NGƯỜI CƠ TU VỚI TRANG SỨC MÃ NÃO SA HUỲNH – Trần Đức Anh Sơn

21.11.2012

NGƯỜI CƠ TU VỚI TRANG SỨC MÃ NÃO SA HUỲNH – Trần Đức Anh Sơn

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa khảo cổ đã hình thành nên "tam giác văn hóa trong buổi bình minh của lịch sử Việt Nam. Đó là Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 trước CN - thế kỷ 1 sau CN), Văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ 10 trước CN - cuối thế kỷ 2 sau CN) và Văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 - cuối thế kỷ 7 sau CN).

Một trong những thành tựu đáng chú ý của văn hóa Sa Huỳnh là kỹ nghệ chế tác đồ trang sức và lối phục sức của chủ nhân nền văn hóa này. Người Sa Huỳnh dùng trang sức vì nhiều lý do: làm đẹp, thể hiện sự giàu có, thể hiện địa vị xã hội, tuân theo tập tục và tín ngưỡng. Vì thế, họ đã kỳ công sáng tạo ra những món trang sức tinh xảo và giàu tính nghệ thuật.

Vật liệu ưa thích để chế tác trang sức của người Sa Huỳnh là các loại đá quý tự nhiên như: mã não (agate), carnelian, nephrit, pha lê, vàng và cả thủy tinh do họ tự chế tác. Cuộc khai quật di chỉ Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam) trong các năm 2003 - 2004 đã phát hiện ra hai mộ chum có chứa nhiều hiện vật tùy táng là đồ trang sức rất độc đáo: hơn 8.600 hạt cườm bằng thủy tinh màu xanh, vàng hoặc nâu; khoảng 1.500 hạt chuỗi làm bằng mã não, carnelian, nephrit... có niên đại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 1 trước CN và đặc biệt là 4 chiếc khuyên tai bằng vàng, được coi là những món trang sức bằng vàng cổ nhất Việt Nam. Theo TS. Andreas Reinecke, người chủ trì khai quật di chỉ Lai Nghi, thì các nguyên liệu như vàng, carnelian, nephrit, đá pha lê, mã não… mà người Sa Huỳnh sử dụng có thể được "nhập khẩu” từ Myanma, Ấn Độ vào lưu vực sông Thu Bồn trong những năm đầu CN.

Đồ trang sức làm bằng mã não còn được phát hiện ở nhiều di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Theo thống kê của các nhà khảo cổ, có hơn 15 kiểu hình dáng hạt chuỗi khác nhau trong văn hóa Sa Huỳnh được làm từ các loại chất liệu như: mã não, carnelian, nephrit, thạch anh, pha lê. Trong số hạt chuỗi mã não tìm thấy ở di chỉ Lai Nghi có 3 hạt rất đặc biệt: hạt thứ nhất có hình con sư tử, hạt thứ hai có hình con chim hạt thứ ba là hạt chuỗi được chế tác bằng phương pháp khắc axít. Phương pháp này được đánh giá là "tiên tiến” nhất trong kỹ thuật chế tác đồ thủ công ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Đồ trang sức mã não của người Sa Huỳnh là những tinh hoa đặc sắc mà nền văn hóa này sáng tạo ra. Song điều thú vị là những món trang sức hơn 2.000 năm tuổi ấy đến nay vẫn là thứ trang sức "thời thượng” của các dân tộc thiểu số cư trú trên dãy Trường Sơn như Cơ Tu, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều... Đặc biệt, với người Cơ Tu, thì mã não là thứ trang sức quý giá nhất trong các đồ trang sức, là thứ tài sản không thể thiếu.

Theo TS. Trần Tấn Vịnh, giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, thì người Cơ Tu đã từng quan hệ, giao lưu lâu đời với người Chăm. Họ cho rằng mã não là sản vật do ông bà, tổ tiên họ trao đổi với người Chăm (mà người Cơ Tu gọi là Zoát Hời) trước đây. Về sau, người Cơ Tu thiết lập mối quan hệ buôn bán với người Kinh ở miền xuôi nên họ "đặt mua” mã não từ người Kinh. Người Kinh cư trú trong lưu vực các sông Thu Bồn và Vu Gia, vốn là địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh xưa, nên đôi khi cũng tìm thấy những hạt chuỗi mã não Sa Huỳnh tình cờ xuất lộ. Họ thu nhặt những hạt mã não ấy, mang lên miền núi để đổi lấy trâu bò, lâm thổ sản... của người Cơ Tu. Một chuỗi mã não gồm 17 hạt to bằng ngón tay cái có thể đổi được một con trâu hay một tấm vải "dèng” dài 7 sải có trang trí hoa văn bằng cườm. Việc trao đổi mã não với người Cơ Tu mang lại lợi nhuận lớn, khiến nhiều người Kinh tìm cách "săn lùng” mã não bất hợp pháp. Họ lén lút dò tìm và đào bới trái phép các di chỉ Sa Huỳnh để tìm kiếm mã não, mang lên miền núi cung cấp cho người Cơ Tu.

Ngoài ra, một số địa bàn cư trú hiện tại của người Cơ Tu ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam cũng từng là địa bàn sinh tụ của người Sa Huỳnh xưa. Vì thế, thi thoảng, người Cơ Tu cũng nhặt được những hạt chuỗi quý giá này bên những bờ suối, triền sông hay trong các phế tích cư trú và mộ táng của người Sa Huỳnh xưa. Người Cơ Tu xâu các hạt chuỗi mã não xen kẽ với những hạt cườm màu đen và màu trắng, tạo thành những chuỗi hạt đầy màu sắc để đeo lên cổ. Đó là thứ trang sức được người Cơ Tu ưa chuộng và trân quý nhất và cũng là vật sính lễ không thể thiếu trong cưới hỏi của người Cơ Tu. Trang sức mã não biểu tượng cho sự giàu có và no ấm. Đó còn là vật thiêng giúp người tránh xa tà ma, bệnh tật, là cái để làm đẹp, tránh gió độc, bảo vệ sức khỏe.

Không chỉ trân quý mã não, người Cơ Tu còn khắc họa hoa văn hình hạt chuỗi mã não lên các công trình kiến trúc như nhà gươl, nhà mồ, cột lễ đâm trâu... Hình ảnh mã não cũng xuất hiện như là hoa văn trang trí trên trang phục truyền thống và trong nhiều loại hình trang trí dân gian. Hoa văn mã não được kết hợp với nhiều kiểu thức hoa văn khác như hoa văn chày cối, hoa văn ngọn chông, hoa văn hàng rào... tạo nên bản sắc riêng trong trang trí thổ cẩm Cơ Tu.

Vậy là, những tinh hoa trong trang sức mã não của người Sa Huỳnh vẫn tiếp tục được các sắc dân thiểu số ở Trường Sơn kế thừa và bảo lưu. Những tinh hoa ấy góp phần điểm tô và tạo nên những sắc diện văn hóa độc đáo của các tộc người. Điều này cũng chứng minh rằng, văn hóa Sa Huỳnh đã để lại những dấu ấn đậm nét trong văn hóa của các cộng đồng cư dân bản địa ở miền Trung. Và rằng, mạch nguồn văn hóa của các dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ gián đoạn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

T.Đ.A.S. (T.H.)