Bù nhìn - Nguyễn Phạm Oanh Oanh
Khà! Nắng thế này có mà mồ hôi ướt cả bù nhìn tôi mất - Tôi buột miệng như một phản xạ tự nhiên quá mức cần thiết như thế này vào những ngày oi ả.
- Thôi, lại nữa rồi, anh có dừng cái trò tưởng tượng của mình được không?
- Con trâu đen ngoe nguẩy cái đuôi nhai lại đám cỏ khô chẳng buồn nhìn tôi.
- Ừ, đúng rồi đấy! Sao anh cứ ra vẻ mình là con người thế - Mấy cây lúa cứ theo đó mà tiếp lời
- Này các bạn nên nhớ rằng trên cánh đồng lúa này tôi cũng được ông chủ tin cậy lắm đấy nhé! - Cũng không có gì lấy làm to tát lắm nhưng tôi rất tự hào mỗi khi thốt nên câu này.
- Ôi trời! Bù nhìn thì vẫn chỉ là bù nhìn thôi! - Lúa dạt dào như sóng, con sóng ấy không dứt khỏi gió nguồn.
Thì đúng là có lẽ thế thật, bù nhìn thì mãi là bù nhìn, tôi sống là bù nhìn, tôi làm nhiệm vụ của bù nhìn, tôi đứng như cái cách bù nhìn đứng, dù thế nào đi chăng nữa, một con bù nhìn chẳng thể là người được nhưng ông chủ lại hay ca về cái sự bất thường, vô lí của ông trời, biết đâu có một ngày nó trở thành sự thật thì sao.
Mà thôi, mặc kệ đi, hơi đâu lại lo lắng ba cái chuyện phi lí như thế, điều quan trọng nhất bây giờ là tôi vẫn giữ được vị trí người bảo vệ mà không một con trâu ngọn lúa nào có thể làm được. Đúng vậy, có thể khẳng định rằng tôi là bù nhìn giữ lúa hay nói đúng hơn là một chiến sĩ trấn giữ cái đồng lúa mênh mông này. Một cái mũ rơm con con, lỗ chỗ, lủng bên này thủng bên kia, đội mà cứ như không đội, điểm vào đó là vài cái dây mây bện chặt để làm mặt, tóc tai. Một cái khung chữ thập bằng gỗ, được đắp lên, bồi lên bằng vài ụ rơm khô, thêm cái sơ mi caro sờn cũ vá chằng vá đụp, hoen ố xỉn màu năm tháng, tất cả đã tạo nên bù nhìn tôi đây. Trông vậy nhưng bù nhìn tôi không chỉ có cái dáng nghiêng nghiêng theo gió từ năm này qua tháng nọ thôi đâu. Ai bảo trên cánh đồng này chỉ có lũ se sẻ tinh nghịch mới biết hát, chính tôi cũng góp được vài tiếng nhạc cho đời. Được trang bị vài cái chuông ống bơ treo trên cánh tay, vào mỗi buổi trời lộng gió âm thanh ấy ngân lên khe khẽ nhịp nhàng theo điệu gió say sưa. Cứ thử áp vào thân hình rơm rạ của tôi đi, không ai mà không vấn vương bởi cái hương nếp mới và hoa đồng nội phía bên kia triền đê lẫn trong mùi rạ cũ kĩ. Vừa có sắc, vừa có hương lại có tài chơi nhạc nữa, thế mà chẳng mấy ai tặng cho tôi một lời khen ngợi.
Lúa mỗi ngày thêm ngào ngạt, tôi thật vinh dự khi đứng ở đây - ngay trên cánh đồng này, chứng kiến sự phát triển kì diệu của bọn họ. Nhưng họ lại chẳng mấy khi để ý đến tôi, có lẽ tôi cao quá chăng, hay do tôi quá khác họ (dù tận sâu bên trong tôi cũng là những bông lúa già nua). Sinh ra với sứ mệnh “cao cả” đó là dọa giống chim muông phá hoại mùa màng. Như một người lính oai vệ, tôi chả ngán mống chim nào. Từ lũ chim Dòng Dọc phá lúa trổ bông vừa ngậm sữa, lũ cu đất luôn mon men đám mạ mới gieo hay đám quạ với bộ lông đen huyền bí và đám chuột đồng thường hay ăn trộm vào ban đêm đều phải khiếp sợ khi thấy bóng của tôi. Chỉ có điều lâu lâu người cộng sự gió của tôi trốn đi đâu mất thế là giống loài nhỏ bé có cánh kia ngấu nghiến phần lúa mà chúng có thể chộp được trong khi tôi dùng hết sức bình sinh mong gió trở lại. Nhưng hiếm lắm mới xảy ra cớ sự như vậy chứ bình thường thì có tôi là có gió, có gió là có tôi.
Hôm nay, ông chủ trồng một giống lúa mới. Lạ nhỉ, giống mới ấy được trồng riêng biệt với chỗ lúa hiện tại, hẳn vì bé con còn non sợ lẫn với cây khác nhưng lại bị trái mùa, có lẽ sẽ khó khăn cho bé cây đây. Ông nâng niu từng nhành lá nho nhỏ, vuốt ve cái mầm cây bé xíu như phần ruột rà máu mủ của mình. Ông đăm chiêu nhìn sự sống be bé ấy, hết nhìn góc này lại chuyển sang góc khác, chưa bao giờ đôi mắt ông long lanh đến vậy, phải tần ngần, thơ thẩn một lúc lâu ông mới chịu dứt ánh nhìn khỏi mầm cây và đứng dậy.
- Chào bé! Lính mới hả?
- À... Dạ... Đến tận mãi hôm nay
ông chủ mới để em ra ngoài vườn - Mầm cây ấp úng.
- Ồ! Vậy hả? Xin trịnh trọng giới thiệu với em, anh là bù nhìn hay em có thể gọi anh là người bảo vệ cũng được. Thấy ngôi sao được treo phía bên trái áo anh không? Huy hiệu danh dự đó! (thật ra tôi chỉ bịa cho oai chứ thiệt sự trông nó giống một mảnh sắt gỉ hơi phớt vàng và có vài góc nhọn hơn, từ khi sinh ra tôi đã thấy nó rồi, chắc là nằm trong một vài món đồ linh tinh cô chủ vô tình cài lên đây mà).
- Oai ghê! Được làm người bảo vệ chắc hãnh diện lắm anh nhỉ, vừa được đứng chỗ cao lại vừa bảo vệ chỗ cao ráo, lại vừa bảo vệ được mọi người nữa.
- Bé con cố gắng nhướn người
lên nhưng chỉ chạm được cái bóng của
tôi thôi.
- Có chuyện gì thắc mắc cứ hỏi, bù nhìn đây cắm ở đồng này cũng lâu rồi, không chuyện gì mà anh không biết, em có biết vì sao bầu trời xanh không? Anh sẽ kể cho em nghe thêm chuyện con gà xấu tính ở bãi trên nữa, sẽ càng vinh dự hơn khi nghe tiểu sử cuộc đời đấy và còn rất nhiều điều mới em cần phải biết.
- Rồi rồi, cậu bù nhìn, anh hùng đồng quê, biết nhiều điều, biết dẹp loạn... mỗi tội không biết cày ruộng, lại hay ngóng gió lên, lâu lâu đứng gió thì mình cũng trơ trơ giữa trời - Mấy cây lúa vẫn dùng cái giọng lãnh đạm, bình thản như mọi ngày.
- Này mọi người đừng bêu tôi như thế chứ!
- Đâu, em thấy bù nhìn cũng hay hay mà! - Mầm lúa ấy cứ vô tư, hồn nhiên trước mọi thứ.
- Thật ra đâu chỉ mình bé tôn trọng anh thôi đâu, mọi người đều vậy mà, đúng không? - Không đợi ai trả lời, vừa nói dứt câu tôi lại tiếp tục ca cái câu hát học lỏm từ một nhà lữ phương xa.
Chập chờn trong làn nắng nhè nhẹ, cái dư vị hanh hanh ấy không làm tôi khó chịu mấy. Có vẻ hôm nay là một buổi chiều êm ả, nhẹ nhàng đến nỗi tôi có thể cảm nhận từng sợi rơm trong người mình rung lên như bồ công anh còn bỡ ngỡ trước gió. Tôi có thực sự yêu thích bản thân mình như tôi nghĩ, liệu thế này là đã tất cả với một tên bù nhìn: đứng cả ngày trời ngắm lúa, lâu lâu thì lắc lư để hù dọa chim chóc, cứ thế đung đưa từ vụ này qua vụ khác mà không thể nhích lên một li.
“Rào... rào...” tiếng không khí ma sát, cọ vào nhau nghe điếc cả tai, ai chọc giận mà gió rít lên to thế, chắc mưa nặng hạt lắm đây. Từng nhánh cây, cọng cỏ quay tít vào không trung rồi mất tích luôn trong màn đêm bí ẩn.
- Được rồi tất cả mọi người, ông trời lỡ hắt hơi thôi mà, không có gì phải quá căng thẳng cả - Tôi chỉ vừa mới thốt lên câu đó thì bụi phi tới tấp vào mặt, còn hầu như những cây lúa khác thì không có vẻ gì quá lo sợ cái thứ duy nhất làm họ bồn chồn là có thể gió sẽ lấy luôn cả hạt lúa mới.
Mưa cứ thế mà rơi, nó rơi xuống rồi lan ra đến mọi ngóc ngách trong “thế giới ngầm”. “Vù...” cái lưới che chở cho mầm cây giờ bị hất tung lên. Như một thanh kim loại, mầm cây đang hút lên bởi cái nam châm xám xịt khổng lồ. Làm gì đây, bé con trồng ở xa tôi một thước, lại tách riêng với cây khác và không có cách gì có thể chặn được sự khủng khiếp này. “Ông chủ ơi! Ông chủ cái mầm non quí giá của ông sắp trôi theo gió rồi kìa, ông đang ở đâu thế?” Câu hỏi xoáy vào đầu tôi trong lúc mắt dáo dác tìm kiếm sự trợ giúp xung quanh. Phải làm một cái gì đó, đúng vậy, tôi phải cứu mầm cây này. Nhưng tôi có thể làm gì ngoài việc đứng trân trân nhìn sinh linh bé nhỏ ấy chịu đựng chứ? “Được rồi bù nhìn, bỏ ngay cái vẻ tự mãn của mình đi, bản thân ngươi biết ngươi không mấy quan trọng trong thế gian này mà, tỉnh táo lên và làm cái gì thực sự có ích đi”. Tôi chỉ biết có mỗi một việc đung đưa thôi, vậy nếu bây giờ đung đưa mạnh hơn thì sao, thế là tôi bắt đầu cựa quậy, dùng nửa phần thân trên nghiêng ngả tứ phía. “Phực...” Tôi lặng người giật mình “Ối! Thì ra đây là cái chân mà bấy lâu nay bị ghì chặt dưới mặt đất đây ư!”, cả cánh đồng ướt át quay lại nhìn tôi kinh ngạc. Không để thời gian trôi qua một cách hao phí, từng bước từng bước nặng nề tôi nhảy về phía bé con.
- Anh có thể đi sao, hay quá! Em ước mình cũng như vậy, ngoài này gió quá - Tôi chẳng thể hiểu làm sao nó có thể vô tư đến như thế.
- Nghe nè bé, em có nguy cơ bay còn cao hơn cả chim đó, không những thế mà em còn có thể bay luôn không bao giờ trở về. Nhưng không cần phải sợ, vì em sẽ an toàn bởi có bù nhìn đây bảo vệ.
- Em e là mình không chịu hết đêm nay được, hay anh cứ về lại chỗ cũ đi, cái mô đất mà anh thường hay đứng ấy, trông anh không ổn chút nào, từng thớ rơm của anh đang rơi ra kìa - Nó đưa mắt nhìn tôi lo lắng.
- Chút rơm vụn có đáng là bao với anh hùng, đừng lo không sao đâu! Nói rồi tôi dùng hết sức cắm thật chặt chân mình trước mầm cây bé nhỏ, cố vươn đôi tay mỏng manh, khô rạc để hứng lấy đợt gió đang vồ vập cây non. Bé con rũ xuống, thấm mệt, vì cứ ngóc lên là thể nào bụi cũng cứa rát và người. Tôi đang làm gì đây nhỉ, nghịch với tử thần à, dây bện, sợi rơm, ống bơ, mảnh kim loại hình ngôi sao cứ rối lằng nhằng hết cả lên, lần đầu tiên trong đời tôi có cảm nhận dường như thân thể mình cứ thế mà rời đi. Gió vẫn không ngớt cuồng nộ, anh bạn hiền hòa mọi ngày đâu rồi, mà có lẽ anh nhanh quá nên chẳng chú ý đến thằng bù nhìn như tôi.
Sáng hôm sau, ông chủ hấp tấp, vội vã lao ra đồng vì hôm qua mãi bận trên thị thành. Trận mưa đêm qua không ảnh hưởng là bao. Ông giật người lên như sực nhớ ra điều gì đó, thế rồi chạy đến mô đất mới nơi trồng cây con. Cây non vẫn an toàn, ông mừng thầm, đây là giống quí mà vất vả, chật vật lắm mới có được. Nhưng trông kìa, bên cạnh cái mầm cây ấy là một khung gỗ hình chữ thập bị gãy đôi, bao quanh là vài mảnh vụn của cái áo rách nát. Ông tự hỏi vì sao nó lại có thể ra đây được, thế rồi từ từ cầm mũ lên, phủi phủi. Là do bụi hay một thứ gì khác, ông rơm rớm, một hình ảnh thoáng ùa lại, hình ảnh về ngày đầu tiên ông đội mũ cho tên bù nhìn ấy như một vị vua trao niềm tin cho tên dân thường.
N.P.O.O
(Lớp 9/10 Trường THCS Lê Lợi, Quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng)