HOÀNG DƯƠNG VỚI CA KHÚC “HƯỚNG VỀ HÀ NỘI” – Trương Văn Khoa

21.11.2012

HOÀNG DƯƠNG VỚI CA KHÚC “HƯỚNG VỀ HÀ NỘI” – Trương Văn Khoa

Hơn 50 năm trước, vào một đêm bom đạn tơi bời dội về Hà Nội, từ bên kia thành phố, nhạc sĩ Hoàng Dương đã xúc cảm viết nên ca khúc "Hướng về Hà Nội" trong nỗi nhớ vô bờ của một thời  ly hương, loạn lạc...


           Hà Nội là một người tình...

 

Hoàng Dương, tên đầy đủ là Ngô Hoàng Dương, con trai của Nhà văn – Nhà báo Trúc Khê Ngô Văn Triện (danh nhân văn hóa Hà Nội).  Hoàng Dương là một nghệ sĩ đàn cello, người có công đầu xây dựng bộ môn cello, khoa đàn dây tại Nhạc viện Hà Nội. Với nhiều đóng góp lớn trong nền âm nhạc, PGS Hoàng Dương được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 trong lĩnh vực sáng tác. Hoàng Dương viết nhiều tác phẩm khí nhạc như: Hát ru, Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), Tiếng hát sông Hương (cello và dàn nhạc)...Đối với ca khúc, ông viết không nhiều với các nhạc phẩm: Hướng về Hà Nội, Chiều cuối năm, Tiếc thu, Ôi giấc mơ xưa. Trong đó, 2 ca khúc nổi tiếng được mọi người biết đến là "Hướng về Hà Nội" với điệu slow và "Tiếc thu" điệu tango, cả hai đều có âm hưởng buồn, giọng "mineur".

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hoàng Dương chịu ảnh hưởng từ tính cách và lãng mạn của cha mình. Ngày ấy, Trúc Khê làm báo ở Hà Nội, cuối tuần, ông lại về Từ Liêm với vợ và các con. Nhà nghèo nhưng cha của Hoàng Dương vẫn thiết kế một ngọn núi và con sông nhỏ uốn luợn trong vườn để cùng những người bạn như Tản Đà, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư… ngắm trăng uống rượu rồi làm thơ. Những sinh hoạt của các thi sĩ cùng với kho sách trong nhà với những tác giả như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Verlaine, Lamarrtine, Baudelaire… đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn, sự nghiệp sáng tác của Hoàng Dương sau này. Lúc tản cư lên chiến khu, qua nhóm hát Thái Thanh, Thái Hằng, ông bắt đầu nhập môn âm nhạc, tiếp xúc với các nhạc cụ phương Tây và học guitar từ đó. Thế nhưng, "duyên nợ” violon cell cứ đeo đuổi ông cho đến ngày Thủ đô được giải phóng. Năm 1954, ông bắt tay vào học violon cell và truyền lại cho người con trai đầu của mình niềm đam mê ấy, đó chính là nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân, Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Người con trai thứ của nhạc sĩ, tiến sĩ violon, đang giảng dạy tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội.

Hoàng Dương tâm sự, vào những năm (1953 – 1954), khi ông đang hoạt động cách mạng tại đội tuyên truyền văn nghệ Thành bộ Hà Nội, chiến tranh nổ ra hết sức quyết liệt, đội của ông phải thường xuyên chạy trốn trước sự truy đuổi của quân thù. Lúc bấy giờ, Hoàng Dương có yêu một người em gái ở nội thành, tình yêu thời chiến chinh lãng mạn và đẹp vô cùng. Một đêm khuya, khi đang túc trực tại nhà của một người dân ở ngoại thành, trong tiếng pháo dội về thành phố, anh bồi hồi nhớ đến người yêu. Không nén được cảm xúc, ông liền ngồi vào bàn, viết lên những dòng nhạc đầu tiên cho bài hát "Hướng về Hà Nội".

Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào khiến Hoàng Dương viết rất nhanh và hoàn tất ca khúc ngay trong đêm hôm đó:

 

"Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
            Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
            Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
            Liễu mềm nhủ gió gây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”

 

Ca khúc đã vượt qua ranh giới cảm xúc cá nhân và chạm vào nỗi niềm chung của những người đã từng sống ở Hà Nội. Nhà thơ Ý Nhi có lần nói: "Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương là một người tình", là những gì đẹp nhất của tuổi thanh xuân, tuổi cống hiến cho đất nước. "Hướng về Hà Nội" là sự kết tinh tâm trạng của hai lần nhạc sĩ xa Hà Nội. Lần thứ nhất, lúc 14 tuổi (năm 1947), Hoàng Dương cùng với đoàn người nội thành tản cư đến vùng Chợ Đại, Cống Thần. Ngày ấy, hàng đêm nhìn những quầng sáng hắt lên từ Thủ đô, lòng ông lại bồn chồn, nhớ Hà Nội khủng khiếp, mong chờ ngày giải phóng. Lần thứ 2 (1953), Hoàng Dương trở lại hoạt động cách mạng ở nội thành, lúc đó anh yêu một người con gái Hà Nội,  địch phát hiện truy đuổi, Hoàng Dương  bỏ trốn ra ngoại thành....

Thính giả thời bấy giờ còn nhớ, khi mới ra đời, cùng với "nỗi buồn tiểu tư sản”, ca khúc "Hướng về Hà Nội” không được biểu diễn công khai trong một thời gian dài. Thậm chí, ca sĩ Ngọc Bảo lại hát "Hướng về Hà Nội” trên đài phát thanh để nhắn gửi bạn bè trong Nam nên càng bị... cấm. Rất may, những ca từ mượt mà và giai điệu ngọt ngào ấy vẫn âm ỉ chảy trong lòng những người con của Hà Nội. Năm 1954, bài hát được phổ biến rộng rãi và nổi tiếng qua giọng hát của Kim Tước. Ca khúc chất chứa trong lòng một nỗi niềm day dứt khôn nguôi, giai điệu mang đầy tính tự sự cùng với ca từ đẹp, giàu chất thơ khiến người nghe nhớ Hà Nội đến nao lòng:

 

"…Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,
            Biết người có nhớ nhung chi,
            Hết rồi giây phút phân ly
            Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
            Tóc thề thả gió lê thê
            Biết đâu ngày ấy anh về…”
           

"Hướng về Hà Nội” man mác nỗi buồn thời chinh chiến nhưng không hề bi lụy. Điểm nhân văn của bài hát là đem đến niềm tin cho công chúng, tin vào ngày mai chiến thắng, ngày trở lại Thủ đô…. Và đó cũng chính là sự đồng điệu của những chàng trai Hà Nội lãng mạn và hào hoa trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Cuộc chiến tranh đầy gian khổ và hy sinh nhưng họ vẫn thầm mơ về Hà Nội như những gì Quang Dũng đã viết trong bài thơ "Tây Tiến”:

 

"..Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”

 

Một lần, nhà thơ Quang Dũng đến chơi với tài tử Ngọc Bảo. Sau khi được nghe Ngọc Bảo hát bài hát của Hoàng Dương, Quang Dũng đã nhờ Ngọc Bảo nhắn với Hoàng Dương rằng, ông rất muốn nhạc sĩ đến chơi nhà của ông. Mấy ngày sau Hoàng Dương tìm đến, nhà thơ Quang Dũng đã ôm chầm lấy và bảo: "Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó". Cuộc hội ngộ cảm động đó được Hoàng Dương xem như là một kỷ niệm đẹp, sâu sắc nhất trong cuộc đời âm nhạc của ông. 

Năm 1954, ca khúc "Hướng về Hà Nội" được Tinh Hoa Miền Nam xuất bản, ngoài bìa có hình vẽ một thiếu nữ chít khăn "mỏ quạ" màu nâu nhạt do hoạ sĩ Duy Liêm trình bày. Bên trong bài hát, phía trên cùng có câu: "Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu, gửi đây niềm thương nhớ một mùa chia phôi...". Nhiều người lúc bấy giờ không biết Hoàng Trọng là ai ? Họ hồ nghi, liệu đó có phải là một "bóng hồng” nào đó ? Thật ra, Hoàng Trọng và Hoàng Dương là bạn văn nghệ với nhau, bản nhạc "Nhạc sầu tương tư" nổi tiếng khi xưa của Hoàng Trọng là do Hoàng Dương viết lời. Ông nói: "Hoàng Trọng là người bạn vong niên đáng kính của tôi. Tôi đã cộng tác với anh trong nhiều bài hát với phần ca từ được anh rất thích”. Sau này, Hoàng Trọng đã giới thiệu những ca khúc của Hoàng Dương cho Kim Tước. Hai ca khúc "Tiếc thu” và "Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương đã được nữ danh ca này trình bày lần đầu tiên, được công chúng nồng nhiệt đón nhận qua làn sóng radio Hà Nội.

Kể từ ngày ấy, ca khúc được lan truyền rộng rãi trong và ngoài nước, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế tái bản nhiều lần mới đáp ứng được sự hâm mộ của độc giả. Những ca sĩ nổi tiếng một thời như Mai Hương, Duy Trác,… đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của "Hướng về Hà Nội”. Tuy nhiên, để ru hết phần hồn của bản nhạc, chúng ta phải nói đến giọng ca điêu luyện, mê hoặc lòng người của nữ danh ca Lệ Thu sau này. Nhà thơ Ý Nhi, sau khi nghe họ hát, đã cho rằng: "Giọng ca của họ không lôi cuốn tôi ngay lập tức, nhưng rồi một vẻ đẹp thực sự, những giọng ca đó đã chinh phục tôi. Giọng người này, với sự tha thiết trong trẻo, giọng người kia với sự sâu lắng thấm nhuần, cho đến lúc tôi đinh ninh rằng họ là một trong số rất ít các ca sĩ có khả năng trình bày tốt nhất những ca khúc trữ tình nổi tiếng của Việt Nam”.

40 năm sau, những năm cuối cùng của thế kỷ 20, bài hát mới được "minh oan" và đón nhận nhiều sự chia sẻ của khán giả. Năm 1994, trong chương trình "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn, ca khúc "Hướng về Hà Nội” đã được chọn trong danh mục biểu diễn. Ca sĩ Thu Hà đã giúp nhạc sĩ Hoàng Dương đưa ca khúc trở lại với công chúng, xóa đi lớp bụi thời gian của mấy chục năm về trước. Các nhà phê bình âm nhạc đã không tiếc lời nhận định, "Hướng về Hà Nội" là sự kết tinh tài hoa, lắng đọng trong không gian thời gian và linh thiêng của sông núi:

 

"…Một ngày, mùa chinh chiến ấy,
            Chim đã xa bầy,

 mịt mờ bên trời bay…
            Một ngày, tả tơi hoa lá,
            ngóng trông về xa ...

luyến thương hình bóng qua…”

            Một đời cho âm nhạc

           

Với Hoàng Dương, ca khúc thôi cũng chưa đủ mà  phải đến với nhạc không lời của ông. Với cương vị Phó giáo sư, nhạc sĩ Hoàng Dương đã cống hiến nhiều vào nền âm nhạc Việt Nam. Mặc dù rất uyên thâm về âm nhạc phương Tây nhưng Hoàng Dương không bao giờ chạy theo những trào lưu mới và luôn giữ lại cội nguồn dân tộc. Nhiều tác phẩm khí nhạc của ông ra đời từ làn điệu dân ca cổ như "Lý chiều chiều”, "Lý con sáo” trong "Giai điệu quê hương”, "Se chỉ luồn kim” trong "Những kỉ niệm quê hương”, "Hò mái nhì” trong "Tiếng hát sông Hương”, "Lới lơ” trong "Khát vọng”…Xuất thân từ một nghệ sĩ violoncelle nên nhạc sĩ Hoàng Dương thường viết cho nhạc cụ dây độc tấu cùng dàn nhạc (hoặc piano). Trong nền nhạc mang nhiều chất thính phòng này, khán giả có thể cảm nhận được những âm thanh quen thuộc trong đời sống như tiếng chuông chùa trong "Kỷ niệm quê hương”, nhịp đưa nôi trong "Hát ru”, tiếng sóng biển trong "Bài thơ Hạ Long, âm thanh sông nước trong "Tiếng hát sông Hương”,…

Tại nhạc viện, Hoàng Dương là một giáo sư âm nhạc mẫu mực, các học trò được ông dìu dắt đã trở thành những "cây cello” nổi tiếng. Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng nhạc sĩ vẫn tham gia giảng dạy và miệt mài sáng tác, đặc biệt là những bản tình ca sau này. Có những ca khúc được mọi người biết đến với giai điệu rộn ràng như: Hà Nội – Mùa xuân tình yêu, Bài ca mùa xuân,… Tất cả đều nồng cháy và tràn đầy sức sống:

 

"Khi mùa xuân đã đến bạn ơi !

 Nụ cười tươi thắm trên ngàn môi.

Tuổi xuân tha thiết thêm yêu đời.

Rộn ràng bao tiếng hát hòa khắp nơi”.

 

Sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Dương là tấm gương điển hình cho nhiều thế hệ nhạc sĩ. Niềm mong muốn lớn nhất của ông là làm sao đưa được nghệ thuật đỉnh cao đến với công chúng. Ông nói: "Tôi muốn giúp cho người nghe hiểu. Kể cả các nghệ sỹ chuyên nghiệp cũng có thể tìm hiểu và nắm vững về các tác phẩm. Cả các tác giả sáng tác khí nhạc, sáng tác ca khúc ở ta có thêm tài liệu học tập, tìm hiểu. Không phải công chúng không thích nhạc giao hưởng mà do họ không được tiếp cận. Không hiểu thì làm sao có thể yêu?” Chính vì vậy, ông đã quyết tâm thực hiện 2 cuốn sách mới về âm nhạc nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa cao của nhân loại đến với người Việt Nam.

Tác phẩm "Âm nhạc giao hưởng phương Tây - Tác giả & Tác phẩm” (Guide de la musicque symphonique trong bộ sưu tập Les indispensables de la musique, Nhà xuất biển Fayard, Paris 1999) được ông dành thời gian và công sức để biên dịch. Cuốn sách dày 900 trang đã đem đến sự ngạc nhiên, kính phục của đồng nghiệp và giới văn nghệ sĩ về sức lao động bền bỉ và lớn lao của ông. Trước Hội đồng nghiệm thu, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sỹ ưu tú Ngô Văn Thành (Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã thốt lên: "Công trình thế kỷ !” Các phương tiện truyền thông nhận định, đây là cuốn sách âm nhạc đồ sộ nhất Việt Nam. Sách cũng đã được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia, nơi mà ông là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho khoa đàn dây tại đây.

Với niềm đam mê không mệt mỏi, công trình thứ 2 của Hoàng Dương là "Âm nhạc thính phòng phương Tây - Tác giả & tác phẩm” đã được nghiệm thu. Riêng cuốn này, ông đã điểm lại 9 bản giao hưởng của Beethoven để giúp người đọc có thể hiểu sâu sắc về dòng nhạc này. Nhạc sỹ Hoàng Dương nói: "Chopin viết 2 Concerto, người thưởng thức cũng cần biết cái nào viết trước, cái nào sau, hoàn cảnh sáng tác và lai lịch các bản hòa tấu lớn, có giá trị văn hóa đặc sắc như thế.” Nội dung sách được sắp xếp theo thứ tự từ điển với 197 nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới cùng tác phẩm của họ mà ở đó các kiệt tác âm nhạc được nổi lên như những viên ngọc của nhân loại.

            Nhận định về dòng nhạc hiện nay, PGS Hoàng Dương cho rằng,  thị trường âm nhạc bây giờ quá lộn xộn. Nhạc sĩ sáng tác kiểu gì cũng phải cho "tim, gan, phổi và các bộ phận khác của cơ thể” vào ca từ của bài hát. Còn ca sĩ trên sân khấu ăn mặc hở hang, uốn éo quằn quại để thể hiện sự giằng xé, đau đớn của con tim, theo chủ đề bài hát. Mặc dù ở tuổi 80 nhưng khi nhắc tới âm nhạc, mắt ông vẫn ánh lên nỗi niềm trăn trở về nền âm nhạc nước nhà. Ông thường tâm sự, vì lợi nhuận, những hợp đồng "béo bở”, các chương trình truyền hình thường phát đi những ca khúc lố lăng tới khán giả vào những "giờ vàng” Trong khi đó, âm nhạc cổ điển lại phát vào giờ mà khán giả đã đi ngủ hết (từ 23h30 trở đi) để lấp chỗ trống. Một thị trường âm nhạc đáng buồn! Hoàng Dương đang là cố vấn âm nhạc cho chương trình "Điều còn mãi” . Những năm đầu tiên tổ chức, những tác phẩm của ông đều được trình bày như " Những kỷ niệm quê hương” (2009), "Hát ru” (2010), "Hướng về Hà Nội” (2011). Điều làm cho nhạc sĩ Hoàng Dương lo lắng nhất là làm sao phổ cập được nhạc cổ điển phương Tây đến với đại chúng. Với ông, nhạc cổ điển phương Tây là kết tinh giá trị văn hóa của nhân loại, chúng ta thật thiếu sót khi công chúng Việt Nam không được hướng dẫn để hưởng thụ món ăn tinh thần quý giá này. Trong khi các nước châu Á như Nhật, Hàn đã làm từ lâu, thậm chí Thái Lan cũng phải mời bằng được nhạc công giao hưởng Việt Nam sang biểu diễn nhân dịp sinh nhật đức Vua của họ. Có thể nói rằng, đây chính là niềm trăn trở nhất của nhạc sĩ Hoàng Dương đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nghe lại giai điệu "Hướng về Hà Nội”, lòng người lại dâng lên những cảm xúc bồi hồi. Bài hát đã sống cùng năm tháng thăng trầm của lịch sử. Và hôm nay, khi nỗi buồn chiến tranh qua đi, lời ca ấy cứ vang vọng mãi trong tiềm thức của những ai yêu thương đất nước này:

"…Một ngày tàn cơn chinh chiến,
            lửa khói lăn chìm, tìm về nơi bờ bến
            Một ngày hồng tươi hoa lá
            Hát câu tình ca, nói lên lời thiết tha…”

T.V.K