Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn Tiếng
ội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng già đi, lớp kế cận ngày càng hụt hẫng”. Rồi người cháu ngoại của nhà viết kịch bản Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đi đến kết luận: “Người ta nói tre già thì măng mọc. Hình như điều đó không đúng với thực trạng của văn học nghệ thuật Đà Nẵng hiện nay mà cũng có thể là của cả nước”.
Và giờ đây, trước thềm Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, vấn đề mà nhà viết kịch Hồ Hải Học đặt ra từ mười năm trước vẫn đang còn nóng hổi tính thời sự. Do vậy câu chuyện thế hệ trong giới văn nghệ sĩ nói chung và câu chuyện văn nghệ sĩ trẻ nói riêng chắc chắn sẽ được bàn thảo sôi nổi trước và trong Đại hội. Nói đến thế hệ, nói đến trẻ/già thường là nói đến tuổi đời - nhà viết kịch Hồ Hải Học cũng hình dung văn nghệ sĩ trẻ là những người dưới ba mươi tuổi. Đương nhiên việc đồng nhất trẻ với trẻ tuổi cũng chỉ tương đối thôi, bởi như nhà thơ Trương Văn Ngọc từng viết: Tuổi trẻ là trên dưới hai mươi/ Trên dưới tuổi ba mươi là đúng nhất/ Nhưng anh ơi ta cần chi tuổi tác/ Chi cần tâm hồn rất trẻ với xung quanh. Và trên một lĩnh vực đặc thù như văn học nghệ thuật, vấn đề thế hệ trong giới văn nghệ sĩ có lẽ không chỉ là chuyện tuổi đời mà còn và chủ yếu là chuyện tuổi nghề - có những “thần đồng” tài không đợi tuổi, nhiều trường hợp thành danh từ khi còn rất trẻ, nhưng cũng không ít người vào nghề muộn, có khi ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, thậm chí ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên về đại thể thì có thể thấy mối quan hệ giữa sự từng trải ở đời với tuổi tác ít nhiều và giữa sự từng trải ở đời với sáng tạo văn chương nghệ thuật, là một điều có thật, khó có thể phủ nhận...
Đối với nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu thì tuổi nghề thường gắn với tuổi đời, đến mức trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “Thầy già con hát trẻ” - ngụ ý với nghệ sĩ biểu diễn thì thanh sắc là yếu tố rất quan trọng trong lao động nghề nghiệp. Mặc dầu có thể Quảng -Nam - hay - cãi rằng câu nói “Thầy già con hát trẻ” ấy có thể không đúng với tất cả nghệ sĩ biểu diễn, bởi trên sân khấu đâu chỉ có vai người trẻ và rõ ràng vai người già phù hợp hơn, thậm chí chỉ phù hợp với nghệ sĩ biểu diễn cao tuổi. Hoặc cũng có thể Quảng - Nam - hay -cãi rằng hoàn toàn có khả năng “tích hợp” thanh sắc của “con hát trẻ” vào sự từng trải của “thầy già”, chẳng hạn không ít trường hợp biên đạo/ đạo diễn/ chỉ huy dàn nhạc cao tuổi - có thể được xem là “thầy già” - xuất thân từ nghệ sĩ biểu diễn như một cách kéo dài thanh sắc của thời “con hát trẻ”. Thế nhưng câu nói “Thầy già con hát trẻ” ấy đã góp phần chứng tỏ vấn đề trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn là khó hơn nhiều so với vấn đề trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung.
Bàn về giải pháp để gầy dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ vừa có số lượng vừa có chất lượng, nhà viết kịch Hồ Hải Học không chỉ đòi hỏi xã hội phải quan tâm chăm lo những văn nghệ sĩ trẻ - thậm chí từ khi họ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn đòi hỏi xã hội phải quan tâm chăm lo cho những văn nghệ sĩ không còn trẻ, những cây tre già trên lĩnh vực văn học nghệ thuật: “Tre già thì măng mọc, nhưng búp măng có bụ bẫm hay không, có nhằm thẳng trời xanh mà vươn tới hay không, còn phụ thuộc vào lớp tre già kia có mạnh mẽ, có dẻo dai, có là chỗ dựa vững chắc không? Rõ ràng không chăm lo cho tre thì cũng khó mong có những lứa măng mơn mởn. Mà không có măng thì tre già biết dựa vào đâu?”(1). Xin nói thêm, cũng là chuyện trẻ/già trong giới văn nghệ sĩ nhưng cuộc tranh luận diễn ra tại Đại hội lần thứ XII Hội Nhà văn Hà Nội hồi tháng 8 năm 2017 lại đi theo hướng làm thế nào để “tre già bớt đi” dành chỗ cho “măng mọc” - xem bài Lại chuyện “tre già che măng mọc” đăng trên Báo Tiền Phong điện tử ngày 13 tháng 8 năm 2017 của nhà báo Nông Hồng Diệu, có dẫn ý kiến rất hay của nhà văn Đà Nẵng Thái Bá Lợi. Trước một vấn đề không hề đơn giản như vậy, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng cần phải làm gì để kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ sao cho cả măng lẫn tre đều có thể “nhằm thẳng trời xanh mà vươn tới” với khát vọng chinh phục các đỉnh cao trong lao động sáng tạo nghệ thuật - theo cách nói của nhà viết kịch Hồ Hải Học?
Theo tôi có mấy câu hỏi cần được đặt ra để tìm lời giải đáp từ phía Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng, chẳng hạn giáo dục văn chương nghệ thuật trong trường học - nhất là trường phổ thông - có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Thực trạng và giải pháp nâng cao khả năng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng tham gia giáo dục văn chương nghệ thuật trong trường học - nhất là trường phổ thông? Hay hình thức sinh hoạt câu lạc bộ trẻ trong các hội chuyên ngành có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt câu lạc bộ trẻ trong các hội chuyên ngành hiện nay? Hoặc hình thức mở trại sáng tác thiếu nhi ở hai chuyên ngành văn học và mỹ thuật hằng năm có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng trại sáng tác thiếu nhi ở hai chuyên ngành văn học và mỹ thuật hằng năm? Hay việc tạo nguồn kết nạp hội viên/hội viên trẻ của các hội chuyên ngành có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tạo nguồn kết nạp hội viên/hội viên trẻ của các hội chuyên ngành? Và nữa và nữa...
Cũng có thể phải đặt ra một số câu hỏi để tìm lời giải đáp từ bản thân các văn nghệ sĩ trẻ Đà Nẵng, chẳng hạn văn nghệ sĩ trẻ ở thành phố bên sông Hàn nghĩ gì về ý kiến sau đây của họa sĩ Phan Cẩm Thượng: “Nghệ sĩ trẻ Việt Nam có nhiều vấn đề chung với nghệ sĩ trẻ thế giới, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, họ có nhiều điểm riêng biệt, trong đó nổi lên là ý thức cá nhân rất nhợt nhạt... Nền tảng văn hóa dân tộc dường như còn rất ít ý nghĩa, nếu không muốn nói cản trở tham vọng của các nghệ sĩ trẻ. Họ đôi khi nói tiếng Anh thành thạo hơn tiếng Việt, và quan niệm về nền tảng văn hóa cũng hoàn toàn khác, tức là không nhất thiết phải có nền tảng gì, cần gì thì đọc nấy, tra cứu trên mạng, không cần tu dưỡng một đời sống tâm hồn theo nền văn hóa nào, hoặc nếu có là một thứ văn hóa ăn ngay, tự do, nhất thời”(2). Xin nói thêm rằng ý thức cá nhân mà họa sĩ Phan Cẩm Thượng vừa đề cập chính là điều kiện tiên quyết của sáng tạo văn học nghệ thuật, bởi trong thời điểm sáng tạo văn học nghệ thuật, khi người nhạc sĩ đang một mình cầm đàn đối diện với khuông nhạc, khi người họa sĩ đang một mình cầm cọ đối diện với tấm vải bố và với bột màu, khi người viết văn/ làm thơ/ viết kịch đang một mình cầm bút đối diện với trang giấy trắng - tất nhiên thời @ trang giấy trắng này nằm ngay trên màn hình computer..., thì ý thức cá nhân của mỗi văn nghệ sĩ phải được đề cao đến mức cực đoan như Xuân Diệu từng viết trong bài thơ Hy Mã Lạp Sơn thời tiền chiến: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Thực ra ý thức cá nhân cao độ không chỉ là đòi hỏi riêng đối với văn nghệ sĩ trẻ mà còn là đòi hỏi chung đối với mọi văn nghệ sĩ, bởi ở độ tuổi nào thì văn nghệ sĩ vẫn sợ nhất là bản thân mình “chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” - như cách nói của nhà thơ Inrasara... Ngay cả cái quan niệm sai lầm về nền tảng văn hóa - “không nhất thiết phải có nền tảng gì, cần gì thì đọc nấy, tra cứu trên mạng, không cần tu dưỡng một đời sống tâm hồn theo nền văn hóa nào, hoặc nếu có là một thứ văn hóa ăn ngay, tự do, nhất thời” - mà họa sĩ Phan Cẩm Thượng cảnh báo, cũng không phải là “đặc sản” của văn nghệ sĩ trẻ.
Trong bài phỏng vấn có nhan đề Cần một tình yêu sâu bền, mãnh liệt đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 12 tháng 5 năm 2019, nhà báo Quỳnh Trang đặt vấn đề: “Có nhận định, trong hoạt động văn chương của Đà Nẵng, những sáng tác mới ít hơn và điều đặc biệt là không có thêm người viết trẻ. Từ sau Hội nghị Những người viết văn trẻ (mở rộng) tại Đà Nẵng năm 2017 đến nay, văn đàn Đà Nẵng cũng không ghi dấu tác phẩm nào nổi bật. Quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc như Giang Trung, Bách Mỵ, Thục Trang, Trung Kiên, Lê Hồng Mận... Văn chương của một vùng đất mà sự tiếp nối yếu ớt như vậy cũng là điều đáng lo ngại”, từ đó đặt câu hỏi dành cho một số “người trong cuộc”, chẳng hạn như “Làm cách nào để có tác phẩm hay, một tác phẩm ghi dấu ấn tác giả trên văn đàn?”. Câu hỏi này được nhà văn trẻ Ngô Thị Thục Trang chia sẻ ngắn gọn: “Phải có một nội lực mạnh, một tình yêu sâu bền, dữ dội nữa, thì may ra...”. Tình yêu sâu bền và dữ dội mà Ngô Thị Thục Trang nói ở đây có lẽ là tình yêu đối với cuộc đời, đối với con người và quan trọng hơn là đối với văn chương. Văn nghệ sĩ trẻ và cả các đại biểu dự Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố nghĩ gì về câu trả lời của Ngô Thị Thục Trang? Karl Jaspers từng cho rằng trong triết học câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời và mỗi câu trả lời phải gợi lên những câu hỏi mới. Mượn ý của triết gia người Đức này, phải chăng câu trả lời của Ngô Thị Thục Trang đang gợi lên trong chúng ta ít nhất hai câu hỏi mới: Làm gì để các văn nghệ sĩ trẻ có thể sở hữu được một nội lực mạnh? Và làm thế nào để một tình yêu sâu bền và dữ dội có thể thực sự bùng cháy trong tâm hồn của từng văn nghệ sĩ trẻ? Đây là hai câu hỏi mà dường như không chỉ đặt ra cho duy nhất một cuộc hội thảo!
B.V.T