Lời thì thầm của đất nước quê hương

27.02.2017

Lời thì thầm của đất nước quê hương

Qua những thiên tùy bút đậm chất tự sự nhưng cũng đầy dịu ngọt, với một tâm thế nhàn tản, Tràng Thiên đã kể lại câu chuyện về vẻ đẹp trong tâm hồn và cốt cách của quê hương xứ sở.

Trong khoảng thời gian 1954-1975, Tràng Thiên là một trong những tên tuổi nổi bật với một sự nghiệp sáng tác vô cùng phong phú. Mặc dù thể nghiệm mình trên rất nhiều thể loại: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, phê bình,… nhưng Tràng Thiên đặc biệt xuất sắc với tùy bút và đây cũng là thể loại đã định danh ông trên văn đàn miền Nam nói riêng và trong nền văn học Việt Nam giai đoạn này nói chung.

Trong một phê bình về Tràng Thiên được đưa ra lúc sinh thời, học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận xét: “…tùy bút mới là thể dung nạp hết sở trường của ông, mới thật là đất cho ông dụng… văn.”

Còn nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử thì cho rằng so với Nguyễn Tuân, người được mệnh danh là một trong những bậc thầy về tùy bút của văn học hiện đại Việt Nam, thì những sáng tác của Tràng Thiên về thể loại này “…không hề thua kém, thậm chí có khi hơn.”


Tập tùy bút Quê hương tôi của nhà văn Tràng Thiên
 

Phần lớn những tùy bút của Tràng Thiên xoay quanh chủ đề về quê hương đất nước mà trong đó, thông qua những câu chuyện hay những tình tiết thú vị trong cuộc sống, ông dẫn dắt người đọc tiếp cận với những biểu trưng thú vị trong nếp ăn, nếp ở của dân tộc.

Quê hương tôi là một tập hợp những tùy bút tiêu biểu cho mảng đề tài này của ông. Trong đó, thông qua những câu chuyện cuộc sống thường nhật hay những dẫn giải từ văn chương, ông đưa người đọc tiếp cận với những hình ảnh, hiện tượng mang tính biểu trưng cho nếp sống và tâm hồn của đất nước, con người.

Từ những cái tưởng chừng như hết sức nhỏ nhặt như chuyện ăn, chuyện mặc hay cả chuyện…chửi, cho đến những điều mang tính cốt lõi như chữ nghĩa, cá tính vùng miền, quan niệm, suy nghĩ của con người… Tất cả được ông đưa vào những trang viết của mình bằng một cách thức tinh tế và không hề có dấu vết của sự dụng công.

Tuy nhiên, cái làm nên nét đặc trưng tiêu biểu nhất cho phong cách tùy của Tràng Thiên nằm ở việc đưa ra những nhận định hay đánh giá của bản thân ông về vấn đề được nhắc đến. Những đánh giá này mặc dù trên cơ sở cá nhân nhưng không hề chủ quan hay phiến diện.

Bên cạnh đó, qua những trang tùy bút trong Quê hương tôi, người đọc thấy được một cách khá rõ nét điệu nghệ của tác giả trong việc sử dụng bút pháp miêu tả. Cũng là việc pha trà và uống trà thôi, nhưng trong tùy bút Hạt bọt trà, có thể nói ông đã lột tả một cách sống động đến mức thần tình những đồ vật, sự việc, hành động của nhân vật được đề cập đến. Và dường như, dưới ngòi bút của ông, ta như còn cảm nhận được cả cái hương trà ngây ngất dậy lên trong khứu giác.

Ở Quê hương tôi, ngoài sự tinh tế trong bút pháp và đánh giá, vốn ngôn ngữ phong phú và cách sử dụng con chữ điêu luyện của người viết cũng được bộc lộ. Tràng Thiên vận dụng câu chữ một cách vô cùng linh hoạt, uyển chuyển đến mức khiến cho độc giả cảm tưởng ông đang chơi đùa với câu chữ.

Sự vận dụng linh hoạt này còn được thể hiện trong việc đặt những từ ngữ địa phương vào đúng lúc, đúng văn cảnh khiến cho sức gợi tả của câu văn được nhân lên gấp bội:

“Chửi dẹ dàng còn như ca hát, huống hồ nói dỏ dẹ thì êm tai biết bao. Do đó mà có một thành kiến về người Huế.

Vì lời nói êm tai có thể khiến ta nuốt trôi những điều cay đắng mà không kịp nhận ra, có thể khiến ta chấp thuận những điều thiệt thòi mà khi nghĩ ra đã muộn.

(…) Thực ra cái khéo léo của đàn ông không nhất thiết là phải trí trá, còn cái ngọt ngào nào của đàn bà cũng cho là tình tứ cả thì có ngày hố to! (…)”

Cứ như vậy, Tràng Thiên làm một cuộc rong chơi trong chữ nghĩa cũng như cuộc rong chơi trong đời thực của ông đến khắp nơi trên đất nước. Mỗi chuyến đi của ông, dù trong chữ nghĩa hay đời thực, bên cạnh sự khoan khoái, thích thú là nặng trĩu những suy tư.


"Những ve vẩy phấp phới của các tà áo dài là niềm vui hợp lý mà chúng ta tự thưởng cho mình bên cạnh những lao tác nhọc nhằn. Là cái văn vẻ trong cuộc sống tinh thần dân tộc, sau khi đã nỗ lực củng cố cuộc sống vật chất." (Ảnh: tư liệu)

Khi viết nên những thiên tùy bút trong Quê hương tôi, có thể Tràng Thiên không hề nghĩ đến việc sẽ dùng nó để định nghĩa hay rao giảng bất cứ một điều gì. Đó chỉ đơn giản như là một sự khơi mở để những mạch nguồn cảm xúc, suy tư trong ông có cơ hội được tuôn trào.

Nhưng cũng chính vì vậy, văn của ông mới đạt đến độ tuyệt mỹ nhất định mà văn chương cần hướng tới, đó là sự mộc mạc, tự nhiên. Bởi chỉ từ đó, văn chương mới dễ dàng đi vào lòng người và trở thành một phần trong con người.

Đi xa hơn những lời tâm sự vẩn vơ hay nỗi lòng của riêng tác giả, tập sách còn gieo vào lòng người đọc những trăn trở về hồn cốt của con người và đất nước Việt Nam. Đó có thể là những nhận định thú vị và ước mong sâu thẳm trong việc gìn giữ giá trị truyền thống của tổ tiên, cũng có thể là tiếng thở dài khắc khoải về những vẻ đẹp đã không còn hiện hữu.

Tất cả hòa quyện, đan cài vào nhau trong một mạch cảm xúc bất tận để rồi khi gấp sách lại, bên cạnh sự vui thích, nỗi ưu tư về hồn nước, hồn người cũng theo đó đọng lại trong lòng người thật lâu.

 Cường Nguyễn
(news.zing.vn)