Rất nhiều hy vọng vào những trang viết của các em - Nguyễn Kim Huy

05.08.2019

Rất nhiều hy vọng vào những trang viết của các em - Nguyễn Kim Huy

Trại hè sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng 2019 thực sự đã có một mùa bội thu tác phẩm rực rỡ sắc màu hoa phượng và nồng nàn tươi tắn những cảm xúc của “thế giới hồn nhiên” với 25 tác phẩm 14 trại viên học sinh THCS và THPT của thành phố đã hoàn thành trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 1 tháng tham dự trại.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc 25 tác phẩm của các em là sự phong phú đa dạng về đề tài. Ngoài những đề tài quen thuộc gần gũi với lứa tuổi các em như tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình ruột thịt, ngôi trường thầy cô bạn bè... rất nhiều trang viết của các em đã tiếp cận đến nhiều vấn đề lớn hơn, rộng hơn, đôi khi có vẻ như còn xa tầm tư duy của lứa tuổi như chiến tranh và hòa bình, vấn đề môi trường và tương lai của nhân loại, vấn đề việc làm, nhân cách trong cuộc sống hiện đại hoặc... triết lý của người điên! Đặc biệt, chuyện yêu và bao điều cần nói về tình yêu đầu đời huyền bí, kỳ diệu, với những hạnh phúc lớn lao và nỗi đau nhức buốt ban đầu của nó được khá nhiều em thể hiện với những trang viết say mê, thú vị và đầy khám phá. 

Hầu hết các truyện ngắn và bút ký, tản văn được các em diễn đạt với một văn phong khá nhuần nhuyễn, mạch lạc, có sức lôi cuốn người đọc bởi những ngôn từ và hình tượng văn học dạt dào cảm xúc, thực sự chân thực trong sáng và có hồn. Không có trang viết nào rơi vào sự cường điệu ý tưởng, sáo rỗng ngôn từ hay cảm xúc giả tạo. Các em viết như sự hồn nhiên rộng mở trong tư duy và tình cảm của lứa tuổi các em, không cố tình cách tân phá cách nghệ thuật trong trang viết dù nhiều em cũng đã có ý thức tìm tòi cách thể hiện mới mẻ như Gã điên đi chu du của Hoàng Vương Tường Vy hay

Trở lại của Thái Nguyễn Khánh Uyên, Bù nhìn của Nguyễn Phạm Oanh Oanh có cách sử dụng ngôn từ, cấu tứ, xây dựng hình tượng nhân vật khá mới lạ, độc đáo, sắc nét.

Chùm 5 truyện ngắn Bạn tôi, Hiếu của mẹ, Búp bê không gia đình, Chuyện yêu, Yêu của Nguyễn Thùy Yên Thảo (lớp 11/1 THPT Nguyễn Hiền) có thể nói là một điểm nhấn bất ngờ của kết quả trại sáng tác. Từ cách đặt tên truyện, cấu tứ đến xây dựng cốt truyện, hình tượng và tính cách, tâm lý nhân vật, ngôn từ thể hiện... đã nói lên sự chắc tay và bước đầu nắm vững kỹ thuật viết truyện ngắn của tác giả học sinh đầy tình yêu văn chương này. Đáng trân trọng hơn nữa, là sự hiểu biết, chia sẻ, cảm thông sâu sắc và thành tâm với các bậc cha mẹ, người bạn nghèo, những đứa trẻ bất hạnh thiếu mái ấm gia đình...: “Suy nghĩ của em về búp bê kia cũng là suy nghĩ của em về chính thân phận, cuộc đời và hoàn cảnh của mình. Hy vọng và mơ tưởng đến một ngày chị mình lấy chồng và búp bê sẽ có gia đình cũng chính là hy vọng của em về gia đình thực thụ của chính mình... (Búp bê không gia đình) đã làm nên cái hồn nhân văn xúc động trong những truyện Hiếu của mẹ, Bạn tôi, Búp bê không gia đình tưởng chừng đang dần trở nên xa lạ với tâm hồn những em học sinh thành phố đô thị ngày nay. Hiếu của mẹ có cấu tứ khá lạ (về chủ nhân thực sự của bức thư là bà nội) đột ngột xuất hiện ở phần kết truyện ngắn, làm nên sự độc đáo cuốn hút của truyện. Yêu và Chuyện yêu cũng là những truyện ngắn có cấu tứ và ngôn từ diễn đạt khá cuốn hút, có những ý tưởng phát hiện rất đáng ghi nhận về yêu và chuyện yêu của tuổi trẻ học đường hôm nay.

Sự hóa thân và khám phá tâm lý đặc biệt của nhân vật người điên Ba Đề trong truyện ngắn Gã điên đi chu du - Hoàng Vương Tường Vy (lớp 8/7 THCS Nguyễn Thiện Thuật) cũng là một kết quả bất ngờ thú vị khác. Ngôn từ, cách đặt tên nhân vật, cách viết hoa cố ý vượt ra khuôn khổ của ngôn ngữ đầy sáng tạo Thứ Bảy, Túi Vải, Thìa Nhỏ anh Chó, Người Tốt Bụng, Người Phụ Nữ... cũng như văn phong gãy khúc, tưng tửng, cấu tứ lạ và đầy tính phát hiện hợp lý kiểu “Trong thế giới của Ba Đề, những ai mắng gã điên chính là một kẻ vô hạn ngu xuẩn, còn ai đánh đập gã thì chính là một gã điên...” truyện ngắn khá lạ và hay, rất phù hợp với đề tài tác giả tiếp cận. Và, nếu như Bù nhìn của Nguyễn Phạm Oanh Oanh (Lớp 9/10, THCS Lê Lợi) có sự tưởng tượng, hóa thân vào nhân vật sinh động cùng sự hiểu biết về công việc cuốc cày vất vả mà đáng tự hào tôn vinh của những người nông dân làm ra, sớm hôm giữ gìn cho cây lúa trĩu hạt nơi đồng quê khá sâu - “Đúng vậy, có thể khẳng định rằng tôi là bù nhìn giữ lúa hay nói đúng hơn là một chiến sĩ trấn giữ cái đồng lúa mênh mông này” - thì Chị Anh của Nguyễn Nho Minh Uyên cũng đằm thắm một tình yêu ruộng đồng thi vị: “Nhiên ngắm nhìn những người làm ruộng thong dong. Họ đang ca chung bài ca với ruộng lúa. Nhiên thấy yêu quê tha thiết, cảnh thanh bình mộng mơ làm Nhiên chỉ muốn đắm mình mãi trong ấy...”, ngoài câu chuyện cảm động về sự giận hờn trách móc rồi cuối cùng là sự cảm thông yêu thương hơn giữa hai chị em, câu chuyện có thể đang xảy ra ở bất cứ gia đình làng quê nghèo khó có con em đang ra phố theo học đại học phải gồng mình với bao nỗi lo chồng chất hiện nay. Một truyện khác, Thời gian cũng của Nguyễn Nho Minh Uyên dù tứ truyện đơn giản, nhưng thật sự dạt dào cảm xúc, đong đầy sự luyến tiếc dịu dàng mà thổn thức với quá khứ nhiều kỷ niệm gắn bó, lại đan xen sự háo hức và niềm tin yêu tươi sáng về ngày mai với triết lý rút ra “sẽ bớt hằn học với thời gian và coi thời gian như một người bạn” của nhân vật rất đáng được ghi nhận.

Trại hè sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng 2019 có thể nói đã làm nên cuộc hành trình đáng nhớ - Hành trình đến trang văn như tên một truyện ngắn ẩn chứa một tuyên ngôn nghệ thuật giản dị mà sâu sắc cùng lời kết đầy chất thơ “Căn phòng luôn khép cửa của anh đã mở ra. Ánh nắng rơi vào trên trang văn đầy ắp những trang chữ” của Trần Thị Tuyết (lớp 11C1, THPT Chuyên Lê Quý Đôn). Trong cuộc hành trình văn chương này, những truyện ngắn, bút ký tản văn, những trang thơ của các em học sinh trung học Trở lại, Cuộc gặp bất ngờ của Thái Nguyễn Khánh Uyên (lớp 9/7 THCS Nguyễn Đình Chiểu, Bố và con trai, Hối hận của Phùng Khánh Vy (lớp 6/1, THCS Lý Tự Trọng), Một chuyến thăm của Nguyễn Quỳnh Anh Thư (lớp 10/21 THPT Phan Châu Trinh), Món đồ chơi bất hạnh, Tìm kiếm (thơ) của Nguyễn Thị Tuyết (lớp 11C1 THPT Chuyên Lê Quý Đôn), Cuộc phiêu lưu của Bella, Nắng của tôi. Tắt rồi của Nguyễn Thị Tuyết Mai (lớp 6/1 THCS Lý Tự Trọng), Khoảnh khắc hạnh phúc của Lê thị Lưu Ngân (lớp 6/1 THCS Lý Tự Trọng), Kênh - phần nửa trái tim tôi của Trần Đức Thành Nhân (lớp 6/2, THCS Nguyễn Huệ), Đôi mắt - chiến tranh, Món quà nhỏ của Trần Vạn Tấn (lớp 8/2, THCS Nguyễn Công Trứ), Một lần đến suối Hoa (thơ), Tình bạn, Tháng 5 về của Trần Quỳnh Chi (lớp 7/1, THCS Nguyễn Huệ), Tôi đam mê và hạnh phúc của Nguyễn Bảo Ngân (8/2 THCS Nguyễn Công Trứ... đã cùng nhau tạo nên một kết quả một chùm hoa văn học đầy hương sắc đẹp đẽ và đáng trân trọng từ những trang văn đầu tay đằm thắm một tình yêu và sự say mê, hiểu biết văn học của các em.

Đọc những trang viết trại hè 2019 của các em, ta thấy dậy lên một niềm tin yêu vào con đường văn chương đang mở ra rất rộng trước tâm hồn và năng khiếu các em. Và ta có thể hy vọng, rất hy vọng các em sau này khi lớn lên, ra đời vẫn giữ được ngọn lửa tình yêu và niềm say mê sáng tác ấy để mạnh mẽ bước tiếp trên con đường văn chương.    

N.K.H