Mặn mà cái duyên vè Quảng –sênh sứa - Trương Đình Quang

01.11.2013

Mặn mà cái duyên vè Quảng –sênh sứa -  Trương Đình Quang


 

 

Miền thơ ấu của chúng tôi, những đứa trẻ trên các làng xã Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô, Thanh Châu, Sơn Phong, Lai Nghi, Thanh Hà, Phong Thử, Miếu Bông, Bảo An, Xuân Đài, Giao Thủy, Tiên Đõa,... say mê và bồng bềnh trong giai điệu nói – hát vè với tiếng rung thầm thì, oán ghét, sôi nổi, yêu thương... của sênh sứa trong lòng bàn tay và tâm hồn của nghệ nhân hát rong, nói vè, nói lía.

Chúng tôi yêu thích nghệ nhân hát dạo Bình Định ra nói vè Thông Tằm, và từ Huế vào nói vè Mã Long – Mã Phụng, Bà Thiếu phó (về Đô đốc Bùi Thị Xuân) v.v... Giai điệu của vè được đỡ giọng với tiếng đàn cò, tiếng sênh tiền hòa hợp tiết tấu, và cặp phách giữ nhịp. Những nghệ nhân này thường ngồi để nói vè.

 Chúng tôi cũng say mê nói vè, nói lía xứ Quảng của nghệ nhân Trịnh Văn Kỳ. Không phải hát vè, ca lía. Nghệ nhân đứng nói vè. Có vè chuyện dài hàng nghìn câu (Trương Quý Ngọc, Chàng Lía) nói và diễn suốt buổi, suốt đêm...

Nói lía là nói vè về Chàng Lía – một diễn xướng độc đáo, đầy ắp tính sân khấu:

                        Lía ta tánh lạ ai tày

tuy là hung dữ lâu nay tiếng đồn

                        Nhưng mà ai hiếu thảo hơn

Nhiều người trông thấy vẫn còn nhớ ghi

                        Hành hung đương lúc thị kỳ

chết, sống, Lía chẳng kể gì đến ai

   ...                     ....                    ...

Vè Thạch Sanh:

                        Thạch Sanh ngó lại tức thời

thấy hình quái dị trong đời lạ thay

                        trắng, đen, xanh, đỏ, đủ rày

mình thời lốm đốm, xem nay có ngời

                        mày vàng, nanh trắng lạ đời

con chi nào biết, mình thời có khoang

                        trừng hai con mắt chang bang

mặt bằng cái sịa, hình trang cái bồ

   ...                     ....                    ...

Vè thời sự Hương Yên, kể lại vụ cướp xảy ra trong một gia đình ở Quảng Huế, gần lò ươm tơ Giao Thủy (huyện Đại Lộc):

                        Ba Châu có chú Hương Yên

làm ăn giàu có bạc tiền của dư

                        trong bầu trời có năm trăm mẫu đất tư

cò bay thẳng cánh bây chừ vinh hoa

                        Nhà thời ngói lợp mấy tòa

Vợ thời hai mụ sinh ra hai dòng

                        Việc nhà ông tính không xong

Gia đình tri hữu ở trong nhánh mình

   ...                     ....                    ...

 

Nghệ nhân nói vè xử lý tài hoa các cách nói gợi cảm, tả tình. Nói thường hơi cách điệu khi dẫn dắt câu chuyện, về thời gian, hoàn cảnh của nhân vật, nói mô phỏng ngữ khí, ngữ điệu của nhân vật, kết hợp linh hoạt với cử điệu và cách thể hiện ở đôi mắt, nét mặt, nói – hát khi cần thể hiện tình cảm đằm thắm, oán trách, yêu thương...

Bạn đường thân thiết của nói vè, nói lía là sênh sứa (còn có tên cặp kè), với màu âm độc đáo. Là nhạc khí gõ được chế tác dễ dàng, tiếng nói hiền lành, chất phác, chuỗi tiếng rung chuyển biến tùy sắc thái và cường độ của giai điệu nói và diễn xuất, cùng những trộn đảo, biến hóa tiết tấu và dòng âm thanh.

Sênh sứa gồm có hai mảnh tre già vót cong, dài hơn một gang tay, ngang ba ngón tay, hình dáng như hột xoài, hai đầu vạt nhọn. Vì hình dáng thon thả như thân con sứa biển mà mang tên như thế, còn tên cặp kè vì do cách phát âm và lúc nào cũng phải cặp kè bên nhau. Người nói vè thường chơi hai bộ sênh sứa. Đánh sênh sứa là bóp cho cặp kè rung lên, đập vào nhau trong lòng bàn tay.

*

*   *

Những ngày đầu Quảng Nam kháng chiến I, Liên Nguyễn, Huỳnh Thủ, Văn Cận, Phan Huỳnh Điểu, Trương Giảng trong đội thông tin tuyên truyền nay đây mai đó trên đất quê hương, hát ca khúc mới, hát hò khoan đối đáp, nói vè tự sáng tác hoặc do Trinh Đường, Tường Linh viết lời. Với sênh sứa, họ nói vè:

                        Ngày kia, giặc Pháp đi lùng

máu tràn với lửa khắp vùng La Châu

                        Em Đằng mười bốn tuổi đầu

thiếu niên anh dũng nêu cao tinh thần

                        lánh thù, chưa kịp ẩn thân

rủi ro bị giặc bắt ở gần cuối thôn

   ...                     ....                    ...

                                       (Vè Em Đằng anh dũng của Liên Nguyễn)

 

Hòa bình về trên đất nước ta tháng 8/1954, tại thị trấn Bồng Sơn (bắc Bình Định), Văn Cận trong trang phục dân tộc cổ truyền, nói vè và đánh sênh sứa mừng đón phái đoàn Ủy ban quốc tế với các thành viên của Ấn Độ, Ba Lan, Canada giám sát đình chiến. Chắc là họ có so sánh sênh sứa với catxtanhet (castagnette) – nhạc khí của nước họ nên sau đó đều có chung một lời khen bằng tiếng Pháp, tiếng Anh "thật là kỳ diệu!" (c'est merveilleux! – very wonderful!) và đòi được tận mắt nhìn nhạc khí gõ này.

*

Đầu năm 1955, hò giã gạo, hò chèo thuyền, hò ba lý, lí tang tít (hát ru), lí thương nhau, lí thương thai... của đất Quảng tập kết ra miền Bắc, Huỳnh Thủ, Trịnh Văn Kỳ tiếp tục với nghề hát rong của mình trên sân khấu.

Từ chất liệu hò khoan giã gạo của quê hương, Văn Cận viết ca khúc Giữ trọn tình quê nổi tiếng cả nước với giọng hát của Bích Hường, Thanh Trì, Tường Vi, Đức Trinh. Tiếng rung sênh sứa sóng đôi với:

Xin gửi về Nam tấm lòng vàng đá

Thủy chung này (mà là thủy chung này)

nguyền giữ trọn tình quê (nguyền giữ trọn tình quê)

...              ....                    ...

Canh cánh bên lòng tình cảm yêu thương dành cho sênh sứa, nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chưa đưa được tiếng rung của nó vào ca khúc Tình trong lá thiếp.

Vào thời gian này, được sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa Trung Quốc, An Ba – nhà hoạt động sân khấu hí kịch và nghiên cứu âm nhạc dân gian – đến với Đoàn nghệ thuật Liên khu 5, tìm hiểu các thể loại sân khấu, diễn xướng. Nghe, nghiên cứu kĩ thuật đánh trống chiến hát bộ và đánh sênh sứa, ông rất say mê, khen ngợi sức hấp dẫn của chúng trong bộ gõ dân tộc Việt Nam.

 

*

 

Từ 1962 đến 1972, trong văn nghệ chiến trường, nhạc sĩ Hoàng Lê, Thanh Huyền, Ngọc Kỳ - những cây bút nhạy bén về đề tài người chiến sĩ – các diễn viên bài chòi Hữu Ích, Phụng Tiếp, Hồng Ân, Thu Vân... ước ao có bộ sênh sứa để nói vè, nói lía. Nghệ sĩ Hải Liên tìm chọn cho được những mảnh "tre kêu" (vì có mảnh tre dù vót đúng quy cách vẫn không kêu) làm sênh sứa, thêm màu sắc dân gian cho những câu hô bài chòi kết hợp với vè Quảng của mình.

Trong nhà giam của chính quyền Sài Gòn ở đảo Phú Quốc, Hải Liên viết vè Quảng, bài chòi; Cung Nghinh, Đoàn Phận kín đáo làm đàn cò, đàn bầu và sênh sứa. Văn nghệ của những người tù, ở đoạn trích kịch hát bài chòi Thoại Khanh – Châu Tuấn, tiếng sênh sứa quấn quít bên điệu lý thương nhau nối tiếp nói vè (2 làn điệu của riêng đất Quảng) – lời dặn dò của mẹ Châu Tuấn với anh trước lúc đi thi:

                        Mấy lời mẹ dặn con thơ

chữ tình, chữ nghĩa, con lo cho tròn

                        Mẹ già cầu chúc cho con

khoa trường đắc cử, thành công khi về

                        Con đi, cách trở sơn khê

áo nâu con giữ, tình quê cho  mặn nồng

 

*

 

Sau Cách mạng tháng Tám, đến Hội An và Đà Nẵng với Đoàn nghệ thuật Anh Vũ, tìm hiểu diễn xướng dân gian đất Quảng, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1910 – 1993) bắt gặp cái duyên nợ nói vè – sênh sứa. Suốt đời hoạt động nghệ thuật, cống hiến cho việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc, ra công tìm kiếm nhạc khí dân tộc cổ truyền, những năm 50 của thế kỉ trước, ở Hà Nội, ông gặp lại Trịnh Văn Kỳ, tìm hiểu, nghiên cứu sênh sứa.

Đầu năm 1980. Nguyễn Xuân Khoát và nhóm nhạc gõ Phù Đổng đến với Trịnh Văn Kỳ, nghệ nhân còn giữ hai bộ sênh sứa được đặt trên bàn thờ tổ tiên. Ông quý trọng, tin tưởng trao cho nhạc sĩ một bộ, bày vẽ cách đẽo gọt, truyền nghề đánh nhạc khí gõ này cho nhạc công trong nhóm.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thực nghiệm đưa tiêng rung sênh sứa vào nhạc phẩm của ông. Trong bản hòa tấu Mùa Hè (trích tổ khúc Xuân - hạ - thu đông của mình), do nhóm nhạc gõ Phù Đổng biểu diễn, người nghe xúc động, sửng sốt khi nghe tiếng sênh sứa. Mùa hè trên đất nước Việt Nam! Màu âm sênh sứa pha trộn, tạo nên tiếng ve kêu, tiếng côn trùng rỉ rả vào phong cảnh thiên nhiên trong ánh chớp và tiếng sấm của cơn giông. Ở nước ngoài, khi nghe nhạc phẩm này, nhiều người nghe, trong số có nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, đã tìm mọi cách gặp người chơi sênh sứa, để tìm hiểu nhạc khí gõ Việt Nam độc đáo này.

*

*   *

*

 

Giữa năm 1990, từ Sài Gòn về thăm quê hương, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết ca khúc Đà Nẵng là nỗi nhớ. Vẫn mặn nồng với sênh sứa, ông cặm cụi đẽo gọt sênh sứa, với ý thức gìn giữ và phát huy nhạc khí dân tộc. Tất nhiên là ông phải tìm cho ra "tre kêu" thật già, thật đặc ruột, mượn cho được cái rựa lưỡi rất bén.

Khi giọng xôpr'anô trữ tình đáng yêu của Kim Oanh bay lên với cái chất mượt mà của phần đệm pianô:

Bên tê sông Hàn nước xanh như tàu lá

Bên ni sông Hàn sáng lên màu ngói tươi

Ai về nhắn với bạn nguồn

Giờ này đất Hàn mình đẹp lắm

...              ....                    ...

ở những nét giai điệu từ chất liệu theo phong cách dân gian kể chuyện, thì tiếng rung sênh sứa từ trong lòng đôi bàn tay của nhạc sĩ hòa quyện, diễn cảm...

Đà Nẵng về đêm, những buổi ca nhạc ở khách sạn Hải Âu, chương trình ca nhạc dân gian, dân tộc của nhóm Cội nguồn (cổ truyền và hiện nay) với tiếng k'ni, các loại sáo (K'ho, Mèo) của Mạnh Hùng, đàn tranh, tr'ưng của Hoài Liên, đàn bầu của Văn Học, đàn tứ, đàn tam và bộ gõ của Nguyễn Hoàng với tiếng rung của sênh sứa..., để lại trong tâm hồn của khách nước ngoài ấn tượng tốt đẹp, đặc sắc của ca nhạc Việt Nam. Vẫn những lời khen "thật kỳ diệu!" (c'est étonnant!) "thật độc đáo!" (c'est original!)

Tôi thử tìm nguồn gốc của sênh sứa (cặp kè). Cầm ca Việt Nam của Toan Ánh[1], Nhạc khí dân tộc Việt Nam của Lê Huy và Huy Trân[2] không viết gì về cặp kè. Theo Nhạc gõ cổ truyền Việt Nam của Ngọc Canh và Tô Đông Hải[3] thì lời giới thiệu "sứa" không đầy đủ, chông chênh.

Hát rong xẩm chợ đồng bằng Bắc bộ có tiếng đàn bầu đi tòng. Nói vè Huế với đàn cò. Nói vè Bình Định mòn mỏi dần trước sức phát triển của hô bài chòi.

Con sáo từ làng Quan họ Bắc Ninh đến điệu lý miền Trung rồi bay vào đất Nam bộ. Nhưng, chắc chắn là không có sự di chuyển từ Bắc vào Nam của sênh sứa. Sênh sứa ra đời để đệm nói vè Quảng.

                                                              *

Phải chăng, xin suy nghĩ rất khiêm tốn rằng "chẳng nơi nào có được" như ca nhạc Quảng Nam[4], rau sống Trà Quế và Hội An, đũi Chợ Chùa, tuýtxo Bảo An, đồ gỗ Kim Bồng, trái loòng boong – nam trân Đại Lộc, cao lầu phố Hội, nói vè sênh sứa Quảng v.v...

Cám ơn nghệ nhân dân gian đã sáng tạo nhạc khí gõ độc đáo này cho đất Quảng, cho dân tộc.

Trong tôi có một ước mơ nho nhỏ: quê hương đưa người có năng khiếu ca nhạc ra Hà Nội xin nghệ nhân Trịnh Văn Kỳ truyền nghề ngón chơi sênh sứa – lối chơi cha truyền con nối.

 

                                                                                      T.Đ.Q

 

 



[1] Lá bối xuất bản, Sài Gòn, 1969.

[2] Văn hóa xuất bản, Hà Nội, 1984.

[3] Viện văn hóa dân gian xuất bản, Hà Nội 1989.

[4] Theo Trần Văn Khê Từ La musique traditionnelle vietnamienne (Âm nhạc cổ truyền Việt Nam) Luận văn tiến sĩ trình bày ở khoa văn chương đại học tổng hợp Paris, tháng 6-1958 PÙ (Presses universitaires de France) xuất bản, 1962.