Đâu chỉ là sực nghĩ
(Đọc tập thơ "Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi" của Nguyễn Thị Thanh Lưu)
Một ngày mùa xuân, tôi nhận được tập thơ của Nguyễn Thị Thanh Lưu và gần như bị thu hút ngay lập tức bởi cái tựa thơ vừa như một lời tuyên bố đầy thách thức, vừa như một lời thú nhận buồn rầu: Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi.
Tập thơ được in trang nhã, khá dày dặn với 74 bài thơ, chia thành hai phần: Bụi đường day dứt và Tập đánh vần mình. Tên của hai phần (và cả tập) đều là tên của những bài thơ. Có lẽ với nhiều người, đây là chi tiết không mấy gây chú ý. Riêng tôi, tôi thường ấn tượng với những tác giả không cần thêm một cái đề tựa nào nữa để giới thiệu mình, tóm tắt mình. Mỗi tiêu đề của một bài thơ, mỗi câu thơ đều có thể trở thành chủ đề của cả tập, đều đại diện được cho tác giả, dẫu chỉ là một hay vài lát cắt. Bởi xét cho cùng, cũng đâu thể đòi hỏi gì hơn, khi mà người làm thơ, vốn là một thế giới đầy mâu thuẫn và cũng lắm băn khoăn.
Ở phần một - Bụi đường day dứt - bài thơ chủ đề dẫn dụ người đọc bước vào thế giới của Anh và Em, thế giới của những bài tình bằng những câu hỏi còn bỏ ngỏ lời giải đáp:
“Lá đã rụng
mây trôi đồi nắng mỏi
Ta đã từng thương nhớ gì nhau?
...
Chỉ có cái nắm tay buốt xót
chân trời
Tình yêu là ý niệm
Hay là trò chơi?”
Tình yêu trong thơ Lưu không phải là tình yêu ở cung bậc bỡ ngỡ, xao xuyến thuở ban đầu. Đó là tình yêu của những người từng trải, từng va vấp đắng cay hoặc chớm bước vào va vấp, đắng cay. Ở đó, ta bắt gặp một chân dung Em với “đôi con mắt đa đoan/nuốt trăm nghìn ủ dột”, “đôi bàn tay héo mòn/những đường gân nhức nhớ/ những ngón tay hầu như tức thở/ búp móng u buồn bén nhợt xanh xao” (Hẹn người cuối gió).
Người con gái ấy, ngay trong những giây phút yêu đương say đắm nhất, vẫn không ít lần giật mình thảng thốt:
“Giữa lúc đắm say em thót mình:
điềm gở
Sao anh để radio tắt nghỉ
giữa chừng?”
(Bụi đường day dứt)
Vừa muốn hết mình cho tình yêu không cần hồi đáp nhưng lại vừa lo sợ không đủ thản nhiên mà im lặng:
“em im lặng yêu anh
như mây
nhưng chẳng đủ vô tình
để trôi rồi tan biến
nên khát vỡ giọng một lần
như chim”
(Tự hỏi)
Những day dứt thường trực ấy hiện hữu, có lẽ vì tình yêu mong manh, hoặc vì Em mong manh và cũng có thể là cả hai. Nên lúc thì Em “chờ đến khi nắng tắt để yêu anh” (Nếu), lúc lại “phong kín mùa thu bằng một câu: vĩnh biệt” (Mùa rỗng tuênh)...
Đọc thơ tình của Lưu, khó có thể hình dung đấy là những bài thơ được viết bởi một người phụ nữ đang có cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Có rất nhiều day dứt trì níu các con chữ. Nhiều câu hỏi cho mình và cho người. Những đoạn độc thoại nội tâm trong tập thơ cuồn cuộn, da diết, khắc khoải. Thể thơ tự do được sử dụng trong hầu hết các bài thơ cho phép tác giả co giãn hết mức có thể các câu thơ, tạo nên một nhịp điệu riêng, dựa theo mạch cảm xúc đang dâng trào bên trong mình.
Ngôn ngữ trong thơ Lưu đôi chỗ khá cầu kì nhưng vẫn đẹp, sáng và nhiều sức gợi. Lưu dùng nhiều tính từ, nên sắc thái tình cảm trong thơ khá mạnh. Mọi cảm xúc dường như đều được đẩy lên đến tận cùng. Thế nên mới có những: “cái nắm tay buốt xót chân trời”, “lá cây xanh im nhức nhối”, “hoàng hôn quẫn trí gieo mình”, “nắng rớt trên vai bải hoải nỗi buồn”, “mùa thu gánh trĩu hoàng hôn”, “mặt trời hoang tàn những tia nắng úa”, “ly rượu cô đơn ngột ngạt hương tình”, “sương trĩu trên mi nằng nặng giọt sầu”, “đám mây u sầu vô nghĩa”. Và tình yêu được cảm bằng nhiều giác quan nên lúc thì có “mùi ái ân se sắt”, lúc thì “khét mùi kỉ niệm”, lúc lại có vị “chát buồn”...
Trong thơ Lưu, thiên nhiên được đo bằng con người và thế giới được nhìn ngắm qua lăng kính của tâm trạng. Độc giả có thể bắt gặp những liên tưởng rất thú vị: “chân trời buồn như mắt người say”, “kí ức cụt đầu đi như người say rượu”, “đêm rồi sâu như một nhát dao đâm”, “mùa thu biến thành hành lang hút gió”, “phố âu sầu như một loài mây”, “mặt trời đỏ đọc như mắt người thiếu phụ”... Chính đặc điểm này làm cho thơ Lưu có phong cách rất riêng, không dễ trộn lẫn và phần nào bộc lộ một tính cách mãnh liệt: đã yêu thì yêu đến kiệt cùng: “em bạo gan nuốt trộng mặt trời”, nhưng khi đã dửng dưng thì “anh chỉ là sực nghĩ của em thôi”.
Ở phần 2 - Tập đánh vần mình - Nhân vật trữ tình lắng nghe, quan sát sự biến chuyển của chính mình giữa cuộc sống đang vận động để qua đó soi rọi lại các giá trị.
Từ những lời tự vấn:
“Tôi đánh mất tôi
Ta đánh mất nhau rồi
Trong những chữ nghĩa ngạt ngào
mùi giả trá
Trong im lặng kiêu căng
Trong im lặng tính toan
Trong im lặng chờ mồi
Ta im”
Đến khao khát trở về bản thể hồn nhiên:
“Mở mắt ra nhìn tôi
Ta nói với nhau câu gì chân thật
Một câu giản đơn thôi
Ví dụ: trời xanh...”
Nếu như ở phần một, những độc giả có quen biết tác giả ngoài đời có thể hoang mang, lẫn lộn giữa Em và Lưu, thì đến đây, có lẽ họ sẽ được yên tâm phần nào. Đa số các bài thơ trong phần 2 sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: Tôi. Vai trò của tác giả do vậy hiện lên rõ nét, trực tiếp phát ngôn cho mình.
Chủ đề của các bài thơ ở phần 2 cũng được mở rộng hơn. Bên cạnh những day dứt về bản thể, còn là nỗi căm phẫn, xót xa trước những bất công, phi lý, dối trá đang tồn tại trong cuộc sống.
Cảm động nhất là những bài thơ tác giả viết cho những em bé nhỏ, là nạn nhân của những vụ xâm hại hoặc đang nguy kịch trên bàn mổ, trong vai mẹ của các em:
“Mẹ tự cào nát thịt da mình
Khi nghe con khóc
Không có nỗi đau nào trên da thịt
này buốt hơn nỗi đau con.
Con gái ơi
Thế giới suy đồi
Mẹ chỉ biết ôm con run rẩy
Nghe con khóc mà lòng như lửa cháy
Nhưng mẹ chỉ một mình
Ngọn lửa lụi tàn thôi”
(Viết cho những người mẹ khóc)
“Mùa đông bắt đầu lê thê
Từ cơn giá buốt kéo dài hơn
9h đồng hồ
Trong phòng mổ
Ngoài kia một cơn bão lại sắp về
Mẹ biết mùa đông này sẽ là
mùa đông dài nhất”
(Everlyn)
Là người sáng tác nhưng cũng là người nghiên cứu, sở học giúp Lưu có thế mạnh trong việc sử dụng ngôn từ và cả sắp xếp bố cục. Hai bài thơ có sức nặng về thông điệp được đặt ở đầu và cuối tập thơ tạo nên sự chặt chẽ về mặt bố cục và ngân vang về mặt cảm xúc.
Bài thơ đầu, như một lời đề từ:
“ Hãy rũ sạch
những bụi đường day dứt
Gió mới thơm như nụ hôn đầu
Kỉ niệm rốt cùng chỉ là hư ảnh
Có đáng gì đâu
Chẳng đáng gì...”
Và bài thơ cuối, như một khúc vĩ thanh:
“Khi tôi viết về đóa hoa
Thực ra tôi nghĩ nhiều hơn về
dòng nhựa
Khi tôi viết về ánh nắng
Thực ra tôi nghĩ nhiều hơn về ngày
mưa giông
Khi tôi viết về nụ cười
Thực ra tôi nghĩ nhiều hơn về
nỗi buồn u tối.
Thế nên
Chớ có cả tin vào những điều
tôi viết
Mỗi chữ rốt cùng là một mặt nạ
bằng lời
Tôi chỉ tóm tắt tôi
Tôi chỉ tóm tắt đời
Bằng những chữ dài dòng khắc
khoải chẳng bao giờ đủ nghĩa.”
(Đừng tin)
Khép tập thơ lại, cảm xúc của người đọc đang từ day dứt chợt nhẹ bỗng đi theo mấy câu nhắn nhủ bâng quơ “đừng tin” của tác giả. Như thể tất cả những gì họ buồn vui theo suốt tập thơ rốt cuộc chỉ là mộng ảo.
Ừ mà xét cho cùng, điều gì ở cõi này chẳng là mộng ảo.
Kể cả buồn và vui.
T.A.T