Tết Trung thu - Huỳnh Thạch Hà
Tết Trung thu được xem là cái Tết lớn thứ nhì của người Việt, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, đúng vào giữa mùa thu nên được gọi là “Tết Trung thu”. Lúc này, khí trời mát mẻ, mặt trăng được cho là sáng nhất trong năm. Mọi người tổ chức đón Tết Trung thu, trẻ con háo hức mong chờ rước đèn, phá cỗ.
Tết Trung thu có nguồn gốc từ khi nào thì hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Tết Trung thu bắt nguồn từ các quốc gia có nền văn minh lúa nước như Trung Hoa và Việt Nam? Có thể Tết Trung thu là một ngày hội mừng thu hoạch mùa, vui chơi sau một vụ mùa làm việc vất vả và cầu cho mưa gió thuận hòa để làm vụ mùa mới thuận lợi,...
Ở Việt Nam, phong tục đón Tết Trung thu đã có từ lâu đời. Theo các nhà khảo cổ học thì hình ảnh về Tết Trung thu đã được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn trong văn bia tại chùa Đọi Sơn ở Hà Nam có niên đại 1121 cho biết, từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa,...
Cho đến nay, có khá nhiều truyền thuyết gắn liền với Tết Trung thu nhưng phổ biến nhất là sự tích về chú Cuội cung trăng của Việt Nam; truyền thuyết Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, sự tích chú Cuội cung trăng kể về một người tiều phu tên là Cuội tìm được cây thuốc quý về trồng trong sân cứu chữa cho rất nhiều người. Nhưng một hôm, Cuội đi vắng, cô vợ đổ rác xuống gốc cây thì cây đa tự nhiên bật gốc, bay lên trời. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội tiếc cây quý, không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng. Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cái cây quý của mình.
Còn trong truyền truyền thuyết “Hằng Nga và Hậu Nghệ” của Trung Hoa thì kể về tài năng và đức độ của đôi vợ chồng Hằng Nga và Hậu Nghệ. Hậu Nghệ là một người bất tử có tài bắn cung, Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp sống ở trên thiên đình và phục vụ cho Tây Vương Mẫu. Nhưng hai người bị vu oan nên phải chịu tội xuống trần gian. Một ngày kia cả 10 mặt trời cùng xuất hiện trong một ngày và đã thiêu cháy hầu hết sinh linh trên mặt đất. Vua Nghiêu sai Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời chỉ để một cái lại. Chàng Hậu Nghệ đã hoàn thành sứ mạng xuất sắc. Để đáp lại, vua Nghiêu đã cho chàng một viên thuốc trường sinh bất lão và dặn rằng: “Tạm thời không được uống cái này vào, hãy bắt đầu cầu nguyện và ăn chay trong một năm sau đó mới được uống”. Hậu Nghệ làm theo, chàng đem viên thuốc về nhà và giấu nó ở cái rui trên nóc nhà và tự khổ luyện tinh thần. Được khoảng nửa năm, vua Nghiêu mời chàng đến kinh thành “chơi”. Hằng Nga ở nhà thì bỗng lưu ý đến một vật sáng lóng lánh trên mái nhà và phát hiện ra viên linh dược, nàng đã uống và bay về trời. Hậu Nghệ trở về, nhìn thấy đuổi theo Hằng Nga. Nhưng đi được đến nửa đường thì thần Gió đã cản chàng lại mặc cho Hằng Nga bay đến mặt trăng. Khi vừa đến nơi Hằng Nga không thở được và viên thuốc bỗng văng ra. Kể từ đó, Hằng Nga mãi ở trên mặt trăng không thể nào trở lại. Truyền thuyết còn kể lại rằng nàng đã kêu gọi những con thỏ ở mặt trăng tạo ra viên thuốc giống như vậy để nàng còn quay về với người chồng ngày đêm mong nhớ, nhưng tất cả đều vô dụng. Trong khi đó, ở dương thế, sự mong nhớ và nỗi hối hận ngày đêm cồn cào Hậu Nghệ. Cuối cùng, chàng xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương”, trong khi đó thì Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự đặt tên là “Âm”. Cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, hai người được đoàn viên trong niềm hân hoan hạnh phúc. Chính vì thế mà mặt trăng luôn thật tròn và thật sáng vào ngày này như để nói đến niềm vui, sự hân hoan khi được gặp mặt của con người.
Bởi thế, mỗi dịp Tết Trung thu về, trẻ con ngắm ông trăng thì tưởng tượng thấy hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa và chị Hằng Nga cùng những chú thỏ trắng đang luyện thuốc trường sinh.
Tết Trung thu của người Việt thường có nhiều phong tục như ngắm trăng, làm thơ; rước đèn, phá cỗ, xem múa lân... Tục ngắm trăng làm thơ trong dịp Tết Trung thu là một phong tục được các tao nhân mặc khách thời xưa yêu thích. Tục này có nguồn gốc từ truyền thuyết về vua Đường Minh Hoàng của Trung Quốc ở thế kỷ thứ VIII, ông là một vị vua rất nghệ sĩ. Một đêm rằm tháng 8, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ đề nghị lên cung trăng dạo chơi. Lên cung trăng, vua thấy một thế giới khác hẳn trần gian. Không khí thơm ngát, những nàng tố nga duyên dáng trên những thảm cỏ. Nhà vua đi đến một cung điện có tên là “Cung Quảng Hàn”. Trong sân rộng, các nàng tiên đang múa theo những điệu nhạc tuyệt diệu. Lúc trở về trần gian, vua nhớ lại và dạy các cung nữ những điệu múa này (gọi là điệu Nghê thường). Từ đó trở đi, mỗi dịp Tết Trung thu, vua lại cho tổ chức thưởng trăng và xem điệu múa Nghê thường. Sau này, cứ vào ngày Trung thu, các nhà thơ thường cùng nhau thưởng trà, làm thơ ca ngợi vẻ đẹp mặt trăng và điệu múa ấy.
Gắn liền với Tết Trung thu là tục múa lân, tục này đã có ở Việt Nam từ xưa và thường diễn ra vào hai ngày Tết lớn là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Dân gian thường truyền tụng câu nói “Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”. Lân được xem là một trong bốn loài vật linh được thờ phượng, thường mang lại điềm lành, may mắn. Cho nên, mỗi dịp Trung thu đến, ở khắp các làng quê, thành thị,... thường có các đám múa lân tham gia. Đám múa lân thường do một người đội chiếu đầu lân bằng giấy và múa theo nhịp trống, thân sẽ do một người đội phía sau, ông Địa đi trước dẫn đường, đám múa lân đi trước, đám trẻ con kéo theo sau. Khi đội lân đến múa trước nhà, chủ nhà treo một chỗ thật cao trước nhà mình một phong bao đỏ có đựng một số tiền để thưởng cho đội múa lân. Con lân phải trèo lên một chiếc sào tre, múa động tác vờn mồi rồi nhảy lên với lấy phong bao. Sau đó, đội múa lân sẽ múa trước cửa nhà một bài để cảm ơn chủ nhà và cầu chúc cho gia chủ thịnh vượng, hạnh phúc.
Tối 14, nhà nào cũng bày cỗ để mừng Trung thu, trước là cúng tổ tiên, sau là để con trẻ rước đèn, phá cỗ. Mâm cỗ Trung thu thông thường hình con chó được làm bằng tép bưởi, gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến, có nhà còn lấy ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao nhất đề cầu mong con trẻ đỗ đạt. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2 - 3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Con trẻ thì được mua nhiều đồ chơi như đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ bằng giấy bồi... hết sức đa dạng. Học giả Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã miêu tả Tết Trung thu như sau: “Đồ trẻ con chơi trong tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa cho chí cành hoa, giàn mướp, đền cù, đèn xẻ rảnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ,... Có nhà một vụ tết bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn, từng lũ, đám thì nhảy võ, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi họ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tống chi gọi là cách Trung thu thưởng nguyệt”.1
Ngày xưa, trong dịp Tết Trung thu, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân. “Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông mới bày ra một cách cho đổi bên giả làm trai gái hát đối đáp với nhau, để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp nên gọi là trống quân”.2 Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi sôi nổi vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Đêm 15, mọi người tụ tập giữa sân xem trăng lên. Dân ta dựa vào hình dáng và màu sắc của trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Ngày nay, Trung thu không còn nhiều những chiếc đèn giấy ông sao xanh đỏ giản dị được làm thủ công mà trẻ nhỏ sẽ được mua đèn lồng, đèn ông sao đủ màu sắc, kiểu dáng và còn hàng loạt những mặt nạ bằng nhựa có hình ảnh những nhân vật quen thuộc có hình Tôn Ngộ Không, Bát Giới..., Không còn hình ảnh buổi tối cả nhà cùng ngồi bên nhau chờ trăng lên phá cỗ… thay vào đó, cách tận hưởng đêm Trung Thu của mọi người hiện đại hơn, nhanh gọn hơn. Nhiều gia đình sẽ dẫn các bé đến khu vui chơi dành cho thiếu nhi, đi ra phố xem múa lân, những gia đình khác lại tổ chức liên hoan bằng một bữa tiệc thịnh soạn với bạn bè tại một nhà hàng hay quán ăn.
Ở những vùng quê, người ta vẫn còn tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm trong tiếng trống, tiếng chiêng của các đội lân - sư tử rộn rã. Lễ hội rước đèn, múa lân - sư tử có thể được tổ chức bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ tổ chức văn nghệ, diễn trò chơi cho trẻ con vui chơi và phá cỗ.
Như vậy, Tết Trung thu trải qua một quá trình hình thành, tồn tại và biến đổi lâu dài của phong tục, tư tưởng và dần dần nó trở thành tết của thiếu nhi. Nhưng dù ở thời nào, thay đổi như thế nào thì Tết Trung thu vẫn là một phong tục có nhiều ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn viên và của thương yêu. Đây là nét đẹp văn hóa của các dân tộc Á Đông, vì vậy, cần bảo tồn và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.
H.T.H.
Chú thích:
1, 2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr 39, 40, 40.