Đừng về làng em nữa!

23.06.2020

Nhờ cái giếng cũ có ba cây dừa ở bên phải nên tôi đã nhận ra ngôi nhà mình tìm đến. Đón tôi là hai người phụ nữ và một cậu bé mới chớm tuổi thanh niên. Thoạt nhìn, tôi nhận ra ngay người đàn bà chừng ngoài sáu mươi và người phụ nữ đang tuổi bánh tẻ là hai mẹ con cô Hồng ngày trước. Dù mái tóc đã bạc quá nửa, da dẻ đã có chỗ mồi, bà Hồng bây giờ vẫn còn nhiều nét khỏe đẹp, nụ cười vẫn tươi duyên, hiền hậu. Còn người phụ nữ thì giống mẹ như lột, eo co thắt đáy thon gọn, chính là cô Na, con gái của bà Hồng.

Đừng về làng em nữa!

Dù nghĩ, bà Hồng chắc còn nhớ nhưng tôi vẫn tự giới thiệu là Đỗ Văn Vuông, liên lạc đại đội 4, trước đây đã đóng quân trong nhà bà. Giới thiệu xong, tôi nhìn vào mắt bà Hồng và hỏi xem bà còn nhớ tôi không nhưng bà lắc đầu bảo, nhà bà từ sáu lăm (1965) đến bảy bảy (1977), lúc nào cũng có bộ đội đóng quân, bà không thể nhớ được tôi là ai cả.

Tôi nhắc lại đầy đủ cả họ, tên đại đội trưởng Nguyễn Hớn, người Quảng Bình; chính trị viên Tạ Cư, người Bắc Ninh nhưng bà Hồng vẫn cứ lắc đầu. Cô Na nhắc mẹ:

- Bác Vuông nhớ kỹ thế sao mẹ không nhớ ra ạ?

Bà Hồng lại lắc đầu.

Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy có ảnh cụ Sen, ảnh bác Hựu, là bà nội và mẹ đẻ của bà Hồng, liền xin phép đến bàn thờ thắp hương cho hai người. Khi xong, bà Hồng mời tôi uống nước và kể vắn tắt:

- Bà tôi mất cách đây bảy năm, cụ đại thọ chín tư tuổi. Mẹ tôi chỉ được bảy ba thôi! - Nói đến đấy, bà Hồng bảo cậu con trai - Con đi tìm bố về, tiếp khách.

Cậu thanh niên dắt xe rồ máy, phóng ra ngoài đường. Bà Hồng tiếp khách không mấy mặn mà, tôi cố gắng gợi vài mốc lịch sử hồi tôi làm liên lạc như vụ tôi đánh mất quả lựu đạn, vụ thủ trưởng Hớn chậm phép bị chuyển đi làm phụ trách trạm khách trung đoàn... nhưng bà Hồng vẫn bảo là không nhớ.

Khi cậu thanh niên chở một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi về, tôi thấy ở hai bên vai để trần trong cái áo ba lỗ bị rách nhớm một bên của ông ta xăm trổ toàn hình rồng với hổ. Bà Hồng hơi tái mặt, vội nói:

- Bố nó à! Đây là chú Vuông đóng quân ở nhà ta hồi xửa xưa. Chú ấy đi công tác đến thắp hương cho các cụ.

Người đàn ông quét cái nhìn sắc ngọt, căm căm tưng tức vào tôi, hỏi cộc lốc:

- Anh đóng quân ở đây cụ thể là năm nào?

Tôi đáp:

- Từ mười lăm tháng giêng năm 1974 đến mồng sáu tháng mười năm 1974, anh ạ.

Người đàn ông hỏi lại:

- Có thật không?

Hơi bị phật ý nhưng tôi vẫn cố bình thản vì nghĩ mình đang là khách. Tôi nói với ông ta:

- Đó là những ngày mới vào bộ đội nên tôi nhớ kỹ…

Người đàn ông sỗ sàng “hực” lên một tiếng, ngắt lời tôi:

- Tin thế quái nào được!

Thấy mình rơi vào tình thế bất đắc dĩ, tôi nhìn người đàn ông nói rành rẽ:

- Anh ạ, ngày trước tôi đóng quân trong nhà ta gần mười tháng, nay mới có dịp trở lại. Rất tiếc cụ Sen, bác Hựu đã về với tổ tiên. Tôi đã thắp hương cho hai cụ rồi. Giờ, chào anh, chào chị Hồng và các cháu, tôi xin phép đi!

 Không ai tiễn tôi cả. Ra chỗ xe, sực nhớ trong làng này, tôi còn một nhà quen nữa. Đó là nhà bác Thố, nơi tôi đã tá túc mười lăm ngày đầu đời lính, trước khi được điều làm liên lạc cho chỉ huy đại đội. Nhà bác Thố ở cuối thôn. Tôi đánh xe đến nơi, vợ chồng bác Thố cũng đã quy tiên cả. Tôi ngồi trò chuyện một hồi với anh Thất, con trai cả của bác rồi quay xe về đường cũ.

Khi vừa sang đầu làng ngay cạnh, tôi chợt thấy cô Na đã đón sẵn, vẫy tay dừng xe tôi lại. Cô tươi cười mời tôi vào ngôi nhà ba tầng có cái cổng xây rất đẹp cạnh đường. Bên trong thấy có một ao cá rộng xây kè xung quanh và dàn mướp quả sai lủng liểng, tôi khen:

- Nhà cháu vừa giầu, vừa đẹp!

 Na hồn nhiên nói cười khác hẳn với lúc ở nhà mẹ cô:

- Cháu may mắn lấy được anh chồng gõ ra tiền bác Vuông ạ.

Tôi cười:

- Cậu ấy gõ thế nào mà huyền diệu thế?

 Na càng hồn nhiên tươi tắn hơn, kể:

- Anh chồng cháu làm thợ xây, khéo tay lắm, cứ cầm con dao bay đi gõ công trình là có tiền ngay. Dinh của mẹ cháu, bác vừa vào chơi cũng do anh ấy xây đấy. Vợ chồng cháu còn một dinh trên tỉnh nữa. Con trai đầu chúng cháu đang học đại học, ra trường cháu sẽ cưới vợ thành phố cho nó.

Tôi khen:

- Vợ chồng cháu đúng là con mẹ Hồng.

 Na tha thiết mời tôi ở lại ăn bữa cơm rau dưa với vợ chồng cô. Cô bốc máy định gọi chồng từ công trình về nhưng tôi từ chối vì còn phải ghé vài nơi nữa. Na xịu mặt đi, cô buồn buồn nói:

- Cháu biết cán bộ có ô tô như bác thì bận rồi nhưng bác từ chối bữa cơm rau dưa là cháu tủi thân lắm. Bác Vuông...! - Na dừng và nhìn thẳng vào mắt tôi, đột ngột hỏi: - Bác có phải là bố cháu không?

Tôi sững người và chối ngay:

- Không phải đâu. Bác nhập ngũ cuối năm 73, làm lính đại đội 4, tiểu đoàn 7 đóng ở làng Cổ Lạc của cháu. Lúc bác gặp mẹ cháu, cháu đã ra đời được mười lăm ngày rồi. Cháu sinh ngày 1 tháng 1 năm 1974 đúng không?

 Na:

- Vâng! Bác nhớ chính xác thế.

Tôi đáp:

- Bác phải nói dài một chút vậy để cháu tin, bác không phải là bố cháu. - Tôi cười và nhìn Na, nói tiếp - Nếu được cô con gái như cháu, bác phải làm một trăm mâm cỗ để ăn mừng.

Na:

- Vậy thì cháu tin bác rồi! Chỉ khổ thân mẹ cháu!

Thốt lên xong, Na rầu rầu kể về người đàn ông tên Húc, bố dượng cô mà tôi vừa gặp.

Ông Húc lấy mẹ cô, năm bà đã ba tám tuổi. Người đàn ông này trước làm người gánh thuê trên chợ tỉnh, sau đó bị dạt về chợ thị tứ gần làng Cổ Lạc, làm phụ tá cho người khán chợ. Bà Hồng thường đến đó bán rau. Ông Húc hay giúp bà Hồng, khi bày hàng, khi vào xóm xin cho bà xô nước để bà làm tươi rau... nên hai người nẩy nở tình cảm. Khi bà Hồng dẫn ông ta đến  đặt vấn đề với cụ Sen và bác Hựu, cụ Sen đồng ý ngay, còn bác Hựu thì thở dài về thân phận quét chợ của anh phụ tá.  Na là người phản đối quyết liệt nhất. Nhưng khi mẹ cô nước mắt chứa chan mếu máo khóc nghẹn nói: “Nhà phải có đàn ông con ạ. Nhà ta bốn người toàn là đàn bà phụ nữ, con sắp đi lấy chồng, chồng con không ở rể. Nhà đã có hai bà già, sắp tới mẹ cũng già thì biết dựa vào đâu”.  Na nói với mẹ, làng thiếu gì đàn ông. Bà Hồng bảo cô, không thiếu nhưng họ chỉ chờn vờn tán tỉnh lợi dụng thôi, bà đã cơ nhỡ rồi, không lấy ông Húc thì mãi mãi nhà này không có đàn ông. Nghe mẹ nói bằng nước mắt như thế, Na không phản đối nữa.

Ông Húc làm rể như chuột sa chĩnh gạo. Cụ Sen, bác Hựu đều là người hiền lành. Bà Hồng xinh đẹp, khỏe mạnh lại chăm chỉ đảm đang, khéo cư xử nên đời ông Húc tươi lên phơn phớn từng ngày. Ba năm ông cho ra đời hai cậu con trai. Cậu lớn đang đi học nghề thợ xây với anh rể, cậu thứ hai đang học lớp 11.

 Na kể, ông Húc là người khỏe ghen. Hồi còn cụ nội, bà nội cô, ông ta chỉ dám ghen ngấm ngầm. Từ ngày hai cụ mất, ông Húc cho mình được quyền chủ suý trong gia đình nên rất gia trưởng và luôn kiếm cớ ghen ngược. Cô đã có lần phải quát lên khi ông ta truy bức mẹ cô, ai là bố của cô. Ông Húc đã có lần nói thẳng, nếu biết được người đó, ông ta sẽ thịt. Gần đây, ông Húc lao vào đề đóm đỏ đen. Sự tha hoá của ông lây nhiễm rất nhanh sang cậu em út cùng mẹ khác cha của cô. Bà Hồng rất đau lòng. Sau khi cùng chồng xây nhà cửa khang trang cho mẹ, Na muốn tống khứ cái ông bố dượng thất phu đi nhưng bà Hồng thì một mực cầu xin vợ chồng cô tha thứ cho ông ấy. Bà nói, nếu ông Húc bị đuổi đi, bà sẽ đi theo... Ông Húc được nê, càng khỏe ghen hơn. Kể đến đấy, Na lại thốt lên câu lúc trước:

- Khổ thân mẹ cháu!

Biết mình cũng chả làm được gì lại đến lúc phải đi, tôi nói lời động viên Na, gửi cô lời chào sức khỏe đến mẹ cô và hẹn, nhất định, có dịp, tôi sẽ quay lại đây ăn bữa cơm rau dưa với vợ chồng cô.

*

Hồi mới vào quân đội, tôi được điều từ tiểu đội lên C bộ (ban chỉ huy đại đội) làm liên lạc cho các thủ trưởng là do một lần tôi đang làm báo tường dịp tết ở tiểu đội thì đại đội trưởng Hớn đi kiểm tra nội vụ nhận ra hoa tay tôi và ngày hôm sau chính trị viên Cư gọi tôi lên để phúc tra tay nghề. Anh Cư giao tôi kẻ và viết nội dung một bản kế hoạch huấn luyện của đại đội trong tháng với công việc cụ thể từng ngày. Tôi làm trong nửa giờ thì xong lại còn vẽ ở góc bản kế hoạch hình một anh lính trẻ bồng súng hiên ngang cùng nụ cười tươi tắn. Chính trị viên rất hài lòng và quyết định cho tôi làm liên lạc.

Được lên đại đội, thay vì vui, tôi lại thấy ngán. Vì hồi trước, nhà tôi thường được các bác chỉ huy bộ đội đóng quân. Tôi đã hiểu thân phận và công việc của người liên lạc như thế nào rồi. Vả lại, đi bộ đội là để cầm súng chiến đấu, chứ làm thằng loong toong hầu hạ chỉ huy thì đi để làm gì? Nhưng khi thấy hai thủ trưởng quân chính đại đội đều tỏ ra dễ gần nên tôi cũng được an ủi.

Khoác ba lô lên nhà C bộ, tôi được anh Cư chỉ cho cái phản rộng, bảo đó là giường của tôi. Cái phản nằm giữa một bên là đầu hồi bàn thờ một bên là vách liếp nứa ngăn với buồng của gia chủ. Phía bên kia bàn thờ là hai tấm phản đơn bằng gỗ thùng ghép dành cho anh Cư và anh Hớn.

Tôi đang sắp xếp nội vụ thì từ trong buồng vọng ra tiếng trẻ sơ sinh khóc và tiếng ru giọng con gái trẻ măng: “À ơi... Mai sau dù có bao giờ / Đốt lò hương ấy so tơ phím này”.

Ngay sau đó, tôi nghe giọng nói của một cụ bà:

- Nó đã biết gì mà cháu ru thế? Đưa con cho bà rồi ra ăn cơm đi!

Có tiếng cụ già nựng và không nghe tiếng trẻ khóc vọng ra nữa.

Chuông điện thoại reo. Đại đội trưởng Hớn nhận điện xong, gọi tôi lại, lệnh đi cấp báo cho các trung đội trưởng tập hợp bộ đội để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Chỉ mười phút sau cả đại đội hành quân lên ga thị xã bốc vác hàng quân dụng từ tàu hỏa chuyển sang xe vận tải quân sự để chuyển vào chiến trường. Đợt công tác của chúng tôi diễn ra trong mười ngày. Chúng tôi ăn tết ngay ở ga thị xã.

Trong thời gian này chính trị viên Cư cho tôi biết, cô cháu gái tên là Hồng của  cụ Sen, chủ nhà, mới sinh con ở tuổi chưa đầy mười tám. Hồng học rất giỏi và xinh gái. Chính trị viên Cư còn cho tôi biết thêm, bà cụ Sen góa chồng từ lúc chưa đầy hai mươi tuổi, cụ ở vậy nuôi bác Hựu. Năm 1954, bác Hựu đi bộ đội và hy sinh ở mặt trận Điện Biên khi bác Hựu gái đang còn mang thai bé Hồng. Bé Hồng lớn lên là cô gái thông minh khỏe mạnh, xinh đẹp. Hai mẹ con cụ Sen rất hy vọng. Khi cô Hồng học lên lớp 10 thì trúng cái giải nhì thi văn học sinh giỏi toàn tỉnh. Với năng khiếu sẵn có, với cái lý lịch sáng trong như gương ấy, ai cũng chắc mẩm cô sẽ được đi nước ngoài. Đùng một cái, Hồng bị hoang thai. Con cô sinh ra là một bé gái. Vậy là nhà cụ Sen lúc này có đến bốn người toàn là nữ.

Sau đợt công tác, tôi mới được nhìn thấy rõ mặt Hồng. Cô còn quá trẻ. Thật tội nghiệp ở tuổi này đã phải bỏ học và nuôi con mọn.

Tôi có được cuộc nói chuyện trực tiếp với Hồng sau đó ít ngày. Ấy là lần tôi đang rửa bát ở bể nước, cô đi đến, nói nhỏ:

- Anh Vuông cứ để đấy em rửa cho, con trai ai lại phải rửa bát?

Tôi đùa vui bằng hai câu vè:

- Làm trai rửa bát quét nhà / Vợ kêu thì dạ, bẩm bà con đây!

 Hồng đỏ mặt, nói:

- Bao giờ anh có vợ hẵng hay. Bây giờ thì không nên.

Tôi nhường việc rửa bát cho Hồng. Nhân đây, tôi cũng nói thêm về nhiệm vụ không chính thức của người chiến sỹ liên lạc. Thường thì bộ đội ăn cơm tập trung nhưng vì do nhà ăn chưa kịp làm, thủ trưởng đại đội cho phép các tiểu đội mang cơm về nhà dân, ăn. Tôi ít tuổi nhất C bộ lại là binh bét (binh nhì) nên việc đi lấy cơm, ăn xong rửa bát và trả xoong đĩa quân dụng là việc hiển nhiên.

Để đổi lại việc Hồng rửa bát giúp, tôi quản việc đi gánh nước đổ đầy bể đủ cho ba bộ đội, ba phụ nữ và một trẻ sơ sinh trong nhà sử dụng hàng ngày. Mỗi ngày, cả chủ và khách xài hết khoảng mười gánh nước. Giếng gần, sức trai nên tôi chỉ coi là việc tập thể dục.

Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn nên bé Na hay ăn chóng lớn kiểu hồng hào mập mạp. Thỉnh thoảng cháu có khóc đêm nhưng bà mẹ trẻ bao giờ cũng dỗ con nín ngay bằng một câu ru buồn vời vợi.

Tôi rất thích mỗi khi rỗi việc được bế cháu Na đi loanh quanh trong xóm. Đám lính trẻ bắt đầu trêu tôi, bảo tôi làm bố cháu bé hơi bị chuẩn. Tất nhiên là tôi chỉ cười trừ và thỉnh thoảng còn pha trò thêm cho vui. Bà cụ Sen và bác Hựu thấy tôi quấn quýt với bé Na và có khoảng cách với mẹ cháu nên cũng không cảnh giác gì. Cụ Sen còn hay phần tôi quà bánh và hỏi han trò chuyện.

Rồi tôi yêu Hồng vì một quả lựu đạn...

Số là trong đợt đại đội 4 đi bắn đạn thật ở trường tập bắn của trung đoàn, tôi bị mất một quả lựu đạn.

Là lính trong giai đoạn làm tân binh mà đánh mất vũ khí thì nguy to rồi. Tôi đã vi phạm “Mười lời thề danh dự” của quân đội. Đợt phong quân hàm binh nhất trước mắt coi như tôi đã ao (out). Không những thế, tôi có thể còn bị kỷ luật nặng nữa nếu như quả lựu đạn bị mất rơi vào tay bọn cướp giật. Trĩu nặng lo âu, hành quân về đến nhà cụ Sen, tôi bỏ cơm, sốt li bì đến bốn mươi độ. Y tá đơn vị đến cho thuốc uống, thuốc tiêm nhưng tôi vẫn không cắt được sốt.

Chính trị viên Cư đi công tác, đại trưởng Hớn rất lo lắng, anh dùng bài thuốc đánh gió học được thời đi B, vần tôi ra cạo. Tôi tỉnh dần và tôi đã không giấu anh Hớn kể về chuyện mất quả lựu đạn. Anh Hớn nghe xong, thất kinh, vội dắt xe đạp rời nhà đi đâu đó một lúc lâu. Khi trở về, anh nhìn tôi lắc đầu. Anh kể, anh đã gặp trợ lý quân giới tiểu đoàn xin hướng giải quyết nhưng chỉ được trả lời là không có cách khắc phục nào, ngoài việc phải tìm cho ra quả lựu đạn.

Đêm đó tôi trằn trọc mãi đến gần sáng mới thiếp đi được. Tiếng còi báo cho bộ đội dậy tập thể dục làm tôi thức giấc. Anh Hớn sờ trán, động viên tôi vài câu rồi đi chỉ huy bộ đội tập thể dục. Sốt, buồn và sợ làm tôi cứ nằm im, cắn môi trào nước mắt khóc thầm.

 Hồng mang đến cho tôi một bát cháo hành thơm nức và một gói bọc báo nặng trịch. Cô bảo nhỏ với tôi, cô đã biết hết sự tình và giở gói bọc báo ra. Là một quả lựu đạn. Tôi suýt kêu lên như kẻ sắp chết đuối được vớt ra khỏi lũm nước xoáy. Tôi nhẹ bẫng như người lành ôm lấy quả lựu đạn vào ngực rồi đưa ra trước mặt, trố nhìn để khẳng định xem có phải là quả lựu đạn thật hay không? Đúng là quả lựu đạn rồi!  Hồng mủm mỉm cười, bảo tôi:

- Anh Vuông ăn cháo đi! Cháo trứng cho nhiều hành hoa, ăn nóng là khỏi sốt đấy.

Có tiếng bé Na ọ ẹ. Hồng vội đi ra sân vòng xuống bếp để vào buồng.

Hết lo, hết sợ lại đang đói mềm, tôi húp một hơi gọn cả bát cháo rồi “khà” lên một tiếng khoái trá, mặt lại tiếp tục ngây ra ngắm quả lựu đạn.

 Hồng vào để lấy bát đũa đi rửa, tôi liền ôm riết lấy cô. Hồng lắc người chối từ, hai tay cô rúm cả lại đẩy nhưng tôi vẫn cứ ôm. Từ người cô thoang thoảng phả ra mùi sữa mẹ thơm lìm lịm. Tôi ôm cô mà không biết hôn thế nào nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác rung động mãnh liệt đến thế. (Sau này có yêu đương, biết hồi hộp và biết hôn nhưng tôi không bao giờ có được cái cảm giác như khi ôm Hồng buổi sáng sớm đó. Dường như khoảnh khắc kỳ diệu ấy, tạo hóa chỉ cho con người có một lần trong đời?).

Tôi yêu Hồng từ buổi sáng kỳ diệu đó. Còn cô phải đến hơn hai tháng sau mới dè dặt chấp nhận tình yêu của tôi. Hai người ở chung một nhà nhưng chúng tôi chỉ có thể yêu nhau bằng mắt và bằng những lá thư bí mật trao vội cho nhau, bằng những ý nghĩ thao thiết mỗi đêm, khi hai người nằm cách xa nhau chỉ bằng một liếp nứa mỏng.

Chúng tôi giữ bí mật kín đến nỗi cụ Sen và bác Hựu hoàn toàn không hề biết gì.

Song anh Cư chính trị viên đã biết. Một lần anh rủ tôi đi bắt cua đồng về cải thiện. Ở chỗ đồng vắng, anh bảo, đã phát hiện ra tôi có dấu hiệu không bình thường với cô Hồng chủ nhà. Anh rất lo cho tôi vì chính uỷ Hoàng Xuân Đáng, người trước đây đóng quân trong nhà tôi ở quê đã dặn dò anh Cư để ý rèn luyện tôi. Nếu tôi có chí tiến thủ, chính uỷ sẽ cho tôi đi học sỹ quan. Như vậy tiền đồ của tôi, tương lai của tôi rất có hy vọng. Bây giờ tôi vấp vào chuyện trai gái với một phụ nữ trẻ hoang thai thì chả còn gì để phải bàn nữa. Tôi thành thật thú nhận hết với chính trị viên, tôi yêu Hồng bởi cô là người thông minh nhân hậu. Việc cô nhỡ nhàng chỉ là sự cố trong đời người con gái nhẹ dạ. Hồng còn là con liệt sỹ, phải thương lấy mẹ con cô ấy. Chính trị viên cảnh báo sự thương hại nông nổi của tôi và nghiêm khắc nói: “Nếu cậu lợi dụng hoàn cảnh của cô ấy để thỏa mãn sự tò mò của một kẻ mới lớn thì đừng có trách anh cạn nhẽ”. Tôi cãi: “Báo cáo thủ trưởng, em còn chưa biết hôn là thế nào?”. Anh Cư bật cười: “Yêu vào rồi, cậu sẽ thành ma quỷ hết!”.

Biết tôi và đại đội trưởng hợp tính nhau, anh Cư giao cho anh Hớn ngăn chặn và quản lý tôi. Anh Hớn không tra hỏi tôi mà còn bảo tình yêu nó phải thế. Đại trưởng bật mí, anh khảo Hồng rồi, biết cô đã bán đi một bên đôi bông tai để lấy tiền nhờ mua quả lựu đạn chợ đen cho tôi, anh rất cảm động. Anh bảo tôi, thích thì cứ yêu nhưng dặn, phải kín đáo, phải giữ gìn, dứt khoát không được làm hại đời cô ấy một lần nữa.

Tôi đem hết cả những điều anh Hớn nói, viết một lá thư dài cho Hồng. Hồng đã nhanh chóng gửi lại cho tôi một lá thư cũng rất dài và thấm loang nước mắt. Thường thì nhận thư của Hồng, đọc xong, tôi đốt đi nhưng lá thứ này tôi đã nhai nhuyễn, chiêu nước, nuốt hết vào bụng.

Chúng tôi cầm cự thêm hai tháng trong mối tình qua những bức thư thì một cơ hội vàng tung cánh tự do bất ngờ đến.

Cái đồng hồ báo thức của chỉ huy bị hỏng. Biết tôi có cô em họ làm ở cửa hàng bách hoá thị trấn quê, anh Cư cho tôi mượn xe đạp về phép thăm nhà một ngày với điều kiện phải mua được chiếc đồng hồ báo thức. Tôi mừng quá, thư đàm với Hồng, rủ Hồng về quê tôi ra mắt... Hồng từ chối nhưng lúc năm giờ sáng, đạp xe ra đến núi Trinh Văn tôi đã thấy cô đứng chờ sẵn ở đó. Tôi đèo Hồng lao vụt đi khỏi tọa độ nguy hiểm. Ra đến đường 1A, Hồng mới kể, Hồng đấu tranh tư tưởng suốt đêm rồi liều đi với tôi. Cô đã nhờ cô Cúc, bạn cô bán hộ gánh rau. Hồng nói với tôi phải cố làm sao ba giờ chiều cho cô về. Tôi nói để Hồng yên lòng, chúng tôi có tất cả mười tiếng, đạp xe đi về chỉ mất sáu tiếng, còn những bốn tiếng để tôi và Hồng ở chơi nhà tôi.

Hồng vui lắm, gần suốt chặng đường cô luôn chuyện trò ríu rít nhưng lúc sắp về đến nhà tôi thì cô tỏ ra rất bồn chồn lo lắng.

Mẹ đón chúng tôi vui mừng quá đỗi. Các bà bác, các thím đều đến để xem mặt cháu dâu. Ai cũng khen Hồng xinh gái, khỏe mạnh, tướng mạo hiền ngoan. Cái Hằng, em gái tôi xung phong đi gặp cô em họ để lo việc chiếc đồng hồ báo thức và đi chợ mua thức ăn đãi khách quý.

Lát sau nó về, một tay cầm cái đồng hồ báo thức mới cứng, một tay lái chiếc xe đạp, hai bên ghi đông treo nào là con cá chép vàng ươm, nào là rau quả với cặp bánh đa vừng. Dựng xe xong, nó vặn dây cót cái đồng hồ cho kêu toáng lên và tranh phần đi làm các món để đãi chị dâu tương lai. Hồng ngồi chơi một lúc rồi xin phép xuống bếp phụ với em gái tôi.

Không có Hồng, các bác các thím lại tiếp tục khen và hỏi tôi về gia thế của Hồng. Tôi kể, Hồng đã học hết cấp 3, là con nhà gia giáo. Tôi giấu nhẹm chuyện Hồng đã có con. Mẹ tôi luôn luôn cười gật đầu tuy bà có hơi băn khoăn, sợ là gia đình Hồng không cho cô lấy chồng xa. Tính ra hai nơi đầu huyện cuối huyện đi đường tắt cũng đến ba mươi cây số. Nhưng băn khoăn của mẹ tôi được các bác các thím gạt đi.

Khách khứa về rồi, bữa cơm thịnh soạn đãi khách quý được dọn lên. Mẹ tôi ngồi ngây người sung sướng tiếp miếng ngon nhất cho Hồng và cho tôi. Bà nhìn Hồng đầy yêu thương, tin cậy. Trong khi đó thì Hằng mặt cứ lầm lì, nó lặng lẽ ăn, thỉnh thoảng có tiếp món cho Hồng nhưng thái độ gượng gạo chứ không nhiệt thành  như lúc tôi và Hồng vừa về.

Cơm xong, Hằng nhất định không cho Hồng cùng thu dọn rửa bát. Nó nháy tôi ra sân sau giếng, độp hỏi:

- Anh Vuông! Chị Hồng có vấn đề phải không?

Tôi hỏi:

- Vấn đề gì?

Hằng bĩu môi:

- Chị ấy đã có con rồi, em ngửi thấy toàn mũi sữa...

Tôi đành kể với em gái hoàn cảnh của Hồng, tình yêu tôi mang ân Hồng... Không để cho tôi nói hết, Hằng ngắt lời bằng câu: “Anh không được ấm đầu như thế!”.

Hồng đã đoán ra thái độ của Hằng. Trên đường về, tôi đã kể lại hết với Hồng. Cô rất buồn nhưng lại bảo với tôi, Hằng quyết liệt thế là đúng. Cô không xứng đáng với tôi.

Tôi vẫn tiếp tục năn nỉ và bộc bạch hết tình cảm của mình với Hồng. Dần dần cô cũng vui lên. Nhưng khi về đến làng Cổ Lạc thì có chuyện động trời. Cô Cúc là một kẻ phản bội. Hồng đã trao nhầm cái lẫy nỏ thần tình yêu của chúng tôi vào tay cô ta. Bởi Cúc đã rỉ tai với nhiều người, chuyện Hồng bí mật về chơi quê tôi. Anh Cư cầm cái đồng hồ, vỗ nhẹ vai tôi nói: “Thế này thì công ít tội nhiều rồi!”.

Vài ngày sau, ở đại đội 4 của tôi xảy ra hai sự cố. Đại đội trưởng Hớn đi phép thăm vợ ở Quảng Bình về chậm một ngày bị chuyển đi phụ trách trạm khách của trung đoàn; còn tôi thì được lệnh mang toàn bộ tư trang, giấy chứng nhận cắt chế độ quân nhu về trung đoàn gấp. Đến nơi, tôi được gặp chính uỷ Hoàng Xuân Đáng. Bác Đáng bảo, tôi sẽ làm cần vụ cho bác và chuyển ra đảo. Trên đường đi, bác Đáng nói rõ hơn, em gái tôi đã đến gặp bác, tha thiết đề nghị bác cứu tôi ra khỏi vòng mê muội. Đúng lúc bác Đáng được điều đi làm chính uỷ đơn vị ngoài đảo, bác mang tôi đi luôn để cách ly và rèn luyện.

Ở đảo bốn tháng tôi viết cho Hồng mười tám lá thư nhưng không nhận được một hồi âm nào. Sau đó, đơn vị tôi được vào đất liền để đi B gấp. Từ đấy cho đến hơn bốn mươi năm sau tôi mới trở lại làng Cổ Lạc của Hồng...             

*

Chuông điện thoại reo làm ngắt mạch nhớ của tôi. Nhìn thấy số của Na ở màn hình di động, tôi mừng mừng nói:

- Na, à cháu? Bác Vuông đây!

Không có tiếng đáp. Tôi nhắc lại:

- Na đâu? Bác Vuông đây, cháu!

Có tiếng nói nhưng là tiếng bà Hồng, giọng bà run run:

- Chào anh! Cảm ơn anh đã đến thắp hương cho các cụ em. Anh đi mạnh khỏe nhé. Thôi, anh đừng về làng em nữa nhé. Chào anh Vuông!

Phía bà Hồng tắt máy. Tôi vội bấm lại mấy lần nhưng đều bị ngắt.

Buồn lắm nhưng khi định thần lại, tôi đoán ra rằng, ngôi nhà của bà Hồng đã có người đàn ông trụ cột. Có lẽ sự có mặt của tôi, dù chỉ là một khoảnh khắc làm khách, cũng không tốt tí nào cho cuộc sống hiện tại của bà. Thế nên bà không muốn tôi trở lại làng Cổ Lạc lần nữa chăng? Rất có thể là như thế!

Lê Ngọc Minh
(Văn nghệ số 10/2020)