Cảm nhận truyện "Thằng Thu đảo Nhím"
Tôi tìm đọc truyện “Thằng Thu đảo Nhím” của tác giả Quân Thiên Kim - Trần Hoàng Vy bắt đầu từ cái tựa. Là người con sinh ra và trưởng thành ở Tây Ninh trên 30 năm mà chưa khi nào được đặt chân đến vùng đất ấy. Đảo Nhím có xa không? Không xa- nhưng thật là cách trở. “Đảo nhỏ nằm cách thị trấn không xa mà như tận cùng sông biển nào”.
Từ sự tò mò về một địa danh nghe rất quen thuộc nhưng cũng xa xôi ấy, tôi như bị cuốn hút không rời khỏi mạch truyện. Với độ dài 46 trang của một truyện vừa, Trần Hoàng Vy đã khắc họa về một hòn đảo nhỏ nơi thiếu thốn những phương tiện thiết yếu của cuộc sống thường nhật nhưng thiên nhiên và con người nơi ấy hiện lên thật đẹp.
Đảo Nhím trong phác họa đầu tiên là hiện ra trong giấc mơ của cậu bé Thu, một cư dân tí hon trên đảo, “tím thẫm trong buổi chiều nhạt nắng”. Đó là khi cậu bé sắp phải xa hòn đảo yêu thương gắn với một thời thơ ấu để thực hiện ước mơ cao đẹp của mình. Hòn đảo ấy “Thực ra, nó chỉ là cù lao nhỏ, chông chênh tiếp giáp với sông Sài. Từ khi nhà nước cho ngăn sông, đắp đập, xây dựng lòng hồ để lấy nước thủy lợi thì cái cù lao ấy nghiễm nhiên trở thành hòn đảo với một bên là núi Chú và ba bề là mặt nước mênh mông.” Cũng hòn đảo ấy vào những ngày mưa trông thật buồn và lầy lội “như con thuyền đơn độc giữa ba bề là nước. Phía sau, chỗ dựa là chân núi Chú. Nước từ trên núi đổ xuống ngầu đục. Cái đảo Nhím trông chẳng khác một chú nhím con tội nghiệp, loi ngoi, lóp ngóp trên dòng nước dữ”.
Thằng Thu, nhân vật chính của truyện, là cậu bé “mười tuổi” và “là con rái cá của xã đảo”, “mình mẩy nó săn chắc, đen bóng”, “cặp mắt tròn to, linh lợi nhưng nụ cười lúc nào cũng… bẽn lẽn như con gái”. Đối lập với tính hay thẹn như con gái thì trong điều kiện sống khắc nghiệt và hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba ốm đau, em bệnh tật, từ “hè năm lớp bốn mọi công việc đồng áng, từ cày, bừa… nó đều đảm nhận.”
Tuổi lên mười khi mà những em nhỏ cùng trang lứa còn sống trong sự nâng niu bảo bọc của ba mẹ thì Thu đã biết quan sát và có được những kinh nghiệm quý để có thể sinh tồn như sau cơn mưa mây (mưa nấm mối) –thằng Thu xách bao đi một lát là có thể đem về nửa bao nấm mối do em nắm quy luật “năm trước đã mọc ở đâu thì năm sau đến đó chắc chắn sẽ có nấm mối” hay khi đi soi ếch Thu chỉ bạn cách phân biệt “hang ếch” và “hang rắn” hoặc dùng dây mây dắt bạn vào bờ an toàn khi vượt sông.
Bé mười tuổi nhưng đã ý thức cao bảo vệ môi trường sống. Khi đi soi ếch cùng các bạn trong xóm, em đã biết dặn: “tụi mày lựa bắt sống mấy con trọng trọng thôi nhen, chừa lại các con nhỏ” hay ngăn chặn bạn bắt chim non vì “bắt chim non là… phá hoại môi trường”. Những bài học về bảo vệ môi trường cứ thế được tác giả khéo léo nhẹ nhàng len vào ngữ cảnh trong truyện như đi soi ếch, hái trâm rừng thật tự nhiên mà vô cùng hiệu quả vì cứ như các em bảo ban nhau không phải hô hào lên lớp, giáo điều những bài học đó sẽ ngấm dần và sẽ theo các em vào cuộc sống.
Tình cảm của cậu bé Thu dành cho hòn đảo khiến người đọc xúc động đó là ước ao đứng trên đỉnh núi Chú hay trên mặt trăng để được nhìn ngắm cái đảo Nhím nhỏ bé này, “thèm ánh xiết bao cái ánh sáng đèn điện” khi nhìn về thị xã đêm “lộng lẫy và kiêu sa” những ánh đèn xanh đỏ.
Truyện khép lại là khi tám thành viên của lớp 5A của Thu sắp tạm chia tay nhau, chia tay đảo Nhím yêu thương nơi gắn với kỷ niệm của một thời thơ ấu cùng nhau hái chòi mòi, hái trâm, bắt tôm, câu cá. Có cuộc chia tay nào không bịn rịn nhưng dù nhỏ các em đã ý thức xa nhau, xa đảo quê hương để “cất cao đôi cánh non nớt, bay cao và bay xa”.
Là một nhà thơ nên khi viết truyện, truyện của Trần Hoàng Vy giàu chất thơ, từ cảnh đảo Nhím một buổi chiều tím, một chiều mưa, hay giữa mịt mùng đêm tối khi mà Thu kiểng chân cao nhìn về thị xã với ánh đèn xanh, đỏ. Hay sau buổi lễ tổng kết thằng Thu nhìn sân trường “cây phượng trổ đầy hoa rực đỏ sân trường, quanh gốc phượng cũng đỏ ửng những xác hoa”, “ánh nắng của xã đảo đẹp lung linh kỳ ảo”. Tác giả cũng thật tài tình khắc họa tính cách Thu, một cậu bé có bề ngoài mạnh mẽ để có thể sống ở điều kiện sống khắc nghiệt nhưng cũng là cậu bé hết sức tình cảm, tình cảm dành cho gia đình: ba, mẹ, em, tình cảm dành cho mái trường cô giáo, cho bạn bè lối xóm xung quanh… và tình cảm dành cho xã đảo. Bằng sự tinh tế, tác giả đưa vào câu chuyện những kinh nghiệm quý làm vốn sống cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn, lồng ghép những bài học về bảo vệ môi sinh.
Từ khi truyện hoàn thành đến nay đã trên mười ba năm. Mười ba năm ấy chưa phải là dài nhưng ở đảo Nhím đã có quá nhiều sự đổi thay. Các ngôi nhà trên đảo đã được di dời đến nơi khác theo chính sách của tỉnh… Những thằng Thu, con Đẹp, Út Nị… năm nào chắc đã là cư dân của một nơi nào đó. Và dù không trở lại đảo thực hiện ước mơ biến đảo Nhím thành “hòn đảo thần tiên” thì các em cũng sẽ có những hoài niệm đẹp về một thời ấu thơ mà không phải ai cũng có thể có được dù còn lắm những nhọc nhằn, bề bộn mưu sinh. Tin rằng dù ở đâu các em cũng vẫn là chính mình, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên xã đảo, vẫn sống chan hòa và biết vươn lên.
Trương Quốc Toàn
(vanhocquenha.vn)