Người thầy đầu tiên, bài học đầu đời – Văn Thành Lê
Trong đời mỗi người ai mà không có một người thầy đầu tiên, một bài học đầu đời. Với tôi, người thầy đầu tiên cũng là người cha của mình…
1
Nội tôi có ba người con trai. Bác Ba là bộ đội tập kết ra miền Bắc từ tháng 7-1955. Chú Út Tám bỏ dở việc học vì chiến tranh. Chỉ mỗi ba tôi được học hành tuy chưa phải là tới nơi tới chốn, nhưng cũng thuộc hạng có tiếng trong làng hồi đó. Chính ba là người thầy đã khai tâm cho tôi những con chữ đầu tiên trong đời.
Ngày ấy trường làng cách nhà tôi một con sông nên ba tôi quyết định dạy vỡ lòng cho tôi. Ba bỏ ra mấy ngày trời cắm cúi ngồi đục đục đẽo đẽo lên bề mặt tấm ván nhỏ. Cuối cùng, 29 chữ cái, 5 dấu giọng và 10 con số đã được bàn tay tỉ mẩn của ba khoét lõm lên mặt ván thành những hình vẽ khá đẹp. Tôi đã dùng phấn vạch những nét chữ đầu tiên trong đời theo đường lõm hình con chữ như thế. Khi tôi bắt đầu biết đánh vần ghép chữ, ba lục trong tủ sách lấy ra cuốn Quốc văn giáo khoa thư, rồi sau đó thêm cuốn Tâm hồn cao thượng.
Ba tôi có một tiệm thuốc bắc ở chợ Cầu trong làng, phải gánh đôi bầu đi đó đi đây luôn để lấy thuốc, thời gian nhàn rỗi ba dành hết cho tôi. Trong suốt thời gian làm học trò tại gia, tôi đã được ba giảng giải những bài học luân lý vỡ lòng rút ra từ trang sách. Ba tôi là một người thầy nghiêm khắc. Ba dạy tôi từng li từng tí, từ chuyện đi đứng nằm ngồi cho đến cách ăn nói gói mở. Ba mang đâu đó về một sợi roi mây, giắt trên mái hiên để thỉnh thoảng răn đe tôi.
Tôi vào trung học, ba không còn dạy thêm bài vở cho tôi, nhưng bài học làm người thì không bao giờ ba xao nhãng với tôi.
Ba nghiện thuốc lá nặng. Một lần tôi lén lấy nhúm thuốc rê (thuốc lá xắt thành sợi) cuốn trong tờ giấy lịch, tập làm người lớn phì phà nhả khói. Vừa lúc đó ba về, tôi giấu vội điếu thuốc, mặt mày tái xanh. Thấy thái độ khác thường của tôi, ba sinh nghi. Lát sau, phát hiện ra làn khói trắng cùng với mùi khét lẹt của giấy lịch, ba lôi từ trong hộc bàn ra cái "vật chứng” oan nghiệt. Ba nổi trận lôi đình, rút phắt sợi roi mây thường khi vẫn treo trên vách.
Tôi nằm úp mặt xuống sàn nhà, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón nhận đòn phạt. Tôi chờ, chờ mãi mà vẫn chưa thấy ngọn roi ập xuống như mọi hôm. Tôi khẽ ngước mặt lên, thì ra ba chỉ nhịp nhịp ngọn roi rồi ôn tồn giảng giải cho tôi về tác hại của việc hút thuốc lá. Phải khá lâu về sau tôi mới hiểu ra nỗi lòng của ba lúc đó: một người cha nghiện thuốc không thể phạt con vì tội mon men tập làm quen với khói thuốc! Từ ngày đó, ba giảm hút dần rồi bỏ hẳn. Chắc là ba đã phải dằn vặt ghê lắm trước sự lựa chọn: bệnh nghiện thâm căn cố đế hay một người cha mẫu mực. Đó là một bài học để tôi nhớ đời.
2
Sách Quốc văn giáo khoa thư có nhiều bài đọc luân lý khiến cậu học trò nhỏ ngày đó là tôi, mặc dù chưa đủ trí lực để hiểu hết giá trị đạo đức của chúng, nhưng vẫn ít nhiều cảm nhận được những điều mà người soạn sách muốn nhắn gửi ở đó. Bài "Học trò nhớ ơn thầy” của các tác giả Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Ngọc đã kể một câu chuyện mà theo tôi là rất thú vị.
Chuyện kể về ông Carnot, tên họ đầy đủ là Marie François Sadi Carnot. Rất nhiều năm sau này tôi mới biết ông là vị tổng thống thứ tư của nước Pháp từ năm 1887 đến 1894, nhưng sách Quốc văn giáo khoa thư ghi ông là một vị quan to:
"Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?
Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.
Chuyện chỉ ngắn vậy, song đầy triết lý. Quan lớn về thăm thầy xưa không cao giọng xưng chức này, tước nọ, mà chỉ đơn giản chỉ là Carnot như lúc là cậu học trò nhỏ ngày nào. Và trường xưa cũng không phải bận rộn treo đèn kết hoa để rình rang đón rước người học trò cũ giờ làm quan lớn. Mỗi lần ngẫm lại chuyện xưa, lại thấy chuyện nay quá khác.
3
Đầu tháng Ba năm nay tôi về dự lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Mầm non tư thục Hồng Nhung, quận Thanh Khê. Có một em tên là Lý Công Nhiên đại diện cho các bạn khóa đầu tiên của nhà trường lên phát biểu cảm tưởng:
"Lần đó, mẹ em đưa em đến chào cô giáo để chia tay, em chưa biết "chia tay” nghĩa là gì, chỉ thấy cô và mẹ mắt đỏ hoe. 15 năm rồi, giờ về lại trường thấy các cô xưa vẫn miệt mài chăm sóc, dạy dỗ trẻ như những người mẹ hiền. Em đã hiểu ý nghĩa thiêng liêng của hai từ chia tay, và nếu được quay lại ngày xưa, thế nào em cũng sẽ nghẹn lời cảm ơn các cô trong lúc mắt đỏ hoe như cô và mẹ”.
Lời tâm tình của em đã làm mọi người xúc động. Nhiên hiện là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, em về thăm trường xưa, chỉ là ngôi trường mầm non thôi, song đó là nơi dạy cho em bài học "vỡ lòng” đầu tiên trong đời mình. Trường xưa giờ đã đổi thay nhưng với em, tấm lòng của các cô giáo thì vẫn như thuở ban đầu, tận tâm, nhiệt huyết.
15 năm rồi, biết bao thế hệ mầm non đã đi qua mái trường thân thương ấy, nơi những người thầy đầu tiên dạy cho các em không phải chữ i chữ tờ, mà là những điều hay lẽ phải trong bài học đầu đời làm người. Trong lần trò chuyện với cô hiệu trưởng Vương Thị Nguyệt, ngồi nhìn ra phía sân trường mát rượi cây xanh, tôi hiểu vì sao giữa cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, Hồng Nhung chọn cả hai, như chia sẻ của cô: "Nếu có cơ sở vật chất tốt mà không có đội ngũ xứng tầm để thực hiện các phương tiện giáo dục một cách có hiệu quả thì chắc chắn sẽ không có sản phẩm giáo dục có chất lượng”.
Thì ra, Trường Hồng Nhung, năm 2005 được công nhận đạt chuẩn Quốc gia thì 5 năm sau được công nhận là trường mầm non tư thục đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, năm 2011 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Toàn bộ giáo viên của Hồng Nhung hiện đã đạt trình độ trên chuẩn, có phẩm chất đạo đức, yêu nghề, mến trẻ. Cô giáo biết lắng nghe, gần gũi, yêu thương trẻ, được trẻ tin cậy và là tấm gương để trẻ noi theo.
Có lẽ, tất cả những điều đó đã cắt nghĩa vì sao những "cựu học sinh” như Nhiên cảm thấy được yêu thương, bảo bọc khi quay về thăm trường xưa, cô giáo cũ của mình.
4
Trong đời mỗi người ai mà không có một người thầy đầu tiên, một bài học đầu đời. Với tôi, người thầy đầu tiên cũng là người cha của mình nên không có được giây phút bồi hồi như ông Carnot, như em bé Nhiên khi gặp lại thầy xưa, cô giáo cũ. Song, ngẫm cho cùng thì biết đâu tôi lại may mắn hơn, vì lúc nào cũng có người thầy bên mình để khuyên nhắc, bảo ban điều hay lẽ phải. Và, tôi mãi khắc cốt ghi tâm bài học vỡ lòng cha dạy ngày nào, dù phải lặn lội mưu sinh trên vạn nẻo đường đời…
V.T.L.