Mái tóc của mẹ - Mai Anh
A i tóc dài..., tóc rối... bán... kh...ô...ô...n...g ?
Chiều tàn, tiếng rao cứ chơi vơi xa dần, nhỏ dần rồi chìm vào khoảng vắng ở phía xa xa. Tôi tần ngần đứng lặng trước thềm cửa, nghe lòng buồn man mác. Một cảm giác xót xa, ân hận như mãi còn day dứt...
Chỉ là một tiếng rao bình thường giữa muôn ngàn âm thanh hỗn tạp, thế nhưng tiếng rao ấy lại làm tim tôi đau nhói; nó như một mũi dao vô hình cứa vào vết thương vừa mới liền da trong tôi. Cứ mỗi lần nghe tiếng rao ấy, nghe cái âm thanh thê lương ấy, tôi lại càng thêm nhớ mẹ và thấy có lỗi với mẹ vô cùng...
Xóm Phú Nhiêu nhỏ bé quê tôi ngày ấy luôn bình yên và đầy ắp tình người, duy chỉ mỗi một cái tội là nghèo. Phải, quê tôi nghèo, nghèo lắm. Từ bao đời nay, cái nghèo như một sự mặc định của tạo hóa; như một món quà không mong đợi đã chia đều cho mọi người ở cái xứ thừa nắng thiếu mưa này. Lam lũ, tần tảo quanh năm nhưng nhà nào cũng thiếu trước hụt sau.
Tuổi thơ của chị em tôi vất vả nhọc nhằn mà cơm ghế sắn, độn khoai cũng bữa đói bữa no. Là con gái đầu nên ngoài những buổi đến trường, tôi thường phụ giúp việc nhà như quơ củi, gánh nước; đôi khi theo mẹ xuống tận đồng Trảy nhổ cỏ lúa hay qua gò Mít vun đất trồng khoai với ba. Còn cu An, em tôi thì chăn bò, nấu cơm. Ba mẹ tôi cũng quần quật suốt ngày với công việc đồng áng, vườn tược. Lúc rảnh rỗi, ba lại quảy giỏ vào núi Tây An đốt than; mẹ thì lên Vĩnh Lộc mót bắp, làm thuê...
Được cái, dù cực nhọc, khốn khó nhưng gia đình tôi luôn đầm ấm và đầy ắp niềm vui. Có lẽ như ba thường nói, thiên đường của ba mẹ và chị em chúng tôi chính là ở mái ấm này đây. Cả nhà luôn thương yêu và quấn quýt bên nhau. Hạnh phúc dường như chẳng dính dáng đến việc cơm gạo cứ thiếu hụt mỗi ngày hay lo toan vẫn bộn bề hằng bữa.
Chưa đầy mươi tuổi đầu, nhưng tôi cũng lơ mơ hiểu rằng, gia đình tôi có được cái tài sản vô giá ấy phần lớn là nhờ mẹ. Hồi còn sống, bà nội thường bảo nhà mình có phước nên mới có được con dâu như mẹ. Ba chất phác, bộc trực bao nhiêu thì mẹ càng hiền lành, nhu mì bấy nhiêu. Mẹ siêng năng, chỉn chu mà luôn vui vẻ, từ tốn. Ở mẹ toát lên một vẻ đẹp kín đáo, thuần khiết mà dễ mấy ai có được. Lạ thật, cuộc sống kham khổ, nhọc nhằn lại càng làm cho cái vẻ kín đáo, thuần khiết ấy ở mẹ đằm thắm hơn, dịu dàng hơn. Có thể nói không ngoa rằng, dẫu ai có mệt nhọc đến mấy nhưng hễ thấy mẹ cười nói vài câu là tự nhiên cái mệt trong người cũng tan biến đâu hết.
Còn nhỏ, nhưng tôi cũng biết ba yêu mẹ nhiều lắm. Ba yêu cái dịu dàng, yêu cái nết na của mẹ, nhưng có lẽ ba yêu nhất là mái tóc mẹ mượt mà, óng ả. Có lần ba kể, hồi mới quen nhau, chỉ thoáng thấy dáng người với mái tóc đen huyền ngang qua là tim ba như muốn nhảy ra ngoài. Ba còn làm thơ “tán” mẹ nữa chứ: “Tóc ai vướng sợi nắng chiều/ Để ta ôm mộng hoang liêu một mình/ Ước làm sợi nắng mong manh/ Nắng thơm làn tóc dệt tình thiên thu”. Choa, mùi mẫn chưa? Hèn chi mà mẹ “đổ” liền liền. Kể ra, nông dân thứ thiệt như ba mà lãng mạn nào thua ai.
Cưới nhau rồi mà ba vẫn say đắm, nâng niu mái tóc mẹ như thuở mới hẹn hò. Nhiều hồi, gánh than về mồ hôi nhễ nhại, vậy mà ba còn đèo thêm mớ lá giằng để mẹ nấu nước gội đầu. Với ba, mẹ là một báu vật. Không, chỉ mái tóc thôi cũng đã là báu vật của ba. Mỗi bận chải tóc cho mẹ, ba thường nhắc mẹ đừng cắt tóc ngắn bao giờ. Ba lý giải rằng, hình ảnh mẹ trong chiếc áo bà ba tím nhạt với mái tóc dài đến bất tận như lần đầu gặp nhau đã in đậm trong ba. Nghe thế, mẹ chỉ bẽn lẽn cười.
Thế nhưng đâu chỉ có mình ba thôi, chị em tôi và cả nội nữa cũng yêu mẹ và yêu mái tóc ấy đến lạ lùng. Có tận mắt thấy cảnh nội chậm rãi múc từng gáo nước - thứ nước nấu bằng lá giằng với lá sả - phụ gội đầu cho mẹ; sẽ sàng lấy tay vuốt ve, mân mê từng lọn tóc thì mới thấy nội quý người con dâu đến chừng nào. Dăm bảy bữa, nội lại giục mẹ gội đầu...
Đêm ngủ bên mẹ, mùi hương dìu dịu từ mái tóc và cả hơi ấm của mẹ nữa tỏa ra nghe nhẹ cả người và thân thiết quá chừng. Chị em tôi thường tranh nhau ôm mẹ, hít hà hương tóc của mẹ. Nhiều hồi tôi thầm nghĩ, giá như có cuộc thi về mái tóc đẹp thì tôi đoán chắc rằng người đoạt giải nhất sẽ là mẹ tôi và người hạnh phúc nhất trần gian này sẽ là ba. Dĩ nhiên là cả nội và chị em tôi nữa.
Cuộc sống làng quê cứ thế bình yên trôi qua và mái ấm của chị em tôi cũng êm đềm tưởng như không bao giờ đổi khác. Vậy mà...
Còn nhớ, tháng Chín năm ấy, khi tôi bắt đầu vào năm học cuối cấp II, sau ngày giỗ hàn nội chừng nửa tháng, ba tôi theo bạn đi tìm trầm những mong có cơ may đổi đời. Dẫu vẫn muốn cuộc sống gia đình được khấm khá hơn nhưng mẹ đâu có chịu để ba đi xa. Thôi thì cơm mắm qua ngày cũng được rồi, nghèo giàu có số - mẹ nói thế, nhưng ba thì vẫn khăng khăng. Cũng dễ hiểu thôi, mấy người trong xóm đi trầm về trúng to làm khuấy đảo sự bình yên vốn có của cái xóm Phú Nhiêu heo hút này. Là đàn ông con trai, mấy ai mà ngồi nhà chịu được. Hơn nữa, đâu phải chỉ có mình ba, mấy người trong xóm và chú Nhơn, bạn thân của ba đi cùng. Biết vậy, nên mẹ cũng yên tâm phần nào.
Buổi sáng, khoác ba lô lên vai rồi mà ba vẫn nấn ná dặn dò đôi câu, vuốt mái tóc mẹ và hôn hai đứa tôi rồi mới bước đi.
Nhưng tôi đâu ngờ, đó cũng là lần cuối cùng ba vuốt mái tóc mẹ và hôn hai đứa tôi. Một chuyến đi cầu may đã biến thành đại họa...
Chỉ hơn mười ngày sau, một tin dữ ở tận rừng sâu Phước Sơn đưa về: Ba đã bị lũ ống cuốn trôi khi đang cố vượt qua một con suối dữ. Chú Nhơn và hai người nữa cũng bị lũ cuốn nhưng may mắn thoát chết. Còn ba thì không. Nước rút, người ta tìm thấy thi thể ba ở cách một quãng xa.
Trời bỗng tối sầm xuống trước mặt. Cả nhà chết điếng, như rơi xuống tận cùng của địa ngục. Mẹ gào thét, rũ rượi; còn hai chị em tôi tuyệt vọng, khản cổ kêu ba.
Bữa đưa tang, tôi còn nhận ra chú Nhơn sắc mặt nhợt nhạt, thất thần, lặng lẽ đi sau cỗ quan tài...
Vậy là, từ mái ấm hạnh phúc tưởng chừng là mãi mãi, bỗng chốc chị em tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi cha; và mẹ cũng thành một góa phụ khi tuổi chưa tròn ba con giáp. Đau buồn khôn xiết, nhưng rồi mẹ cũng gắng gượng đứng dậy, lại tảo tần, bươn chải để nuôi hai đứa tôi ăn học. Bao công việc nặng nhọc trước đây ba thường làm thì bây giờ mẹ phải đảm đang. Thương mẹ, nhiều hồi tôi muốn nghỉ học, nhưng mẹ không chịu. Thế là tôi lại lao vào sách vở với mong ước học thật giỏi để nơi chín suối ba được vui lòng và sau này giúp mẹ.
Có một điều tôi chợt nhận ra, từ ngày ba mất, mẹ thường chểnh mảng việc gội đầu. Mỗi lần chải tóc, mẹ lại nhìn đau đáu vào khoảng trống hun hút ở phía đầu ngõ, nơi ba đã ra đi mãi mãi. Nhìn mẹ, lòng tôi cứ rưng rưng...
Cũng may, tuy họ hàng không có mấy ai nhưng bạn bè của ba còn có chú Nhơn. Thỉnh thoảng, vợ chồng chú qua lại thắp hương cho ba, chuyện trò với mẹ hay giúp đỡ đôi việc nên nhà cửa cũng bớt phần trống vắng.
Và thế rồi, theo năm tháng, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai. Có điều thiệt kỳ lạ, cực nhọc, thiếu thốn trăm bề là thế, nhưng mẹ vẫn đẹp dịu dàng như xưa và mái tóc vẫn dài óng ả như mê hoặc mọi cái nhìn.
Có lẽ vì vậy mà mấy người đàn ông ở đâu đó thỉnh thoảng đến lượn lờ, ngỏ ý. Mẹ thì nhất quyết chối từ. Hình như mẹ ít muốn giao thiệp với ai, ngoại trừ vợ chồng chú Nhơn và bà con lối xóm. Có bữa đang đêm, mẹ bỗng ngồi bật dậy, tư lự hồi lâu rồi thắp hương bàn thờ ba, lại ôm lấy hai chị em tôi hôn lấy hôn để. Tỉnh giấc, nhưng tôi vẫn nằm nín lặng thin thít, vô tâm.
Tôi vô tâm hay thời gian vô tâm? Thấm thoắt mà ba mất đã hơn ba năm rồi. Vào năm cuối cấp III, tôi cắm đầu vào học và phải ở trọ hàng tuần mới về. Tôi chẳng còn thời gian giúp mẹ lại còn đòi hỏi đủ thứ tiền từ mẹ. Một dạo, tôi cần một khoản tiền khá lớn cho việc học. Mẹ lại đôn đáo chạy vạy. Mấy hôm sau, mẹ nhờ người quen đem cho tôi tròn một triệu rưỡi - đúng số tiền mà tôi đang cần. Tôi hiểu, mẹ vất vả lắm mới có được số tiền này.
Bẵng đi một tuần nữa tôi mới về nhà. Chưa kịp reo mừng khi gặp mẹ, tôi đã sửng sốt khi thấy mái tóc mẹ chỉ còn cũn cỡn trên vai. Tôi trố mắt nhìn mẹ:
- Ủa, sao tóc mẹ...?
Thoáng chút bối rối, mẹ không trả lời mà giục tôi đi tắm rồi ăn cơm. Sớm hôm sau, tôi lại gặng. Lần này, lảng tránh cái nhìn của tôi, mẹ chỉ ậm ừ lấy lệ:
- Ừ, thì... mẹ... cắt cho mát mà.
Mẹ nói thế chứ đời nào tôi tin. Bực quá, tôi quay sang hỏi cu An. Nó cũng lắc đầu.
Trời đất, vậy là sao đây? Hay là mẹ...??? Có lẽ... Phải, có lý lắm. Hèn gì... Lần trước về thấy mẹ nói chuyện với chú Nhơn ra chiều vui vẻ lắm. Vậy là đúng rồi. Chẳng phải mẹ muốn trẻ lại nên mới cắt tóc ngắn đó sao?! Biết ngay mà, cưa sừng làm nghé, mẹ muốn có người khác. Á, phải rồi, mẹ tên Tình. Tên hai người ghép với nhau hợp quá mà: Nhơn - Tình, Tình - Nhơn(!)
Tự nhiên, cổ họng đắng ngắt, tôi thấy chẳng còn thương mẹ chút nào. Tôi căm hận cả hai người. Vậy mà lâu nay mẹ giả bộ chung thủy lắm. Nghĩ mà tội cho ba quá. Mẹ đã vội quên ba, phản bội tình yêu của ba.
Chiều, tôi buồn bã ra ngồi bên mộ ba. Nghẹn ngào, uất ức. Ba ơi, mẹ bây giờ không còn là của ba nữa đâu. Cũng không còn là của chị em con nữa. Mái tóc mà ba yêu quý ngày nào, mẹ đã cắt bỏ đi rồi. Cả cái áo bà ba tím nhạt ấy nữa, mẹ cũng chẳng thèm mặc đâu.
Ngay trong chiều hôm ấy, nhân mẹ đi làm vắng, tôi nói dối cu An là bận học để xuống gấp nơi trọ. Hậm hực bước đi, tôi không thèm đem theo gạo và sắn khô mà mẹ đã đùm sẵn.
Những ngày tiếp theo, đầu óc tôi quay cuồng với bao ý nghĩ. Rồi đây, mẹ sẽ thành vợ nhỏ của người ta và sẽ bỏ rơi chị em tôi. Tôi còn mẹ cũng như không. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi tuôn ra đầm đìa cả gối.
Hơn một tuần sau, nghe tin mẹ bị sốt, tôi không thèm về. Kệ, có “ông” Nhơn rồi, mẹ cần gì đến tôi. Mãi đến khi biết mẹ được chuyển lên trạm xá xã, tôi mới về. Mẹ nằm bìu trên giường, mắt nhắm nghiền, hơi thở nặng nhọc, tôi cũng thoáng chút thương cảm. Bất chợt, lại thấy vợ chồng “ông” Nhơn bước vào với cái cà mèn và nải chuối trên tay, nỗi căm hận trong tôi như được dịp lại càng trào dâng, chứa chất...
Rồi mẹ cũng bớt bịnh, về nhà. Còn tôi, nỗi mất mát, cô đơn như tràn ngập cõi lòng. Việc học càng thêm sa sút. Năm ấy, tôi thi rớt đại học, thất chí rồi bỏ đi làm công nhân.
Một lần, tôi về nhà nghỉ lễ. Nhà vắng tanh, nghe nói cu An đi học còn mẹ đi bứt lá nón ở lại “hơm” tận núi Thọ Lâm. Tôi dửng dưng. Đang quét sân, nghe vọng tiếng rao của người đi mua tóc dạo, tôi cũng chẳng để tâm. Lát sau, từ ngõ đi vào là một phụ nữ đứng tuổi, giọng Bắc, đon đả ngay từ sân:
- Ái chà, cháu có mái tóc đẹp quá nhỉ. Nhưng giá như cắt ngắn thì đẹp hơn nhiều. Cháu cắt bán cho cô nhé.
- Dạ không, cô. - Tôi đáp gọn lỏn.
Chưa chịu thôi, người phụ nữ ngồi vào chiếc chõng tre chỗ hiên rồi lân la bắt chuyện. Mặc dù không thích nhưng tôi cũng miễn cưỡng ngồi cùng.
- Cháu là con gái nhà này à? - Người phụ nữ hỏi.
- Dạ không, bà con thôi. - Không hiểu sao, tự nhiên tôi buột miệng - Con chỉ coi nhà giùm.
- Cô vào thăm lại chị nhà này. Nói thật, cô làm nghề đã mười mấy năm rồi nhưng chưa thấy ai tình cảm như chị ấy cả. Tóc chị ấy dày, dài và đẹp; đẹp hơn tóc cháu đây nhiều. Chị ấy lưỡng lự mãi, thắp hương khấn chồng rồi mới chịu bán cho cô...
Tôi chợt rùng mình. Không để ý đến tôi, giọng người phụ nữ vẫn đều đều:
- Khi cô đưa kéo cắt tóc, chị ấy đã khóc thút thít như đứa trẻ lên ba và bảo rằng chị có lỗi với chồng. Bán rồi, chị ấy còn xin một ít tóc để lại. Cô mua tóc chị ấy cao nhất từ trước đến nay đấy - một triệu tư. Thấy chị ấy tội quá, cô biếu thêm một trăm ngàn nữa... Chị ấy bảo bán tóc để có tiền cho con nộp học...
Tai tôi bỗng ù đặc. Trời ạ, mẹ đã cắt tóc là vì tôi, vì đứa con xuẩn ngốc này. Vì tôi mà mẹ chịu mắc tội với ba.
Quên sự có mặt của người phụ nữ bên cạnh, tôi lảo đảo đứng dậy, chạy đến bàn thờ ba. Không thấy gì bên trên, tôi chợt nhận ra chiếc áo của ba mắc cạnh bàn thờ. Tôi thò tay vào túi áo. Trời đất, một lọn tóc được gói cẩn thận trong bì ny lon. Tôi chết đứng. Tôi quỳ sụp trước ba. Trong di ảnh, ánh mắt ba hiền từ mà đầy nghiêm nghị...
Đêm ấy chỉ có hai chị em ở nhà. Thổn thức cả đêm. Tôi đâu biết rằng, số tiền một triệu rưỡi mà tôi trả học thêm tiếng Anh, phòng trọ, tiền ăn và cả đóng quỹ lớp ngày ấy là từ nước mắt của mẹ, để rồi nghi ngờ, oán hận mẹ. Học ngoại ngữ làm chi mà tấm lòng của người đẻ ra mình tôi cũng không hiểu nổi. Mẹ hy sinh cho tôi tất cả. Sợ tôi buồn mà mẹ đã giấu đi sự thật. Ngay đêm nay đây, phận đàn bà mà mẹ cũng phải ngủ lại giữa rừng sâu. Càng nghĩ, tôi càng thêm ân hận. Tôi mong trời chóng sáng để chạy vào cửa rừng đón mẹ. Tôi sẽ quỳ xuống cầu xin mẹ tha thứ...
Sau này, nhờ mẹ mà tôi ôn lại và thi đậu vào trường sư phạm. Ra trường, tôi về dạy ở gần nhà. Cu An cũng học hành đến nơi đến chốn, có vợ và làm ăn ổn định ở Bình Dương. Hơn một năm nay, mẹ vào sống với em. Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi lại vào thăm mẹ và em.
Bây giờ, tôi đã có một mái ấm hạnh phúc ngay trong ngôi nhà mà mẹ để lại. Hai đứa con ngoan hiền. Đặc biệt bé Trang, mái tóc nó chắc sau này sẽ giống ngoại y chang. Tôi cầu mong hạnh phúc sẽ là mãi mãi, chẳng ai phải cắt tóc vì...
Dẫu vậy, cứ mỗi lần nghe tiếng rao của người mua tóc dạo cũng làm tôi giật mình. Hôm nay cũng vậy.
Chiều tàn, tiếng rao đã xa dần, nhỏ dần nhưng vẫn còn chơi vơi ở phía xa xa.
- Ai tóc dài..., tóc rối... bán... kh...ô...ô...n...g ?
M.A