Gọi một ly đen – Trần Đức Tiến
Y hẹn tám giờ. Ở cà phê Vườn Thúy, đường Dốc Nhà Thờ. Bấm nút chuyển cái tin nhắn đi xong, nửa phút sau Tâm nhắn lại: "Vâng”. Y định nhắn tiếp, nói thêm mấy câu cho chắc ăn. Thật ra y không thông thạo cái thị xã này lắm. Mới tới đây vài ba lần. Đi một mình. Lần nào cũng chỉ ngủ một vài đêm trong cái khách sạn rẻ tiền, ăn mấy bữa cơm bình dân, và rỗi rãi thì ngồi giết thì giờ ở cái quán cà phê văng vắng nào đó. Xong việc, về… Y không nhớ Vườn Thúy số nhà bao nhiêu. Chỉ nhớ từ ngã tư chỗ có cái nhà thờ cổ cổ đi lên, khoảng hơn trăm mét. Bên ngoài quán có rặng liễu rủ, bên trong là vườn. Nhưng soạn xong cái tin thứ hai, y lưỡng lự một chút rồi xóa. Tâm "vâng” là được rồi. Nhắn thêm biết đâu Tâm đổi ý? Vả lại, giờ này chắc gì chồng nàng đã ra khỏi nhà? Y không muốn gây rắc rối cho nàng vì những cái tin nhắn không đúng lúc. Ô, nhưng y đã biết gì về chồng con Tâm đâu? Hai người hầu như chưa biết gì về nhau cả. Đây là lần đầu tiên hẹn hò…
Y đi bộ dọc theo bờ hồ, nhận thấy đoạn đường đã từng qua lại mấy lần không có gì thay đổi. Hàng cây bằng lăng già cỗi trổ hoa tím. Cái bến cho thuê thuyền vịt bỏ hoang. Cái nhà hàng nổi hình như chỉ mở cửa vào buổi tối... Y đến Vườn Thúy lúc tám giờ kém năm. Quán vắng. Chọn cho mình một góc khuất, y nghĩ: chắc phải tám giờ mười lăm Tâm mới đến. Thậm chí còn muộn hơn.
Nhưng Tâm sẽ đến. Y tin thế. Kinh nghiệm mách bảo y: cuộc đời có lắm thứ chỉ có thể tin được thôi, chứ giải thích thì chịu.
Y gọi một ly cà phê đen. Cà phê Vườn Thúy ngon. Mấy lần trước, y cũng ngồi nhâm nhi ở đây. Không ngờ một cái quán vớ vẩn tỉnh lẻ lại có thứ cà phê ngon như vậy. Nhưng điều này có lẽ cũng chỉ mình y biết. Dân thị xã buổi sáng đến đây không phải để thưởng thức cà phê, mà chủ yếu là ngắm chim, ngắm cá và buôn chuyện.
Trong góc sân Vườn Thúy có một hồ nước nhỏ, nuôi cá và rùa. Hai con rùa to bằng cái rá vo gạo, thường ngoi lên nằm ngủ trên tảng đá giữa hồ. Trong làn nước hồ xanh đen, mấy con cá mình dài, đầu nhọn, lấp lánh ánh bạc, lượn lờ mềm mại như rắn. Phía trên bờ hồ, treo trên sợi dây thép chăng ngang là những chiếc lồng chim to nhỏ các kiểu. Cái sơn vàng, cái sơn trắng, có cái trùm vải hoa. Cu gáy, chào mào, chích chòe, phường chèo, bạc má, lách tách, nhồng, vẹt… Những con chim đã dạn khách, ăn uống, nhảy nhót thoải mái ở trong lồng, thỉnh thoảng còn hót lên chiều người nghe.
Phin cà phê của y bưng ra, vừa nhỏ xuống ly những giọt đầu tiên nâu sánh thì có thêm hai người khách bước vào. Hai người đàn ông đã có tuổi, dáng vẻ nhàn nhã. Một ông gầy cao tóc xoăn. Ông kia thấp béo tóc bạc.
Cả hai ung dung đến ngồi cạnh chiếc bàn kê sát bên hồ nước. Bàn số 17. Hình như cái chỗ quen thuộc ấy vẫn dành cho họ. Gầy Xoăn gọi chanh muối. Bạc Béo gọi trà gừng. Gầy Xoăn duỗi thẳng đôi chân dài dưới gầm bàn, khom người nhìn xuống mặt hồ:
- Đi đâu một con rồi?
- Cái giống cái bao giờ cũng đủng đỉnh - Bạc Béo cười khìn khịt.
Quả nhiên lão vừa dứt lời thì mặt nước dềnh lên: con rùa thứ hai xuất hiện. Nó chậm rãi bơi đến bên tảng đá, bám hai chân trước lên đó, kềnh càng đu cả người lên theo.
Con rùa thứ nhất đã nằm ngủ trên mặt tảng đá từ lâu, mai khô hết nước. Mắt vẫn nhắm, đầu vẫn rụt sâu, nó khẽ nhúc nhắc nằm dịch sang bên, nhường chỗ cho con cái vừa bò lên. Con này ý tứ nghển cổ đảo xung quanh một vòng, trước khi nằm xuống cạnh con đực.
- Nằm sát nữa vào. Khéo rơi xuống nước - Bạc Béo lại cười khìn khịt, giọng dỗ dành.
"Đời còn dằng dặc thế. Tình yêu đã cạn rồi” - Gầy Xoăn ngẫu hứng ư ử một câu hát trong cổ họng.
Y liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Quá mười phút. Y nhấc chiếc phin lên khỏi miệng ly. Cà phê vẫn nhỏ xuống đều từng giọt.
Quán lại có thêm ba người khách. Ba phụ nữ. Hai chị tuổi sồn sồn khoác túi. Một cô trẻ hơn, áo sơ mi bỏ trong quần, đeo cả chục chiếc lắc vàng trên cổ tay. Họ tìm đến góc vườn, dưới gốc cây sa kê. Vừa đặt đít xuống ghế, chị sồn sồn mặc áo đen đã ghé tai cô tre trẻ thì thầm điều gì. Cô này đỏ mặt lên, mủm mỉm cười:
- Em không tin.
- Tao cũng không tin - Chị kia nói to - Nhưng lúc nhìn cái mặt thằng kia thì tao lại tin.
- Đẹp trai à?
- Không. Đểu. Con gái dễ chết vì những thằng đàn ông mặt đểu đểu.
Chị sồn sồn còn lại không tham gia câu chuyện. Chị ta kéo tay con bé phục vụ ở quán, giọng mềm mỏng:
- Cho chị xin ly cà phê tiểu đường.
- Cà phê gì ạ? - Con bé hỏi lại như không nghe rõ.
Vẫn giọng thẽ thọt, nụ cười tươi như hoa:
- Cà phê tiểu đường, em!… Cà phê không đường ấy.
Chủ quán, trẻ hơn Gầy Xoăn và Bạc Béo một chút, mặc đồ pijama, khoan thai từ sau quầy bước ra. Gã không nói không rằng, với tay lần lượt gỡ từng chiếc lồng chim máng trên dây thép xuống, cất vào trong mái hiên. Lũ chim nháo nhác một hồi rồi im.
Gầy Xoăn ngừng hát, bất giác ngửa cổ nhìn lên vòm trời màu xám đục thấp thoáng sau tán cây:
- Sắp mưa.
Cùng lúc đó, một chiếc xe máy xộc thẳng vào cổng. Ngồi trên xe là gã thanh niên rất kẻng trai, quần bò, áo chẽn kẻ sọc đỏ, tóc để ngôi giữa. Rất nhanh, gã tắt máy, dựng chân chống, bước vội đến chiếc bàn còn trống dưới mái hiên như sợ ai nhanh chân hơn chiếm mất chỗ. Bàn số 2. Gã có vẻ vào quán để trú mưa chứ không phải để uống cà phê. Tuy nhiên, sau khi cúi xuống buộc lại dây giày, gã cũng kêu một ly đen đá.
Trời chưa mưa, ly cà phê của gã thanh niên cũng chưa kịp mang ra, trong quán lại có thêm người nữa. Nhân vật này như từ dưới đất chui lên: thằng bé đánh giày. Thằng bé xách hòm đồ nghề, tiến đến trước mặt gã thanh niên:
- Chú! Giày?
Gã kia nhìn thằng bé với cặp mắt khinh khỉnh. Gã không nói gì, chỉ ngọ nguậy hai bàn chân ra ý bảo: giày của tao là giày da lộn, không đánh xi.
- Giày chú bẩn. Để cháu lau cho sạch?
Thằng bé đánh giày gạ gẫm.
Gã thanh niên nhìn xuống chân. Giày gã có vết bẩn thật. Hình như nhớt xe máy dính vào mũi giày.
- Mày lau bằng cái gì?
- Cháu lau bằng gì là việc của cháu. Đảm bảo giày chú không mất màu là được.
Gã thanh niên nhìn thằng bé có vẻ hay lý sự một thoáng rồi cúi xuống, tháo chiếc giày bẩn ra khỏi chân.
- Chiếc kia nữa? - Thằng bé đánh giày nhắc.
- Chiếc kia không bẩn - Gã thanh niên sẵng giọng.
- Nhưng phải lau đều cả hai chiếc. Chú thích một cái màu vàng một cái màu nâu à?
Gã thanh niên đành tụt nốt ra chiếc giày thứ hai. Thằng bé đánh giày nhanh nhẹn lồng đôi dép nhựa cũ đã mòn vẹt vào chân cho gã, rồi xách đôi giày da lộn đi nhanh ra phía cổng. Gã thanh niên định nói với theo câu gì, nhưng biết đã lỡ đà nên dừng lại.
- Toi rồi - Gầy Xoăn thở dài.
Bạc Béo vẫn ngồi im. Lão hiểu ngay ông bạn đi cùng đang nói về chuyện gì. Đề tài ấy đã trở đi trở lại với hai người trong quán cà phê này hàng chục buổi sáng.
- Vậy bao nhiêu công sức của bà lương y đổ cả xuống sông xuống biển?
- Đổ cả xuống sông xuống biển.
- Nhưng rõ ràng đã có lúc người ta nhận ra sai lầm, và thả thằng bé ra rồi? - Bạc Béo gặng hỏi.
- Người ta thả, rồi người ta lại bắt.
- Như trẻ con ấy nhỉ?
- Ông đi mà hỏi họ.
Bạc Béo chăm chú nhìn xuống mặt hồ tối sẫm. Con cá lớn, mình ánh bạc uốn lượn như rắn, giờ nằm im phắc dưới chân tảng đá. Trong cái hốc đá cạnh đấy, một chú cá nhỏ bằng đầu ngón tay đang ngo ngoe. Thấy yên tĩnh, chú cá nhỏ liền phóng ào ra. Chú không hề biết miệng con cá lớn đã ngoác ra chờ sẵn. Chú cá nhỏ lao thẳng vào cái khoảng tối chết người giữa hai hàm răng lởm chởm như răng cưa của con cá lớn.
- Thế hóa ra cái huyệt dương minh ấy là bịa à? - Bạc Béo lại hỏi.
- Tôi chắc không bịa.
Gầy Xoăn nói xong quay sang, nhìn chăm chăm vào một bên tai của Bạc Béo. Rồi đưa tay lên sờ sờ vào cái dái tai đã héo của bạn:
- Đây, chính xác là nó ở chỗ này. Các nhà khoa học bảo: lúc người ta còn trẻ, vào những ngày đẹp trời, nhìn kỹ sẽ thấy nó nổi lên, mảnh như một sợi chỉ màu hồng.
Bạc Béo bị sờ tai hơi lâu, nhột, rụt cổ lại, nhưng vẫn sa sả như cãi nhau:
- Như thế thì bà lương y kia đúng. Khoa học không thể sai được. Tại sao lại bắt thằng bé? Huyệt dương minh của nó còn sờ sờ ra đấy, ai cũng thấy. Nó là trai tân. Nó không phạm tội hiếp dâm!
Một con rùa giật mình, lăn bủm xuống nước. Con rùa cái. Con đực như không hề biết gì, vẫn nằm im trên tảng đá ngủ say. Y nhìn đồng hồ. Tám giờ hai mươi lăm. Chắc tám giờ ba mươi Tâm đến. Nàng đang chờ đèn đỏ ở một ngã tư đường. Hoặc cũng có thể đang dừng xe nói chuyện với một người quen nào đó. Nếu gặp người quen, có thể nàng còn dừng lại lâu hơn bình thường. Phụ nữ là như vậy. Những lúc cần nhanh, họ lại chậm. Hẹn hò càng quan trọng họ càng muốn kéo dài thời gian. Đàn ông ít người hiểu rằng, trong lúc mình sốt ruột vì chờ đợi, thì người phụ nữ đã bắt đầu tận hưởng cuộc hẹn hò rồi.
Chủ quán lại lẹp kẹp đôi dép lê từ sau quầy đi ra. Gã hỏi với vào nhà trong:
- Hôm nay đã cho rùa ăn chưa mày?
- Vừa ăn hôm qua rồi bố ơi - Giọng một đứa trẻ từ trong nhà vọng ra.
Gầy Xoăn nghiêng đầu nghe. Lão quay ra hỏi chủ quán:
- Rùa nhà cậu ăn gì?
- Dạ thưa, ăn thịt bác ạ - Chủ quán mau miệng đáp.
- Ngày xưa nhà tớ cũng nuôi một con rùa. Nhưng chỉ cho ăn cơm. Suốt ngày cu cậu nấp trong gầm giường. Đến bữa tớ nắm cho cục cơm bằng ngón tay cái, quẳng vào cho cu cậu. Cu cậu cứ lỉm nghỉm chén sạch lúc nào không biết. Ấy, có con rùa trong nhà, muỗi mòng cứ gọi là tiệt nọc, cậu ạ.
- Rùa nhà cháu không ăn muỗi, cũng không ăn cơm.
- Xơi toàn thịt à?
- Toàn thịt.
- Mỗi bữa mấy lạng?
- Mỗi con ngốn hết một cân đấy bác.
- Chết chết…
- Bọn này bụng rỗng, ăn tốn lắm. Nhưng được cái ăn xong lăn quay ra ngủ, nên cả tuần mới cho ăn một lần.
- Thế mấy con cá trong bể này thì nuôi bằng gì?
- À, chúng nó ăn nhau.
Bạc Béo rụt đầu, cười khụt khịt. Lão đã nguôi chuyện huyệt dương minh với thằng trai tân bị bắt oan. Gầy Xoăn không nói gì, lại ngửa cổ, rên rẩm như cái cassette hỏng: "Đời còn dằng dặc thế. Tình yêu đã cạn rồi”…
Tám giờ ba mươi. Ly cà phê của y vơi một nửa. Chủ quán ra ngồi cùng bàn với Gầy Xoăn và Bạc Béo. Có vẻ như gã cũng thích buôn chuyện tào lao với hai ông khách quen. Góc vườn, chỗ ba người phụ nữ, thỉnh thoảng lại rú lên tiếng cười của chị sồn sồn áo đen ngắt quãng chuỗi âm thanh thì thầm. Bàn số 2, thanh niên để ngôi giữa nhấp nhổm đứng hẳn dậy. Bố khỉ, thằng bé đánh giày sao lâu thế? Hay nó biến mất cùng với giày rồi? Nhưng từ chỗ gã thanh niên nhìn ra vướng bức mành, không thể thấy gì ngoài cổng. Gã đành ngồi xuống.
"Chỉ lướt qua một cái là mình biết sẽ xảy ra chuyện gì” - y mỉm cười, nghĩ. Lần ấy, cũng ở thị xã này, y từ trong hiệu sách bước ra. Hè phố ít người. Y vừa đi vừa chúi mũi vào cuốn sách mới mua được. Bất chợt y ngẩng lên và bắt gặp cái nhìn lạ lùng của nàng. Xoẹt, ý nghĩ đầu tiên nhoáng lên trong đầu y như ngọn lửa quẹt ga: "Đây là người đàn bà của mình”.
Bước thêm ba bước, y quay lại. Nàng cũng đang dừng hẳn, nhìn y.
- Xin lỗi, chị là…?
- Em là Tâm - nàng nhanh nhảu.
- Hình như tôi gặp Tâm ở đâu rồi?
- Dạ vâng. Ở Phan Thiết, lầu ông Hoàng...
Y vắt óc nghĩ. Y đến Phan Thiết một lần, từ lâu lắm, và chưa từng ghé lầu ông Hoàng. Nhưng thấy nàng có vẻ cả quyết như vậy, y đành ậm ừ rồi xin nàng số điện thoại.
Một mình trở về khách sạn, y phì cười. Lầu ông Hoàng, lầu ông Hoàng! Cái địa danh gắn liền với giai thoại nổi tiếng về mối tình của chàng thi sĩ họ Hàn với người đẹp. Nhưng lầu ông Hoàng ở chỗ quái nào nhỉ? Lần ấy, xe của y ghé qua Phan Thiết vào buổi trưa. Nhớ lời vợ dặn, y chỉ kịp dừng lại mua mấy thùng nước mắm tống lên xe. Dọc đường về, có một chai bị vỡ, mùi mắm len cả vào giấc ngủ gà ngủ gật, mơ mơ màng màng. Đấy, chỉ có thế - kỷ niệm duy nhất của y về Phan Thiết.
Tâm.
Một cái tên.
Một số điện thoại.
Và một cuộc hẹn.
Y hẹn nàng tám giờ, ở cà phê Vườn Thúy.
Bây giờ là tám giờ bốn lăm.
Thằng bé đánh giày bất ngờ xuất hiện ngay sau lưng gã thanh niên để ngôi giữa. Hóa ra ngoài cổng chính, Vườn Thúy còn có cửa ngách mà chỉ những người ra vào quán thường xuyên mới biết. Thằng bé xếp gọn đôi giày da lộn sạch như mới dưới chân gã thanh niên.
Mặt gã thanh niên giãn ra trong nụ cười đểu:
- Mẹ. Ông tưởng phải lê đôi dép này đi tìm mày?
Thằng bé đáp trả ngon lành:
- Cháu mà lặn thì chú có bới tung cả cái thị xã này lên cũng chả thấy.
Gã thanh niên gật gù, xỏ giày, trả tiền thằng bé rồi nhảy ba bước đến chiếc xe của mình. Xe nổ máy, vọt nhanh ra đường.
Chủ quán rời khỏi bàn bước vào hiên. Gã gỡ những chiếc lồng chim xuống, lần lượt mang từng chiếc ra sân máng lên sợi dây thép.
- Sao khó mưa thế nhỉ? - Bạc Béo bâng quơ.
Không ai hưởng ứng câu hỏi của lão.
"Đời còn dằng dặc quá. Tình yêu đã cạn rồi” - Gầy Xoăn gõ gõ ngón tay lên mặt bàn.
Y thở dài, nhìn đồng hồ. Rồi gọi thêm một ly đen.
4-5-2012
T.Đ.T