DỆT - MỘT TÂ M TÌNH (*) – Nguyễn Nhã Tiên

21.11.2012

DỆT - MỘT TÂ M TÌNH (*) – Nguyễn Nhã Tiên

Trong số ít ỏi những nhà thơ nữ ở Đà Nẵng, độ khoảng hơn mười năm trở lại đây thêm đông vui hơn với sự góp mặt  của một số gương mặt mới. Nguyễn Thị Anh Đào là một trong số đó. Thực ra trước đó, từ những tháng năm còn là sinh viên, rồi ra trường và công tác luôn tại Huế, Nguyễn Thị Anh Đào đã bắt đầu bước vào làng văn xông xáo ở nhiều thể loại. Nhưng phải đến khi chuyển công tác về làm việc ở Đà Nẵng, và cũng trong cái quãng thời gian hơn mười năm ấy, Anh Đào mới lần lượt  cho trình làng hai thi phẩm :    " Ngày không trở lại”( NXB Đà Nẵng 2007) và cho đến bây giờ " Dệt "(NXB Văn học 2012).

   Nếu như thông thường những bước đi ban đầu, người ta thường hay rụt rè, bỡ ngỡ, thì dường như với Anh Đào là sự chững chạc, tự tin, lắm khi như là sự từng trải đã tự bao giờ trong giọt máu sinh thành của mẹ. Mẹ dệt con / Từ tình yêu mỏi mòn ngóng đợi / Giọt nước mắt kết tinh từ máu / Nẩy nụ mầm biếc xanh ( Dệt).

   Đọc tập thơ " Dệt” của Nguyễn Thị Anh Đào bây giờ hay là tập " Ngày không trở lại " trước đây, tôi vẫn thấy bàng bạc cái khí chất tự nhiên ấy ẩn nấp dưới lớp bề mặt ngôn từ, Chưa nói đến hình thức thể hiện, ví như tính  ẩn dụ hay là sự liên tưởng dẫn dắt câu thơ, bài thơ theo một motif nào đó, mà là sự khởi đầu, sự đột biến mới làm nên sức vang hưởng bùng nổ. Cố nhiên không phải bất cứ thời điểm nào” lên đồng” cũng đều có khả năng sinh thành một hình hài thơ " mẹ tròn con vuông ", Nhưng thơ cần như thế, bởi vì đấy mới là sức phi của loài ngựa chưa thắng yên cương. Cuộc thám hiểm vô thức sẽ vô cùng ngoạn mục nếu như thế giới thần giới kiểu như Một chiếc linh hồn nhỏ. Mang mang thiên cổ sầu (Huy Cận), cứ mai phục đâu đó trên mỗi bước đường thi sĩ đi qua.                                                   

   Ví như một bài thơ có chủ đề về mẹ trong tập thơ " Dệt”.  Xưa nay, các nhà thơ viết về đề tài mẹ nhiều lắm chứ, là tôi ví dụ để dẫn ra một trường hợp cụ thể. Vâng, tôi đoán chắc rằng, viết được như thế này thì quả chỉ mỗi …độc đáo - Nguyễn Thị Anh Đào: Căng lá vàng tìm dấu ấn mùa thu / Sải cánh tay trần với nắng / Sóng đánh bạt lời từ quá vãng / Đưa người đi dạo ấy chẳng quay về / Thức dậy mùa ơi quả sấu vàng đã chín / Hoa sữa thơm từng góc phố hẹp người / Vết mực tím loang tà áo mỏng / Phía bờ xanh ngơ ngác mắt em cười / Lời khai hoang trên cánh đồng khát nước / Mẹ vẫn áo tơi bám ruộng xế chiều / Tuổi gói trọn thời gian trên mái tóc/ Đón con về bạc nắng triền đê / Gió cong vút cánh diều thời con gái / Pha lê trong, ngực áo vỡ trăng ngàn / Trôi chầm chậm cánh cò lạc lối / Men rượu say áo xống khoác men tình / Mẹ ngủ chưa, gối đêm dài lên tóc / Thức dậy lá ơi, mùa thu cứ chậm về /  Con vén nắng phía trời cao thốc gió / Gửi trăm ngàn nỗi nhớ vọng hương quê ( Thức dậy mùa lá rụng ). " Dệt” nên những bài thơ như thế , thì cho dẫu anh là hiện đại, hậu hiện đại hay là gì gì đi chăng nữa cũng phải nhường đường  ngã mũ chào con tằm - Anh Đào dệt thơ cho mẹ!

   Đương nhiên, tập thơ " Dệt” của Anh Đào còn tập hợp bao niềm ưu tư và nhiều chủ đề khác : Đất nước, Tình yêu,  Xứ sở, Thân phận…Chỉ có một điều, chừng như hầu hết tập thơ Đào viết theo thể tự do. Tôi ngờ rằng,  có khi sự phóng túng cứ ngỡ sẽ làm bay bổng thăng hoa nguồn mĩ cảm, không ngờ đấy là sự cám dỗ dễ trở thành con đường quen, một thứ mê lộ mà nếu thiếu đi bản lĩnh sẽ thành thứ kiểu sức rườm lời, đôi khi làm thiêu hủy cái đẹp lẽ ra nó phải được neo đậu lại trong lòng người. Sự giàu có hình ảnh biểu đạt hay khả năng liên tưởng không đòi hỏi ở sự rao giảng, kiểu Triệu triệu bước chân người Việt Nam yêu nước/ Triệu triệu trái tim người Việt Nam khát khao cống hiến/ Cho tổ quốc vinh tròn/ Mãi mãi nghìn sau ( Mẹ ơi Tổ quốc), mà là tu từ để hiển lộ hình ảnh, khái quát hình ảnh để hiển lộ tứ thơ và tứ thơ sẽ hiển lộ thi pháp. Rất may là những” bài thuộc lòng”  ấy thưa thớt trong thi phẩm này. Nói cách khác, nó nhòa đi trong tiếng ngân của những thanh âm Tôi cưỡi chú ngựa hoang / Phi trên con đường đọng nước/ Ngược gió tìm về quê cũ/ Hoa gạo cuối mùa rưng rưng ( Mùa thách đố).Nhạc điệu trong " Dệt” tôi nghe ra cũng góp phần làm nên một thứ mật ngữ  tăng hiệu quả ngữ nghĩa,  gieo vào lòng người những vang hưởng như neo đậu một tình yêu vào bến bờ lắng sâu thăm thẳm.   

                              

                                                                                    Đà Nẵng, đầu thu 2012

                                                                                                N.N.T


(*) Đọc tập thơ DỆT của Nguyễn Thị Anh Đào. NXB Văn học 2012