Nỗi niềm trong Gió hoang thơ Hữu Ước

30.05.2018

Nỗi niềm trong Gió hoang thơ Hữu Ước

Một tập thơ mỏng nhẹ, nhưng khi cầm lên thì thấy trĩu nặng. Trĩu nặng nỗi niềm của một người thơ đã vào tuổi hai - con - sáu. Trĩu nặng nỗi niềm của một ông “tướng về hưu”...

 

Hình như đa phần trong số 29 bài thơ trong tập thơ “Gió hoang” của nhà văn - nhà viết kịch Hữu Ước đều được ông “xuất thần” trong thời gian trước và sau Tết Âm lịch của mùa xuân Mậu Tuất này. Xuất thần trong sự cô đơn cùng cực.

 

Chiều đông se lạnh

Gió bấc mưa phùn

Bồng bênh tiếng thở

Trời chiều tím run

 

Chưa thấy ai viết “trời chiều tím run”. Có lẽ chỉ cảm thấy sự cô đơn đến tận đáy mới thấy được nỗi niềm của khoảnh khắc ấy. Trong nỗi “tím run” đó, có cảm giác máy quay đang hướng lên trời, bỗng lia dần xuống đất:

 

Ngõ nhỏ lá rơi

Bước chân lầm lũi

Chiều chỉ một tôi

Nhớ em biền biệt

 

Một ẩn dụ tinh tế: Nhìn lá rơi trong ngõ nhỏ giống bước chân lầm lũi của một người thơ cô đơn nhớ người vợ đã quá cố, đã càng ngày càng xa. “Chiều chỉ một tôi” là một buột thốt kêu lên khi cô đơn ập đến, đánh gục người thơ phút giây “Lòng như sắt đá cứng mềm dần” (thơ Lê Thánh Tông).

 

Nỗi cô đơn kéo lê người thơ đến tận ngày cuối cùng của năm cũ. Và nức nở:

 

Từ ngày em đi xa

Lá vàng rơi đầy ngõ

Ngọn gió lồng lên không mang được lá

Cơn gió cuồng chẳng cuốn được lá đi

 

Nếu liên tưởng từ bài thơ trước - bài “Chiều đông” thì chữ “lá rơi” ở đây đã nhuộm thành “lá vàng rơi” làm đầu để cho bài sau. Đó chính là “Bước chân lầm lũi” của kẻ cô đơn mà không sức mạnh nào có thể xóa đi nổi, trong khi tất cả đã bỏ đi. “Cái ngõ nhỏ không còn hơi thở cũ” - một câu thơ hay rợn người.

 

Cứ thế, người thơ đi chuệnh choạng những bước mùa xuân của tuổi hai - con - sáu, những bước lướt trong “gió hoang”, lúc ở cõi thực, lúc ở cõi mơ. Lúc nhìn, lúc nghe, lúc ngẫm, lúc ngợi. Cũng là nghe một cô gái hát, nhưng nỗi niềm bây giờ sao khá khác nỗi niềm thời chiến tranh.

 

Khi xưa Phạm Tiến Duật viết: “Câu hát màu chi mà khuôn mặt màu hồng/ Tiếng hát xa rồi không nhớ nữa/ Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa/ Tiếng hát giữa rừng bay xa, bay xa”. Hẳn Hữu Ước đã từng có cảm hứng như thế trong những tháng năm đời lính của mình. Nhưng bây giờ, ở tuổi này, nghe cô gái hát lại nhận ra “Nỗi đau bỏ chỗ không người” ở cô gái. Qua những “Tương tư”, những “Đêm thức”, những “Khoảng lặng”, hãy nghe ông “đếm” từng “giọt thời gian” khi đã nhận ra tuổi tác. Dù đã cay đắng nhận ra, nhưng ông vẫn mong “Giọt thời gian - giọt thời gian - Đừng rơi...”.

 

Cũng thật tự nhiên khi đọc những bài thơ về thế sự của Hữu Ước. Vấn đề mà hôm nay một người dân thường cũng quan tâm tới, thì không lẽ một “tướng về hưu” như ông lại có thể “ngoảnh mặt làm ngơ”. Và ở mạch cảm xúc này, thấy bật ra những câu thơ “rất Hữu Ước”.

 

Đó là “Ở giữa chiến trường chỉ có đạn bom/ Những người lính không cần đến ghế”. Đó là “Cửa nhà tù mở toang/ Lò lửa đốt quan tham cháy rực”. Đó là “Màu đỏ của vạn triệu những lá cờ chưa bao giờ... đẹp thế”. Đó là “Nhân gian hai chữ sao mà nặng”. Thơ thế sự không dễ có những câu hay như thế.

 

Càng tự nhiên hơn khi trong một ông “tướng về hưu” có một người thơ luôn đau đáu về thân phận của người “phu chữ”. Nhận thấy điều ấy trong “Thi nhân”, “Vịnh thi sĩ”, “Chữ”, “Chơi thơ”. Mỗi bài mỗi vẻ, mỗi bài một đắm chìm. Nhờ thế mới thấy quý lối sống “Gió hoang”. “Ngang tàng sắc nhọn/ Mềm như khói sương”. Từ “bước chân lầm lũi” của một kẻ cô đơn, Hữu Ước đã đi đến bài kết tập thơ bằng bài “Bước” - một động từ dành cho cả loài người cho đến khi nằm xuống. Vâng! Dù thế nào thì cũng phải bước tiếp thôi, người thơ ơi! Bước chính là thái độ dấn thân:

 

Tất cả đều phải bước

Không đong đo đếm

Không tính toán thiệt hơn

Cuộc đời là một giấc mơ

Ta vẫn bước.

Nguyễn Thụy Nga
(nhavantphcm.com.vn)