Nghĩ về thơ Đà Nẵng sau 1975 - Huỳnh Văn Hoa

01.11.2013

Nghĩ về thơ Đà Nẵng sau 1975   - Huỳnh Văn Hoa

I. Một là, diện mạo thơ Đà Nẵng sau 1975

            Tôi nhớ lại trong một tùy bút Nguyên Ngọc viết về phút giây yên ả của buổi chiều 29-3, khi người lính bước chân xuống bờ sông Hàn, rửa bụi đường chinh chiến, thì cũng là lúc mở ra những trang sử khác cho Đà Nẵng, trong đó có thơ ca, âm nhạc. Buổi chiều ấy, đến nay đã gần 40 năm. 40 năm, cũng nửa đời người, được và mất, nhận và cho, có và không, vui và buồn, v.v…hẳn trong mỗi người của chúng ta cũng đều có phần tham dự, chia sẻ. Thơ Đà Nẵng sau 1975 cũng vậy.

            Khi đọc Thi nhân Việt Nam, bản in của Nhà xuất bản Thiều Quang, Sài Gòn, 1967 (In theo bản lần thứ hai), Hoài Thanh đã thể hiện: Đây là một niềm tin tưởng cũng là hình ảnh của một thời…” (11-1942). Tôi muốn mượn những dòng trên, cũng chỉ nói một điều, đó là, hôm nay, chúng ta bàn về gần 40 năm thơ của một vùng văn học - thành phố Đà Nẵng, với bao tin tưởng, gửi gắm về đội ngũ của những người làm thơ thuộc các thế hệ khác nhau. Đội ngũ này, có người làm thơ từ trước 1975 như Đông Trình, Phạm Phú Hải, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao, Hoàng Tư Thiện (vùng đô thị) hoặc Lưu Trùng Dương, Bùi Công Minh, Thanh Quế,  Ngân Vịnh, Hoàng Minh Nhân, Đỗ Văn Đông (các nhà thơ tham gia chiến đấu). Sau năm 1975, có thêm một thế hệ làm thơ mới, trưởng thành từ những hoạt động thực tiễn như làm công tác giảng dạy, sáng tác, văn hóa cơ sở…

            Dưới mái nhà chung của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nãng và nay là thành phố Đà Nẵng, tất cả đều có những sáng tác mới. Có người xuất bản được một vài tập thơ, có người chưa in. Có người thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có người là hội viên cấp thành phố. Thấy gì qua gần 40 năm ấy và thấy gì qua đội ngũ này ? Theo tôi, có thể kể ra:

 

  1. 1.     Có một tập hợp rời của 3 thế hệ làm thơ.

Tập hợp thứ nhất, bao gồm những nhà thơ có sáng tác trước 1975. Sau 1975, vẫn tiếp tục sáng tác và có những tác phẩm định hình.

Tập hợp thứ hai, những người làm thơ sau 1975 đến thập niên 90 của thế kỷ XX. Tập hợp này đông đảo, giữ vai trò chủ đạo, làm nên thành tựu thơ của Đà Nẵng.

Tập hợp thứ ba, từ sau những năm 90 đến nay.

Thật ra, cách chia này cũng chỉ tương đối, mục đích để dễ nhận dạng chân dung các nhà thơ. Cũng có thể khẳng định rằng, ở mỗi tập hợp đều có những gương mặt thơ đáng chú ý.

 

  1. Thơ Đà Nẵng sau 1975 có đặc trưng gì?

Điều dễ thấy là, đó là nền thơ phản ánh những bước đi lên của Quảng Nam – Đà Nẵng và Đà Nẵng hôm nay. Cái tôi trữ tình của nhà thơ thường gắn với cái TA chung của của cuộc sống. Trong thơ của những nhà thơ trẻ, ta dễ nhận ra những nét đẹp tâm hồn của họ. Có thể cách viết, cách thể hiện khác nhau, song, chỗ gặp chung, đó là những vấn đề không bao giờ cũ về số phận con người, về nỗi niềm sâu thẳm của người nghệ sĩ với quê hương, đất nước và chìm nổi sau câu chữ là bao suy tư lắng đọng.

- “Ố vàng tờ lịch, chiếc lá rụng và màu vàng lúa chín. Lóng lánh giọt sữa, hạt gạo sáng trong bóng tối và răng chuột. Tiếng bom dội xuống ngày tôi chào đời Hà Nội ba mươi năm trước và tiếng bom đang dội xuống những mái nhà, cây cầu, bài thánh ca Belgrade những ngày này khiến nhân loại tức ngực.

Bước qua thế kỷ hay bước ra khỏi căn phòng của Nghệ Thuật Sắp Xếp ? Khi bình thản nỗi đau bày biện nói cười”.

                                                                  (Trần Tuấn, Từng đêm)

-          Người đàn bà

Lấy cô đơn làm lá chắn

Cho số phận mỏng manh của mình

                                                                  (Võ Kim Ngân-Người đàn bà)

-          Người đàn bà đổ đầy thau nước

Và sững sờ nhìn thấy mặt trăng

                  Nguyễn Kim Huy, Người đàn bà, thau nước và vầng trăng

      (Trích trong Nỗi lan tỏa của ngày, NXB Văn hoc, HN, 2004, t.9)

-          Cuộc đời trôi nhanh thật/ Mới sáng đã chiều rồi

Mai kia có nằm xuống/ Chết cũng giả vờ thôi.

Bùi Công Minh, Giả vờ (Trích trong tập Động và Tĩnh, NXB HNV, 2012, trang 75)

-          Trang thơ mỏng che phía nào cũng rét

Đành cậy nhờ chiếc áo chị đan cho.

Nguyễn Minh Hùng, Chị ơi, hạt nắng (Trích trong tập Chân trời,   NXB Đà Nẵng, 2002, t.38)

-         Một ngày tôi chợt biết/ Một ngày chợt nhận ra

Cuộc sống đẹp hơn mình tưởng/ Cuộc sống buồn hơn mình tưởng

Nguyễn Nho Khiêm, Sống (Trích trong tập NGUỒN, Thơ, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2008, t.55)

- Đường trời mình tôi cuốc bộ/ Đánh rơi khôn dại con người.Ngân Vịnh,   Đường trời (Trích trong Lặng lẽ tường đá ong, NXB Đà Nẵng, 2007, t.67

-          Tiếng chuông chùa/ Ướt mưa rơi/ Đi qua sương khói rối bời dại khôn/

Hắt ly rượu trắng hoàng hôn/Tóc ngày phai bạc/ Nỗi buồn tấy lên.      

                                    Ngân Vịnh, Nẻo đời, Sdd trang 32, 33

            Vẫn thích một giọng thơ nhẹ nhàng, gắn với hồn quê, dòng sông, bờ tre, bến nước của Ngân Vịnh, Đỗ Văn Đông, Trần Trúc Tâm, Trương Văn Ngọc, Lê Anh Dũng, Trần Khắc Tám, Bùi Xuân, Hoàng Tư Thiện. Yêu chùm thơ vừa nữ tính vừa tung phá của Phan Hoàng Phương, Võ Kim Ngân, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang, Lê Thu Thủy. Thích chất triết luận trong thơ Đông Trình, Nguyễn Minh Hùng, Thanh Quế. Yêu chất humour, dí dỏm, tự cợt mình trong thơ của Bùi Công Minh. Quý những mảnh đời thường, như chị như mẹ trong thơ Nguyễn Kim Huy, Trần Tuấn, Hoàng Minh Nhân.

       Có thể kể ra nhiều câu thơ, bài thơ như vậy trong các nhà thơ đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Ở họ, nói như Trần Đăng Khoa, có 3 yếu tố, đó là : giản dị, xúc động và ám ảnh. Quả đúng vậy !

       Thơ Đà Nẵng phần lớn nhẹ nhàng, chân chất, dung dị, gần với đời sống. Những thể nghiệm về hiện đại hóa thơ ca, đổi mới thơ ca, ngôn ngữ thơ ca, có được sự quan tâm của nhiều nhà thơ. Hãy nghe Thanh Quế tự bạch:

       Tôi muốn đổi thơ tôi/ Khác trước/ Dù một từ, một dấu phảy/

       Chẳng để làm gì/ Chẳng mong ai biết đến/ Tôi tự chuyển động/

       Chỉ để báo rằng mình còn sống .

                   (Nhà văn VN hiện đại tại ĐN, NXB Đà Nẵng, 2012, trang 218)

       Song, theo dõi, vẫn thấy thơ Đà Nẵng, về đổi mới thi pháp, về hiện đại hóa ngôn ngữ thơ ca, về lạ hóa trong cách nhìn, cách chiếm lĩnh hiện thực,…vẫn chưa quyết liệt, chưa đi đến tận cùng, chưa mạnh dạn xới tung, chưa đối lập với thi pháp cũ để thu hút, tranh luận, đối thoại, tạo sự chú ý của bạn đọc, đặc biệt đổi mới hệ thống thi pháp, tạo giọng điệu riêng, độc đáo trong việc chủ quan hóa hiện thực. Chỉ mới một Trần Tuấn với Ma thuật ngón. Tiến hành lần đầu vào năm 2008, Giải thưởng thơ Bách Việt đã chọn được 5 tập thơ vào chung khảo là: “Những ngọn triều nhục cảm” (Đỗ Doãn Phương), “Ma thuật ngón” (Trần Tuấn), “Đêm và những khúc rời của Vũ” (Lê Vĩnh Tài), “Thức ăn của ngày hôm nay” (Đỗ Trí Vương), “Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới” (Nguyễn Thế Hoàng Linh).

        Sau Trần Tuấn, Phạm Phú Hải với Một hôm núi khóc (Giải thưởng thơ Bách Việt). Cõi riêng của Phạm Phú Hải, đó là nỗi bi thương, đau đáu về những trăn trở thẳm sâu đối với thân phận làm người. Nhà thơ tự nói về mình: Trên đầu ta chằng chịt/ Những cái gì bưng bít/ Loay hoay gỡ chẳng ra/ Cả vô cùng tiền kiếp/ Ta chỉ nói một lần/ Nếu trời đất lần khân/ Ta sẽ đè đầu xuống/ Đập cho vỡ tan tành (Lộn).

       Ông có những câu thơ kỳ lạ, đầy cổ quái: Ba năm cầm hoa đi phúng điếu/ Chẳng gặp người xứng ý để trao hoa/ Gặp lũ cóc bên đường giương mắt trợn/ Kính cẩn dâng và kính cẩn về nhà... (Phúng điếu).

       Thơ đạt giải, người thơ đã về với cát bụi. Phạm Phạm Phú Hải đã tạo ra được một thế giới thơ riêng, thế giới của những vần điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, cấu tứ, .. . không giống đời thường, rất sáng tạo và rất đáng trân trọng !

       Trước đây, cũng hai thập kỷ đã qua, có hai nhà thơ nữ, có giọng điệu riêng, được biểu dương, rồi dần trôi vào im lặng. Tôi trích lại những nhận xét của Hoàng Hưng để tham khảo: 

       “Lê Thu Thuỷ với tứ thơ táo bạo: “Đêm/Chúa ở chỗ nào cứ ở nguyên chỗ ấy...”. Để kết thúc bằng sự khẳng định thân phận trần thế của con người: “Tôi nhỏ tí như một vì sao lạc/Lũ gián bò lặng lẽ đến rờ tôi” (Đêm). Bài thơ viết năm 18 tuổi. Sau đó, cô sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng gửi cho tôi một tập thơ đã xuất bản năm 1991 (lúc 19 tuổi) ở Đà Nẵng (Thơ cho Isaura). Tập thơ xứng đáng được ghi nhận vì giọng điệu mới lạ trong thể thơ bậc thang đã lâu bị quên lãng nhưng được chị làm mới trở lại một cách dễ thương. Tập thơ có nhiều bài khiến tôi phải ngạc nhiên vì cái nhìn đầy bản lĩnh về thế giới, vũ trụ, loài người, trong cái cảm vẫn hồn nhiên nghịch ngợm của cô học trò ương bướng, thách đố. 

       Người thứ hai là Lê Viết Hoàng Mai, cũng sinh viên Đà Nẵng. Tôi mới đọc vài bài của cô, nhưng tôi cho bài “Hẹn chị trên đồi cỏ tía” mà báo Lao Động giới thiệu là một trong những bài thơ tình độc đáo và xúc động nhất. Đây là thơ của một người con gái thương một người con gái vất vả lỡ thì. Bài thơ rất thực thà, dân dã: “Chị tôi đen/sấp ngửa nắng mưa trên cánh đồng nứt nẻ/ra đường chị te tái chạy/duyên đâu?/mà để tìm chồng” để rồi hạ một câu kết bàng hoàng thật nhân bản: “Ước chị hoá đàn ông/hẹn chị trên đồi cỏ tía”. Sắc cỏ này thật là thời đại, nó không vàng ảo não như đã thành sáo trong tiền chiến, không xanh mướt một cách thông dụng dễ dãi mỗi khi nói về tình yêu. Sắc tía này có sự cứng cỏi và có vị đắng. Còn cái hẹn ước ở đây, giữa hai người đàn bà, dù được cẩn thận rào đón (ước chị hoá đàn ông), cũng thật là thấm đượm tinh thần thời đại!”

 

       Những dẫn chứng dài dòng trên, một lần nữa khẳng định, thơ Đà Nẵng có những thành tựu nổi bật trong gần 40 năm qua. Thành tựu này thể hiện qua:

- Chất lượng sáng tác đồng đều và có những tìm tòi, đổi mới, đáng trân trọng;

- Xây dựng được đội ngũ sáng tác đông đảo;

- Đạt nhiều giải cấp trung ương và địa phương;

- Có những đóng góp nhất định vào nền thơ Việt Nam;

- Giữ được bản sắc của một vùng văn học.

 

II. Xu hướng phát triển của thơ Đà Nẵng

 

        Bàn về sự phát triển của thơ, có nhiều điều cần trao đổi, thảo luận, có khi ngược chiều, theo tôi, có những điểm sau :

  1. 1.       Đổi mới thơ:

Phải dứt khoát đổi mới thơ. Đổi mới để đi tới. Đổi mới để tồn tại và phát triển. Không đổi mới đồng nghĩa với an phận và thụt lùi.

Sau khi Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng thơ cho tập Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều, như là tôn vinh sự thành công “đổi mới thơ đương đại”, thì vấn đề này được bàn nhiều. Đến nay, như đã ngã ngũ. Trong các ngày 4,5 tháng 6 năm 2013, tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nhà văn Việt Nam mở Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III, nhiều tham luận đã bàn về vấn đề này. Theo tôi nghĩ, đổi mới, hiện đại gì đi nữa cũng không được đưa thơ đi về phía bí hiểm, dung tục, xa lìa nguồn cội. Tế Hanh có ý kiến về lĩnh vực này thật chí lý, có thể tóm lược:

           Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này, những nhà thơ Việt Nam không thể nào tránh được hai yếu tố căn bản sau đây:

            - Thơ mình phải mang tính hiện đại. Thơ không hiện đại sẽ rơi vào cũ kỹ.

- Thơ phải là dân tộc, nếu không dễ trở thành lai căng. Học tinh hoa của người đi trước để thơ mình khỏi mất gốc.

Dân tộc, hiện đại phải vừa đối lập nhau, phải vừa bổ sung cho nhau.Tuy vậy, cần quan tâm ‎‎‎‎‎đến ‎‎những dòng nhận định của Vương Trí Nhàn, trong Tâm sự của người viết phê bình, bày tỏ:Gần đây, tôi ngại đọc thơ hẳn đi…Đọc thơ sao khó khăn đến thế. Cầm tập thơ rất mỏng trên tay, nhiều khi cứ thấy ngại, và đọc xong, đầu óc mung lung, khó lòng nói một cách dứt khoát là hay hay dở”. Tôi nghĩ, ý kiến của Vương Trí Nhàn dễ được nhiều người trong chúng ta chia sẻ. Tôi trích lại câu trên trong bài viết Giới hạn của sự đọc và phê bình thơ hôm nay của Lưu Khánh Thơ, đăng trên Tạp chí THƠ, số 6-2013.

 

  1. 2.     Vốn văn hóa cho người làm thơ

Người làm thơ, làm văn rất cần vốn văn hóa. Văn hóa là nền tảng để làm nên những trang viết có chất lượng. Văn hóa cũng sẽ góp phần tiếp nhận, đổi mới tư duy thơ.

Xin lỗi, tôi xin được trích một câu của nhà văn Sơn Nam. Sơn Nam trong một phỏng vấn đã chua chát và đớn đau phát biểu rằng : Nhà văn ăn nhậu nhiều hơn đọc sách (Xem Lao Động, ngày 22 tháng 4 năm 1995). Nhận xét ấy không phải không có cơ sở. Bức tranh sinh hoạt chung của không ít nhà văn, nhà thơ hiện đại, nhất là ở những người viết trẻ vốn văn hoá của họ còn hạn chế. Cứ nhìn trang viết của họ thì rõ, sai từ lỗi dùng từ, ngữ pháp đến những kiến thức của những bộ môn khoa học khác. Họ cứ tin vào cái vốn sẵn có cộng với năng khiếu bẩm sinh và cứ thế là viết, không nghĩ đến ngày cạn vốn. Dân gian ta có câu Có bột mới gột nên hồ. Bột ấy, xét trên bình diện nghề nghiệp, chính là nền tảng văn hoá..

 

            Lùi về xưa, ta thấy Nguyễn Trãi đâu chỉ là nhà thơ, nhà chính trị thiên tài, mà còn là nhà nghiên cứu địa lý nổi tiếng. Dư Địa Chí (1438) là tác phẩm phản ánh cái uyên thâm của Ức Trai. Đến những Thạch Lam, Xuân Diệu, Chế Lan Viên sau này cũng vậy. Đọc Theo dòng của Thạch Lam, có thể  thấy sức đọc của nhà văn là rất lớn, bao quát nhiều nền văn học của thế giới, từ Flaubert, G.de Maupassant, H.de Balzac, André Gide, Henri Duvernois đến L.Tolstoi, Dostoievski, Turgeniev, Goncharov, Tchékhov, Ch. Dickens,... Và, rất có thể ông đã tìm thấy ở những bậc thầy văn chương này một số kinh nghiệm viết. Nguyễn Tuân cũng là người đọc nhiều và nghĩ nhiều. Có người đã từng đùa và bảo, giả như không có Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa Đàn, Sông Đà, thì những Tản mạn xung quanh một áng Kiều, Thời Và Thơ Tú Xương, Truyện Tắt Đèn, Đôtxtôi, Thạch Lam, Truyện Ngắn Lỗ Tấn, ... cũng đủ làm vinh hạnh cho nhà văn. Chế Lan Viên lại càng lý thú hơn. Bên cạnh một sự nghiệp thơ ca sừng sững, sẽ tiếp tục gây ngỡ ngàng nhiều thế hệ, còn là một Chế Lan Viên sắc sảo, thâm hậu trong nhiều bài viết, bài phát biểu về văn chương và cuộc sống . Cái gì quyết định vị trí và chỗ đứng đó của Nguyễn Tuân và Chế Lan Viên, xin thưa đó là văn hoá.

 

            Một trường hợp khác, Xuân Diệu. Khoan nói đến thơ ca, lĩnh vực ấy, nhiều người khó vượt qua ông. Và, chỉ ngần ấy thôi, Xuân Diệu cũng đã vĩ đại. Song, không chỉ vậy, Xuân Diệu còn là người tổng luận 5 thế kỷ thơ ca. Xuân Diệu không viết về năm thế kỷ thơ ca ấy, ông cũng đã có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học của dân tộc. Suốt thời gian sống trên cõi thế, Xuân Diệu đã học tập và làm việc một cách không ngừng nghỉ, đam mê và miệt mài. Ông đã để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học bổ ích, đáng trân trọng.

            Còn nhiều tấm gương đẹp đẽ ở các nhà thơ, nhà văn luôn có ý thức trau dồi về văn hoá, tạo nội lực cho ngòi bút và trang văn của mình.

            Ở trên, tôi đã lẩn thẩn tìm về những suối nguồn như thế để mong nói một điều rằng, như Chế Lan Viên đã viết, cái vốn trời cho và cái lãi phải làm ra. Vốn không sinh lãi, thì đến một lúc cả chì lẫn chài đều mất. Văn hoá không tự dưng mà có. Nó là cả quá trình tích luỹ, không ngừng dung nạp.                       

            Sáng tạo nghệ thuật không bao giờ là việc làm đơn giản. Sáng tạo là một cuộc chạy đua đầy nghiệt ngã, gian khổ và căng thẳng. Nếu bản thân người nghệ sĩ không tự nâng cao vốn văn hoá, không vươn lên phía trước bằng nỗ lực học tập của chính mình, thì không sớm thì chiều sẽ gặp lại mình, sẽ chia tay với người đọc.

            Văn chương không phải là sự tung tẩy của ngôn ngữ. Chính vốn văn hoá mới mở rộng tầm nhìn của nhà văn. Tất cả những nghệ sĩ lớn đều là những người kiên trì học hỏi suốt đời. Và, cuối cùng xin mượn ý kiến của Lê Quý Đôn để kết thúc phần lạm bàn về văn hóa :

            " Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì viết văn mới hay ... Muốn văn hay thì phải hiểu và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được ".

 

  1. 3.     Xu thế thơ Đà Nẵng không thể tách xu thế thơ Việt Nam 

3.1. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với một hiện thực, hiện thực đó không có gì đáng phấn khởi. Đó là: 

-          Thơ in tràn lan, không phân biệt đâu là thơ thật, đâu là thơ phong trào.

-          Giải thưởng cũng tràn lan. Nặng về biểu dương.

-          Phê bình, thẩm định thơ thiếu chuẩn mực, dẫn đến sự từ chối của người được trao giải.

-          Phẩm chất và tài năng của người chấm giải chưa/không tạo nên uy tín, thiếu tính thuyết phục.

-     Đội ngũ phê bình thơ thiếu, yếu, không được chú ý đào tạo cơ bản, lâu dài, chưa thành bà đỡ cho các nhà thơ trẻ,…

      Thơ Đà Nẵng làm sao ít và tránh vướng vào những hạn chế trên.

3.2.         Tạo diễn đàn cho thơ và thơ trẻ tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn,…

3.3.         Giao lưu, trao đổi với các hội bạn, với sinh viên ngành khoa học xã hội - nhân văn trên địa bàn Đà Nẵng và miền Trung.

 

Gần 40 năm qua, Đà Nẵng có một nền thơ, có một đội ngũ làm thơ và có không ít những cây bút thành danh, dưới góc độ này hoặc góc độ khác. Những người làm thơ của Đà Nẵng vẫn đầy khát vọng, khát vọng lột xác thơ, lộn trái thơ, làm mới cho thơ, nói như Chế Lan Viên, như người đẹp “đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng”. Tôi vẫn luôn nghĩ, ở vùng đất luôn quẫy đạp này, không chịu ngồi yên, không chịu nằm yên, luôn đi về phía trước, luôn đặt ra câu hỏi “ta đang ở đâu và ta sẽ làm gì ?” thì thơ ca của vùng đất ấy cũng sẽ vươn mình, thao thức và đi tới !

 

         

 

                                                                                       H.V.H