NHÀ THƠ THANH QUẾ - CHUYỂN ĐỘNG TRONG SỰ ĐA DẠNG THỂ LOẠI – Nguyễn Kim Huy
Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại
Là những tháng năm vay mượn của các anh
Những người đã khuất
Trong bài thơ Nói với một người anh tưởng nhớ người đồng đội Lê Anh Xuân đã ngã xuống như một người anh hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ Thanh Quế đã viết lên những dòng xúc động và cũng mang đầy nỗi trăn trở của cả những năm tháng còn lại của đời mình.
Đọc thơ văn, bút ký và chân dung văn nghệ của Thanh Quế sau chiến tranh, càng thấy ý thức trách nhiệm trên, tinh thần ơn nghĩa sâu nặng với những người đã khuất trong cuộc chiến đã trở thành những nỗi niềm thường trực trong thơ văn anh, hiện diện thấm đẫm và cuộn quyện vào nhau để trở thành những hình tượng nghệ thuật tỏa sáng trên từng trang viết của anh. Có thể nói, chiến tranh với những thử thách khốc liệt của nó đã rèn luyện và đào tạo nên một thế hệ nhà thơ đầy bản lĩnh trong đó có Thanh Quế, và ngược lại, Thanh Quế cũng là một trong những nhà thơ chung thủy và trung thực với đề tài chiến tranh. Chiến tranh là một trong những đề tài lớn và xuyên suốt trong cuộc đời nặng nợ văn chương của Thanh Quế, chủ đạo và song hành cùng với những đề tài tình yêu đất nước quê hương gia đình, những chiêm nghiệm về cuộc sống và cái chết cùng bao suy tư về nhân thế, về con người, về văn học nghệ thuật để định hình nên một nhà thơ nhà văn Thanh Quế có một giọng điệu văn chương riêng, với những ngôn từ nghệ thuật mang một sắc thái... rất Thanh Quế, thực sự có sức nặng và có khả năng bền bỉ âm thầm tạo nên sức lan tỏa trong lòng những bạn đọc yêu mến văn thơ anh, con người anh.
Phẩm chất và phong cách nghệ thuật ấy, ắt hẳn được hình thành bởi nhiều yếu tố mà chắc rằng cuộc đời nhà thơ là một yếu tố vừa có tính tiền đề, vừa là yếu tố quyết định, bao trùm và giữ vai trò chủ đạo.
Nhà thơ Thanh Quế sinh ngày 26.2.1945 tại làng Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên trong một gia đình trí thức yêu nước. Tuổi thơ anh gắn bó với tiếng sóng vỗ ì ầm từ làng biển Ma Liên vọng về Phú Thạnh những đêm biển động, với con bàu Ngòi nước lợ đầy bông súng, tôm cá mà anh thường cùng bạn bè dẫn nhau đi tắm ,đi câu; với những gốc bàng gốc đa Chợ Xổm và những động cát chạy dài về phía biển anh vẫn thường cùng chúng bạn nghịch đùa. Và cũng là một tuổi thơ trong chiến tranh, với một ký ức vẫn còn hằn lên những ngày giặc Pháp đổ bộ càn quét xóm làng, dân quân du kích làm hầm chông cự địch, các buổi học phải bỏ dở vì bom đạn... Năm mười tuổi, Thanh Quế tập kết ra Bắc, học hành và gắn bó với các vùng đất Hà Đông, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình... Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học (Khoa Sử ĐHTH Hà Nội), được phân công về Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng làm việc, nhưng Thanh Quế đã làm đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu và từ đó, anh gắn bó với mảnh đất chiến trường Khu V mà anh vẫn thường tâm sự rằng đó là một quê hương lớn của anh, chiếc nôi nuôi anh từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành và đi vào con đường thơ văn. Để rồi đến tuổi sáu mươi, sau bao năm tháng hoạt động và đóng góp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật với chức trách của một phóng viên - biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng; Phó Chủ tịch LH các Hội VHNT TP Đà Nẵng, Tổng biên tập tạp chí Non Nước, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI..., bận rộn bao việc nhưng anh đã có trong đời viết văn hơn ba mươi tập thơ, truyện, tiểu thuyết, bút ký - chân dung văn học được xuất bản, một thành quả không thể nói là nhỏ so với một đời người - một đời văn...
Nhà thơ Trúc Thông từng nhận định: "Có một nguồn ánh sáng dịu dàng trong thơ Thanh Quế. Không chói lọi rực rỡ, đây là nguồn trong của tình thương, của điều thiện. Nguồn trong ấy, lọc ra ngay từ khói lửa chiến trường, từ những số phận khắc nghiệt trong và sau khi ngừng bom đạn. Nơi nguồn sáng trong dịu kia ta thầm nghe nhiều nỗi nghẹn ngào. Chỉ thi sĩ mới dai dẳng nỗi đau lâu đến thế.”. Chính nguồn ánh sáng dịu dàng kia đã tạo nên những câu thơ trữ tình xuất thần trong bài thơ viết về sông Vu Gia của anh ngay trong năm chiến tranh ác liệt 1974, những câu thơ đạt đến sự hoàn thiện của vẻ bình dị để hóa thành cái đẹp muôn đời của cảnh, của tình, của lòng người trong mối rung cảm tột cùng với thiên nhiên:
Trước nhà em sông Vu Gia
Sau nhà em cũng lại là dòng sông
Anh đi giữa một cánh đồng
Ngóng trông bên nọ, ngóng trông bên này
...
Dịu hiền như khúc dân ca
Thẳm sâu chung thủy như là đất quê
Sáng như một ánh sao Khuê
Tiễn anh đi đón anh về tháng năm...
(Trước nhà em sông Vu Gia)
Từ những bài thơ viết về chiến tranh của Thanh Quế, có thể nhận ra một điều: Chiến tranh trong thơ Thanh Quế không phải là một cuộc chiến tranh trực diện của khói lửa chiến trường, của những đoàn quân xông trận, những cuộc giao tranh đẫm máu mà là cuộc chiến tranh thuộc về chiều sâu của những ám ảnh, trong anh hầu như không có nỗi buồn chiến tranh mà tràn ngập nỗi đau chiến tranh. Và thường là những nỗi đau của những con người nằm ở phía sau mặt trận: nỗi đau thắt ruột của người mẹ liệt sĩ trông con:
Trên bàn thờ là chiếc ảnh của anh
Trong tấm bằng Tổ quốc ghi công tên anh chói lọi
Vậy mà ngày ngày mẹ vẫn hằng chờ đợi
Một tiếng gọi "Mẹ ơi”
và chân anh bước vội lên thềm
(Người mẹ)
nỗi đau xót lòng của người vợ góa:
Đêm về nằm một mình
Úp mặt lên hai cánh tay cô độc
Hai cánh tay chẳng bao giờ được bế bồng con trẻ
Sao ngày ấy ra đi anh không để lại một đứa con?
(Người vợ góa)
Nỗi đau tột cùng trước sự mất mát, hy sinh của những người anh, người bạn đồng chí đồng đội mình:
Bác Cả Tỵ quăng chài
Trái chín vườn mẹ Thám
Già Vớc nhồi thuốc rê
Nóng ruột chờ anh về
Sao anh vẫn nằm lại
Bên bờ sông Thu Bồn
Vì sao thế, anh Phong?
(Chu Cẩm Phong)
Thơ và trường ca Thanh Quế viết về chiến tranh thường đề cập đến nhân dân, đặc biệt những người dân bình thường, giản dị đã không ngại hy sinh xương máu, thầm lặng đóng góp sức mình cho cuộc chiến đấu. Nhà thơ khẳng định một sức mạnh nhân dân vô địch từ trong lịch sử cũng như trong cuộc chiến hiện tại:
Tôi đã nói về vua, về những tướng tài
Nhưng họ không thể làm gì khi không có nhân dân bên họ
…
Khi hiện bóng quân thù
Tất, tất thảy vùng lên
Với gậy và giáo
Cuốc, xẻng, bờ cào…
… Phía trước quân ta đón đầu
Phía sau nhân dân xốc tới
(Người lính đi đầu – Trường ca)
Như các nhà thơ cùng thế hệ, chiến tranh khốc liệt gây nên vô vàn những nỗi đau, nhưng không hề hủy diệt được niềm tin và lòng hy vọng vào sự tươi sáng đẹp đẽ của cuộc đời trong thơ Thanh Quế. Ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của chiến tranh, Thanh Quế đã dựng lên được một hình tượng rất đẹp, một cảnh tượng đầy tinh thần lạc quan, thanh bình và hạnh phúc, cái hạnh phúc của lòng tin và tình yêu đời thường bình dị của con người đủ sức tạo nên một sự đối lập lấn át mọi hình ảnh dữ dội khắc nghiệt nhất của chiến tranh:
Chị cán bộ xã Hòa Định Đông
Lặn lội trèo non đi thăm chồng
...
Anh chồng vừa thắng trận Xuân Phước
Cấp trên cho nghỉ đôi ba ngày
Nhớ con đem mèo ra giỡn nắng
Chị đem con đến đặt trên tay
Anh chồng bế con hun chùn chụt
Chị vợ đóng ngay vai chủ nhà
Mời anh em đến thiệt đông đủ
Hết lo sắp bánh lại pha trà
Lính ta vui bữa liên hoan ngọt
Chuyền tay thằng Cu thơm chút chút
Khi ngoảnh lại. Ô hai vợ chồng
Họ đã biến đi đằng nào mất.
(Thăm chồng)
Viết về Bác, Thanh Quế cũng có một khung cảnh thanh bình như vậy; với những câu lục bát quen thuộc, hình ảnh Bác hiện lên thân yêu, giản dị, ấm áp và yên bình như biểu tượng của một khát vọng hòa bình, no ấm cho dân tộc Người hằng mong:
Bác ngồi trên bậc thềm rêu
Kể chuyện xưa, vẫn nhắc nhiều chuyện nay
Ung dung Bác nói ngày mai
Con nghe mắt chớp chớp hoài rưng rưng...
(Nhớ người)
Ký ức quê hương trong tuổi thơ dù ngắn ngủi nhưng luôn sâu đậm trong tâm hồn đã đem lại cho Thanh Quế nhiều bài thơ xúc động, có sức ám ảnh: Làng Phú Thạnh, Về làng xưa nhớ ba, Mình má ngôi nhà hoang, Con tàu trắng, Tuy An, Làng, Bức ảnh em gái tôi, Ngày tôi còn thơ trẻ... Quê hương trong thơ Thanh Quế cũng là một quê hương thân yêu nhưng đã xa khuất, đã cách biệt từ rất lâu rồi, một quê hương quặn thắt trong nhớ thương, trong hoài niệm, trong lo âu với cảm giác của một người cảm thấy mình vô tình có lỗi trong sự nuối tiếc muộn mằn bởi điều xa cách không thể nào khác được:
Làng Phú Thạnh nơi anh sinh ra
dăm gốc bàng
một cây đa
nhiều đụn cát
đất khô khốc, bông mọc trên sỏi đá
những ngôi nhà mái rạ gió xô...
...
Đến bây giờ, tuổi đã bốn mươi hơn
lo nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn,
đã nhiều nếm trải
đêm anh thường giật mình thức dậy
nhớ nôn nao cái làng nhỏ sinh mình
như chiếc lá vẫn muốn bay về cội
bao cơn bão đời đau anh vẫn nhớ về nguồn
(Làng Phú Thạnh)
Nhưng, trong tâm hồn nhà thơ của Thanh Quế, quê hương không chỉ hạn hẹp ở nghĩa nơi chốn sinh thành. Trải dọc suốt cuộc đời thi sĩ - chiến sĩ, anh đã chiến đấu trên nhiều vùng miền, gắn bó với nhiều nơi trên đất nước mà anh luôn trân trọng như những quê hương thứ hai của mình. Anh viết về Phan Thiết, về Quảng Ngãi, về Quảng Nam, về Daklak, về Huế, về Hải Phòng, về Hà Nội... với những câu thơ đằm thắm, đong đầy yêu thương: Phan Thiết, Trước nhà em sông Vu Gia, Mặt đất bền vững, Khi phải xa em, Những nồi canh rau rừng, Ngọn nguồn Tổ quốc ở đâu, Buôn Krôngpa, Đi trong đêm mưa Huế, Trở lại Hải Phòng, Hà Nội ơi... Tình cảm yêu thương ấy đã đem lại cho Thanh Quế những câu thơ thật hay về Hà Nội:
Nơi không xa cách được
Mà mình xa cách rồi
Trái tim luôn se thắt
Hà Nội, Hà Nội ơi
(Hà Nội ơi)
Trong mạch thơ trữ tình của mình, Thanh Quế có nhiều bài thơ xúc động với những tứ thơ chắt lọc, kiệm ý nhưng lai láng tình về những người thân của mình. Mỗi người thân hiện lên trong thơ anh với một góc độ khác nhau, ở những hình ảnh đặc trưng có sức gợi nhớ gợi cảm mạnh mẽ nhất tương ứng với từng mối quan hệ. Anh viết về người cha đã khuất: "Bộ ấm chén trà vẫn để nguyên chỗ cũ/ Chiếc ghế ba ngồi vẫn quay về hướng xưa/ Cả chiếu, cả giường, cả màn, cả gối/ Vẫn còn hơi ấm ba” (Ba đã ra đi); về người mẹ già cô đơn nơi quê nhà: "Ngày nấu cơm cúng chồng/ Cúng rồi ăn cơm cúng/ Một mình ngồi một mâm/ Và cơm mà nghẹn nghẹn” (Mình má ngôi nhà hoang), về người em gái đã trở thành liệt sĩ: "Trên bàn thờ có bức ảnh em tôi/ mỉm cười nhìn khắp nhà/ Quay hướng nào tôi cũng gặp nụ cười em gái/ Dịu dàng sáng trong” (Bức ảnh em gái tôi)… Anh "phát hiện” ra một tình yêu mới mẻ, nồng thắm như một nguồn sáng trong đời với người vợ dịu hiền: "Bao đồng cỏ anh qua/ Những sắc hương bên đường quyến rũ/ Anh đã ôm đầy cánh tay mình/ Bất chợt hiện lên trong cỏ/ Một bông hoa dịu dàng sắc hương… Hành tinh mới giữa vòm trời quen thuộc/ Ánh sáng chỉ hiện ra khi bóng tối bao trùm” (Anh đã phát hiện ra em), anh lo âu trăn trở trước hai con thơ bé: "Nếu một ngày nào đó/ Thần chết rước ba luôn/ Hai con còn bé quá/ Thì thế nào, hai con?” (Nói với hai con)…
Trong thơ Thanh Quế, những lúc bày tỏ lời yêu thương nhất là những lúc anh thường nói về sự xa cách, sự ly biệt và cái chết… Dường như anh luôn lo sợ mình không có đủ thời gian để sống, để yêu thương, để viết lách; trong anh luôn tiềm ẩn một nỗi khắc khoải mơ hồ nhưng mạnh mẽ bắt anh phải suy tư, lo âu… Ngay từ những bài thơ đầu tiên trong những năm 60 thế kỷ trước, khi anh còn rất trẻ, viết những câu rất đẹp về tình yêu, vẫn man mác một niềm khắc khoải mơ hồ ấy:
Mé biển chỗ ta ngồi
Sóng gầm lên dữ dội
Hôm ấy mây đầy trời
Cát mù bay trắng bãi…
(Mé biển chỗ ta ngồi)
Lúc tuổi đã cao, nỗi lo âu kia vẫn còn nguyên vẹn trong anh, và hình như còn lớn hơn, mênh mông hơn trước cái hư vô bất định của thời gian, của đời người :
Tôi hay suy nghĩ vẩn vơ
Lỡ lúc mình đang làm việc
Trái tim ngừng đập bất ngờ
Bao nhiêu điều dang dở hết
(Ngày ngắn)
Tôi ngồi bên này
Sát bờ rào thời gian
...
Tôi nghe những tiếng lào xào
Của những gì không rõ, đã cận kề
Như bầy chim lo âu
Vỗ cánh ngập ngừng bay qua bờ rào thời gian