lấy chìa khóa ở chỗ Trang hoặc Thủy về nấu cơm rồi ở lì đó đến tối, đợi khi biết chắc mẹ đã về phòng riêng mới lén về nhà lên phòng mình. Trang và Thủy thì ít khi đến nhà Lương phần vì họ lúc nào cũng bận, phần vì ngại gặp mẹ Lương. Bà không thích con mình lêu lổng với mấy đứa con gái đã lớn mà chẳng chịu chồng con gì. “Ngày xưa bằng tuổi mày tao đã thôi sinh nở rồi, vậy mà...”. Lương ngại tranh luận với mẹ về đề tài này nhất nhưng mẹ Lương lại chỉ nói về chuyện đó. Nhà có đến bốn chị em. Người chị lớn đã lấy chồng ở quê thì chẳng nói, hai đứa em Lương, một đứa thì đã có con, còn đứa út cũng đã có người yêu, không lẽ lần thứ hai lại “Thôi ta đứng lại nhường đường em qua”. Ông bố đi làm suốt ngày, chẳng mấy khi quan tâm tới chuyện con cái, chỉ có bà mẹ mới rời quê ra phố chưa đầy năm là nóng ruột, ở quê bà con gái hai mươi chưa lấy chồng là đáng lo, nói gì... Lương thương mẹ tần tảo, quê mùa, cả đời vì chồng vì con, chẳng bao giờ dám tiêu hoang, xài phí lấy một đồng, nghỉ mất sức gần chục năm, bà cũng không dám ra sống hẳn ở thành phố vì nghe nói ở đó “cái gì cũng phải mua và cái gì cũng đắt”. Bà trẻ hơn ông năm tuổi nhưng đầu tóc, cách ăn mặc lại già hơn chồng tới cả chục tuổi, lối sống cách suy nghĩ còn già hơn nữa. Hòa hợp với lối sống, cách suy nghĩ của ông chồng, nửa đời ở nơi đô thị đã khó, nói gì tới đứa con gái trẻ trung, hiện đại như Lương. Tuy nhiên không phải là Lương không nghĩ tới chuyện chồng con như mẹ vẫn mắng. Không nói ra, nhưng quá thân với Lương nên Trang biết rõ đối tượng của Lương phải là người ga lăng, có óc hài hước, và chỉ cần thêm vào đó một khuôn mặt ưa nhìn, một chút bất cần đời, vài câu nói hiểu biết là có thể đánh gục Lương. Không nhõng nhẽo như Trang, không khó tính và cực đoan như Thủy, ấy vậy mà Lương cũng chẳng gặp nhiều may mắn trong chuyện tình duyên. Thịnh, người đầu tiên Lương yêu, chưa kịp hiểu rõ được tình cảm của Lương đã vội vàng cưới vợ. Người thứ hai, mới quen chưa đầy tháng, Lương đã nhận ra: “Có óc hài hước nhưng ga lăng thì... Chỉ thấy giỏi nịnh đầm, chở tao đến trường học được hai lần đã máy móc về chuyện ngược đường xa xôi, xúi tao bỏ học”. Cũng thêm một người nữa, Dương, đẹp trai, tài hoa, ngạo mạn và hát karaoke rất giỏi, thuộc dạng khá đàng hoàng nhưng hơn một năm trời quen nhau, Lương mới phát hiện ra, anh ta chỉ cư xử đàng hoàng nghiêm túc với Lương vì đã “giấm” Lương làm “đồ cúng” còn với các cô gái khác anh ta quan hệ lăng nhăng, tới khi có cô “vác bầu tâm sự” đến bắt đền, anh ta mới thú thật với Lương. Cú đó làm Lương quỵ mất cả năm trời. Thủy bảo: “Thằng mất dạy, tới tao với con Trang là người ngoài cuộc còn bị nó lừa nữa là mày, cũng may tụi mình biết giữ gìn, không mất gì với nó là may rồi, quên hắn đi!”. Chuyện đó xảy ra khi Lương mới ra trường, mẹ chưa vào, anh chị em không ai biết. Có Trang và Thủy an ủi nên Lương đã đứng dậy được, lại lao đầu vào học và làm. Học tập hai bạn, Lương cũng đi làm thêm, đầu tiên là đi dịch thuê, làm tư vấn ghi danh cho một vài trung tâm ngoại ngữ, sau đó thì chung vốn mở tiệm bông. Tiền kiếm thêm chẳng đáng bao nhiêu hầu hết Lương dùng để chi trả tiền cà phê, karaoke, ăn uống cho cả nhóm. Ngày tháng yên ả trôi qua.
- Sao tự nhiên im lặng thế? Sắp đến 20/10 rồi đấy!
Trang phá vỡ im lặng. Lương ngước mắt ra xa lẩm bẩm:
- Quên, chưa gọi điện bảo nó chuẩn bị nhập hồng Đà Lạt nhiều rồi, tại tao bận thi suốt tuần qua...
- Việc học hành của mày đến đâu rồi, sao lâu tốt nghiệp thế?
Lương chưa kịp trả lời thì Trang đã ngang ngạnh chen ngang:
- Học làm quái gì, nhiều chữ khó lấy chồng, một bằng là đủ, bao đứa không bằng vẫn giàu, vẫn lên sếp. Đầy đứa nhiều bằng nhưng dốt vẫn hoàn dốt.
- Mày cứ mở miệng ra là chửi đời! Thủy cự.
Nó nói cũng có cái đúng đấy - Lương tỏ ra công bằng - Học ấm ớ như tao chẳng thấy giỏi thêm tí nào, lại còn ảnh hưởng tới công việc nữa. Ngặt cái công ty tao vẫn trọng bằng cấp quá. Thằng đại học hơn thằng trung cấp, thằng hai bằng hơn thằng một bằng...
- Biết là có học có hơn nhưng không lẽ học đến già. Quan trọng là làm được gì chứ đâu phải học được gì.
- Thiên hạ ai cũng nghĩ như mày thì hay quá!
Lại im lặng, Lương nhịp nhịp chân hát chệch choạc theo điệu nhạc: “Cuối trời mây trắng bay, lá vàng thưa thớt quá, phải chăng lá về rừng, mùa thu đi cùng lá... chỉ còn anh và em... cùng mùa thu ở lại”.
- Mày im đi cho người ta nghe, nhạc sĩ nào nghe mày hát bài này của ông ấy cũng phải bẻ bút mất.
Thủy đay giọng. Khác với mọi lần, Trang không hùa theo Thủy cũng chẳng làm công việc dàn hòa, cô đăm chiêu nhìn ra biển những đợt sóng từ khơi xa dồn đuổi nhau, ập vào bờ tung từng đám bọt trắng. Đột ngột Trang thở hực một cái như trút được gáng nặng, rồi rành rẽ buông một câu đầy đủ chủ vị và rõ nghĩa khác hẳn mọi khi.
- Chắc tao sắp phải chia tay chúng mày rồi.
Thoạt đầu cả Lương và Thủy đều ơ hờ không để ý. Một giây sau cả hai cái đầu đều bật khỏi ghế, sửng sốt nhìn chòng chọc vào mặt Trang, hoảng hốt thấy Trang nói với vẻ rất nghiêm túc.
- Hải chuyển hẳn về Bình Dương rồi. Ông già nhà Hải đang ốm, tao với Hải cũng lớn tuổi rồi, chẳng thể đợi thêm mấy năm chịu tang nữa. Hợp đồng bên tòa soạn của tao cũng sắp hết hạn, hy vọng ký tiếp khá mong manh. Bình Dương là tỉnh mới dễ kiếm việc hơn...
- Mày nỡ bỏ tụi tao ư? Thủy bật lên, Trang cụp mắt xuống:
- Hải quen với em sếp lớn ở Đài truyền hình Bình Dương, hồ sơ của tao nằm ở đó rồi, chắc là nó nhận, tao còn chưa quyết vì còn chúng mày.
Lương cắn môi, đăm đăm nhìn vẻ yếu ớt, bất lực của Trang; vẻ bất cần, mạnh mẽ mọi khi biến đâu mất. Cố làm ra vẻ bình thản, cô hỏi mà đã biết chắc câu trả lời:
- Không còn cách nào khác sao Trang?
Trang khẽ lắc đầu, cả ba im lặng đến một lúc rồi Trang bật cười, tiếng cười nghe chẳng tự nhiên chút nào nhưng Lương và Thủy cũng ngẩng lên nhìn Trang hy vọng.
- Xem hai đứa chúng mày, tao đã chết đâu mà chúng mày trương bộ mặt đưa đám ra vậy? Bình Dương cách bao xa, thỉnh thoảng chúng mày lên đó thăm tao, rồi tao về thăm chúng mày, ít gặp càng đỡ cãi nhau chứ sao? Mà tao đã đi ngay đâu.
Lương cũng cố làm ra vẻ thản nhiên:
- Ừ, đúng đấy với lại có cuộc vui nào là không tàn. Trước sau gì trong bọn mình cũng “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy thôi.
Thủy ấm ức tính mắng: Vui lắm đấy mà còn đùa! Nhưng rồi lại chua xót nghĩ: Trang đi, chỉ còn mình với Lương, đay nghiến nó làm gì nên chỉ thở dài hỏi Trang:
- Chúng mày đã đi xem để chọn ngày cưới chưa?
- 22 tháng 11.
Lương thảng thốt nghĩ: còn có hơn một tháng nữa. Thủy lại hỏi:
- Có tổ chức ở quê không?
- Không!
- Gửi tiền cho thầy u vào không?
- Thầy u tao yếu lắm, chắc chỉ có anh tao vào. Tàu xe đi lại đắt đỏ chẳng vào nhiều được. Để cưới xong bọn tao về ra mắt luôn.
- Cưới xong rồi mày... mày đi luôn ư?
- Ừ...
Chẳng còn gì để hỏi, Thủy và Lương bất lực rũ xuống, không gian lắng xuống, chỉ có tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ và tiếng nhạc nghẹn ngào phát ra từ tiếng loa thùng “ngày tháng trôi đi, cuộc đời buồn như tiếng thở dài khi tình ta vỡ tan...”.
Một làn gió mạnh thổi từ núi xuống xuyên qua rừng dương lướt xuống những tán cây bằng lăng trước mặt họ, thoảng qua như một tiếng thở dài; phải rồi, ngày tháng sẽ qua đi.
B.D.Y