Nhà thơ Ngân Vịnh: Thơ khởi phát từ cái tâm

21.04.2025
Phùng Văn Khai
Mỗi khi vào thành phố Đà Nẵng, sáng sớm nghe đài phát thanh thành phố trên loa công cộng bật lên bài hát Đà Nẵng tình người với ca từ sáng đẹp của nhà thơ Ngân Vịnh, chúng tôi đều nhớ tới một con người cao lớn nhưng hết sức nhỏ nhẹ từng có khoảng thời gian dài công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ.

Nhà thơ Ngân Vịnh: Thơ khởi phát từ cái tâm

Anh vào chiến trường rất sớm cuối năm 1963 khi cuộc kháng chống Mỹ, cứu nước bắt đầu ở giại đoạn gay go, ác liệt. Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ với các tên tuổi Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Ngân Vịnh… đã có  nhiều sáng tác thơ văn nức tiếng. Nơi chiến trường khu V, các văn nghệ sĩ trong chiến tranh đều dành nhiếu thời gian trực tiếp đến với bộ đội, vừa cầm súng vừa cầm bút, đã có không ít văn nghệ sĩ trở thành liệt sĩ giữa chiến trường.

Không hiểu tại sao bom đạn luôn tránh xa Ngân Vịnh, đến hôm nay ở tuổi 83 mà Ngân Vịnh rất trẻ trung nhanh nhẹn và luôn hài hước bảo “cứ vô tư mà sống, vô tư mà viết. Văn chương là của giời, cho ai thì người đó được hưởng. Có cố cũng không thành tài được nên cứ vô tư thơ phú nó tự tìm đến với mình”.

Ngân Vịnh tên thật là Phùng Ngân Vịnh ông sinh ngày 14 tháng 2 Năm 1942 tại xã Thạch Đà huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc thành phố Hà Nội) không hiểu tại sao Ngân Vịnh lại nghỉ hưu khá sớm. Với quân hàm đại úy năm 1984 khi mới 42 tuổi?

Nhiều lần tôi gạn hỏi ông trả lời hài hước rằng: “Kể ra nhà nước cũng tốn kém với tớ lắm. Một mạch hưởng lương hưu tới nay đã tròn bốn mươi năm mới kinh. Ngày trước ông Nguyễn Chí Trung luôn canh chừng cánh lính tráng văn chương chúng tớ không được vượt rào nhưng nghỉ hưu thì ngài ấy không quản được, thế là tớ nghỉ hưu cho sớm chợ rảnh rang thơ phú bạn bè. Vậy mà khi Nguyễn Chí Trung mất, cánh lính bạn bè mới thấy tiếc thương ông...”

Cũng mãi sau tôi mới biết nhà thơ Ngân Vịnh chính là chú của đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Chuyện Ngân Vịnh xuất thân họ Phùng cũng mãi sau này tôi mới biết khi tìm hiểu lý lịch văn học của ông để ký hợp đồng chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết và trường ca của Bộ Quốc phòng giao cho Văn nghệ quân đội. Tập trường ca của Ngân Vịnh viết về những người lính tình nguyện chiến đấu trên chiến trường Campuchia và giúp nhân dân Campuchia hồi sinh sau họa diệt chủng của Pôn Pốt và Iêng-xa-ri gây xúc động nguời đọc, nhất là những người từng chiến đấu trên đất bạn. Ngân Vịnh cũng từng được giải thưởng Sông Mê Kông cho các các sáng tác về đề tài chiến tranh trên mảnh đất Campuchia và Giải A giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng về Văn học nghệ thuật và Báo chí năm 2015.

Ngân Vịnh trong tự bạch về nghiệp viết đã khẳng định “vào bộ đội, vào chiến trường chẳng ai biết tôi có một hành trang mang theo, đấy là yêu thơ và ham sáng tác từ hồi học ở trường trung học. Sau khi đánh trận Ba Gia, Vạn Tường năm 1967, tôi được Quân khu điều động về Cục chính trị làm phóng viên rồi biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Cuộc đời đi theo con đường văn nghệ từ bấy đến nay đã trên bốn mươi năm, từ người lính cầm súng trở thành người lính cầm bút. Công việc viết văn là công việc tự thân đầy khó nhọc không ai đòi hỏi mình mà mình cứ phải vật vã sống chết với nó. Nó như cái ách tròng vào cổ mình mà mình vẫn thích mang, vẫn đam mê với nó. Phải chăng đó là cái nghiệp, đó là món nợ vay ở đời thuở nào mà mình phải trả. Thơ khởi phát từ cái TÂM và cái TÂM xưa nay không theo trường phái này, trường phái kia, thơ không bao giờ cũ. Có cái TÂM lớn, cái TÂM trong sáng thì chẳng cần theo trường phái này, trường phái kia thơ vẫn cứ là thơ. Làm thơ đó là một hành trình đi kiếm tìm mình, giãi bày lòng mình qua chứng kiến và nhận biết cuộc sống. Có thơ là may mắn trong cuộc đời tôi, nhờ có thơ mà mình thấy được biết bao vẻ đẹp quyến rũ, biến hóa thần tiên của thiên nhiên sự vật và con người cùng đất nước. Tôi thấy tôi hạnh phúc là người được cất cao tiếng nói của dân tộc và đóng góp cho dân tộc một chút ấm nồng của tâm hồn mình ẩn giấu như mùi hương cỏ ấu miền quê”.

Lứa nhà văn nhà thơ thời kỳ chống Mỹ trong đó có Ngân Vịnh không chỉ trong sáng tác mà trong đời sống cũng luôn hết sức nghiêm khắc với chính mình, thậm chí nghiêm khắc với cả người thân, gia đình bạn văn nghệ đồng trang lứa và thế hệ sau cùng không nằm ngoài sự nghiêm khắc đó. Tôi đã từng nhiều lần được nghe nhà thơ Thanh Quế và nhà thơ Ngân Vịnh kể về những tháng ngày trong chiến tranh vô cùng gian khổ ác liệt mà các ông đã trải qua. Đó cũng là những thông điệp để các nhà văn trẻ hôm nay lấy đó để tự răn mình. Ngân Vịnh có biệt tài làm thơ lục bát. Thơ ông vừa giầu hình ảnh vừa luôn có cách thức để tạo những câu thơ lục bát tưởng như dễ dàng, nhưng không hề dễ dàng đâu.

Vào miền Nam anh không về

Chị dâu ở vậy một bề nuôi con

Hết trăng già lại trăng non

Thời gian cứ đến giũa mòn tuổi xuân

Giữa làng quê sống âm thầm

 mình như dậu cúc tần bìm leo

Bấy lâu chị vẫn sống nghèo

Con thơ một nách gieo neo

                            trăm đường

...Đoạn trường  thắm bạc vôi

Nắng mưa năm tháng lần

                            hồi tưởng qua

Mỗi chiều sương trắng ngõ nhà

Chị dâu tôi vẫn trông ra nẻo trời.

                          (Sau chiến tranh)

Viết về hậu chiến, nhất là thân phận người phụ nữ sau chiến tranh luôn là thế mạnh của Ngân Vịnh. Ông có lợi thế là đã từng trải qua chiến tranh với tư cách người trong cuộc. Cái cách Ngân Vịnh gieo những vân lục bát tưởng nhẹ nhàng thanh thoát đấy mà muôn vàn nỗi ưu tư cũng là đấy.

Nửa khuya nhà dột mưa đêm

Một bên con dại, một bên mẹ già

Anh thì ở mãi Trường Sa

Còn ai đâu nữa để mà cậy mong

 

…Mắt soi vào cõi mưa giăng

Dẫu không muốn cũng biết rằng

                                           lẻ loi

Nỗi buồn chẳng dám cất lời

Chỉ e người ở chân trời phong ba

(Mưa đêm)

Ngân Vịnh trong thơ và trong đời sống ông đều nhất quán vói sự trung thực quý hiếm của một người lính chiến. Mỗi câu thơ của Ngân Vịnh đều như chất chứa nỗi lòng của những con người từng trải nhiều mất mát trong chiến tranh. Ngay cả khi đã có hòa bình thì dấu vết của cuộc chiến tranh vẫn còn rất đậm đặc trong thơ Ngân Vịnh.

Viết về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn cũng lại là những vần thơ lục bát mà cái chất Ngân Vịnh vẫn không hề lẫn với ai.

Mê Linh lặng tiếng im hơi

Mẹ ta về đất ta hồi biệt xa

Mưa xanh chồi quýt đầu nhà

Nắng hong rơm rạ bãi xa, đồng gần

Ao bùn đen trắng ngó cần

Để ta khôn dại bước chân núi đồi

Hồn ta trong giậu mùng tơi

Hai đầu guốc võng buộc lời mẹ ru

(Chốn xưa)

Nhà thơ Ngân Vịnh đã xuất bản nhiều tập thơ mà tiêu biểu phải kể đến Tình yêu nhận từ đất (thơ in chung 1977), Bóng rừng trong mưa (thơ 1984), Hoàng hôn mây bay (thơ 1991), Ếch con và hoa sen (thơ thiếu nhi 1996), Ngày thường đam mê (thơ 1996), Phía hoàng hôn yên tĩnh (thơ 2005), Lặng lẽ tường đá ong (thơ 2007), Sương đẫm lá khộp khô (thơ 2014), Những ngọn gió khuya (thơ 2020) cho thấy sự liên tục không ngừng nghỉ của cây bút chiến sĩ qua từng chặng đường, từng tập thơ cống hiến cho bạn đọc. Rất nhiều lần nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói với chúng tôi “Anh Ngân Vịnh là người luôn cần mẫn và miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa, những bài thơ, câu thơ luôn tỏ rõ tinh thần của người chiến sĩ với cảm xúc chín chắn. Ngân Vịnh là một nhà thơ luôn có trách nhiệm với thơ ca, với nhân dân và Tổ quốc chúng ta”. Nhận xét về một người đồng thời cùng từng cơ quan Văn nghệ Quân đội đã cho thấy sự công bằng và trân trọng của nhà thơ Hữu Thỉnh với Ngân Vịnh.

Thời gian gần đây nhà thơ Ngân Vịnh thường xuyên trao đổi với tôi qua điện thoại về thơ ca và những việc khác. Ông cũng thường xuyên dành thời gian trở về quê hương Thạch Đà nơi có phần mộ tổ tiên để dâng hương và tri ân tìm về nguồn cội. Vùng đất Thạch Đà ngày càng tươi xanh sáng đẹp như thành phố Đà Nẵng nơi quê hương thứ hai của Ngân Vịnh, sáng nào đài phát thanh cũng ngân vang Đà Nẵng tình người. Lứa các ông những Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Thanh Quế, nhiều người đã trở về với đất đai nguồn cội. Song vẹn nguyên với những người ở lại, vẫn là những tiếc nhớ thảo thơm mà sâu sắc nhất đã biểu hiện trong toàn bộ đời sống và đời sáng tác của các ông.

(Tạp chí Non Nước số 326)