Nghe “Tiến về Sài Gòn”, nhớ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

24.04.2015

Tiếng nhạc của Lưu Hữu Phước độc đáo và thần kỳ, làm rực sáng tâm hồn yêu quê hương đất nước, hun đúc tâm hồn cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ…
Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, mỗi lần từ Pháp về nước, Đại sứ Mai Văn Bộ thường đến Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) để gặp bạn thân là ông Huỳnh Văn Tiểng - Phó Tổng biên tập - Một trong bộ ba “Xe Pháo Mã” Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước).

Nghe “Tiến về Sài Gòn”, nhớ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Mỗi lần ông Bộ về, ông Tiểng đều tổ chức gặp gỡ với anh chị em biên tập để nghe thời sự và cả văn nghệ. Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng lúc nào cũng nhắc đến Lưu Hữu Phước – một người bạn chí cốt cùng hoạt động cách mạng từ thời tuổi trẻ.

Nhạc sĩ danh tiếng Lưu Hữu Phước có một sự nghiệp âm nhạc vẻ vang với gia tài âm nhạc đồ sộ, độc đáo, đa dạng, có một không hai. Tên tuổi của Lưu Hữu Phước gắn liền với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đêm 21/8/1945 tại Sài Gòn và thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 

Từ những ngày ấy, người con khiêm tốn và hiền hậu của miền Nam trở thành một chiến sĩ kiên cường và lỗi lạc trên mặt trận văn hóa của cả nước, có ảnh hưởng âm nhạc quốc tế trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến tới cách mạng xây dựng Xã hội chủ nghĩa trong hòa bình.

Lịch sử đã ghi chép rằng, những bài hát yêu nước, những giai điệu trầm hùng, lời ca thiết tha của Lưu Hữu Phước đã cổ vũ và động viên nhân dân ta ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương hăng hái tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…

Nhiều nhà văn hóa nghệ thuật cho biết: Tiếng nhạc của Lưu Hữu Phước độc đáo và thần kỳ, làm rực sáng tâm hồn yêu quê hương đất nước, sức truyền cảm mãnh liệt đã hun đúc tâm hồn cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ, cho hôm qua, hôm nay và mai sau. Giai điệu âm nhạc của Lưu Hữu Phước có sức thuyết phục lớn lao và tươi sáng dâng trào như mùa xuân bất tận. Nguồn nhạc yêu dân, yêu nước của Lưu Hữu Phước không bao giờ cạn, ngay trong lúc Lưu Hữu Phước bị giặc bắt giam tù ở Khám Lớn – Sài Gòn, ông vẫn sáng tác bài “Xin giữ lời nguyền”.

Lưu Hữu Phước chăm lo nhiều nhất đến tình cảm tinh thần, đến đời sống âm nhạc cho tầng lớp trẻ thông qua văn hóa nghệ thuật để hướng tuổi trẻ vào tình yêu quê hương xứ sở. Lưu Hữu Phước nói rằng: “Đời sống con người có thể chưa giàu có về tiền bạc, quần áo, nhưng không thể nghèo nàn về tình cảm ấm êm, tư tưởng cao quý. Tài sản tinh thần chân chính làm cho con người vươn lên, cao hơn mãi. Cho nên ta cần phát huy niềm lạc quan vốn có trong tâm hồn của tuổi trẻ để động viên thanh niên vượt qua mọi khó khăn của bản thân, của đất nước để hoàn thành nhiệm vụ, học tập, nghiên cứu khoa học, để đủ tài đức gìn giữ và xây dựng đất nước”.

Lưu Hữu Phước với lòng yêu nước nồng nàn, với lập trường cách mạng kiên định, lại sẵn có năng khiếu âm nhạc tuyệt vời, đã liên tục sáng tác âm nhạc. Từ năm 1936 ông đã viết ca khúc đầu tay: “Non sông gấm vóc”. Những bài ca “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bạch Đằng Giang”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Ải Chi Lăng”, “Tuổi 20”, “Thiếu nhi thế giới liên hoan”, “Tiến về Sài Gòn”, “Giải phóng miền Nam”, “Tình Bác sáng đời ta”… đã vang lên liên tục qua nhiều năm tháng tới hôm nay, đã cuốn hút và nâng cao tâm hồn hàng triệu triệu trái tim con người Việt Nam rung lên vì chính nghĩa, đã khơi dậy một trào lưu ca nhạc cách mạng, thôi thúc, giục giã, không màng danh lợi, không sợ hy sinh.

Những biên tập viên văn nghệ của Đài TNVN đã nhiều lần nghe nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 – 1989) đến trò chuyện. Giọng ông nhỏ nhẹ, mạch lạc mà chân tình. Tôi nhớ mãi lời ông khẳng định rằng: “Tâm hồn thanh thiếu niên như tờ giấy trắng, hễ tiếp thu những điều gì, thì điều đó in đậm suốt đời. Bản thân âm thanh thì vô tình, nhưng sức len lỏi của nó thì vô tận, sức gợi nhớ, gợi thương của nó thật là vô cùng…”. Tôi cũng không ngờ bài hát “Lời ru chim Lạc” (1989) rất đậm đà chất liệu dân ca lại là ca khúc cuối cùng của ông.

Nhân 40 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, ngồi viết những dòng này, bên tai tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng hát “Giải phóng Miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…” và “Tiến về đồng bằng giải phóng thành đô…” của người Giáo sư, Viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (ông còn có các bút danh khác như: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí…). Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã làm rạng rỡ cho nền âm nhạc cách mạngViệt Nam, làm đẹp lòng và là niềm tự hào của bà con quê hương Ô Môn, Cần Thơ./.

Nhạc sĩ Dân Huyền
(vov.vn)