Đình làng Phước Trường - Lê Văn
Đình làng Phước Trường là một trong những ngôi đình hình thành khá sớm trên mảnh đất Đà Nẵng, được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Đình gắn liền với quá trình hình thành cộng đồng cư dân và những sự kiện lịch sử trọng đại của quân và dân Đà Nẵng. Hiện nay đình tọa lạc tại điểm giao nhau giữa đường Đông Kinh Nghĩa Thục và đường Lê Mạnh Trinh, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
1. Quá trình hình thành cộng đồng cư dân Phước Trường
Phước Trường trong nhiều thế kỷ trước là vùng đất nằm ở giữa sông Hàn và biển Đông, đất đai phần lớn là đất hoang nhàn, bạch sa cằn cỗi phủ nhiều lau sậy. Đến cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, ông Phan Phú Vạn đến đây định cư. “Phổ liệu Phan tộc miền Trung Nam - Nam Việt Nam” cho biết: “Hệ Tổ của làng Phước Trường là ông Phan Phú Vạn - hậu duệ đời thứ 15 của Tổ Phan Công Chánh hệ tộc 2 ở Lạc Câu, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) dòng họ Đà Sơn. Ông đến khai hoang ven biển phía đông cùng các tôn tộc lập xã hiệu Phước Giang (sau là Phước Trường) là tộc Tiền hiền tại làng, phát triển thành ba chi phái, con cháu đông đúc ở tập trung truyền tự 11 đời”.[1] Sau này, các tộc họ khác như: Nguyễn, Trương, Huỳnh, Lê,… đến đây sinh sống, làm cho Phước Trường dân cư ngày càng đông đúc, đất đai mở mang rộng rãi.
Trong các thư tịch và văn bia hiện tồn cho thấy, trước khi có địa danh Phước Trường thì nơi đây được gọi là Phước Giang tộc (福江族).[2] Xã hiệu Phước Giang được lập vào thời gian nào đến nay thật khó để xác định một cách chính xác. Nhưng trong Phủ biên tạp lục - là bộ sách của Lê Quý Đôn ghi chép lại những thông tin quan trọng về kinh tế - xã hội của xứ Đàng Trong gần 200 năm từ cuối thế kỷ XVI đến thời kỳ ông làm quan Hiệp trấn xứ Thuận Hóa của chính quyền Lê - Trịnh (khoảng năm 1776). Trong đó, ông có ghi tên các tổng, hiệu, xã, thôn, trang trại ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam,… thì địa danh Phúc Giang tộc (Phước Giang tộc) thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn đã xuất hiện. Ông viết: “Tổng Hòa Mỹ, 18 xã, 1 ty, 1 tộc: Xuân An, Trung Sơn, Bào Đán Đông, Bào Đán Tây, Bào Nghi Trung, Bào Nghi Tây, Lộc Mỹ, Hưởng Phúc, Hòa Mỹ, Mỹ Sơn, Giáo Phường ty, Phúc Giang tộc, Thịnh An Mỹ Thị, Nại Hiên Đông, Nại Hiên Tây, Bào Nghi Đông, Liên Trì, Tân An, Tây An, Vĩnh Phúc, Cẩm Khê”.[3]
Đến năm 1812, dưới thời vua Gia Long, trong địa bạ triều Nguyễn, địa danh Phúc Giang tộc không còn xuất hiện mà được gọi là Phúc Trường xã (Phước Trường xã), thuộc tổng An Lưu Hạ, phủ Điện Bàn. Lúc bấy giờ diện tích của toàn xã là 153 mẫu, 1 sào, 5 thước, 7 tấc. Trong đó, đất tư là 7 mẫu, 4 sào, 5 thước, 7 tấc; đất thần từ (đất thờ cúng) là 1 mẫu, 3 sào; còn lại đất hoang nhàn là 144 mẫu, 4 sào. Địa bạ còn cho biết phía đông của xã giáp xã Tân An và biển, phía tây giáp An Hải, phía nam giáp xã Mỹ Khê còn phía bắc giáp xã Cổ Mân.[4] Đến năm 1827, trong tờ Trát của quan bảo hộ Khâm sai Thống chế Thoại Ngọc Hầu (tức Nguyễn Văn Thoại, 1761 - 1829) gửi cho xã trưởng, hương lão, mục dịch xã An Hải về việc xin lập chợ Hà Thân vào ngày 20 tháng 4, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 8 (15.5.1827), chúng ta cũng thấy xuất hiện địa danh xã Phước Trường.
Đến năm 1858, trong tấm bản đồ “Positions de Tourane”, tức “Vị trí Đà Nẵng”, với dòng chú thích bằng tiếng Pháp nghĩa là “Bản đồ Đà Nẵng tìm được trong nhà một ông quan ngày 15.9.1859”. Tấm bản đồ được chú thích bằng cả ba ngôn ngữ Việt, Hán, Pháp cũng như đánh dấu các vị trí theo phong cách phương Tây. Trên đó, các chiến hào, công sự, thành, đồn... được đánh dấu và mô tả khá rõ. Đồng thời qua đây chúng ta cũng nhận ra các tên gọi địa danh của Đà Nẵng xưa. Có hơn 100 chú thích nhưng gần 80% trong số đó là chú thích vị trí các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh, vọng lâu, hào, nhà tù, công quán, tuần binh... tức các vị trí quân sự. Hầu như toàn thành phố Đà Nẵng khắp nơi là thành lũy, chiến hào chiến đấu. Đặc biệt trong tấm bản đồ này, làng Phước Trường cũng có tên, ở ký hiệu số 75 (福長社 - Phước Trường xã), gần sát biển.
Qua những tư liệu trên, chúng ta có thể thấy, ban đầu nơi đây được gọi là Phúc Giang tộc (Phước Giang tộc), rồi sau đó đổi thành Phước Trường xã. Vậy có thể tin rằng, Phước Trường là một trong những ngôi làng cổ đã hình thành lâu đời trên mảnh đất Đà Nẵng.
2. Lược sử hình thành đình Phước Trường
Theo quan niệm và hoạt động tâm linh của người Việt xưa kia thì trong gia đình thờ cúng tổ tiên, thờ thần đất (thổ thần), xóm có thần xóm, làng có thần làng. Bởi nước ta vốn là một quốc gia có nghề nông nghiệp lúa nước truyền thống lâu đời, người dân sống gắn bó với thiên nhiên và cũng sợ thiên nhiên, nhất là những khi thiên tai bất thường xảy ra, họ không giải thích được vì sao lại có hiện tượng đó. Họ tưởng tượng có một lực lượng vô hình nào đó tác động vào đời sống của họ. Họ sợ hãi hoặc kính phục lực lượng ấy và dẫn đến việc tôn thờ, từ đó “thần linh” xuất hiện. Cũng từ cuộc sống gắn bó với tự nhiên nên trong tư tưởng của họ, những người nào đó không may bị sét đánh chết, bị chết đuối hay cây ngã đè chết, họ cũng cho đó là cái chết không bình thường, bất đắc kỳ tử, hẳn là có điều gì thiêng liêng uẩn khúc; có người từ nơi khác đến vùng đất mình đột ngột chết, qua đêm mối đùn lên thành mộ, họ cho là người chết thiêng; thậm chí có người chết nghẹn, chết đuối cũng cho là chết khác thường,… nên được thờ cúng tại miếu Âm linh. Đặc biệt, từ thực tế của cuộc sống cũng đã xuất hiện những con người khỏe mạnh, mưu lược, tài ba, giết thú dữ, cứu thoát được nhiều người, hay những người có công với dân với nước, khi chết cũng được phong làm thần và thờ cúng tại đình (sống làm tướng, thác làm thần). Tất cả đã họp thành một lớp người được tôn thờ, đó là “thần người”.[5] Tùy theo từng làng mà có vị thần của riêng mình, gọi chung là thần Thành Hoàng và được thờ trong các ngôi đình. Tuy vậy, ngoài thần Thành Hoàng thì tùy theo thực tế của làng, mỗi ngôi đình có thể thờ các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của nhà vua, tất cả đều được rước vào đình thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo niềm tin, niềm hi vọng của làng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cái tên thần Thành Hoàng của người Việt là do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ, ra đời vào thời nhà Chu khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Họ thờ thần thành và thần hào, gọi chung là thần thành hào, lâu ngày sang Việt Nam người ta gọi thành thần Thành Hoàng để tỏ ý tôn kính thần. Đồng thời cái tên đình (亭) cũng do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, đấy là tên gọi những công trình kiến trúc được dựng lên ở mỗi cung độ đường, làm nơi để nhà vua khi đi tuần du hoặc khách bộ hành qua lại nghỉ ngơi, gọi là dịch đình hoặc đình trạm. Ở nước ta, vào đầu thời nhà Trần (1226 - 1400) vẫn còn nhiều ngôi đình trạm. Vua Trần Thái Tông (ở ngôi: 1226 - 1258) đã xuống chiếu hễ nơi nào có đình trạm thì phải tô tượng Phật đặt thờ. Dần sang thời Lê (1427 - 1789), chợ búa phát triển, ở những nơi độ đường thuận tiện, ngôi đình trạm dùng làm nơi họp chợ, ngôi đình trạm biến thành ngôi đình chợ. Dần về sau, những ngôi đình chợ thu hẹp thành miếu thần chợ. Còn những ngôi đình trạm ở những nơi không tiện độ đường, dần đổ nát rồi mất đi. Và cũng ở thời kỳ này ruộng đất tư hữu phát triển, Nho học phổ biến đã tạo nên một hệ thống quan lại đông đảo không chỉ làm sườn vững chắc cho chính quyền quân chủ bên trên mà còn củng cố chế độ ngay từ nền móng, ở đơn vị hành chính cơ sở là làng nữa. Chính vì vậy, nhu cầu củng cố chốn đình chung, làm nơi ăn trên ngồi chốc của tầng lớp quan lại về hưu, những ông sinh đồ dở dang và giới địa chủ trong làng đã dẫn đến địa vị các làng cũng được cố kết, mở mang dần lên. Chính vì vậy, nhu cầu về ngôi nhà chung của làng cũng tăng lên, để làm nơi thờ thần của làng. Như vậy, ngôi đình làng ở nước ta ra đời bắt nguồn từ nhu cầu thờ thần và là nơi diễn ra hoạt động lễ hội của làng, tính chất khác hẳn ngôi dịch đình của Trung Hoa đã một thời ảnh hưởng vào nước ta trước đó.[6] Đình làng gần như đại diện, là biểu tượng quyền lực của làng xã. Bên cạnh đó, đình làng cũng là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam.
Ở làng Phước Trường cũng vậy, khoảng 400 trước, những lớp cư dân đầu tiên đến đây khai khẩn đất đai, lập nên làng xóm,… ngoài những công cụ, vật dụng cần thiết cho công cuộc mưu sinh trên vùng đất mới thì trong hành trang của họ còn mang theo những phong tục, tập quán, tín ngưỡng ở quê hương cũ của mình. Cùng với quá trình khai khẩn đất đai, lập nên làng xóm mới, khi cuộc sống dần đi vào ổn định, đời sống khá hơn, dân cư đông đúc hơn thì ngôi đình mới được người dân trong làng xây dựng, nó trở thành cơ sở văn hóa, là trung tâm hành chính của cả làng, và trong đó thờ vị thần cai quản xóm thôn, thờ các bậc Tiền Hiền đã có công khai phá, chiêu dân, mở đất.
Trong Tập tài liệu văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà do Phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà ấn hành năm 2008 cho biết, làng Phước Trường là một trong những làng hình thành lâu đời trên địa bàn quận Sơn Trà, có niên đại khoảng 400 năm. Trước đây, đất đai của làng phần lớn là đất hoang nhàn, bạch sa cằn cỗi nên đa số dân cư đều rất nghèo khổ, quanh năm suốt tháng họ tự nuôi sống mình bằng nghề hái củi, đốt than, đi râm lấy mật ong, một số sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển. Chính vì vậy, nhân dân Phước Trường có câu: “Buổi mai lên núi đốt than; Buổi chiều xuống biển đào hang bắt còng”. Quanh đi quẩn lại là vậy nên cuộc sống của người dân trong làng một thời đã không vượt ra ngoài câu ca đó. Những người chuyên nghề đi biển thì thả mái chèo ra là tay cuốc, tay gàu lên cồn làm nông, phải “chân biển, chân cồn” mới đủ sống qua ngày.
Tuy đời sống nhân dân trăm bề khổ cực nhưng người dân trong làng vẫn luôn ngưỡng vọng, tôn kính đối với các bậc tiền hiền đã có công khẩn điền kiến bộ, quy dân tạo lập làng Phước Trường cũng như có nơi thờ Thành Hoàng Bổn Xứ đã ban cho nhân dân có đất để làm nhà ở, có đất để trồng trọt, chôn mồ mả,… Vì thế, vào thời Gia Long (trị vì: 1802 - 1819), nhân dân làng Phước Trường bằng sự chắt chiu đã tạo lập ngôi đình làng tường vôi, mái lợp tranh tre nứa lá.
Do quá nghèo khó nên trải qua nhiều thế hệ, các hương chức trong làng chưa hề một lần tổ chức hát bội trong lễ cúng Kỳ yên ở đình để cho người dân xem, cho dù hát tuồng là bộ môn nghệ thuật mà gần như hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng trước đây vào mỗi dịp cúng kỳ yên thường mời các đoàn tuồng đến hát. Vì vậy, trong dân gian thời trước từng có câu ca truyền tụng rằng: “Trông cho con cóc (con ếch) mang giày; Phước Trường hát bội mấy ngày cùng coi”.
3. Di tích đình làng Phước Trường
Đình Phước Trường tọa lạc trong một khuôn viên rộng hơn 1.600 m2, có tường rào bao bọc xung quanh, xây bằng gạch, xi măng, cốt thép. Mặt đình quay về hướng tây là đường Lê Mạnh Trinh, hướng nam là đường Đông Kinh Nghĩa Thục, hướng bắc và hướng đông là khu dân cư. Cổng đình được xây theo phong cách kiến trúc hiện đại, trên đắp nổi bốn chữ “Đình làng Phước Trường”.
Bước qua cổng đình, chúng ta bắt gặp bức bình phong hình cuốn thư nằm án ngữ ngay trước mặt, mặt trước đắp nổi và cẩn sành sứ hình hổ - vị chúa tể sơn lâm đang nhe nanh đứng dưới tàn cây cổ thụ. Người ta quan niệm, hổ là một mãnh lực siêu phàm có thể chống lại những thế lực ma quỷ nên được trang trí trên bức bình phong để trấn áp tà ma, không cho xâm phạm vào nơi thờ thần. Hai bên con hổ còn trang trí hình hai con hạc đứng trên lưng rùa. Còn mặt sau cũng đắp nổi và cẩn sành sứ đồ án long mã hà đồ. Trong công trình Đình làng Đà Nẵng các tác giả đã có một nhận xét khá độc đáo về bức bình phong trong các di tích ở Đà Nẵng: “Sự xuất hiện của tấm bình phong ở vị trí này đã thể hiện sự kính ngưỡng tuyệt đối của người trần đối với thế giới thần linh. Bởi lẽ, bước vào đây người ta buộc phải rẽ sang hai bên mà không thể bước tiếp nếu muốn vào chính điện. Mặt khác, đứng ở ngoài không ai có thể nhìn thấu xuyên suốt vào điện thờ trong đình do sự che khuất của tấm bình phong”.[7] Có thể nói, bức bình phong ngoài ý nghĩa về phong thủy nó đã trở thành một bộ phận kiến trúc không thể thiếu trong ngôi đình, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo về đời sống tâm linh cũng như về mặt nghệ thuật của cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất Phước Trường bao đời nay.
Hai bên bình phong người ta xây hai ban thờ tả vu và hữu vu, trong có thờ linh vị của Hỏa Tinh Tiên Nương.
Bước qua một khoảng sân rộng chúng ta sẽ vào chánh điện của đình. Bố cục mặt bằng của đình có hình chữ đinh (丁). Kiểu thức kiến trúc này thường được gọi là kiểu “chuôi vồ”, nhưng cũng có một số người gọi là kiểu chữ (T) lộn ngược vì ngoài chánh điện còn có gian hậu tẩm nối liền phía sau gian giữa của chánh điện. Diện tích của chánh điện khoảng 80 m2, xây bằng gạch, xi măng, cốt thép. Mái lợp ngói âm dương, hệ mái trang trí môtíp “lưỡng long tranh châu” bằng kỹ thuật nề vôi vữa và được các nghệ nhân dùng kỹ thuật khảm sành sứ một cách cầu kỳ, tạo nên sự thanh thoát cho mái đình, đồng thời đảm bảo được sự trường tồn trước khắc nghiệt về khí hậu lắm nắng nhiều mưa của dải đất miền Trung. Và hình tượng rồng không chỉ xuất hiện trên bờ nóc của đình Phước Trường mà nó còn xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong đình như thân cột, bàn hương án, đầu đao,...
Ở trước hiên đình, người ta xây hai công trình kiến trúc gắn liền với đình là nhà chuông và nhà trống. Hai công trình này dù mang những chức năng riêng nhưng đã tạo nên sự liên kết với đình, làm cho ngôi đình trở nên vững chãi và mái đình cũng uyển chuyển, nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt, trên bức tường của mỗi nhà có đắp nổi một vế đối nói về tiếng trống và tiếng chuông, nhưng hai chữ đầu của mỗi vế đối ghép lại là tên của làng Phước Trường: “Phước hải triều tông chung thắng cuộc/Trường sơn cảnh sắc cổ văn thanh” (Biển phước mênh mông chuông rộn rã/Núi dài cảnh sắc trống ngân vang).[8]
Trước khi vào gian chánh điện, trước cửa ra vào có đắp hai câu đối mà hai chữ đầu khi ghép lại cũng là tên của làng Phước Trường: “Phước như đông hải long linh hiện/Trường đối Nam sơn hạc cơ triều” (Phước như biển lớn rồng linh hiện/Trường đối non Nam hạc xuất thân); và “Phước địa sơn hà linh tú chung chừ tín mỹ/Trường thiên vũ lộ anh hoa tư nhuận giai xuân” (Sông núi anh linh đất phúc giữ điều tươi đẹp/Trời ban mưa móc anh hoa mãi tắm mùa xuân).
Chánh điện của đình được chia thành ba gian thờ, trước tiên là ba bàn hương án nằm thành hàng ngang, hai bên tả hữu là năm bài vị của các vị tiền hiền. Các bài vị này được chế tác bằng đá Quan Nam (Trường Định), gồm chân đế được tạc theo kiểu chân quỳ, chiều cao khoảng 32 cm, ngang khoảng 12 cm. Đến nay, do trải qua thời gian khá lâu nên có bài vị bị bào mòn, chữ không đọc rõ, một số bài vị còn đọc được.
Gian hậu tẩm chính là nơi tôn nghiêm nhất của đình. Trước khi vào gian hậu tẩm, chúng ta bắt gặp câu đối viết bằng chữ Hán: “Khảm hộ ly môn tàng cơ trạch/Càn khai khôn cái tại thử gian” (Nhà bắc cửa nam nơi ẩn giấu/Trời mở đất che tại chốn này). Câu đối này nguyên trước đây dùng để trang trí ở gian hậu tẩm trong ngôi đình cũ (cách ngôi đình hiện nay 200 m, bên cây me Phước Trường). Bởi ngôi đình này có mặt quay về hướng nam nên người xưa mới đặt “nhà bắc cửa nam”, còn ngôi đình mới hiện nay mặt lại quay về hướng tây nên câu đối này sẽ không phù hợp.
Bên trong, chính giữa gian thờ thần Thành Hoàng của làng trang trí hình đầu rồng rất độc đáo. Hai bên có câu đối bằng chữ Hán ca ngợi công đức, uy linh các vị thần của làng: “Hách trạc anh uy quang vạn cổ/Linh thông tương hựu hiển thiên thu” (Hiển hách anh linh sáng muôn thuở/Linh thông cứu giúp rạng ngàn thu).
Đặc biệt trên bàn thờ có 4 linh vị ghi tên các vị thần Thành Hoàng mà dân làng thờ phụng, được chế tác bằng đá, có niên đại cổ xưa. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, các cụ nghe ông bà nói rằng, trước đây có tất cả 5 linh vị, nhưng khi thực dân Pháp đốt đình, các cụ đã đem chôn 5 linh vị xuống đất, sau đó đào lên lại nhưng đã thất lạc 01 linh vị nên hiện nay chỉ còn lại 4 linh vị. Các linh vị này có niên đại gắn liền với lịch sử xây dựng đình của người dân Phước Trường trước đây. Bốn linh vị này có chiều cao từ 31 cm đến 35 cm, chiều ngang khoảng 12 cm, có đế cũng được chế tác bằng đá thờ các vị thần Thành Hoàng của làng là Đô Thiên Thành Hoàng, Thành Hoàng Đại Đế, Đại Càn (có thể là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải?) và Thổ Địa Thành Hoàng.
Trong chánh điện của đình được trang trí rất nhiều hoành phi, liễn đối được viết bằng chữ Hán khá đẹp mắt, thể hiện ước vọng của con người về cuộc sống như: Du phước đồng (Mọi người đều được hưởng phước), Nẫm trứ linh ứng (Nghĩ đến sự linh ứng của chư thần thánh), Thiện tục khả phong (Thật đáng phong tặng là thuần phong mỹ tục), Vạn cổ trường tồn (Muôn đời còn mãi), Hòa khí (Mãi luôn hòa khí), Địa linh nhân kiệt (Đất linh thiêng, người anh kiệt), Quang phong (Cảnh quang tươi đẹp),…
Trong khuôn viên của đình còn 05 ngôi mộ của các bậc Tiền Hiền đã có công lập làng Phước Trường. Những ngôi mộ này trước đây nằm rải rác trong làng, nhưng quá trình đô thị hóa diễn ra, đất đai được quy hoạch lại nên người dân các tộc họ trong làng đã cải táng, đưa vào trong khuôn viên của đình. Ngoài ra còn có miếu Âm linh của Phước Trường, miếu thờ Nhân thần, miếu xóm Phước Hải và miếu Âm linh của xóm Phước Hải. Nguyên nhân trước đây những ngôi miếu này không nằm trong đình, nhưng do quá trình quy hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố nên các ngôi miếu này được dời vào trong khuôn viên của đình, làm nơi thờ cúng tâm linh của cộng đồng cư dân nơi đây.
Đặc biệt trong sân đình còn có cây mù u cổ thụ. Theo các bô lão thì cây mù u ở sân đình Phước Trường đã gần 400 năm tuổi, từ khi các vị Tiền Hiền đến đây khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập làng. Tuy nhiên, cây mù u đang đứng trước nguy cơ sẽ bị chết vì bị một cây đa ôm rễ vòng quanh. Tận dụng lợi thế bám vào thân cây chủ, chúng đan xen nhau như một mạng lưới với hàng trăm chiếc rễ. Trên tầng cao, chúng tạo ra một tầng tán xòe rộng để chiếm lấy những vị trí nhiều ánh sáng nhất để quang hợp và che mất bóng cây chủ… do kính sợ nên dân làng không dám chặt cây đa này. Nhưng đây lại là một trong những cây cổ thụ đẹp nhất còn hiện diện trên mảnh đất Đà Nẵng.
Trải theo thời gian, mưa gió và bom đạn chiến tranh tàn phá, đình dù được xây dựng bằng gạch, vôi vữa, mái lợp ngói âm dương,… nhưng xuống cấp trầm trọng. Trước tình hình đó, năm 1998, được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa của thành phố Đà Nẵng, đình được người dân Phước Trường tôn tạo hoàn toàn mới từ nền móng đến tường mái. Đến nay, làng Phước Trường đã có nhiều tộc họ đến sinh nhai, lập nghiệp, góp phần phát triển quận Sơn Trà trở thành một đô thị trù phú bên bờ đông của dòng sông Hàn thơ mộng.
4. Những sự kiện lịch sử liên quan
Tuy đời sống của người dân Phước Trường trước đây rất khốn khó, nhưng họ có lòng yêu nước nồng nàn. Mỗi khi có thế lực ngoại xâm, họ đều anh dũng đứng lên bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Đà Nẵng, trong khuôn viên của đình làng Phước Trường (đình cũ) có một cây me cao lớn khoảng 30 m, đến nay đã trên 200 năm tuổi, cành lá sum suê - đó là chứng nhân lịch sử một thời hào hùng của dân tộc. Dưới thời Pháp thuộc, tại địa điểm này, các cán bộ hoạt động cách mạng Khu Đông đã dùng làm nơi hội họp nên thực dân Pháp nhiều lần đưa quân càn quét và chúng đã đốt cháy đình. Địa điểm này cũng là nơi từng diễn ra cuộc mit-tinh nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh ngày 02.9.1945 của nhân dân Khu Đông do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức. Đây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nơi đứng chân hoạt động trong một thời gian dài của cơ quan Khu Đông thời kỳ chống thực dân Pháp.
Đặc biệt trong cuộc tiến công và nổi dậy tháng Tám năm 1945, vào ngày 26.8.1945, sau đình Mỹ Khê, đình làng Phước Trường cũng là nơi diễn ra buổi lễ chính quyền cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến ở Phước Trường, thành lập chính quyền cách mạng.
Lịch sử Đảng bộ quận Sơn Trà (1930 - 1975) cho biết, trong suốt từ năm 1947 đến năm 1949, Khu Đông mặc dù là mảnh đất nhỏ, hẹp, nhưng lại có 3 đồn địch, trên sông Hàn có canô tuần tiễu thường xuyên. Cả ngày lẫn đêm, địch lùng ráp, cải trang, chọn những nơi cán bộ thường qua lại để phục kích, nhưng các cán bộ hoạt động cách mạng vẫn được sự chở che đùm bọc của nhân dân Phước Trường. Giữa lòng địch, cán bộ Khu Đông vẫn tổ chức được nhiều cuộc mit-tinh tại cây me Phước Trường, có sự tham dự của nhiều tầng lớp nhân dân. Lúc bấy giờ, ruộng đất công ở Phước Trường được Ủy ban Kháng chiến hành chính giao cho các tộc họ chia nhau canh tác và sau mùa thu hoạch nộp theo tỷ lệ quy định để nuôi cán bộ, dân quân trong lúc ngân sách còn eo hẹp, chưa đài thọ được.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, những hoạt động của các chiến sĩ cách mạng luôn diễn ra ở đây trong sự cưu mang, che chở của người dân Phước Trường cho dù họ nghèo về vật chất nhưng lại giàu tấm lòng ái quốc. Cứ mỗi lần thực dân Pháp đốt đình, người dân bằng sự chắt chiu, chịu thương chịu khó, cần cù lao động, gom góp tài lực, vật lực tạo dựng lại đình để có nơi thờ phượng vị thần đã bảo trợ cuộc sống của mình. Đến lần thứ hai đình bị đốt (cuối năm 1947) thì người dân mới dời đình đến vị trí như hiện nay, cách ngôi đình cũ khoảng 200 m. Ở gian hậu tẩm - thờ thần Thành Hoàng Bổn Xứ của làng, Ủy ban Kháng chiến Khu Đông đã đào hầm bí mật dưới mái đình này để chứa chấp cũng như nuôi dưỡng các cán bộ hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng. Theo hồi cố của ông Phan Văn Ký và các vị trưởng tộc ở Phước Trường thì vào khoảng năm 1948, trong đình (gian hậu tẩm thờ thần của đình hiện nay) có một căn hầm bí mật, khi cán bộ cách mạng họp ở cây me Phước Trường thì bị địch phát hiện, chạy theo đường bí mật ra Phước Hải (Phước Hải là một xóm trong xã Phước Trường) rồi quay ngược trở vào hầm bí mật ở đình Phước Trường để tránh địch.
Với những giá trị lịch sử đó mà sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), cây me trong khuôn viên đình Phước Trường (đình cũ) được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng) gắn bia “Di tích lịch sử cây me Phước Trường”. Trên bia có khắc nội dung: “Sau khi ta chủ trương cho nhân dân hồi cư về thành phố, tại đây Thành ủy Đà Nẵng đã tập hợp đồng bào Khu Đông làm lễ Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh, cờ đỏ sao vàng được treo thị uy sát đồn giặc suốt ngày 19.8.1947”.
Ngày nay cứ theo lệ, hàng năm tại đình làng Phước Trường, vào ngày mồng 1 tháng 8 âm lịch, người dân làng Phước Trường lại tảo mộ Tiền Hiền; đến ngày mồng 9 tháng 10 âm lịch lại kỵ giỗ Tiền Hiền. Đặc biệt vào ngày mồng 10 tháng 6 âm lịch, người dân Phước Trường lại tổ chức lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mùa màng bội thu. Trong ba đại lễ đó, lễ hội nào cũng mang tính thiêng liêng của nó, bởi thông qua lễ hội phần nào giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, truyền thống của quê hương. Đặc biệt, lễ cúng kỳ yên ở đình đã thể hiện nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ thần, biết ơn thần, tạ ơn đất trời đã cho con người cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tạo được sự cố kết của cộng đồng cư dân làng xã. Cũng chính ở sự liên kết cộng đồng làng xã mà tự bao đời nay, các tộc họ ở Phước Trường luôn có ý thức đoàn kết với nhau hơn, trao đổi cùng nhau những kinh nghiệm trong sản xuất cũng như ứng phó trước mọi chuyển biến của lịch sử.
5. Thay lời kết
Có thể nói, hơn 200 năm trôi qua, với biết bao biến thiên và thăng trầm lịch sử, đình Phước Trường đã gắn liền với đời sống của người dân nơi đây, là một biểu trưng tinh thần của làng xã người Việt ở Đà Nẵng, là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa của nhân dân thuộc từng thời kỳ lịch sử và là nơi để họ thể hiện và thực thi hành động tín ngưỡng tâm linh của mình. Đồng thời, đình Phước Trường còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của Thành ủy Đà Nẵng và các cán bộ của Ủy ban Kháng chiến Khu Đông. Chính vì vậy, trong Công văn số 09/CV-BT của Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai gửi Ban Đại diện Chư tôn tộc phái làng Phước Trường ngày 28.3.1998 trả lời về việc xin tu sửa đình làng Phước Trường đã khẳng định: “Đình làng Phước Trường là một trong nhiều di tích lịch sử văn hóa của quận Sơn Trà, vừa qua đã đăng ký và vào sổ kiểm kê di tích của bảo tàng. Hiện tại di tích đang xuống cấp, Bảo tàng Đà Nẵng đồng ý với việc xin tu sửa lại đình làng Phước Trường của Ban đại diện chư tôn tộc phái của làng, tuy nhiên khi tu sửa cần phải đảm bảo nguyên hình dáng cũ và giữ lại các yêu tố gốc của di tích, để sau này phục vụ việc giáo dục truyền thống yêu nước và văn hóa tại địa phương”.
Đình Phước Trường được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích cấp thành phố theo Quyết định số 1774/QĐ-UBND ngày 03/4/2017.
L.V.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bảo tàng Đà Nẵng (2009). Đà Nẵng - Di tích và danh thắng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
Dương Văn An (1553). 2009. Ô Châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải). Hà Nội: Giáo dục Việt Nam.
Đinh Thị Trang (2014). Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Hà Nội: Thông tin và Truyền thông.
Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự (2014). Đình Việt Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội.
Hồ Tấn Tuấn (Chủ biên) (2013). Đình làng Đà Nẵng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
Lê Quý Đôn toàn tập (1977). Tập 1: Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học xã hội.
Léopold Cadière (1997). Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt. Hà Nội: Văn hóa thông tin.
Nguyễn Đăng Duy - Trịnh Minh Đức (1993). Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa. Hà Nội: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Nguyễn Đình Đầu (2010). Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Dinh Quảng Nam. Tập 1. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tạ Chí Đại Trường (2006). Thần người và đất Việt. Hà Nội: Văn hóa thông tin.
Toan Ánh (2005). Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng, quyển Hạ). Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.
[1] Ban Sưu tu Phan tộc phổ chí, Phổ liệu Phan tộc miền Trung Nam - Nam Việt Nam: Thế phổ dòng họ Đà Sơn (Quảng Nam) 1318 - 1997 (Đà Nẵng, Đinh Sửu, 1997), 46.
[2] Tộc là đơn vị tổ chức hành chính thời xưa, cứ 5 nhà thì người ta đặt là một tỷ (比), cứ 5 tỷ (tức 25 nhà) là một lư (閭), và 4 lư (tức 100 nhà) là một tộc (族).
[3] Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1: Phủ biên tạp lục (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1977), 86.
[4] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Dinh Quảng Nam, Tập 1 (Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010), 150.
[5] Đinh Thị Trang, Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Hà Nội: Thông tin và Truyền thông, 2014), 6.
[6] Nguyễn Đăng Duy - Trịnh Minh Đức, Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa (Hà Nội: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1993), 64-65.
[7] Hồ Tấn Tuấn (Chủ biên), Đình làng Đà Nẵng (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2013), 26.
[8] Các bản phiên âm và dịch nghĩa chữ Hán trong bài viết do Tống Quốc Hưng - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hội An thực hiện.