Bạn tôi; Hiếu của mẹ - Nguyễn Thùy Yên Thảo

05.08.2019

Bạn tôi; Hiếu của mẹ - Nguyễn Thùy Yên Thảo

Bạn tôi 

Tóc mẹ em đen nhánh, làn da hơi rám nắng và đôi gò má khắc khổ tóp lại. Duy chỉ có đôi mắt mẹ là bao năm vẫn thế, vẫn tinh anh và hiền dịu nhìn em âu yếm”. Tôi đang say sưa viết bài văn tả mẹ thì tiếng thở dài của thằng Mẫn chen vào. Thắc mắc, tôi quay sang hỏi: “Sao mày không làm?” Nó đáp gọn tưng: “Tao làm gì có mẹ mà làm”. Tôi im bặt, nghe rõ tiếng thở dài của mình đăm đăm trên những trang giấy, những ý tưởng chuẩn bị viết tiếp bỗng bay đi đâu mất. Cuối giờ nộp bài, tôi thấy nó bỏ giấy trắng. Mặt thằng Mẫn buồn xo, hắn gom mấy cuốn tập trên bàn, nhét xộc xệch vào chiếc cặp rồi lầm lũi ra về.

Thằng Mẫn mới chuyển chỗ ngồi gần tôi non một tuần nay, nên hai đứa cũng chưa có  nhiều dịp để tâm sự. Tôi thấy thằng Mẫn ít nói, lại lầm lì, đôi lúc tôi cũng định bắt chuyện nhưng thấy gương mặt lạnh như tiền của nó, tôi đâm ngán. Tự nhiên nghĩ đến câu nói vừa nãy, tôi thấy thương hắn quá chừng. Ngực trái của tôi như vừa vướng phải một vết xước nào đó, không to nhưng lại làm tôi nhoi nhói.

Tôi quyết định bám đuôi theo thằng Mẫn về nhà. Cái dáng con con bị nắng sớm đổ vào in đậm trên nền đất đỏ đường làng - tôi thấy thằng Mẫn vừa-nhỏ-bé-vừa-đáng-thương. Nhà thằng Mẫn ở cuối Lộc Hiên - một cái xóm ô hợp, phức tạp và bẩn thỉu. Sở dĩ tôi biết vì tôi từng đi đòi nợ cho mẹ mấy bộ quần áo lanh của một bà thím đặt may mà chưa trả trong này - một người đàn bà vừa dữ dằn lại thô lỗ, ăn nói chẳng khác gì dân chợ búa, mà, có lẽ thế thật. Tôi chép miệng khi biết thằng Mẫn phải lớn lên trong một nơi mà lẽ ra chẳng nên lớn lên chút nào, ai biết được, có lẽ đó là số phận của mỗi người. Nhà thằng Mẫn là một ngôi nhà cấp bốn xuống cấp và cũ kĩ, những lớp sơn rẻ tiền đã bạc phếch màu và loang lổ trước cái nắng tháng tám - rám trái bưởi này. Mái nhà có nhiều lỗ hổng đến nỗi nền nhà có một đốm nắng vàng to như cái nắp vung. Diện tích nếu nói đúng cảm quan thì bé như cái lỗ mũi, ọp ẹp và nóng bức. Trong nhà vọng ra tiếng nói của người già, khò khè như khó thở:

- Mẫn về đó hở bây, ra đằng sau rửa mặt đi. Ngoại dọn cơm cho mày ăn.

- Ngoại đừng làm cho ông Phú nữa, để con làm được rồi. Ngoại yếu thế này, có ngày lăn đùng ra chết, con ở với ai - tiếng thằng Mẫn run run như muốn khóc.

Nói đoạn, bà thằng Mẫn bưng mâm cơm ra, qua cái cửa sổ cao nghệu chỉ có khung mà không có cửa, mâm cơm đạm bạc chẳng có gì hiện ra trước mắt tôi. Độc nhất một con cá nục nhỏ nằm chỏng chơ trên cái dĩa nứt, cũng chẳng có nước cá mà chan. Một chén rau muống luộc nhỏ xíu và một cái nồi lưng cơm. Tôi nhìn bà ngoại nó nuốt từng miếng cơm khó khăn mà thấy họng mình đắng đót, có gì đó xâm chiếm lấy trái tim tôi - đau nhức và xót xa. Cùng là bạn đồng học, cùng đi chung một quãng đường đến trường, mà sao thằng Mẫn cơ cực và bất hạnh quá. Có lẽ trong suy nghĩ non nớt của thằng Mẫn, người mà hắn gọi bằng bà ngoại kia là cả một khoảng trời bao la, là chỗ dựa để hắn nương náu khi bị những lời dèm pha của bạn bè, là bóng mát để hắn tìm về khi thấy tâm hồn mình chói chang, bỏng rát, khi những thiếu thốn, tủi khổ của cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới không thương tiếc rót lên thân hình còm cõi của hắn.

Tôi bỏ lại sau lưng bóng hình hai bà cháu ăn một mâm cơm đạm bạc, lững thững ra về trong một nỗi niềm xót thương khó tả. Mâm cơm làm tôi thấy xấu hổ khi nhớ đến những lần tôi chê đồ mẹ nấu, mẹ làm toàn những món ngon, thịt kho hột vịt nước cốt dừa, canh chua cá đuối, đậu cô-ve xào nấm và hàng vạn những món mà bây giờ nghĩ lại còn thèm. Vậy mà, vậy mà, tôi thật ngu ngốc và chẳng biết trân trọng những điều hạnh phúc ấy trong đời.

Sự tò mò nhen nhóm lên trong đầu của tôi khi nghe cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa bà cháu thằng Mẫn. Tôi lân la dò hỏi những người hàng xóm xung quanh, nguyên nhân làm sao mà thằng Mẫn không có mẹ và đi làm cho người ta.

- Thằng cu Đen nớ đó hả, ở nhà hắn tên Đen, mẹ hắn bỏ hắn mô hồi hai ba tuổi, đánh bạc rồi thua, gây nợ nhiều quá, bỏ trốn. Nghe đâu giờ lấy chồng miền xuôi rồi, ở xa lắm. Vay của ông Phú này nè - vừa nói người đàn bà đô con vừa chỉ về căn nhà ngói đỏ, tinh tươm và rộng đẹp sau lưng căn nhà ọp ẹp của thằng Mẫn. Lãi cao lắm, thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con rồi nó đi biệt tích, để lại thằng nhỏ cho ngoại nuôi. Bả già rồi, mà chăm bẵm nó từ nhỏ đến lớn, đi làm ở đợ không công cho nhà ông Phú để trừ nợ. Còn nhỏ rứa chứ biết lo lắng, đi học về là lao vào làm hết mấy việc nặng nhẹ trong nhà ổng, không để bả mó tay. Mà cái thói đời thế, làm mãi có trừ được nợ đâu, chỉ thấy bà già ngày một yếu đi và thằng nhỏ không lớn nổi. Độc địa thay cái bọn này!

Người đàn bà nói với giọng hằn học, chua chát lẫn cảm thông. Cả tôi và bà ta đều nhìn xa xăm về căn nhà tồi tàn của thằng Mẫn, nằm lọt thỏm trong khu vườn nhà ông Phú - đó là một cái kho để đồ của nhà ổng, được dọn dẹp lại để tiện cho việc làm-không-công-suốt-đời của hai bà cháu.

Vì thế mà cả tâm hồn lẫn thể xác của thằng Mẫn đều lớn không nổi. Hắn chẳng háo hức đi học, chạy nhảy cũng như vui đùa như chúng tôi, vì hắn có nhiều thứ đáng để lo hơn thế. Hắn không hồn nhiên bắt hoa bắt bướm, lội hết dòng sông này đến bắt côn trùng nọ, để cảm nhận được cái nhịp thở của tuổi thơ lúc nào cũng mai phục sẵn trong ngực trẻ, chờ đến dịp cha mẹ đi vắng hay nghỉ trưa là lại ào ạt chạy ra. Tội nghiệp, mới tí tuổi đầu đã phải quần quật sáng chiều như trâu ngựa để bổ củi, gánh nước, tắm cho heo, giặt quần áo và hàng tá những thứ khác.

Có đâu những ngày tháng mộng mơ

Tôi chờ bạn bên kia sườn núi đá

Hỏi về chuyện cây bàng không nở hoa

Con họa mi không chịu hót

Trái khế trên cành mãi chưa chua

Và,

tôi có đợi mãi

cũng tự mình kiếm tìm

câu trả lời đó thôi.

Những ngày sau đó, tôi bạo dạn bắt chuyện với thằng Mẫn, nhưng trái lại với những kỳ vọng được san sẻ của tôi, thằng Mẫn không đáp. Hắn im lặng mặc cho tôi đã tiếp cận với cự li gần và một giọng điệu hết sức thân mật (tôi chưa đả động gì đến hoàn cảnh gia đình nó). Tôi lại giữ khoảng cách, hắn chẳng buồn quan tâm, chỉ khi cần những vấn đề xã giao như: hỏi chỗ không thấy trên bảng, hay nhờ nhặt dùm cây viết chì, thì hắn cũng không hé răng thêm câu nào. Tôi không vì thế mà nóng lòng, dục tốc bất đạt, ông bà ta chả bảo thế còn gì. Tôi đã thực hiện chiếc lược nói chuyện một mình mặc dù tâm ý muốn cho “mình kia” nghe.

- Cây bút chì ni xấu ghê, viết còn bị ghì ghì trên giấy. Tối về kêu mẹ mua cây khác mới được. - Tôi quả quyết và ném về phía thùng rác.

Có thể điều này tôi chưa tâm sự với các bạn, tôi là bậc thầy bách phát bách trúng trong “giới giang hồ ná thun”, nên chuyện để cho cây bút chì lệch nhẹ ba mươi mấy độ để nằm gọn trên chiếc bàn gần thùng rác là dễ như bỡn. Đúng như dự đoán, sau khi tan học, thằng Mẫn đã nhặt lại cây bút chì đó, trong sự đắc ý của tôi - con nhỏ nấp sau cánh cửa thập thò trông vào.

Hôm sau, tôi cố tỏ ra không biết gì và lấy tập ra ôn bài cũ. Thằng Mẫn rất thông minh khi đã cạo hết lớp sơn nhẵn bóng bên ngoài cây bút chì, tự trọng của một đứa con trai mang nhiều tâm sự là không “xài lại đồ người ta đã vứt”, có lẽ vậy. Tôi thích thú nhìn nó dùng cây viết vẽ mấy cái hình thầy cho trên bảng, gạch đậm mấy cái đề mục. Lòng tôi hân hoan và mãn nguyện như đứa trẻ được quà, cơ mặt giãn ra và lâu lâu lại cười vơ vẩn. Hôm sau nữa tôi vẫn làm như thế, nhưng là một cây thước kẻ, cây thước này có hoa văn rất đẹp, trên thân thước còn khắc một dòng chữ: “Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực”. Cây thước này ba tôi tặng sinh nhật năm tôi lên bảy tuổi, đánh dấu cột mốc biết đọc biết viết sành sỏi của tôi, ba đã khắc lên đó câu danh ngôn mà ba yêu thích nhất, để khích lệ tôi cũng như mong tôi sẽ vững bước trên cuộc đời dù nhiều khó khăn, gian khổ. Tôi cũng làm như cách tôi làm với cây bút chì (phóng vào cạnh thùng rác) nhưng thận trọng hơn, vì tôi rất yêu quí cây thước này, như cách ba yêu tôi. Tôi phải “bất đắc dĩ” tặng thằng Mẫn, vì tôi muốn hắn có thể cảm nhận được chút yêu thương nào đó, dù là mơ hồ và mong manh - được gửi gắm vào.  Tôi biết mình không thể trao tận tay thằng Mẫn được, nên mới phải ái ngại làm cái trò hơi tiểu nhân này. Nhưng, biết sao được, tôi đã hết cách rồi.

Ngày thứ ba sau khi hắn nhặt cây thước, tôi rất bất ngờ vì dòng chữ và những con số không bị bay đi, nhưng lớp áo bên ngoài lại đổi màu. Tôi nhanh chóng hiểu ra hắn đã quệt lên đó một lớp sơn khác, xỉn màu và cũ hơn, chỉ để không trôi đi dòng chữ. Cái thằng, đáo để thật. Kể từ ngày đó lúc nào tâm hồn tôi cũng vui, một nỗi vui tràn ngập và tưới tẩm tươi mát lên thân hình vốn mũm mĩm của mình.

Có vài chuyện sẽ đến theo một cách mà ta không ngờ tới. Tôi vẫn cần mẫn mỗi ngày như thế và cho đến một hôm. Vờ như vừa đi vào góc gần thùng rác, thằng Mẫn trở ra thật nhanh và giật tung cánh cửa chỗ tôi đứng núp.

- Bộ vui lắm hả, tôi không cần sự thương hại từ cậu.

Giọng hắn gắt lên, cơ miệng giần giật, con mắt lòng sòng sọc, đôi mày chau lại và cái nhìn đầy đau đớn. Hắn chạy nhanh ra khoảng sân trường đầy nắng và mất hút sau những tán cây, để mặc tôi lại với gương mặt ngơ ngác và sau đó là hai hàng nước mắt đong đầy. Lần đầu tiên tôi thấy trái tim nhỏ bé của mình bị xây xát đến thế, giống như tôi cố gieo một hạt giống và chăm bón nó thật tốt, nó chẳng chịu nở hoa mà còn chết đi. Tôi rấm rứt khóc và ở lại đó cả buổi chiều.

Sau hôm ấy thằng Mẫn nghỉ học, tôi đâm chột dạ, không biết nó nghĩ quẩn mà làm chuyện gì xằng bậy không. Vừa học mà tôi vừa thắc thỏm lo âu, mắt cứ đau đáu nhìn vào cửa ra vào. Cả buổi học mà tôi chẳng thấm được gì, lơ đễnh và lãng đãng buồn. Tôi vẫn thương nhiều hơn là ghét, chỉ cần nghĩ đến việc hắn sống đến từng này mà không có vòng tay âu yếm của mẹ, không có lấy một câu ủi an khi vui buồn, thất vọng và những lúc cô đơn, là tôi đã có lý do để thứ tha và quên hết những câu nói của hắn ngày kia.

Sẽ buồn sao khi đời con không có mẹ

Không một bàn tay khẽ đặt lên vai

Một cái ôm cho thắm thiết ngày dài

Xã hội kia đâu phải ngây dại

Mà con trai mẹ có thể tự trưởng thành

Hắn đi học lại.

Tôi không nói nhưng lòng mừng khôn xiết, như vừa có cơn gió xuân nào đó nhập vào hồn tôi, lồng lộng và dịu mát, xóa tan đi những âu lo và muộn phiền đã xâm chiếm mấy ngày qua.

- Xin lỗi cậu, vì tôi lỡ lời. Cảm ơn vì những bữa cơm và thuốc cậu gửi đến bà tôi. Cảm ơn cậu nhiều lắm. - Tiếng thằng Mẫn đứt quãng và khó khăn lắm mới ra hết thành lời.

Những ngày qua, bà thằng Mẫn ốm, hắn ở nhà để chăm bà, chứ không phải vì giận tôi. Hắn nói đêm ấy hắn hối hận và bâng khuâng nhiều lắm, hắn suy nghĩ và hiểu ra nhiều điều, hắn thấy có chút hạnh phúc và hi vọng nhen nhóm lên mảnh đời cơ cực của mình - từ những hành động của tôi. Tôi đáp lại trong niềm xúc động khó tả, có cái gì cay cay nơi khóe mắt:

- Không sao đâu Mẫn à, vì cậu là bạn của tôi, và vì tôi thương cậu nhiều lắm, thật đấy! Tôi hi vọng sau này cậu có gì hãy giãi bày với tôi nhé!

Chúng tôi vừa cười vừa vỗ vai nhau, thằng Mẫn đã có vẻ tự nhiên và nhìn đời trong trẻo hơn qua những câu đối thoại ngắn ngủi hôm ấy. Tôi thấy có thêm động lực sống, học tập và ước mơ, vì Mẫn và vì những người như Mẫn. Tôi muốn sống tốt để thương đời, thương người và thương mình.

Cậu có biết vì sao

Chim có cặp

Đũa có đôi

Vì người ta đâu phải

Sống để một mình

Mà lúc nào cũng cần sẻ chia

Cũng cần yêu thương

Và sự ân cần

“để làm gì

Để gió cuốn đi” 

Tôi viết lại câu chuyện này khi tôi mười tám tuổi, và ngày hôm nay là ngày 1 tháng 1 - tròn năm năm kỉ niệm tình bạn của chúng tôi, ngày mà đứa khóc đứa cười, đứa ngập ngừng xin lỗi, đứa hạnh phúc lắng nghe. Sau hôm nay, có lẽ mỗi người sẽ mỗi hướng, tôi được một học bổng ở Úc và Mẫn - lên Sài Gòn để thực hiện tiếp những ước mơ còn dang dở và âm ỉ cháy trong tim mình. Tôi không dám tưởng tượng giây phút chia tay, chắc sẽ ngậm ngùi và thương nhớ lắm. Tôi sẽ ráng ngắm Mẫn thật lâu, cùng hát lại những bài ca hai đứa thích, có thể còn phải chùi chút nước khẽ dâng lên nơi đáy mắt trong trẻo của Mẫn, vì từ khi quen nó tôi mới biết nó không chỉ giàu-tình-cảm mà còn giàu-cả-nước-mắt nữa.

Cảm ơn đời khi bên ta có bạn

Bạn sẽ chẳng bỏ ta khi ta nghèo

Khi ta bệnh

hay khi khổ đau

cho nên ta phải sống

dù danh lợi hay phũ phàng

vì có một bóng hình

luôn đợi ở phía sau.

Hiếu của mẹ

"Hiếu yêu quí của mẹ!

Hôm qua mẹ đi làm về muộn, thấy Hiếu lớn tiếng với ba. Mẹ buồn lắm, mẹ thấy Hiếu cao giọng và hạch sách ba, Hiếu còn trách ba đi làm về trễ rồi lăn đùng ra nền nhà ngủ ngáy. Tiếng Hiếu vang khắp mấy nhà bên cạnh, mẹ bất lực, thế là những lời khuyên nhủ bấy lâu nay mẹ dành cho Hiếu lại tan biến như làn mây. Cả mấy tiếng đồng hồ của mẹ không có kí-lô-gam nào với Hiếu sao? Hiếu lớn rồi, cần suy nghĩ về hành động của mình. Mẹ biết, mẹ biết ba dạo này say xỉn suốt, nhưng Hiếu phận làm con, như thế là Hiếu đã sai rồi, Hiếu hiểu không?

Mẹ thoáng thấy ánh mắt ba ánh lên sắc buồn, lẫn thất vọng, chắc ba nghĩ nuôi nó lớn nhường này rồi bây giờ nó đi hỗn với mình. Mà đúng thật, Hiếu hỗn lắm. Hiếu vừa nói to vừa đay nghiến từng từ ra, như thể muốn nó găm sâu vào tiềm thức ba, làm cho ba nhức buốt tái tê lên mới thỏa được. “Mệt dễ sợ, đi làm chi về ngáy khan, ồn quá không học được, đã rứa còn mớ mớ nói sảng nữa, làm ơn im dùm đi” Hiếu ơi, Hiếu có thương ba không? Những ngày còn mẫu giáo mẹ hay hỏi Hiếu muốn ngủ với ba hay với mẹ, Hiếu luôn trả lời với ba mà, vậy là Hiếu thương và muốn gần ba lắm, phải không con? Hay Hiếu chỉ thích mấy câu chuyện ba kể, thích ba nói về mấy ông huyền thoại bóng đá như Ronaldo, Pele để khơi dậy những tiềm năng và đam mê ích kỉ trong mình? Mẹ nhớ những lúc Hiếu khóc đêm, vừa khóc vừa ré, chân tay đạp rầm rập trên ván ép vì trời nắng lại cúp điện, ba ngồi quạt cho Hiếu suốt đêm, mặc cho tiếng vo ve và hàng chục mũi kim nhọn của bọn muỗi đáng ghét cứ nhè đùi ba mà cắn, mà chích. Thế mà, Hiếu vẫn ngủ ngon lành trong cái dìu dịu của chiếc quạt phe phẩy trên tay ba. Có lúc ba mỏi quá, cái quạt lại là đà trên bụng Hiếu, Hiếu nhè nhè mấy tiếng, ba lại quạt mạnh, vuốt mớ tóc ướt trên đầu, lấy khăn ướt lau lưng cho Hiếu. Mẹ bảo ba nghỉ đi ba cứ khua tay lắc đầu, ba bảo mẹ cứ phơi cho xong đống đồ thằng cu làm bậy ra đi, kệ anh. Còn bây giờ thì ba mệt quá lăn ra ngủ chút xíu, Hiếu đã rền rỉ và nặng lời với ba như vậy, Hiếu có xót không?. Ba say xỉn suốt, vì ba phải uống bia nhiều, như thế mới rủ được mấy ông bạn kia đi làm chung, chứ mình ba sao xoay hết được căn nhà to hả Hiếu? Mà vì họ cứ đùn đẩy, nhác nhớm trong cái thời tiết oi bức này, nên ba phải khổ, phải ỉ ôi mời mọc họ đi làm, họa may ba được thầu, kiếm đồng ra đồng vào cho Hiếu học thêm môn Hóa - Hiếu bảo Hiếu yếu môn này lắm mà.

Mẹ còn nhớ lúc Hiếu ba tuổi, tự nhiên bị cái mụt to ơi là to, sưng như cái trứng vịt, cả vùng da xung quanh cứ ưng ửng đỏ lên và mủ bên trong làm Hiếu đau nhức. Mẹ làm cách nào Hiếu cũng không chịu nín, cứ bú rồi thả ra lại là khóc, mẹ dỗ thế nào vẫn cứ giãy nãy, chắc cái mụt quái ác kia làm con đau nhiều lắm. Trưa, mẹ thắc thỏm chờ ba về, vừa rung rung con trên tay vừa ngóng mắt ra ngoài. Ba chạy vào, rồi lại chạy ra quay đầu xe, bảo mẹ bế con ra rồi chở ra viện, giữa đường Hiếu khóc lớn lắm, ba xót, tấp con vào bên đường, đưa nhẹ miệng vào và hút cái đống mủ đỏ làm sưng vù cả bắp tay con, ba hút-nhổ, hút-nhổ, những cục mủ bên trong ra hết vệ đường, người ba mệt lả. Rồi mẹ lại bế con lên, ba chở đến viện, người ta vệ sinh, sát trùng và xức thuốc cho con, họ bảo mủ bên trong đã giảm đi nhiều, chỉ cần cho con uống thuốc, thấy mủ sưng to lại thì đắp rau diếp cá, mủ sẽ bật ra hết bên ngoài. Ba chẳng sợ gì cả, chẳng sợ độc tố, chẳng sợ tanh miệng, chỉ sợ Hiếu đau mà khóc ré hoài, đến lủi người đi mất. Ba chẳng buồn uống miếng nước, tất tả chở Hiếu đến viện, cái sự an nguy của Hiếu có lẽ còn đáng giá gấp vạn lần cái mệt nhọc cả ngày ngoài nắng của ba.

Thế đấy, Hiếu càng lớn càng hư, bao lần mẹ khuyên, Hiếu ậm ừ rồi lại đâu vào đấy. Hiếu như vậy là ba hao mòn sức khỏe lắm, ba sẽ không sống đời để chở che cho Hiếu những khi Hiếu thất bại trong cuộc đời, không thể là chỗ dựa để những khi mệt mỏi Hiếu tìm về, không thể là cái dòng sông êm đềm để Hiếu thỏa sức bơi lội và vô ưu nhìn những cạm bẫy ngoài kia luôn rình rập sẵn. Hiếu còn non lắm, Hiếu còn quá nhỏ để khẳng định được cái tôi nhỏ bé của mình giữa vũ trụ mênh mông, Hiếu tưởng Hiếu nói với ba vậy là oách, ba im lặng là Hiếu chiến thắng, ba buồn rầu lẳng lặng vào trong là Hiếu khấp khởi trong bụng, không, Hiếu sai rồi. Tình yêu người cha dành cho con sâu đậm và vô bến bờ lắm Hiếu, dù cho Hiếu có phạm bao nhiêu sai lầm đi nữa thì ngày mai người đàn ông khắc khổ đó vẫn vui cười bảo Hiếu:

- Lên xe ba chở đi học nào, ba mua đồ ăn sáng cho.

Như thế đấy, họ sẽ vui niềm vui của con mình, và cất giấu đi tất cả những vết thương, trầy xước mà nó để lại, mặc cho trái tim họ có vỡ ra nghìn lần đi nữa, vẫn vui và thương con như lần đầu nhìn thấy nó chào đời, mà có lẽ còn hơn con ạ, thương từ khi nó còn lơ lửng trên một vì sao tinh tú nào đó, rồi được ở trong bụng vợ mình và sẽ-gọi-mình-bằng-ba.

Buổi tối đáng nhớ tháng trước, khi Hiếu chưa học bài xong mà đã xin tiền ra tiệm In-tơ-nét chơi game, ba không cho, Hiếu bực tức đập bàn đập ghế, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Đến bữa cơm, mẹ bưng lên dọn ra bàn, ba xới cơm và lựa phần dẻo nhất cho Hiếu, Hiếu xẵng tay giật lấy trước sự bất ngờ của mẹ, ba tát Hiếu một cái. Hiếu gắt lên, đôi mắt ba ầng ậc nước, ứa ra và chảy dài trên gò má xanh xao, những vết nhăn cằn cỗi xô lại với nhau, hằn lên vầng trán đen đúa những vệt chằng chịt, hẳn ba đã bực và dằn lâu lắm. Mặt Hiếu cứ kênh lên, ba bỏ dở bữa đi vào trong, trùm mền lại, quay mặt úp vào tường. Mẹ lấy ba từ hồi giờ, mới thấy ba như vậy lần đầu, ba chưa bao giờ chửi mẹ, hay đánh Hiếu một cái, có thể ba đã dằn và nhịn Hiếu từ rất nhiều chuyện rồi, nhân cái hành động thiếu giáo dục của Hiếu hồi nãy, ba đã không kiềm được mà làm vầy.

Mẹ cũng buồn, đêm đó mẹ thao thức mãi mà chẳng ngủ được, mẹ đau lòng khi thấy hai cha con như vậy lắm. Chẳng lẽ mẹ lại tăng ca để khỏi nhìn thấy cảnh tượng Hiếu  xử sự với ba như vậy? Hiếu phải thay đổi đi, mình bây giờ cũng ra dáng thanh niên rồi, lớp mười hẳn hoi, mà cứ để mẹ phải suy nghĩ hoài. Mẹ biết Hiếu tuổi dậy thì, có những chuyển biến thất thường trong tâm lí, Hiếu thấy bạn bè đứa nào cũng điện thoại này, máy tính nọ, nay con xe này, mai con xe khác, Hiếu cũng chạnh lòng, mẹ hiểu hết. Mẹ còn biết Hiếu thiếu thốn nhiều về vật chất, vì ba mẹ còn nghèo, mà ông bà nội thì già rồi không giúp gì được, âu cũng là cái thiệt thòi, nhưng không phải vì thế mà Hiếu cư xử lỗ mãng vậy với ba, ba giận và buồn lắm nhưng không nói đấy.

Ba mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho Hiếu, từ những gì khiếm khuyết nhất của ba mẹ. Ví dụ ba mẹ mỗi người có một đôi giày, mỗi đôi chỉ có một chiếc lành và một chiếc rách, thì ba mẹ sẽ dành hai chiếc lành ấy ráp lại và cho con, con hiểu không? Chẳng ai muốn con cái mình thua thiệt cả, chẳng ai muốn mình là hình tượng xấu xí trong lòng con cái cả, chỉ vì hoàn cảnh, vì mưu sinh, vì những bấp bênh và cực nhục ngoài kia khiến người ta phải chấp nhận thôi, và ba cũng thế, con ơi, hãy hiểu.

Mẹ viết mấy dòng này chỉ mong Hiếu của mẹ nhận ra, là ba thương con nhiều lắm, đêm kia ba còn trằn trọc hỏi mẹ má con còn đỏ không, nói là cho ba xin lỗi, ba nóng quá, rượu bia đánh con đấy chứ ba không đánh con đâu, con trai của ba. Mẹ đến rơi cả nước mắt, cả quãng đời niên thiếu của mẹ ông ngoại chẳng bao giờ nói vậy với mẹ đâu, mà chỉ toàn những lời rẻ rúng, khinh mạt, vì mẹ là con gái, nữ sanh ngoại tộc, chỉ có làm việc nhà và đợi đến tuổi lấy chồng, thế thôi. Nên, Hiếu đừng bao giờ nghĩ là ba không thương mình, ba không cho tiền mua thứ này sắm thứ kia, ba làm cho mình xấu hổ trước bạn bè, gạt bỏ cái suy nghĩ non dại ấy đi. Giàu nghèo cách nhau nửa gang tay Hiếu ạ, ngày mai trúng số là con đổi đời, ngày mai con vớ được một đứa gái con ông đại gia nào đó là khác rồi, những thứ đó thì chóng vánh và vô nghĩa lắm, bởi vậy, ba đang dạy cho con cách sống chừng mực, nghèo hay giàu cũng phải tiết kiệm, và tiêu tiền cho đúng, cho chính đáng. Vì đồng tiền kia đâu dễ gì mà kiếm được hả con, phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu nữa, con trai bé bỏng của mẹ ạ. Những hào nhoáng con thấy bên ngoài, những chiếc xe mui trần, những cái đầu vuốt keo thẳng thớm, những bộ vét-tông láng coóng, nhiều khi phải đánh đổi bằng sự lừa lọc, bằng lời nguyền rủa, xỉ vả của người đời đấy cậu bé ngốc ạ!

Sau này, dù cơ cực, bần hàn hay giàu có, vinh quy con phải sống bằng tiền mồ hôi nước mắt, bằng chính sức lực của mình, dù là ít ỏi - như cha con. Để đêm đêm có thể yên lòng ngủ say giấc, sáng dậy chở con trai đến trường hồ hởi nhìn chiếc cặp mình mới mua cho nó - lòng an yên và hạnh phúc đến lạ, con nhé.

“Tấm lòng của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến, mà lắm khi cuộc sống xô bồ trong thực tế nghiệt ngã đã khiến chúng ta không nhận ra điều đó, để đến khi nhận ra được thì có khi chỉ còn ôm một mối hận trong đời. Trong bộ phim The Edge of Heaven của nhà văn Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Fatik Akin, nhân vật chính Nejat - một giáo sư văn học, do một ngộ nhận mà giận cha mình không muốn nhìn mặt. Cho đến khi vào ngày lễ Eid Al-Adha của những người Thổ để tưởng nhớ sự tích Ibrahim tuân theo lệnh của Thượng đế, hiến tế con trai độc nhất của mình là Ishmael cho Ngài (tức câu chuyện Abraham hiến tế con mình là Isaac trong kinh Cựu ước), anh nhớ lại thuở bé, khi nghe câu chuyện đó, Nejat đã hỏi cha anh sẽ làm gì nếu Thượng đế bắt ông phải làm như vậy, thì người cha trả lời: “Cha thà làm kẻ thù của Thượng đế chứ không bao giờ làm tổn thương đến con của cha” (I'd rather make an enemy of God than harm my child). Chỉ một hồi tưởng đó đủ để Nejat tìm được sự hòa giải với cha mình, khi ngồi trên bãi biển để đợi cha về. Câu trả lời đó nói lên được tất cả tấm lòng của những người làm mẹ, làm cha trong khắp thiên hạ. Liệu có một lý tưởng nào cao cả hơn, có tấm lòng nào lớn lao hơn câu nói đó?”

Câu chuyện này mẹ đọc từ một bài viết trên mạng, và trích lại cho Hiếu, để Hiếu thêm hiểu sâu sắc về những gì cha đã và đang làm cho mình - bằng một tình yêu thương bao la vô bờ bến, chưa mảy may một lần muốn làm đau con mình. Mẹ mong Hiếu của mẹ, bằng trí tuệ của một đứa được ăn học, bằng tình yêu trong suốt những năm tháng qua cha mẹ trìu mến dành tặng con, con hãy thay đổi để trưởng thành và tốt đẹp hơn. Bỏ cái tôi nặng trĩu và ngốc nghếch để đến xin lỗi cha con, không phải là một lời nói sáo rỗng khuôn phép mà là sự hối hận đến từ những gì sâu kín nhất trong trái tim mới lớn của con, mẹ tin con-sẽ-làm-được.

Mẹ yêu và hi vọng ở con nhiều lắm, mẹ biết con trai mẹ bản lĩnh và kiên cường mà! Cố lên con nhé!”

Con trai tôi trầm ngâm một lúc, rồi nói một cách hồn nhiên ngây thơ:

- Bà nội thương bố nhiều nhỉ? Có thể nhiều như bố thương con, con hiểu rồi bố ạ, bố đừng buồn nữa nhé, từ mai con sẽ ngoan ngoãn và cố gắng học tập hơn nữa.

Tôi xoa đầu nó, lá thư của mẹ tôi xem vậy mà có hiệu quả, cu cậu chắc cũng thấm được ít nhiều, xem chiều ưng thuận lắm. Tôi thầm biết ơn người mẹ đã khuất của mình, một người luôn dành những lời dặn dò, luôn chỉ vẽ và lo lắng cho tôi từng li từng tí, chưa từng động đến roi vọt. Làm bố rồi tôi mới hiểu hết tâm tư của cha mẹ thương con nhường nào, đánh con đấy nhưng lòng đau như cắt, mắng con mà thấy họng mình cay cay, và yêu thương nó còn hơn cả sinh mạng. Nhìn nó trưởng thành mà lòng mình thành đứa trẻ, thấy hạnh phúc của nó là hạnh phúc của chính mình, thấy nó thất bại hay buồn bã thì tâm can mình như bị ai thắt chặt, thế mới biết:

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.



N.T.Y.T
(Lớp 11/1 Trường THPT Nguyễn Hiền, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)