Nhà văn Thái Bá Lợi: Chuyện đi tu và lính chiến
Nhà văn Thái Bá Lợi
Đó là nhà văn Thái Bá Lợi, bạn tôi. Nếu bạn được gặp Thái Bá Lợi mà nghĩ là anh này đi tu thì đó là ý nghĩ không bình thường. Vì trông Lợi không có vẻ gì là người muốn nương nhờ cửa Phật cả. Anh rất hồn nhiên… ăn nhậu, nói toàn những chuyện cười bể bụng, rất tào lao. Vậy mà anh đã từng nhiều năm ở chùa hẳn hoi, một ngôi chùa vắng vẻ khuất nẻo hẳn hoi, và có thể, anh cũng đã tu hẳn hoi ở đó.
Chả có căn nguyên gì rõ rệt, chỉ là do anh mến cảnh chùa, yêu kinh Phật, thế thôi. Và anh viết văn, tôi có cảm giác cũng rất giống một nhà sư tụng kinh: nhẩn nha, bình thản, chậm rãi. Sau này tôi mới phát hiện, thì ra, trước khi đến ở chùa một thời gian dài, Thái Bá Lợi đã từng tu ở một ngôi chùa khác: Ngôi chùa ngôn ngữ. Đó là ngôi chùa dành cho nhà văn, và Thái Bá Lợi vô cùng sùng kính khi tu trong đó. Nhớ một lần cách đây gần hai chục năm, buổi trưa ngồi ăn cơm với Lợi trong quán, đột ngột Lợi hỏi tôi: “Mày có biết chỗ nào rửa tiền không?”. Tôi ngớ ra: “Rửa tiền? Làm sao rửa? Tiền đâu mà rửa?”. Thái Bá Lợi vẫn bình thản: “Có một ông nói với tao là cần tìm một chỗ để rửa tiền. Mày xem ở Quảng Ngãi có chỗ nào không?”. Trời ơi! Phải bây giờ thì tôi có thể chỉ cho anh khối chỗ, nhưng hồi đó, nào tôi có biết “rửa tiền” là gì! Hỏi kỹ ra mới thấu, Lợi cũng chỉ nghe có người nói vu vơ vậy thôi, và anh đem chuyện đó hỏi tôi một cách còn vu vơ hơn.
Thái Bá Lợi là thế, hồn nhiên một cách khó lường như vậy. Nên cả chuyện anh vào chùa, ban đầu tôi rất sốc, nhưng sau nhớ lại tính cách anh, thì thấy chuyện ấy cũng bình thường. Nhưng khi tu ở “ngôi chùa ngôn ngữ” thì Lợi đắc đạo: Văn anh rất hay. Đó là thứ văn xuôi lừng khừng, tưng tưng, bình thản cả những khi không thể giữ bình tĩnh, và trau chuốt một cách tự nhiên. Văn Lợi viết rất kỹ, ngược với tính anh cực kỳ tào lao. Thì ở đời vẫn có những trường hợp tréo ngoe như vậy. Những tiểu thuyết ngắn viết về chiến tranh của anh như “Hai người trở lại trung đoàn”, “Bán đảo”, hay “Trùng tu”… theo tôi là đứng vào hàng hay nhất của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, nhất là dòng tiểu thuyết viết về chiến tranh.
Nhưng “số” của Thái Bá Lợi không được “nổi tiếng” hay do anh cũng chẳng màng đến chuyện nổi tiếng, nên tác phẩm của anh vẫn còn ít người đọc. Nhưng những ai đã đọc, đã mê văn anh thì khó dứt ra được. Tôi có hai người bạn rất mê văn Thái Bá Lợi, đó là nhà thơ Ngô Thế Oanh và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hai ông này thì thực sự ngưỡng mộ văn Thái Bá Lợi. Họ đều là hai nhà thơ nổi tiếng của thế hệ thơ thời chống Mỹ. Có thể kể thêm tôi, vì tôi cũng rất mê văn Thái Bá Lợi, mê nhất là giọng văn tưng tửng, bình thản đến sốt cả ruột của anh. Đi tu ở “chùa ngôn ngữ” như Lợi cũng đáng đồng tiền (sạch) bát gạo (chay) lắm chứ!
Dạo cuối năm 2017, để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Mậu Thân 1968, tôi rủ Thái Bá Lợi và nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long hành hương về Huế, tham gia một hành trình do tôi tạm đặt tên, là “Ngược đường ký ức Mậu Thân”. Huế là chiến trường ác liệt năm Mậu Thân mà Thái Bá Lợi đã tham gia như một người lính chiến. Ngày ấy, Lợi còn rất trẻ, khi vào Huế cũng chẳng biết Huế mô tê răng rứa gì, cứ điều là đi, bảo đào công sự là đào, hô đánh Mỹ là đánh, thế thôi. Thì người lính nào trên thế giới này chẳng vậy. Hồi đó, đơn vị Thái Bá Lợi chỉ đụng độ với lính Mỹ ở Huế, những người lính Mỹ cũng chưa chắc biết Huế như thế nào.
Nhưng là lính, sai đâu đánh đó. Sau này, khi Thái Bá Lợi tiếp xúc với nhiểu cựu binh Mỹ, trong đó có những người đã là những nhà văn nhà thơ nổi tiếng, hai bên mới thú nhận là hồi đó cũng chẳng biết gì về nhau, và chỉ giống nhau là còn rất trẻ. Sau này, Thái Bá Lợi có nhiều dịp sang thăm Mỹ, do con anh làm việc ở Mỹ, và tiếp xúc với nhiều tầng lớp người Mỹ, trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ. Tất cả họ, nhất là những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, đều bày tỏ một tình yêu thương kỳ lạ với đất nước chúng ta. Vậy mà họ đã từng là kẻ thù của chúng ta. Bản thân tôi cũng cảm nhận rõ điều này khi gặp gỡ các cựu binh Mỹ. Điều đó khiến tôi yêu đất nước mình hơn, yêu nhân dân mình hơn. Phải là đất nước như thế nào, nhân dân như thế nào thì những cựu binh Mỹ mới yêu thấm thía như thế chứ!
Năm 2018, khi thượng nghị sĩ John McCain qua đời, tôi đã viết một bài thơ khóc ông, một người bị tù 5 năm rưỡi ở Hà Nội nhưng lại rất yêu Việt Nam. Bài thơ được in ngay trên tạp chí Văn Hiến, và đã được gửi tặng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, như một vòng hoa nhỏ kính viếng một người cựu binh, cựu thù Mỹ yêu Việt Nam và đã làm tất cả để Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau.
Trở lại với nhà văn Thái Bá Lợi. Khi mấy anh em chúng tôi “Ngược đường ký ức Mậu Thân Huế”, mà thực ra, là ký ức của Thái Bá Lợi, chứ không phải của tôi hay Dương Minh Long, tôi thấy Lợi đi với tâm thế một người tu hành chứ không phải một cựu binh về thăm lại chiến trường xưa. Anh nhớ những điều cốt lõi, và quên nhiều chi tiết như đường sá hay nơi mình từng sống trong hầm hào. Cái ấy rất tự nhiên, những ai đã ở chiến trường đều thấu cảm điều này.
Và mới đây, trong Hội thảo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc tổ chức tại Nhà khách Bộ Quốc phòng Hà Nội, Thái Bá Lợi đã đọc một tham luận rất ấn tượng về Đại tướng, có đoạn: “Tôi biết đạo diễn Đào Trọng Khánh đàm đạo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chữ nhẫn thường tình mà người đời đang quan niệm. Nhưng tôi nghĩ với tướng Giáp chữ nhẫn của ông có một ý nghĩa khác, có thể gọi là kham nhẫn.
Trong Kinh Di Giáo (Lời giáo huấn cuối cùng) Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Kham nhẫn là đức hạnh mà giữ giới luật cùng với khổ hạnh cũng không sánh được. Người thực hành kham nhẫn mới xứng đáng là bậc đại nhân có sức mạnh. Người nào chưa tiếp nhận sự nhục nhã một cách hoan hỉ như uống nước cam lồ thì chưa phải là người có trí tuệ vào đạo…”. Sự nhẫn của Võ Nguyên Giáp gần gũi với khái niệm này”.
Đủ biết, là lính chiến, là nhà văn nổi tiếng mà từng đi tu như Thái Bá Lợi, quả thật lợi hại.
Thái Bá Lợi là thế, hồn nhiên một cách khó lường như vậy. Nên cả chuyện anh vào chùa, ban đầu tôi rất sốc, nhưng sau nhớ lại tính cách anh, thì thấy chuyện ấy cũng bình thường.
V.T.T