Nguyễn Văn Tám - Người gửi hồn mình vào thơ, nhạc
Ấn tượng với tôi ngay trong lần gặp đầu tiên khi ông bước xuống từ chiếc xe đạp thể thao với bộ quần áo "bụi bụi" như tăng thêm phần lãng tử. Từ xa, tôi cứ ngỡ mình nhầm bởi vóc dáng của một thanh niên cường tráng, nhưng lại gần mới biết là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám, người nghệ sĩ đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy".
Ông sinh năm 1944 quê ở Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải và được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Đầu năm 1971, ông xung phong vào chiến trường Khu 5, công tác tại Ban Giao thông Khu 5. Mặc dù không được đào tạo bài bản ở trường lớp âm nhạc, hội họa nào, nhưng nhờ có năng khiếu cộng với sức lao động sáng tạo, bền bỉ và tình yêu âm nhạc, thơ ca vô bờ bến mà ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt.
Nguyễn Văn Tám hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ở lĩnh vực nào ông cũng tạo được nhiều ấn tượng. Ngoài âm nhạc, ông còn đam mê sáng tác thơ ca và hội họa. Ở vị trí của người nhạc sĩ, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc hay. Theo ông, âm nhạc đến với ông như là duyên nợ. Nhạc sĩ kể: “Năm 1956 khi mới là học lớp ba, tôi được may mắn được thầy Phạm Tuyên dạy nhạc ở Khu học xá Trung ương (còn gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc). Lứa tôi học đông lắm nhưng đứa nào cũng học rồi nhanh quên, còn tôi thì tôi mê nhạc nên hay chép nhạc trong sổ tay. Mỗi ngày một chút tích cóp dần dần tôi thuộc rất nhiều ca khúc, ngoài ra chịu khó nghe các ca sĩ hát trên sóng Đài phát thanh rồi chép nhạc trên Đài vào mỗi buổi trưa... Những chỗ nào không hiểu đi hỏi người biết nhạc. Những năm học Đại học Giao thông, tôi hay lẩn quẩn ở Đoàn Ca múa Tây Nguyên, Đoàn Văn công Trung ương khu Mai Dịch và quen nhiều nhạc sĩ, ca sĩ để học hỏi thêm. Sau này, tuy không được đào tạo trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp nhưng với niềm đam mê của mình tôi đã tự tìm tòi, học hỏi để trải nghiệm mình trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc”.
Những năm 1971, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", anh cán bộ kỹ thuật Cầu đường Nguyễn Văn Tám viết nhạc phẩm đầu tay “Đi dọc Trường Sơn” lấy cảm hứng từ tác phẩm "Bài ca Trường Sơn (thơ Gia Dũng, nhạc Trần Chung). Ông chia sẻ: “Lúc tập trung chuẩn bị lên đường, với khí thế hừng hực lúc đó, mình tự nhiên hình dung Trường Sơn qua thơ Gia Dũng, nhạc Trần Chung, Phạm Tuyên, ký họa chiến trường của họa sĩ Tấn Long Châu, Lê Lam, tự nhiên những nốt nhạc nhảy múa trong đầu và đã viết ca khúc đầu tiên này”. Chiến trường khốc liệt với hành trang bao nhiêu thứ mang theo từ lương thực đến đạn dược nhưng Nguyễn Văn Tám luôn mang theo cây đàn trên ba lô đi hơn ba tháng dọc Trường Sơn. Với ông những ngày ở Trường Sơn là trải nghiệm vô cùng quý giá với cuộc đời ông. Ông muốn thu Trường Sơn vào ca khúc, thơ, ký họa rồi cả những ghi chép. Đến nay nhạc sĩ đã có rất nhiều ca khúc về Trường sơn được phát thanh, in tập ca khúc, dàn dựng trong các hội diễn.
Ông làm thơ, sáng tác nhạc tự nhiên như việc ăn hay thở, dường như cảm xúc đến đâu ông viết ra đến đó như mạch nguồn tuôn chảy cùng sự phát triển thăng, trầm của lịch sử, của đất nước và của mảnh đất nơi ông sinh ra, mảnh đất nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông. Nguyễn Văn Tám tâm sự: “Tuy không được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Đà Nẵng, nhưng 45 năm sống ở đây, văn hóa, con người và cảnh sắc thiên nhiên trữ tình của vùng đất này đã lôi cuốn rồi trở thành một phần trong cuộc sống của tôi”. Từ tình yêu của mình với Đà Nẵng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám đã viết nên những giai điệu mang âm hưởng trữ tình về vùng đất có núi, có sông, có rừng, có biển này. Nhiều tác phẩm của ông để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc như: “Đà Nẵng, nơi tôi về”, “Thành phố bên sông Hàn”, “Chiều cửa biển”, “Tiếng Abel đêm trăng”, “Dòng sông tuổi thơ”,... đầy chất trữ tình và lãng mạn. Ông cũng sáng tác nhiều bài hát về những vùng đất ông đi qua, ở lại đôi lần như “Hà Nội nơi ta về”, “Về Quảng Ngãi quê em”... Một số tác phẩm của ông đã được trao giải thưởng về âm nhạc như: Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2011 với ca khúc "Làng Rô mình đây"; Giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Âm nhạc thành phố tổ chức với ca khúc “Đà Nẵng của tôi”. Ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám thường được khai thác, sử dụng một cách triệt để chất liệu âm nhạc dân gian, dân tộc. Ông cho rằng: “Tác phẩm viết ra phải có chủ đích đối tượng, chất liệu âm nhạc của vùng miền. Viết cho đối tượng nào, vùng đất nào thì phải mang bóng dáng âm nhạc vùng quê ấy. Chúng ta phải biết vận dụng sáng tạo những tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền mà cha ông để lại”.
Công chúng còn biết đến ông là một nhà thơ có tâm hồn sâu lắng. Với sự hiểu biết về âm nhạc và hội họa nên thơ của Nguyễn Văn Tám có âm hưởng sống động, lúc nhẹ nhàng, lúc trầm lắng. Thơ ông bộc trực nhưng không ồn ào, có nỗi đau nhưng không bi lụy, mỗi câu thơ đều dồn nén nhiều cảm xúc. Cảm xúc về đất nước, quê hương, về những con người ông từng gặp, về những người lính sau chiến tranh trở về cuộc sống thời bình. Phong cách thơ tự do, không đặt cho mình một cái đích nào cả. Có khi khắc khoải với kỷ niệm cũ của vùng đất nơi ông từng đi qua, có khi lại là kỷ niệm chiến tranh, cũng có khi là cảm xúc khi thăm lại nơi đồng đội ngã xuống. Dường như thơ ông bật lên từ những cảm xúc được chắt lọc qua ký ức, qua đau khổ chia ly, qua niềm hạnh phúc gặp gỡ. Bởi thế mà thơ ông mang nhiều cảm xúc đến cho người đọc. Khi đọc thơ ông, ta như được gặp những người lính sống giữa rừng, hay những cô gái thanh niên xung phong sau chiến tranh trở về với cuộc sống thui thủi vì đã qua thì con gái; là những người lính nhiễm chất độc, mang những vết thương chiến tranh đang đau đớn chống chọi, là cảm xúc buồn vui trước những đổi thay của quê nhà, anh em, bè bạn. Cũng có nhiều bài thơ của ông mang giọng “đùa đùa như thật” để giễu nhại những bất công trong đời. Nguyễn Văn Tám có nhiều bài thơ hay và xúc động như: Chiều Vu Gia, Làng ơi, Làng Lòi, Thơ và tôi, Chuyện trong rừng, Lời ru của ba, Về quê, Hà Nội ngày về, Ký ức dòng sông Đáy... Trong 40 năm một kẻ “chơi thơ” lại có được nhiều giải thưởng về thơ như: Giải thưởng Thơ của thành phố Đà Nẵng 1999 - 2000 cho tập "Trường ca Lửa xanh"; Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho tập thơ "Bài hát của người lớn".
Ngoài thơ và nhạc, người ta còn biết đến Nguyễn Văn Tám với những bức ký họa độc đáo. Những năm tháng ông cùng đồng đội hành quân, băng rừng, vượt suối, vào chiến trường, trên vai ông cũng mang theo giá vẽ. Những bức tranh ký họa của ông gắn liền với hình ảnh của nữ thanh niên xung phong, người lính ở chiến trường, những cảnh chiến tranh ác liệt... đều được ông ghi lại, đó là bằng chứng lịch sử của đất nước. Khi đất nước hòa bình, ông vẽ chân dung những người bạn, vẽ minh họa cho thơ, truyện ngắn, và vẽ cả tranh biếm họa.
Đối với ông, sáng tác âm nhạc, thi ca, hội họa cũng như một số bộ môn nghệ thuật khác mà ông yêu thích, đó là cuộc rong chơi giữa những sắc màu, giữa những con chữ trong trái tim của một người nghệ sĩ luôn khao khát, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Có thể nói, Nguyễn Văn Tám, người nghệ sĩ tài hoa luôn gửi tâm tình của mình vào những vần thơ, nốt nhạc.
Đ.T.T