Đôi bờ - Truyện ngắn Vạn Lộc
1. Vừa chợp mắt được một lát, đứa con gái nhỏ lại giật mình khóc thét lên làm anh bàng hoàng tỉnh giấc. Hai tay ôm chặt con vào lòng, anh khe khẽ ru: “Gió mùa thu ba ru con ngủ/ Năm canh dài thức đủ vừa năm/ Hỡi nàng mà nàng ơi…” Lời ru nhọc nhằn thoát ra từ đôi môi khô cháy. Nước mắt anh ứa ra…anh khóc! Khóc vì thương đứa con gái nhỏ mới lọt lòng đã sớm mồ côi mẹ, thương người vợ hiền xấu số, thương mình phận “gà trống nuôi con”…
Cô em vợ đẩy cửa bước vào, cắt ngang lời ru, làm anh lúng túng vì anh chưa bao giờ rơi lệ trước mặt ai, nhất là với những cô gái. Anh vụng về che giấu sự mềm lòng của mình.
- Sao dì Út sang sớm thế?
- Em nghe con bé khóc, với lại đã năm rưỡi rồi, còn sớm gì nữa anh?
Cô dịu dàng bồng đứa bé từ tay người anh rể. Như cảm nhận được hơi ấm và sự khác biệt của người phụ nữ, con bé im bặt, chân tay và đầu dụi cuống cuồng lần tìm bầu sữa. Hơi thở từ người thiếu nữ thoảng qua trong buổi sớm mai khiến anh bối rối. Anh lúng túng khoác chiếc áo vẫn mặc hằng ngày khi chạy xe ôm, nói vội:
- Dì Út chăm sóc cháu giúp anh! Anh đi làm đây.
- Sao anh đi sớm thế? Mới có năm rưỡi, ai đi xe ôm?
- Anh ra uống ly cà phê cho tỉnh táo...
- Trưa anh về ăn cơm sớm nhé!
- Ừ!…
2. Khi tình thế bắt buộc phải lựa chọn giữa mẹ và đứa trẻ còn nằm trong bụng thì mọi người đều nỗ lực để cứu lấy mẹ...Vợ anh thì khác, cô kiên quyết không chịu lên bàn mổ vì tin rằng cả hai mẹ con cô sẽ được “mẹ tròn con vuông” nếu cô sinh thường. Lên bàn mổ để cứu lấy mẹ là một sự ích kỷ, lạnh lùng và không công bằng với con bởi nó cũng có quyền được sống, thậm chí nó còn đáng được sống hơn vì cô đã được nếm đủ mọi mùi vị của cuộc đời còn con cô thì chưa. Cô kiên quyết thuyết phục bác sĩ và mọi người trong gia đình để cho cô sinh thường, mặc dù cô biết rõ hơn ai hết rằng điều ấy rất nguy hiểm!
Nếu có phải lựa chọn, cô tự nguyện hy sinh để con mình được chào đời... Cuối cùng, tình huống xấu nhất đã đến với mẹ con cô, với anh và mọi người. Nắm đôi tay gầy gò, xanh ngắt của vợ mà lòng anh như xát muối. Những lời trăn trối cuối cùng của vợ làm anh tê tái.
- Anh! Anh hãy coi như em đã mệt mỏi và đang ngủ một giấc ngủ dài sau khi sinh nở. Anh đừng khóc, đừng đau khổ! Hãy để dành tình yêu và nghị lực mà nuôi con khôn lớn. Em mãi mãi yêu anh và yêu con gái của chúng ta!
Mắt anh ráo hoảnh vì lòng đã tan nát. Đối với anh, vợ anh chưa bao giờ và không bao giờ chết. Cô vẫn hiện hữu trong từng hơi thở, từng suy nghĩ của anh, trong từng tiếng khóc, tiếng cười của con gái anh. Đêm đêm cô vẫn dịu dàng đứng canh giấc ngủ của cha con anh. Anh sợ rằng thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả. Nhưng không, thời gian không những không thể xóa nhòa mà ngược lại hình ảnh vợ anh càng ngày càng in sâu trong trái tim anh.
3. Cuộc sống mưu sinh nặng nhọc cứ dần trôi qua đem theo tuổi xuân và sức trẻ của anh và cô em vợ hiền lành, đảm đang, thánh thiện như cô Tấm trong chuyện cổ tích ngày xưa. Cả hai đều biết điều đó nhưng chẳng ai để ý nhiều đến nó. Bù lại cháu bé ngày càng lớn khôn, ngoan ngoãn và xinh xắn. Điều này mới thực sự có ý nghĩa đối với họ. Tình yêu của cô dành cho đứa bé nhiều đến mức đã năm, sáu tuổi rồi mà nó vẫn chưa thể nào phân biệt được giữa mẹ và dì khác nhau như thế nào. Mẹ của mấy đứa bạn là người ngày hai buổi đón đưa chúng đi học, đêm về lo tắm rửa, ăn uống, dạy học bài và cùng chúng đi ngủ… Dì Út của con bé cũng làm tất cả những việc ấy. Bất kỳ ai hỏi: “Mẹ con là ai”, nó cũng đều trả lời “Mẹ con là dì Út”.
Cả bệnh viện sẽ không thể nào biết được anh và cô gái ấy không phải là vợ chồng nếu như anh không đưa con bé tới đây. Ba mươi tuổi cô vẫn bỏ ngoài tai những lời “đường mật” của biết bao người con trai và đàn ông tự nguyện đến với mình bằng tình yêu chân thành. Tình yêu đầu đời cô chưa trao cho bất cứ ai nhưng tình cảm của người mẹ thì đã dành trọn cho con bé. Mới ba ngày không gặp nó, trong cô đã cồn cào khao khát được ngậm tiếng cười trong trẻo, được tắm trong ánh mắt hồn nhiên và được mơn trớn đôi má hồng hồng bụ bẫm của nó… Vừa nhìn thấy dì Út, con bé đã la toáng lên làm vỡ cả bầu không khí yên lặng, nặng nề của bệnh viện.
- Dì Út! Dì Út ơi! Mấy ngày rồi dì Út đi đâu mà con không thấy?
Nó lao vào, ôm ngang cổ cô mà khóc khiến cho ba nó phải vội vàng ngăn lại:
- Con đừng đè lên dì Út! Dì Út đang bị đau đấy.
Nghe ba nói vậy, con bé càng hoảng hốt mà khóc nhiều hơn. Cô kéo nó vào lòng ứa nước mắt
- Con đừng khóc nữa! Dì Út không sao đâu! Chỉ vài ngày nữa là dì Út sẽ khỏi bệnh và về nhà với con.
Bác sĩ nói, bệnh thận của cô phát hiện quá muộn nên phải nằm điều trị lâu dài. Từ đó sự sống của cô gắn liền với bệnh viện. Anh rể cô thì ngoài bệnh viện là chiếc xe máy cũ kỹ và những con đường chạy xe ôm quen thuộc, còn đứa trẻ có thêm một nơi mới đã trở nên thân quen là căn phòng toàn những đồ đạc màu trắng mà dì Út của nó đang nằm điều trị. Nếu chỉ đôi lần nhìn thấy đứa bé gái ngủ vùi bên người bệnh trên chiếc giường chật hẹp và người đàn ông trông lam lũ, già trước tuổi trải chiếu, ngủ ngay dưới chân giường bệnh thì dù có giải thích tới ngàn lần người ta vẫn khó thể nào tin được đó chỉ là anh rể và cô em vợ.
Từ lâu, cái xóm nhỏ ấy đã quen thuộc với hai ngôi nhà trống hoác của hai anh em người lái xe ôm. Lâu lắm mới gặp anh tạt về nhà lấy ít đồ dùng. Không thể ngờ rằng, mới đó mà đã gần tám năm trôi qua. Gần tám năm, cô gái cùng hai cha con anh chống chọi với bệnh tật và duy trì sự sống bằng những đồng tiền kiếm được từ việc chạy xe ôm của anh…
4. Hôm nay, cả hai ngôi nhà lại được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp để đón chủ nhân của chúng trở về. Người phụ nữ không còn là cô gái trẻ đẹp, người đàn ông cũng không còn phong độ như xưa và đứa bé đã chớm bước sang tuổi thiếu nữ . Hàng xóm và những người thân thích ai cũng khuyên hai người hãy bước qua ranh giới anh - em để đến với nhau nhưng họ chỉ cười: “Chúng em đã già hết rồi. Con bé đã lớn. Làm sao chúng em lại có thể làm thế được”.
Từ lâu con bé đã nhận thấy cha như bên lở, dì như bên bồi, mình là con thuyền nằm trọn bên, trong dòng chảy yêu thương của cả hai người! Chung một dòng sông nhưng giữa hai bên lở bên bồi vẫn có một khoảng cách xa lắm. Nó không thể nào chịu đựng được điều đó. Nó muốn bắc chiếc cầu nối hai bên bờ yêu thương làm một…
Sáng nay, khi vào thư viện của trường, nó vô tình đọc được những dòng chữ khiến nó suy nghĩ từ một cuốn sách: “Tình yêu là thứ quý giá, thiêng liêng nhất mà thượng đế chỉ dành riêng để ban tặng cho con người. Tình yêu sẽ biến trần gian trở thành thiên đường ngay trên mặt đất với những hạt nắng lung linh xen lẫn tiếng chim trong vắt. Hoa sẽ tươi hơn, thơm hơn, cỏ sẽ mềm mượt hơn… Con người sẽ trẻ lại, vui vẻ, hạnh phúc, tự tin và mạnh khỏe hơn… Thấy cuộc sống thật ý nghĩa, thật tươi đẹp, thật đáng quý, đáng yêu và đáng sống vô cùng!...”. Đặt cuốn sách xuống bàn, nó trầm ngâm tự nhủ: “Nhất định mình sẽ bắc cho bằng được chiếc cầu yêu thương ấy”…
5. Chưa bao giờ trời đẹp như sáng nay! Những đám mây trắng nhẹ nhõm như những cây kem bông cứ lững thững trôi trên nền trời xanh thắm. Từng cơn gió mát mơn nhẹ những khóm hoa cát tường nở rộ, đang khoe sắc. Như có chiếc đũa thần chạm vào người, con bé trở nên khác lạ! Nó thức dậy từ rất sớm, mặc bộ quần áo màu thiên thanh của mẹ. Trời ơi! Nó đã trở thành thiếu nữ! Nó giống mẹ như hai giọt nước. Nó tự tay dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa một cách rất thành thạo, hệt như mẹ nó thưở xưa… Cả ba và dì nó còn chưa hết ngỡ ngàng trước những thay đổi diệu kỳ của con bé thì chợt nhớ ra rằng: hôm nay là ngày sinh lần thứ mười sáu của nó. Tự bao giờ, ba và dì chỉ nhớ ngày này hằng năm là ngày giỗ mẹ nó mà quên mất rằng đây cũng là ngày sinh con bé.
Chưa bao giờ ngôi nhà ấy lại được trang hoàng xinh đẹp và lãng mạn như hôm nay. Sự tinh tế của cô bé mới đặt bước chân đầu tiên vào tuổi dậy thì kỳ diệu đã khiến ngôi nhà trở nên sống động, đầy sức sống và niềm vui. Trước bình hoa cát tường tươi thắm mới được cắt ngoài vườn, một bên là ba, một bên là dì Út, nó nói như một người lớn thực sự.
- Thưa ba! Thưa mẹ! Thưa dì Út! Hôm nay là ngày giỗ của mẹ và cũng là ngày sinh lần thứ mười sáu của con. Con xin phép được hỏi ba và dì Út rằng: Con đã trở thành người lớn chưa?
Hai người nhìn nhau không khỏi ngạc nhiên cùng trả lời: “Con đã trở thành người lớn”.
Nó tự tin nói tiếp:
- Con biết chắc chắn là con đã trở thành người lớn vì con đã mặc vừa bộ quần áo thiên thanh của mẹ. Con đang nói giọng nói của mẹ. Con đang cười nụ cười của mẹ. Đặc biệt nhất là con đang suy nghĩ những điều mẹ đã suy nghĩ và sẽ làm tiếp những việc mẹ muốn làm mà chưa làm được. Ba và dì có muốn con làm như thế không?
- Có! Con cứ làm theo những gì mà trái tim con mách bảo!
- Dì cũng đồng ý.
- Thưa ba! Thưa dì! Bây giờ con sẽ nói ra điều mà cả mẹ và con đã muốn làm từ lâu. Trước khi nói ra điều này, con muốn cả dì và ba cũng phải làm theo.
- Được rồi! Con cứ nói đi!
- Con muốn chấm dứt cảnh sống ba người hai mái nhà. Con muốn bốn chúng ta được sống chung trong một mái ấm yêu thương!
Cả hai ngẩn ra trước những lời cô bé nói.
- Con muốn ba cưới dì để bên lở, bên bồi và con thuyền được hòa quyện vào nhau mãi mãi.
Anh và cô gái thật sự bất ngờ trước suy nghĩ của cô bé. Đúng là nó đã lớn khôn còn hai người thì đã già đi từ bao giờ…Anh nhìn thật sâu vào đôi mắt người em vợ, điềm tĩnh nói:
- Ba và dì đã già cả rồi con gái ạ. Vả lại, từ lâu ba luôn coi dì Út như là cô em gái của ba, dì Út cũng coi ba như anh trai vậy. Ba và dì có thể chết vì nhau nhưng không thể vượt qua cái ranh giới máu thịt ấy để trở thành vợ chồng, con yêu ạ!
- Ba con nói đúng đấy! Tình yêu của ba và dì sẽ thắm thiết hơn nếu ba và dì làm theo ý con. Ngược lại, tình yêu của ba và dì sẽ vĩnh viễn thánh thiện, thiêng liêng nếu ba và dì không bước qua cái ranh giới mà ba con vừa nói. Chỉ có tình yêu thương của chúng ta dành cho nhau là vĩnh viễn không thay đổi. Nhân dịp giỗ mẹ con, chúng ta hãy xin phép mẹ con cho con gọi dì là mẹ. Con mãi mãi là con ruột của cả ba mẹ và dì.
Tuy điều nó mong muốn không trở thành hiện thực nhưng nó nhận ra rằng dù ba và dì có cưới nhau hay không cũng không có gì thay đổi trong tình cảm của mọi người ở gia đình nó. Ngoài hiên, ngàn tia nắng vẫn lung linh như từ thưở nào. Nó nép vào lòng dì Út, lần đầu tiên trong đời, nó gọi tiếng “Mẹ ơi”!
V.L