Tế Hanh – một con người rất mực khiêm nhường - Thanh Quế
Tôi được làm quen với nhà thơ Tế Hanh vào những năm đầu thập kỷ 60, thế kỷ trước.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1961, tôi đang học lớp 7 ở trường Học sinh miền Nam số 16, Đông Triều. Trường tôi có tổ chức một cuộc thi thơ văn viết về Đảng, Bác và miền Nam. Giải thưởng cuộc thi là những cuốn sách mà nhà trường gửi thư xin các nhà văn, nhà thơ, nhất là các tác giả người miền Nam. Lần ấy, tôi được giải về thơ và được nhận cuốn Gửi miền Bắc của nhà thơ Tế Hanh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình được cầm quyển sách của nhà thơ nổi tiếng, có bài “Nhớ con sông quê hương” mà tôi thuộc lòng, đề tặng. Cảm động hơn là khi về lớp, giở trang đầu quyển sách, tôi thấy nhà thơ ghi: “Tặng cháu được giải. Nhận được tập thơ này thì gửi thư cho chú. Địa chỉ 10 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội”. Tôi vội viết một lá thư cảm ơn nhà thơ và kèm theo mấy bài thơ tôi tập sáng tác. Thật bất ngờ và cảm động, gần một tháng sau, tôi nhận được lá thư trả lời của nhà thơ. Đến bây giờ, hơn 50 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ mãi một đoạn thư của Tế Hanh viết cho tôi: “Theo ý chú thì cháu có tâm hồn thơ đấy. Cháu cố gắng làm thơ và bồi dưỡng tâm hồn mình. Trước hết, cháu nên học tốt tất cả các môn để làm cái nền văn hóa chung. Người làm thơ cũng cần biết các ngành khoa học khác. Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu rõ hơn. Còn về văn học thì nên đọc thơ văn cổ điển, tục ngữ ca dao, thơ văn của các nhà thơ nhà văn trong nước và thế giới”. Ông mời tôi có dịp về Hà Nội, đến nhà ông chơi. Thế là từ đó, vào dịp hè, tết tôi đều tranh thủ ghé đến thăm ông và mang theo những bài thơ mới viết nhờ ông góp ý. Tế Hanh là một người chân thành, điềm đạm và khiêm nhường. Ông rủ rỉ góp ý từng bài thơ của tôi như bạn bè cùng lứa, thẳng thắn và nhẹ nhàng. Có lần, để góp ý một câu thơ của tôi có vẻ còn “làm dáng” quá, ông lấy ngay thơ mình làm ví dụ. Ông nói: Trong bài thơ Gửi miền Bắc của chú có đoạn:
Nhớ Khu Năm tôi đi vào Khu Bốn
Hai anh em ruột thịt của miền Trung
Đỉnh đèo Ngang hồn tôi mây gió cuộn
Muối xát lòng tôi trên bến Cửa Tùng
Chú thấy câu: Đỉnh đèo Ngang hồn tôi mây gió cuộn có vẻ “diêm dúa” quá, không hợp với chất giọng đoạn thơ, bài thơ, chú không thích nhưng chữa mãi không được nên đành để vậy - ông im lặng một lúc rồi tiếp - Nếu như cháu hay bạn bè cháu nghĩ được câu nào hay hơn, hợp hơn thì sửa giùm cho chú nhé, chú mong lắm…
Năm 1994, Nhà xuất bản Đà Nẵng có chủ trương in một Tuyển tập thơ miền Trung Thế kỷ XX (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Tây Nguyên). Nhà xuất bản có mời một nhóm nhà thơ, do nhà thơ Tế Hanh làm chủ biên đứng ra biên soạn tập thơ đó. Tôi được làm Thường trực của nhóm, nhằm liên hệ, trao đổi giữa các nhà thơ để lên một danh sách tác giả, tác phẩm. Vào mùa hè năm 1995, Nhà xuất bản mời nhóm biên soạn vào Đà Nẵng để thông qua lần cuối cùng tập tuyển này. Tế Hanh lúc này mắt đã mờ, sức khỏe yếu, đi lại khó, phải nhờ nhà thơ Xuân Tùng đưa từ Hà Nội vào. Nhân dịp này, Nhà xuất bản xin in một tập tuyển hay một tập thơ nào đó của Tế Hanh. Ông hỏi tôi:
- Cháu đọc thơ chú nhiều. Theo ý cháu thì nên tái bản tập nào? Hay in tuyển?
Tôi thưa:
- Theo cháu thì chú có 2 tập thơ được nhiều người ưa thích là Hoa niên và Gửi miền Bắc. Chú nên tái bản Gửi miền Bắc vì nó in cũng đã lâu rồi.
Ông gật đầu rồi nói:
- Cháu viết cho chú vài lời.
Tôi không dám nhận viết lời giới thiệu mà nhận viết lời bạt. Trong bài đó, có một đoạn khi nói đến thơ tình Tế Hanh thì tôi mạo muội nghĩ: Nếu nói thơ tình là tiếng lòng của người con trai nói với người con gái và ngược lại thì ở nước ta chỉ có hai nhà thơ đúng là người viết thơ tình, đó là Nguyễn Bính và Tế Hanh…Còn những người khác chỉ là định nghĩa về tình yêu hay mượn thơ tình để nói việc khác…
Sau khi viết bài xong, tôi gửi cho Tế Hanh xem. Hai tuần sau, ông trả lại bản thảo và kèm theo lá thư (do vợ ông viết hộ): “Mắt chú yếu nên không xem trực tiếp được bài cháu viết, phải nhờ cô (vợ ông) đọc cho nghe. Chú thấy cả bài viết thì được, riêng chỗ đánh giá ở Việt Nam chỉ có chú và Nguyễn Bính đúng là người viết thơ tình thì chú băn khoăn quá, chú nghĩ như thế hình như chưa phải. Người ta nói Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình” mà. Cháu xem lại. Nên đánh giá cao thơ tình anh Xuân Diệu, còn thơ chú thì…”
Vào những năm trước khi Tế Hanh ngã bệnh, có lần ra Hà Nội, tôi ghé thăm ông. Ông hỏi thăm sức khỏe và tình hình sáng tác của tôi và anh em Đà Nẵng. Ông khen ngợi anh chị em trẻ viết mới, phong phú, đa dạng hơn thế hệ ông. Ông nói mắt ông yếu, chỉ nhờ cô đọc cho nghe, nghe chưa được nhiều, nên chưa học được nhiều cái mới của anh chị em trẻ. Ông thật tiếc. Trong anh chị em ở thế hệ chống Mỹ, ông khen Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh…
Rồi ông kể chuyện các nhà thơ ở Quảng Ngãi quê ông như Bích Khê, Tịnh Đông, Nguyễn Viết Lãm…Đột nhiên ông nói:
- Ở Quảng Ngãi của chú chỉ có 2 người xứng đáng là nhà thơ thôi, đó là Bích Khê và Thanh Thảo.
Tôi thưa:
- Sao chú nói vậy, còn chú thì sao?
Ông cười:
- Chú chỉ là cái gạch nối (-) giữa Bích Khê và Thanh Thảo - Ông nói thế rồi gật đầu – Đúng vậy! Chú chỉ là cái gạch nối mà thôi.
Tế Hanh là một con người như thế. Ông mất năm 2009. Nhưng mỗi lần nhớ về ông, trong tâm trí tôi vẫn hiện lên hình ảnh một con người chân thành, điềm đạm và khiêm nhường, rất mực khiêm nhường…
T.Q