Sóng vỗ bờ - Truyện ngắn Hoài Sang

27.08.2018

Điện cúp từ hồi chiều, bọn trẻ con trong xóm đang chơi trò “năm - mười” gọi nhau í ới. Ăn cơm xong tôi chui vô phòng nằm nghe  mùi hương cau thoang thoảng. Có tiếng gọi từ nhà trên:
- Biển.
- Dạ, chi rứa mạ?
- Ba bây kêu tề.
Đêm tĩnh lặng lạ thường, không khí lạnh tràn vào nên nhà ai cũng đóng cửa im ỉm. Thường thì mấy mụ trong xóm hay tụ tập nhà mô đó để đan lưới nhưng tối nay cúp điện, có lẽ mọi người đã ngủ rồi cũng nên. Tôi lên nhà trên, bóng ba đổ dài heo hắt theo ánh đèn dầu. Mấy mươi năm lênh đênh trên biển, làm bạn cùng trời mây nước, ba vẫn giữ được vẻ cường tráng của đàn ông xóm biển, nhưng mắt ông có vẻ mờ và tóc đã điểm hoa râm.

Sóng vỗ bờ - Truyện ngắn Hoài Sang

- Dạ, ba kêu con.

- Bữa ni thời tiết phức tạp quá, không biết đường mô mà lường.

- Dạ.

- Bây đi dạy nhớ mặc thêm đồ ấm vô, không rồi lại đau ra đó ai lo.

- Dạ.

- Biển nì, chị Thuyền bây ở bên Mỹ hồi chiều điện về.

- Dạ con biết ba.

Ba im  lặng, nhìn vào khoảng không tối mịt, tiếng gió xào xạc qua hàng phi lao trước ngõ, tiếng sóng vỗ đều đều rào rạt. Mạ rót thêm ly trà ấm cho ba.

- Có chi ba bây nói cho con nó biết.

- Ừ, con Thuyền muốn cả nhà chuyển lên Vỹ Dạ ở.

- Răng được ba bây, quê mình mình ở chứ đi mô nữa - Mạ vừa nhai trầu vừa thủng thẳng đáp.

- Con cũng nghĩ rứa, tự dưng lên trên nớ ở coi không được mô ba.

- Ba có muốn đi mô, ba nói là nói bây với mạ bây tề. Con cũng thấy đó, mấy ngày ni tivi phát cảnh sóng thần ở Nhật, tất cả chìm trong dòng nước còn chi nữa mô.

Mấy hôm nay tin sóng thần ở Nhật Bản làm người dân trong làng nháo nhác. Sóng thần, chỉ nhắc đến sóng thần thôi là người ta co rúm lại. Ừ, thì năm 1999 đó, không phải là sóng thần rứa mà biển tràn vào cũng cuốn phăng một ngôi làng ở cửa biển Thuận An. Rồi cách đây một năm, khi tin khẩn sóng thần sẽ đổ bộ vô làng, mọi người rồng rắn kéo nhau lên phố trú ngụ.

Cảnh con khóc vợ la chen chúc hối hả chuyển đồ đi. Những người đàn ông vạm vỡ cả đời ăn sóng nói gió nghe tin sóng thần cũng cuống cuồng lên. Xóm làng im ắng chỉ còn bóng ba ra vô hối thúc mạ cùng tôi nhanh nhanh chuyển lên phố. Ba thì nhất quyết không đi. Ông bảo nếu chết ông muốn chết trên mảnh đất quê hương, nơi con sóng ngày đêm vỗ, lúc hiền hòa như tiếng mẹ ru, lúc hung dữ như quỷ thần đến đòi mạng.

- Mạ bây với con Biển chuyển lên với thằng Hải. Hắn ở trên nớ một mình tui cũng không yên tâm.

- Răng mờ ôn lo xa xôi dữ rứa. Tui với ôn sống ở đây gần hết đời rồi mà có chuyện chi xảy ra mô nờ.

- Rứa mạ bây không thấy đó à, biển càng ngày càng lấn vô đất liền, xóm tằm chuyển đi hết đó. Không chừng mấy năm nữa biển vô cuốn đi luôn cái nhà ni cũng có. Mạ bây với con Biển cứ lên ở với thằng Hải.

- Còn ba bây thì răng?

- Tui ở đây không đi mô cả. Còn con Biển, hết học kỳ ni thì xin chuyển trường lên trên nớ mà dạy luôn. Tui tính rứa rồi đừng có mà cãi lời.

Ba nói rồi lặng lẽ vô buồng nằm. Bước chân ông nặng nhọc, chắc ông cũng suy nghĩ dữ lắm. Tính ba tôi rứa, nói một là một hai là hai. Chẳng ai trong nhà cãi lời ông, nói đúng hơn là không dám cãi. Ba luôn dùng uy lực của một người đàn ông trụ cột của gia đình để áp đặt mọi người phải nghe theo. Nếu trái ý ông, không chừng phong ba bão táp nổi lên từ phía ông còn ghê gớm hơn từ phía biển cả.

- Bây tính răng Biển? Ba bây không nói chơi mô.

- Dạ. Con thấy khó quá mạ ơi. Mạ không muốn đi con cũng rứa thôi.

- Chừ nói răng với ba bây, có phải nói đi là đi được mô, còn công việc của con nữa.

Hai mạ con ngồi nhìn nhau trong bóng đêm cố tìm kiếm cách giải quyết. Mạ nói đúng, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi chỗ khác ở. Những năm đại học tôi ở Vỹ Dạ cùng Hải, em trai tôi. Hồi chị Thuyền về nước lần đầu tiên sau bao nhiêu năm bôn ba xứ người, chị bàn với ba tôi mua mảnh đất trên đường Phạm Văn Đồng để xây cái nhà nho nhỏ cho chị em tôi lên phố học hành thuận tiện.

Ngày ấy đường Phạm Văn Đồng còn hiu hắt chứ không tấp nập như bây giờ nên cũng không khó để chị mua được mảnh đất đẹp. Ba mạ muốn tôi lập nghiệp ở phố sau khi ra trường, đừng về quê nữa mà khổ. Còn anh, anh đưa ra tối hậu thư cuối cùng, ở lại thành phố thì cưới còn không... chia tay. Rứa rồi chia tay thiệt, anh nhìn trân trân còn tôi lặng lẽ ra đi.

Tôi về tắm dòng nước mặn chát của quê, tôi về bàn chân lún trong đất cát. Bạn bè tiếc rẻ cơ hội của tôi khi nghe tin tôi được giữ lại trường. Ừ, thì bỏ lại phố xá để về đứng trên bục giảng ngôi trường làng quê nơi mình đã một thời gắn bó. Ừ, thì về để những lời giảng bài của mình hòa trong tiếng sóng vỗ về. Và khóc khi những khó khăn bao trùm, nhưng cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy bình yên trong cái nắng gắt của một ngày nắng quái.

Làng tôi nằm bên bờ biển thoai thoải, trước mặt là phá Tam Giang trù phú chảy qua nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Giáo viên về dạy đây được một thời gian rồi lại ra đi không một lý do. Có thể cuộc sống còn nhiều khó khăn, nước không đủ dùng, tiện nghi thì quá thô sơ. Ừ, thì cũng có khi nắng quái mưa sa thỉnh thoảng làm thầy cô nhức đầu sổ mũi; cũng có khi học trò vùng biển ăn cá thì nhiều nhưng đầu óc thì không được thông minh.

Ngàn lẻ một lý do để người ta cất bước ra đi khi người ta không có gì để gắn bó. Tôi về trường được bốn niên khóa, ngậm ngùi khi mỗi dạo tết đến số học sinh trong lớp vơi dần đi. Chúng vào phương Nam xa xôi tìm giấc mộng đổi đời dù chưa đủ tuổi thành niên.

Đã bao đêm tôi trằn trọc vì lũ học trò và ám ảnh những lời nói của phụ huynh: “Tui không có tiền cho thằng Tuân đi học mô. Tui cũng đã cố lắm rồi nhưng cô coi, biển cả bữa đực bữa cái, nhiều khi không có gạo mà ăn. Thôi cô à, học chi cho nhiều rồi cũng lênh đênh sóng nước, tui tính cho hắn đi Sài Gòn...”. Mọi việc chưa đâu vào đâu thì nay ba kêu tôi chuyển trường, xa rời nơi đây hay răng?

oOo

Chiếc xuồng từ từ lướt đi trên con sóng nhẹ tênh. Chiều nay biển thật dịu hiền. Sau một thời gian ở nhà dưỡng bệnh, ba bảo ba nhớ biển chi lạ. Ông lật lại chiếc xuồng nằm chơ vơ lẻ loi trong nắng. Mạ nói thôi ba bây mới bệnh xong ở nhà ít bữa cho khỏe, ra ngoài khơi trái gió trở trời rồi răng? Mạ bây hay lo, ở nhà tui thấy bệnh thêm. Rứa rồi ba đi.

Mấy ngày sau không nghe ba nhắc chuyện lên Vỹ Dạ ở. Mạ với tôi cũng không nhắc tới, lảng tránh thì đúng hơn. Trong nhà, ba chỉ nghe mỗi lời chị Thuyền. Anh Cảng vào Sài Gòn học, giờ cũng có chức có quyền nhưng không bao giờ dám cãi lời ba, một lời dạ ba, hai lời cũng dạ ba. Khi nghe chuyện ba muốn tôi cùng mạ lên Vỹ Dạ ở, anh Cảng hùa theo, rứa mạ với o lo mà thu xếp đi.

Mạ lo dữ, tôi cũng lo, mong ba quên lời nói hôm bữa cho nhẹ người. Ba không biết, mạ cũng không biết, tiếng sóng đã đi vào máu thịt tôi rồi. Không có tiếng sóng tôi không tài nào chợp mắt, không có sóng, lòng tôi chênh vênh đến tội nghiệp. Nếu có sóng thần vô thì để sóng cuốn con đi chứ nếu thiếu sóng, biển có còn là biển không ba?

oOo

Trưa, tôi từ trường về thì mụ Mai lon ton chạy qua:

- O Biển mới đi dạy về à?

- Dạ, nắng ri mà mụ Mai đi mô rứa. Ờ, mờ ba mạ tui đi mô hè?

- À, ôn mụ đi thăm chú Hải rồi. Mụ dặn o về thì cho heo ăn luôn, chắc ôn mụ đi một hai ngày chi đó.

- Dạ.

- O Biển qua nhà tui ăn cơm luôn hỉ. Bữa ni tui um cá khoai ngon lắm.

- Cá khoai chú Một đi lưới vô à, chắc bữa ni bán được tiền lắm hè?

- Mắc lắm o Biển nờ. Mấy bữa ký cá có 7.000 chớ mấy, rứa mờ ngày ni lên 20.000. Tui bưng cá vô chợ mấy người xúm vô mua hết luôn.

- Răng mụ không bán hết luôn để ăn chi nữa, bán kiếm thêm ít tiền chớ.

- Kệ chớ, hồi sáng mụ nói nấu cơm cho o Biển ăn luôn nên tui để lại đó, có đáng chi mô nờ.

Mụ Mai cười xởi lởi rồi kéo dép đi về. Nhà mụ Mai bên cạnh nhà tôi, cách hàng rào thuốc dấu. Ôn Một một mình một xuồng, chiều kéo xuồng xuống nước, hửng sáng lại vào bờ như ba tôi rứa. Nhưng ôn chăm chỉ lắm, một nách nuôi ba đứa con ăn học, theo lời mụ Mai nói là cho chúng học sau này như o Biển cho sướng thân.

Trong xóm tôi nhà mô cũng khổ, cũng nghèo, nhà mô có người thân đi nước ngoài thì đỡ hơn. Ba thì không cho con cái đụng vào những gì liên quan đến nghề chài lưới. Hồi nhỏ, tôi thấy bạn bè trong xóm đứa mô cũng đan lưới nên cũng tập tành cho biết, ba biết được đã cho tôi ăn một cây roi mây đến bây giờ vẫn nhớ. Em Hải thì nặng hơn.

Trưa nắng chang chang Hải theo mấy đứa con trai trong xóm đi lặn nghêu, ba đã bắt hắn quỳ gối suốt một ngày, mạ xót thương con nhưng ba thì không nhân nhượng. Ba bảo nghề biển cực khổ, không biết sẽ tốt hơn. Với ông, chỉ có học mới thoát khỏi làng chài nghèo khổ này.

Những bậc phụ huynh như ba tôi cũng có chung niềm mơ ước như rứa nhưng ngặt nỗi cuộc sống khó khăn làm họ chùn bước. Nếu nhà tôi không có chị Thuyền ở Mỹ lo chuyện học cho mấy em thì giờ này có lẽ tôi đã là một mụ bán cá lắm lời, hay chỉ là cô công nhân trong một khu công nghiệp mô đó như mấy đứa bạn; còn Hải sẽ là chàng trai vạm vỡ khoe cơ bắp với những con sóng bạc đầu, tu rượu như nước lã hay trở thành một người thợ pháp lam đi dọc suốt chiều dài đất nước để làm những  lăng mộ màu sắc rực rỡ như những chàng trai trong làng, thay vì trở thành chàng kỹ sư IT như bây giờ.

Bao đứa bạn của tôi bỏ giấc mộng học hành để lao vào đời kiếm miếng cơm manh áo. Đồng tiền thật ghê gớm, nó biến cô gái xuân thì mòn mỏi trong đợi chờ và dần dần rơi vào tuyệt vọng. Những người chị, người bạn ôm mộng Việt kiều, một bước đổi đời từ lọ lem trở thành hoàng hậu.

Cuộc sống không là mơ cũng không là thơ, và cuộc sống không là cổ tích, họ hi vọng để rồi đánh mất tuổi xuân lúc mô không hay. Nhưng giữa cái nghèo họ bao bọc lấy nhau, sống có tình có nghĩa. Làng xóm lúc mô cũng bình yên. Mụ Mai đang kêu tôi qua ăn cơm...

.oOo

Anh Cảng cùng vợ con bay từ Sài Gòn ra. Hai đứa cháu quấn tôi lắm. Con gà mái mẹ dẫn đàn con hiên ngang đi trong sân, chốc chốc lại xù lông cảnh giác hai đứa trẻ nghịch ngợm. Cả nhà quây quần ăn cơm trên bộ ngựa trước nhà.

Nghe mạ kể lại, bộ ngựa là của hồi môn ôn nội cho ba cưới mạ. Chỉ những trường hợp đặc biệt mới được ngồi lên đấy, ngoài ra ba cấm tiệt. Chị dâu là người miền Nam nhưng về làm dâu nhà Cảng, được mạ dạy nấu mấy món Huế chừ trổ tài được ba khen là được.

Đang cười nói rôm rả chợt anh Cảng hỏi khó:

- Rứa o Biển khi mô cho cả nhà ăn bánh phu thê hè?

- Anh tề, em còn nhỏ mờ - tôi đấu dịu.

- Nhỏ chi nữa, 26 tuổi rồi đó - ba bồi thêm - Hỏi mạ bây coi, 18 là về làm dâu, 19 tuổi là có chị Thuyền bây.

- Chị mà không “chống lầy” là thành mụ o khó tính đó. Em thì em thích chị em lúc mô cũng “dễ xương”. Hì hì - thằng Hải cố chen cho được một câu “xanh rờn”.

Đứng trước học trò, tôi hùng hồn lắm răng chừ câm như hến? Nói chi chừ, không lẽ nói tôi không muốn lấy chồng, muốn ở rứa với ba mạ. Xoàng quá, câu này o mô mà chẳng nói. Ừ, rồi tôi cũng lấy chồng như bao người con gái khác, như biển thì cuộn lấy sóng mới thành biển được chớ. Cả nhà cười đang bàn kế hoạch kiếm cho tôi một anh chàng “ngon lành”.

Mạ tủm tỉm cười, mạ vui lắm khi ba bảo thôi mụ với con Biển không đi mô hết, ở đây có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Tôi nhảy chân sáo như trẻ được quà. Khi mảnh đất quê hương ngấm vào máu thịt bạn, xa nó cảm giác đau đớn không  thể nào tả xiết. Và nay, tôi không phải mang sóng vào giấc mơ, giấc mơ của tôi sẽ êm đềm, tôi tin rứa vì biển và sóng đã ôm trọn trái tim tôi rồi. Như ba tôi vẫn thường dạy các con: Hải - Biển thì phải luôn yêu Thuyền yêu Cảng.

oOo

Nắng tháng tư nhảy múa cùng hàng phi lao trước ngõ. Gió hát thì thầm bài tình ca cùng biển. Biển hiền hòa khoe một màu xanh ngọt ngào, những con sóng ôm ấp lấy nhau. Đứng trên đồi cát cao, người con gái mơ mộng đến một bàn tay ấm. Bàn tay ấy sẽ dẫn cô qua những đồi cát miên man, qua những con sóng lăn tăn và cả sóng gió cuộc đời. Hình như nắng vừa rơi một giọt rất khẽ vào mắt cô.  


 H.S