Những cây cầu thành phố - Trần Nhã Thụy

21.08.2013
Khang gần như mê mẩn những cây cầu trong thành phố. Đây chỉ nói những cây cầu nhỏ, thậm chí vô danh, những cây cầu bắc qua rạch Nhiêu Lộc vừa được phát hiện, khai mở thêm trong vài ba năm trở lại đây. Khang không thích gọi là rạch mà thích nhìn như dòng sông (dù là sông đen). Dòng sông đó chảy qua những địa điểm thi vị trong thành phố. Và những cây cầu nhỏ bắc qua sông ở những địa điểm tất yếu, tất nhiên đối với Khang lại càng thú vị hơn.

Những cây cầu thành phố - Trần Nhã Thụy

Hằng ngày, Khang thường đạp xe đi trên những con đường dọc sông (từ đây xin được gọi là sông). Có những đoạn đường mới tiếp nối những đoạn đường cũ. Và từ bóng mát chạy dài ra nắng rồi lại trôi vào trong bóng mát. Khang vẫn thong thả đạp xe. Có khi hắn dừng lại bên một dốc cầu để ngắm phong cảnh phía bên kia. Đầu cầu bên ấy có một cây đa cổ thụ trùm bóng mát, chìa bộ râu rễ xòa gần chạm mặt nước. Một toán người đạp xích lô đang ngồi trên xe đợi khách. Có anh thanh niên nằm ngả người, chân khèo qua bác bên cạnh ghẹo chơi, rồi cả hai nhảy xuống xe, đuổi chạy vòng quanh. Một bà bán thuốc lá đang ngủ gật trên chiếc ghế cao có lưng tựa, bỗng giật mình, cười trong cái ngáp rộng miệng hết sức thoải mái.

Khang đạp xe đi. Có khi hắn vượt qua một cây cầu để sang đường bên kia, rồi vượt một cây nữa để trở lại đường cũ. Cứ dịch chuyển mãi như vậy mà không biết mệt, chán. Nhưng cũng có điều làm Khang buồn là dòng sông này cứ mãi màu đen (biết bao giờ mới hết đen?), thêm nữa, nước không thấy chảy. Thằng Việt, tên bạn thân nhất của Khang biết được nỗi niềm của Khang có lần đã đùa: "Mày muốn cho dòng trong hả, dễ thôi, về quê mày vác con sông Vệ vào đây thì tha hồ trong". Khang cười: "Còn phải nói". Việt vẫn chưa thôi: "Ê, mày thích mấy cây cầu quá sao hồi đó mày không thi vào ngành cầu cống mày?". Khang chỉ biết cười trừ, làm sao đối đáp cho thằng ba trợn ba trạo đó. Khang nói:

- Nhưng mày có thấy cây cầu này đẹp không?

- Thì đẹp. Mà có con nhỏ đứng trên cầu kia mới đẹp ghê hồn chưa! - - Đâu, có con nhỏ nào đâu?

- Nó nhảy xuống cầu rồi, lặn mất tiêu rồi.

Khang không giận Việt, vì biết bạn là người bụng để ngoài da, thích chọc ghẹo vui vậy thôi chứ không có ác ý gì. Hai đứa là bạn thân từ ngày còn ở quê. Đến năm học lớp 10 thì gia đình Việt chuyển vào thành phố này sống. Mấy năm trời hai đứa mới gặp lại nhau, lại vừa khéo, cả hai cùng học mỹ thuật. Sinh viên năm nhất còn rộng thời gian để vi vu, nên Khang và Việt thường lang thang khắp nơi. Nhưng Việt không thích lang thang để nhìn ngắm những cây cầu như hang. Sở thích của Việc là sưu tầm địa chỉ của những quán cà phê nhạc có phong cách lạ nhưng hợp với gu của nó. Việt sành nhạc, nhạy cảm với âm thanh. Nó có thể nhốt mình trong phòng cả ngày chỉ để nghe nhạc. Còn Khang thì không thể ngồi yên được vài giờ. Thêm nữa, nơi mà hang ở trọ sát cạnh một tiệm làm cửa sắt suốt ngày ồn ào. Nên khi về nhà Khang lại tìm cách đi. Phố xá ngày một đông. Khang tìm ra những khoảng trống.

Khi đi ngang qua cây cầu mà có lần Việt đã nói là có cô bé đứng đó nhảy xuống nước, dù biết là Việt nói đùa để ghẹo mình, nhưng không hiểu sao Khang vẫn nhìn về phía nó. Và không biết bao nhiêu lần cứ hình dung ra một cô bé có thật. Đó là một cây cầu nhỏ bắc qua một khúc quanh của dòng sông, nên nhìn cây cầu thấy bắc xiên. Cầu xi măng, thành cầu làm bằng những thanh sắt sơn đen. Mỗi đầu cầu có một trụ đèn cũng màu đen. Một dải cát nằm gần mố cầu, lác đác những khóm cỏ lau cằn cỗi. Thỉnh thoảng Khang thấy một bà già ngồi trên một chiếc ghe nhỏ xíu bằng nhôm bơi tấp vào cái bến đó. Rồi bà úp chiếc ghe đội lên đầu đi khuất vào trong xóm. Một bà già đi cắt rau muống - Khang đoán vậy.

Một buổi chiều. Khang dựng xe dưới gốc phượng, ngồi xuống cỏ, lấy bút chì và giấy ra chuẩn bị vẽ phác cây cầu thì hắn trông thấy… một cô bé. Nhưng không phải là một mà là hai. Cũng không phải đứng trên cầu mà đang đi chầm chậm trên dải cát gần mép nước. Họ đang trò chuyện và khoát tay chỉ những ngọn cỏ lau. Khang mỉm cười, phác vẽ. Chợt Khang thấy họ đang chỉ về phía mình. Đúng rồi, họ chỉ vào Khang rồi vẫy vẫy tay như chào. Khang không biết làm thế nào bèn đứng lên vẫy chào lại. Nhưng hình như hắn quá hưng phấn hay sao ấy, nên khi vẫy tay hắn làm cho cái bảng gỗ lẫn mấy tờ giấy kẹp bay rơi xuống sông. Khang nghe tiếng cười ré bên kia. Hắn ngượng đỏ mặt nhưng thấy lòng vui khó tả.

Dưới cầu nước chảy… Khang thường mơ màng về câu hát đó, suy nghĩ về điều đó. Ngày ở quê hắn cũng rất thích dạo qua những cây cầu. Khang đặc biệt thích cây cầu lớn ở sát ngoài thị trấn. Đứng trên cây cầu đó, Khang có thể nhìn khắp cả cánh đồng, trông thấy dãy núi phía tây, nghe tiếng sóng biển và gió rừng dương rì rầm phía đông. Trên cầu gió mát lộng. Và dưới cầu nước trong xanh chảy. Trong đêm khuya có thể nghe tiếng nước va vào chân cầu. Sự va chạm trong nước luôn tạo ra những cuộc chuyện trò triền miên và đầy bí ẩn.

Ngày còn bé Khang vẫn thường cùng đám bạn tụ tập ở mố cầu mỗi khi chiều xuống chờ người kể chuyện đến. Người kể chuyện là lão Tâm chăn vịt nhà ở gần cầu. Lão Tâm có tài kể chuyện thần sầu, giả được đủ thứ giọng, kể được đủ thứ chuyện. Khang là thằng bé thường đến sớm nhất, khi nắng còn chưa tắt hẳn. Cái mố cầu còn hâm hấp nóng. Nhưng Khang đã ngồi ở đó, thằng bé thích cảm giác ui ui nóng ấy. Và chờ đợi…

Cảm giác chờ đợi một điều gì đó không rõ hôm nay lại đến với Khang. Hắn ngồi vẽ mà mắt cứ mãi nhìn qua phía bên kia cầu. Trong hai cô bé hôm trước, thì một cô có tiếng cười rất giòn, rất hồn nhiên. Khang có ấn tượng về cô bé đó. Nhưng mấy hôm rồi không thấy họ xuất hiện. Khang toan đứng lên thì có tiếng cười khúc khích phía sau lưng. Hắn quay lại thì không tin nổi vào mắt mình, hai cô nương hôm trước đã đèo nhau, lén đến mai phục sau lưng hắn. Cô có tiếng cười giòn lên tiếng:

- Chào anh họa sĩ, anh đang vẽ gì đó?

- Huynh có vẻ hình tụi này ở trong không đó? Có vẽ thì vẽ cho đẹp đó nha! Lấy lại bình tĩnh, Khang phản đòn:

- Tui chờ hai bé bơi dưới sông mới vẽ. Cảnh đó chắc đẹp lắm.

- Í, anh dám chọc quê tụi này hả. Cho anh biết tụi này là thổ địa ở đây đó nha.

- …

Cả hai cô đều đang là học sinh lớp 11. Cuộc gặp gỡ đầu tiên diễn ra trong không khí thân mật nhưng cũng đầy tính thăm dò. Lần gặp sau đó tính thân mật gia tăng, sự thăm dò có vẻ không còn nữa nhưng lại tạo nên những đường viền trong cảm xúc. Đó là những tình cảm thông thường của tuổi mới lớn. Khang trở nên thất thường hơn bao giờ hết. Cô bé có tiếng cười giòn (tên là Hà) tự dưng lại cứ hay kìm giữ tiếng cười của mình lại.Có lần Hà hỏi:

- Anh Khang, sao anh lại thích những cây cầu?

- Vì những cây cầu vừa có ý nghĩa thực tế lại vừa mang những biểu tượng của tình cảm.

- Là sao?

- Này nhé, nhờ có cây cầu này mà em từ nhà tới đây chỉ mất có 5 phút 30 giây, đấy là ý nghĩa thực tế.

- Còn cái gọi là biểu tượng?

- Em không nghe câu: Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy đó sao?

- À há, anh giải thích nghe cứ như là anh Cỏ Cú. - Anh còn hơn anh Cỏ Cú nữa đấy chứ!

- Vậy anh là cỏ gì?

- Cỏ Gấu.

- …

Dù không nhìn thấy nhưng nước dưới cầu vẫn chảy. Những cây xanh vươn lên mở rộng bóng mát. Hà trở lại với tiếng cười giòn vốn có. Khang tiếp tục phác vẽ những cây cầu trong thành phố. Nhưng cũng chỉ là phác vẽ. Những tranh vẽ chưa bao giờ hoàn thành và với Khang nó có nguy cơ luôn dang dở cũng như cuộc gặp gỡ giữa Khang và Hà đã dừng lại giữa chừng. Gia đình Hà đã bán nhà để đi nơi khác sống. Cũng là một quận trong thành phố nhưng cái chính là Hà đã không trở lại. Không biết Hà có nhớ không còn Khang thì vẫn nhớ… thằng Việt ba trợn gọi tình cảm của hai người là như sương khói mong manh, như trong lời một bài hát. Rồi sẵn trớn, nó lấy giọng ngâm nga: Không đi thì nhớ thì thương, còn đi thì sợ cái mương cái cầu…

Bao nhiêu năm trôi qua, mấy mùa xuân đã trở lại (Khang thích gọi mùa xuân trở lại hơn là mùa xuân đến). Tết năm nào Khang cũng trở về quê và đứng dưới cầu nước chảy. Đó là gió và nước của mùa xuân. Một thứ gió khác và nước khác, nó làm cho lòng người nhẹ lắng lại. Khi đứng đó Khang lại nhớ những cây cầu nhỏ ở thành phố. Hắn không biết ngày Tết có ai đứng trên cầu nhìn nước chảy như mình ở đây hay không?…

 T.N.T