Món quà vô giá - Nguyễn Trần Thảo Nguyên

05.08.2019

Món quà vô giá - Nguyễn Trần Thảo Nguyên

Tôi sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn. Tháng này, ba lại bận công tác ở Hải Phòng nên chỉ có mẹ và tôi ở nhà. Đặc biệt hơn, tuần sau đã là sinh nhật thứ mười hai của tôi nên trong lòng tôi không sao giấu nổi niềm háo hức, mong chờ. Tại sao ư? Vì tháng trước mẹ đã hứa, nếu tôi cố học cho giỏi, mẹ sẽ mua cho chiếc xe đạp mới toanh cùng với bánh sinh nhật thật ngon. Tôi vô cùng sung sướng và mong chờ từng ngày, từng ngày trôi qua, tôi mong cái ngày hạnh phúc ấy đến thật mau. Biết bao ngày tháng qua, dù là biết đi xe đạp nhưng tôi chưa từng một lần được đạp xe đến trường, cũng như chưa bao giờ được nếm thử vị ngọt ngào của chiếc bánh sinh nhật đúng nghĩa.

Hôm nay mẹ đã đi làm sớm. Mỗi sáng trước khi đi làm tôi đều thấy mẹ bôi thuốc lên khắp da tay, da chân. Tôi hỏi mẹ tại sao lại làm thế, mẹ chỉ cười rồi bảo “da mẹ xước tí thôi”. Thế mà tôi cũng gật đầu tin là thật.

Suy nghĩ ấy thoáng qua đầu tôi chỉ chốc lát. Điều duy nhất tôi bận tâm lúc này là qua nhà con bạn thân chơi, tiện thể rủ nó qua sinh nhật mình luôn. Nhà nó giàu lắm nhé, thích cái gì là bố mẹ nó mua cho tất, nhiều lúc tôi nhìn mấy chiếc con xe nhà nó mà thèm hết biết. Vừa thấy nó, tôi đã hớn hở khoe.

- Ê, hôm nào đi sinh nhật tao nhá? Đảm bảo lần này hoành tráng hơn mọi lần. À mà kể mày nghe này, mẹ tao đã hứa mua cho cái xe đạp mới với cả cái bánh kem. Có oách không?

- Gớm! Bằng đó thì ăn thua gì? Sinh nhật của tao lần nào cũng ngập những quà những bánh, đồ xịn đếm không hết... Chất đầy nhà kia kìa!

Nó hả hê nhìn tôi cười, tay nó đặt lên vai tôi, vỗ vỗ. Cái điệu bộ đầy vẻ thông cảm. Bỗng dưng tôi cảm thấy chán ghét cái thái độ khoe khoang của nó ghê gớm. Tôi giận nó nhưng không nói gì, chỉ lẳng lặng bỏ về. Trong lòng thầm nghĩ rằng, khi tôi có được chiếc xe mẹ mua cho rồi sẽ đem khoe cho nó lác mắt luôn.

Và rồi ngày cũng trôi qua, tôi đã rất cố gắng để có được kết quả học tập tốt. Ngày ấy cũng đã đến, ngày sinh nhật với biết bao chờ mong. Cả buổi chiều tôi nằm dài ra đọc những cuốn sách cũ, vừa đợi mẹ về. Một lúc sau, nghe tiếng bước chân quen thuộc của mẹ, tôi vội chạy ra với vẻ mừng rỡ. Một tay mẹ cầm chiếc túi vải cũ sờn, tay kia mẹ xách một bao kẹo và bánh. Tôi vui sướng mở nhanh chiếc bao ra xem. Ô kìa? Chỉ có vài cây kẹo quá đỗi quen thuộc, tới nỗi tôi có thể miêu tả kĩ hương vị của nó; chiếc bánh kem lại quá nhỏ, còn không đủ để một mình tôi ăn. Thật là... thất vọng! Nhưng một ý nghĩ tuyệt vời khác đã nhanh chóng ập đến trong đầu rằng, chỉ cần có xe đạp là được mà! Sự háo hức tột độ đã thúc đẩy tôi mau mau chiêm ngưỡng chiếc xe. Mẹ bảo tôi ra sân mà xem, mẹ đã để sẵn ở đó. Tôi sung sướng chạy ra. Nhưng ngó dọc nhìn ngang tôi chẳng thấy chiếc xe mới nào cả, ngoại trừ chiếc xe cũ rích ở góc tường. Tôi thắc mắc vào hỏi mẹ thì mẹ cười, bảo.

- Con làm sao thế? Chiếc xe ở ngay đó kia mà?

Lần này thì mẹ cùng tôi ra. Mẹ chỉ ngay vào chiếc xe cũ rích ban nãy. Sao có thể...? Chiếc xe nát đó... chính là quà sinh nhật của tôi...?!! Chẳng phải nó đã quá cũ với lớp sơn đã bong gỉ gần hết? Khi tôi đang đơ người ra thì mẹ cứ lặp đi lặp lại câu hỏi: “Con có thích không?” Tôi thật thất vọng. Trong giây phút không thể kiềm chế, tôi đã buột miệng thốt lên: “Con ghét nó!” rồi vùng chạy ra khỏi nhà, để mẹ lại sau lưng với mấy món đồ quá sức tồi tệ.

Tôi chạy đi, vừa chạy vừa khóc nức nở. Rõ ràng mẹ đã hứa một chiếc xe đạp mới toanh với bánh kem thật to. Nhưng sự thật quá dỗi phũ phàng, một chiếc xe đạp cũ nát và cái bánh bé tí. Phút chốc tôi mường tượng ra cảnh con bạn tôi sẽ cười chê như thế nào nếu thấy những thứ ấy. Tôi cảm thấy ghét nó, cả mẹ và những món quà sinh nhật.

Tôi ngồi xuống cạnh bờ hồ, lấy tay gạt nước mắt và ôm gọn chân lại. Tôi cảm thấy mình không bì được với người ta, thèm muốn được một lần giống như con bạn tôi. Tôi cảm thấy mình thật lạc lõng, như giọt nước nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Bỗng nhiên có tiếng ai quen thuộc đang gọi mình. Tôi quay người lại và nhận ra là bác Vân. Bác là người hàng xóm gần gũi với gia đình tôi nhất, nên có lẽ chuyện gì trong nhà tôi bác đều biết rõ, kể cả chuyện lúc nãy.

- Cháu cứ đi lung tung, hại mẹ cháu phải đi tìm kia kìa!

Giọng bác có chút trách móc, nhưng nhiều hơn thế là lo lắng cho tôi. Tôi cúi đầu, chỉ e dè hỏi bác.

- Bác ơi, mẹ cháu đâu rồi ạ?

- Mẹ đang làm ở quán đấy, phải làm cả ca khuya, khách nhiều quá trời đi. Tội nghiệp! Chỉ mới về nhà được một lúc

thì lại...

Tôi ậm ừ “dạ” không nói thêm lời nào.

Bác dẫn tôi đến quán mẹ đang làm. Là một con quán nhỏ ở cuối hẻm. Tôi bước vào sâu bên trong và nhìn mẹ qua khe cửa sổ. Bất giác, sống mũi tôi cay cay, con mắt đỏ hoe. Tôi trông thấy mẹ đang khệ nệ bưng mấy thùng thực phẩm nặng trịch vào bếp, sau đó lại bước ra với mấy tô mì nóng ran, tưởng như rát cả tay. Một chốc, mẹ lại chống lưng ngồi nghỉ trên ghế, mẹ lấy từ trong túi ra lọ thuốc mọi ngày rồi thoa lên tay và đầu gối. Tôi bất chợt giật mình. Những vết đỏ trên tay mẹ không phải là những vết xước nhỏ, mà là những vết bỏng do nước nóng gây ra, khiến mẹ đau đớn chịu đựng. Mẹ lại tiếp tục công việc của mình. Nhưng có lẽ vết bỏng ở tay làm mẹ rát quá, trong một khắc sơ ý, mẹ lỡ tay làm đổ ra bàn khách. Ông khách kia đã vội quát mắng mẹ, nói rằng ngộ nhỡ ông ta bị bỏng thì sao? Tôi ức nghẹn cả người, chỉ muốn xông vào mà hét vào mặt ông ta rằng, chỉ vì một chút vô tình mà ông lại quát mắng mẹ tôi như thế?

- Mẹ cháu người vốn không khỏe mạnh nên sinh vụng về, hay bị chủ quán trách cứ lắm. Cho nên tiền lương mỗi tháng chỉ có dăm đồng bạc...Thương quá...

Bác Vân cứ chậm rãi nói. Bác nói bao nhiêu, tôi lại nghẹn ngào bấy nhiêu. Tôi dường như không thể kìm nổi nước mắt nữa, cứ òa lên mà khóc, còn to hơn cả lúc nãy. Nhưng không phải vì những món quà mà mẹ tặng tôi, mà vì sự vô tâm của tôi chưa một lần hiểu mẹ, chưa bao giờ dành cho mẹ sự cảm thông. Tôi chưa lần nào chia sẻ với mẹ điều gì, chưa khi nào quan tâm đến sự mệt mỏi mà mẹ phải gánh vác từng ngày. Thứ duy nhất mà tôi nói với mẹ lại là sự đòi hỏi để bằng được người ta. Phải rồi, con bạn tôi, có lẽ, nó giàu về vật chất, về tiền bạc, nhưng tôi lại giàu có về tình yêu thương vô điều kiện của mẹ. Chiếc xe cũ và cái bánh kem đó, tuy không đồ sộ, nhưng có lẽ đó là cả tháng lương mẹ dành dụm. Mắt tôi đã nhòe đi, hình ảnh của mẹ đã không còn rõ nét. Bởi một phần tôi không muốn nhận ra thêm nữa: Mình là đứa con bất hiếu đến chừng nào...

Cả ngày hôm ấy, tôi không đi đâu nữa, chỉ ở nhà đợi mẹ về đón sinh nhật cùng tôi. Trước con mắt ngạc nhiên của mẹ, tôi nhận những món quà với sự vui mừng và lòng biết ơn sâu sắc. Tôi khẽ cảm ơn mẹ. Nhìn nụ cười hiền hòa của mẹ, tôi cảm thấy đó mới chính là món quà to lớn nhất mẹ dành cho tôi...

Thời gian đã dần trôi qua và mang đi những quá khứ đau buồn. Giờ đây tôi không còn là một con nhóc ích kỉ nữa. Người mẹ thân yêu của tôi, đã vì tôi mà chịu bao cay đắng tủi nhục. Tôi tự hứa lòng mình rằng, mình sẽ trở thành nguồn động lực của mẹ, là đứa con ngoan trong lòng mẹ để đánh tan hết những nhọc nhằn mà mẹ gánh trên đôi vai. Phải rồi, sau cơn mưa sẽ là cầu vồng, sau mỗi câu chuyện sẽ là một bài học quý giá. Sau tình yêu thương vô điều kiện mẹ dành cho tôi, tôi mới nhận ra rằng:

“Đôi vai mẹ một gánh đầy

huyền thoại

Tình yêu thương hào phòng đến

khôn cùng”

            (Porcupine)

N.T.T.Q
(Lớp 8/1 Trường THCS Lý Tự Trọng, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng)