Người hát rong thời đại - Trần Trung Sáng

21.11.2012

Người hát rong thời đại - Trần Trung Sáng

 L.T.S: Tham gia Trại sáng tác VHNT TP Đà Nẵng 2012 vừa tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc) vào tháng 7 vừa qua, nhà văn Trần Trung Sáng đã hoàn thành 2 tập bản thảo : "Hồi ức hạt bụi bay xa”,  tập tản văn của phác họa lại 25 chân dung văn nghệ sĩ quen thuộc đã vĩnh viễn đi xa  và bút ký " Người hát rong thời đại”, viết về đời thật nhạc sĩ, ca sĩ Miên Đức Thắng – người có ảnh hưởng rất đặc biệt trong phong trào SVHS miền Nam trước 1975. Dịp này, chúng tôi giới thiệu trích đoạn phần đầu  tập bút ký " Người hát rong thời đại” của anh.

N.N

      Nhắc đến Miên Đức Thắng, tại miền Nam, hẳn nhiều người không thể quên được, vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tiếng hát trẻ trung, dạt dào xúc cảm của anh vẫn không ngớt vang lừng trên mọi hang cùng ngõ hẻm phố phường suốt những đêm dài khốc liệt chiến tranh, với những bài ca mang khát vọng hòa bình, thiết tha tình tự dân tộc. Thế nhưng, không chỉ nổi danh là một ca sĩ, Miên Đức Thắng còn là một nhạc sĩ gây ảnh hưởng hết sức đặc biệt trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của SVHS. Anh là tác giả của các tập ca khúc phản chiến "Hát từ đồng hoang” (1965), "Lớn mãi không ngừng” (1966), và là nhạc sĩ duy nhất bị chế độ Sài Gòn kết án 5 năm tù khổ sai, vì chính những sáng tác của mình.

   Ngay từ những năm đầu bước vào bậc Trung học, tôi vẫn thường nhìn thấy những lời ca của Miên Đức Thắng ghi bằng chì than nhem nhuốc trên các bờ tường trường học như những thông điệp bí mật chống chiến tranh: "Người lính khe khẽ hát / Mẹ ơi ơi mẹ ơi / Vì con không muốn giết / Bao anh em của mình / Vì con không muốn giết /Nên con làm tù binh (Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh), hoặc: "Ôi những viên đạn bằng đồng thật tươi thật đỏ hồng / Những viên đạn bằng đồng/ Dân Việt chết đói khô/  Không làm sao nhai được/  Triệu viên đạn đỏ hồng...(Viên đạn). Về sau, tôi mới biết thêm, trong bản cáo trạng của phiên toà Quân sự xử vụ "nhạc phản chiến” dành cho Miên Đức Thắng (1969) nêu rõ: "những lời lẽ bản nhạc mà Thắng sáng tác đã nói lên những oán trách  về cuộc chiến tranh qui trách nhiệm về căm thù vào Chính phủ VNCH và Đồng minh đã gây ra cuộc chiến, chớ không có chỉ trích Cộng Sản khác hẳn với các bản nhạc Trịnh Công Sơn có những lời lẽ nói lên thân phận  làm người trong 1 Quốc gia có Chiến tranh”. Điều đó, vẫn khiến tôi không ngớt băn khoăn: nếu không bị kết án, nếu không bị "đình chỉ bản văn” thì định mệnh của Miên Đức Thắng sẽ thay đổi ra sao? Anh sẽ tiếp tục viết nhạc ngợi ca hoà bình hay sẽ viết những bài tình ca, than thân trách phận? Và rồi tiếng hát Miên Đức Thắng sẽ tắt lịm sau một thời chinh chiến hay còn vang vọng đến tận mai sau?

   Sau gần 40 năm gặp lại Miên Đức Thắng, tóc anh đã hoa râm, phong cách vẫn lãng tử, phong trần dù ít nhiều mang dáng dấp thong dong, thư thái của một đạo sĩ. Anh vẫn say sưa nói về âm nhạc, về hội hoạ, về  hàng trăm ca khúc vừa thực hiện hoàn thành  qua 4 đĩa nhạc bằng chính tiếng hát của anh. Giờ tôi đã hiểu ra, dù ngày ấy, bây giờ, dù thời cuộc,  dòng đời …có thế nào đi nữa, thì con người ấy vẫn nguyên vẹn, vẫn bước đi không mệt mỏi trên con đường ngập tràn tự do và sáng tạo… Bởi, anh là Miên Đức Thắng - NGƯỜI HÁT RONG THỜI ĐẠI

  

Phần 1

      Nhạc sĩ Miên Đức Thắng tên thật là Phan Văn Thắng, sinh năm 1945 tại làng Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Theo anh, năm sinh này vẫn không chính xác lắm, do cha mẹ mất sớm, hồ sơ thất lạc (không có Giấy khai sinh mà chí có Chứng chỉ khai sinh) .Sau này lớn lên, anh không biết căn cứ vào đâu để lấy số tử vi. Chỉ nghe kể lại, vào khoảng tháng 3/1945, mẹ bỏ trong thúng gánh chạy giặc Nhật (như vậy chắc là đã sinh vào giữa hoặc cuối năm 1944). Vài tháng sau đó, người cha qua đời (nghe tin là biệt tích trong chiến tranh). Đến 1954, người mẹ cũng qua đời, trong một lần gánh thùng mắm bị té bờ rào thép gai. Gia đình còn lại tất cả 5 anh chị em, gồm 2 anh trai, 2 chị gái, và Miên Đức Thắng là út (đến nay đã mất 3 người), về sống cùng bà o (cô của cha) tại thành nội Huế. Chồng bà này vốn là ông Đội giữ ngựa cho vua, không con cái.

         Thời thơ ấu Thắng học trường tiểu học Trần Cao Vân, trung học Hàm Nghi và đệ nhị cấp Quốc Học. Sau khi người chị đầu đi lấy chồng, mấy anh em còn lại đều tập trung cố gắng lo chuyện học hành. Những anh chị lớn học xong đều đi dạy học, hoặc làm công chức. Tình anh em gia đình với Thắng thật thiêng liêng, sâu sắc. Chính vì vậy, nghệ danh Miên Đức Thắng cũng mang ý tưởng ghép từ tên các anh em: Miên ( người anh đầu)+ Đức (đầu tiên định ghép tên Phúc, Quả của 2 người anh, nhưng kông phù hợp nên đổi thành Đức)+ Thắng (tên thật). Ngay từ tuổi lên 10, Thắng nhìn thấy mấy ông anh trong nhà đều đàn hát, nên rất thích, muốn học hỏi. Dù vậy, cũng như phần lớn các gia đình khác ở Huế, gia đình Thắng cũng rất thành kiến với nghề "xướng ca vô loại, thường xuyên răn đe Thắng, phải chú trọng việc học hành, còn văn nghệ chỉ là chuyện chơi.

     Lúc này, gần nhà mấy anh em Thắng là gia đình thầy Ngô Văn Giảng (được nhiều người biết với bút danh Thông Đạt qua bài hát Ai về sông Tương) (*). Thầy Giảng từng là nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và dạy nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học. Các em trai thầy Giảng  là anh Nhẫn, Đàm cũng chơi văn nghệ và ccông tác tại đài phát thanh Huế. Thắng thường ghé sang nhà này chơi, vừa được học nhạc thầy Giảng, lại vừa được đi theo các nhóm hát tại Đài phát thanh. Tận đến bây giờ, trong ký ức Miên Đức Thắng, thầy Văn Giảng  vẫn là hình ảnh một người thầy tài hoa, mẫu mực và rất nghị lực. Suốt đời thầy chỉ học hỏi. Đến hơn 40 tuổi thầy mới lấy bằng Tú Tài, rồi lại tiếp tục đi Mỹ du học. Chính vì vậy, về sau gặp biết bao khó khăn trong đời, mỗi lần nghĩ đến thầy Giảng, Thắng tự nhủ mình phải theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Một điều đáng nói thêm, thường xuyên tiếp xúc và gần gũi với những người nghệ sĩ ở Đài phát thanh, Thắng thấy phần lớn họ là những người rất đáng quý trọng, chứ không có vẻ "xướng ca vô loại” như người lớn thường dè bĩu. Bây giờ, mấy chục năm rồi, Miên Đức Thắng vẫn còn bị ám ảnh bởi lời  khuyên của thầy Giảng nhắc lại câu nói của Enstein: "Đập vỡ một hạt nguyên tử còn dễ hơn phá vỡ một thành kiến”. Nhờ vậy, dù yêu thích văn nghệ đến mấy, anh vẫn quyết học đến nơi đến chốn. Nhìn lại, anh thấy con đường mình đi là sự lựa chọn đúng đắn, không làm chi hư.

   Thời thơ ấu  vừa bước vào mái trường, Thắng đã có một cố tật gây nhiều phiền phức, đó là thuận tay trái. Dĩ nhiên, ngay từ bậc tiểu học với các thầy cô, cố tật ấy không thể chấp nhận và phải khắc phục bằng được. Từng năm tháng lớn lên, trước mặt thầy cô thì Thắng cầm bút tay phải, khi thầy cô vừa quay lưng thì Thắng đổi sang tay trái. Dần dần Thắng thuận cả hai tay. Tuy nhiên, đến lúc mày mò học ghi ta ở nhà thầy Giảng, Thắng vẫn chỉ muốn dùng tay trái để đánh đàn. Anh Nhẫn, em trai thầy Giảng nói:

-          Chịu, mi cầm đàn như rứa làm răng tau chỉ mi được.

Thắng nói:

-          Được mà. Anh cứ cầm đàn theo cách của anh. Em nhìn rồi từ từ chế lại theo cách của em.

     Mấy tuần đầu thật gian khổ. Nhưng dần dần Thắng cũng tìm được quy luật để bấm hợp âm theo bàn tay trái. Chỉ vài tháng, anh Nhẫn  nói:

-          Thằng ni hay thiệt. Mi bấm kiểu đó mà nghe cũng lọt tai.

Anh Đàm còn khen Thắng không những có khiếu chơi đàn, mà còn có giọng hát rất được…Một lần, anh bảo Thắng tập đơn ca một bài nhạc tình cảm thịnh hành bấy giờ rồi dẫn lên Đài phát thanh Huế hát xen vào chương trình của người lớn. Mới đầu Thắng rất khớp sợ, bởi chung quanh có những ca sĩ nổi tiếng như Hà Thanh, Huyền Vân…Thế mà ai cũng khen ngợi, và đề nghị Thắng hát thường xuyên hơn.

Thúc Đăng là một bút danh khác của nhạc sĩ Mạnh Phát (Thông Đạt). Nhạc sĩ Mạnh Phát có khuôn mặt khôi ngô, tóc dợn sóng trước trán, sắc mặt điềm đạm. Ông còn có 2 bút danh khác là Tiến Đạt và Thúc Đăng. Sau này hãng phim Mỹ Vân thực hiện phim "Tình Quê Ý Nhạc’ thì có...

Năm 1961, vào năm học đệ lục, trong một lần nghe tin thầy giáo Hoàng Xuân Thắng - một người thầy dạy văn rất được học trò yêu quý  bị chết ở chiến trường sau khi đi lính, Thắng bàng hoàng xúc động, viết một bài thơ ngắn mang tên "Ngày xuân dưới mái học đường” để nhớ lại những kỷ niệm khi thầy còn ở mái trường. Thỉnh thoảng Thắng hát nghêu ngao những lời thơ ấy: " Ngày xuân đã về trên đất Việt, ngàn hoa tươi thắm khoe sắc hương/ Tiếng chim ca vang động trong sương, đàn học sinh nhảy múa trên đường/ Trong cảnh sắc của mùa xuân nhân thế, tôi mến yêu đời học sinh/ Vì đời học sinh là những khúc tình ca, yêu muôn vật muôn màu trong thế giới/ Vì đời học sinh là triệu đoá hoa, chưa vẩn đục bụi đường bao ngày qua…” được nhiều bạn bè yêu thích. Tuy nhiên, lúc này Thắng chưa học hỏi đầy đủ về phương pháp ký âm, nên phải nhờ thầy Văn Giảng hướng dẫn ghi lại hoàn chỉnh. Không ngờ, điều đó đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, để Miên Đức Thắng bước vào con đường sáng tác âm nhạc mai sau.

 

T.T.S

 

(*) : Nhạc sĩ Văn Giảng tên thật Ngô Văn Giảng,sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế. Ông còn có các bút danh khác là Tiến Đạt, Nguyên Thông  và Thúc Đăng.  Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.  "Ai về sông Tương" được viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng. Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời. Sau đó ông viết bản "Ai về sông Tương" và ký tên Thông Đạt. "Ai về sông Tương" được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài "Ai về sông Tương" là ai không. Tăng Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm đó nhưng Văn Giảng trả lời không biết. Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của "Ai về sông Tương". Nhờ đó Tăng Duyệt mời biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bản tình ca nổi tiếng đó.