Đò ơi...!

02.11.2020
Thanh Giang

Đò ơi...!

Thấm thoát đã hơn 20 năm kể từ ngày cây cầu sông Hàn được đưa vào hoạt động nối niềm vui đôi bờ, cuộc sống của người dân và những người chèo đò trên bến An Hải cũng có phần đổi khác. Có người thôi làm nghề đưa khách sang sông mà lên bờ lập nghiệp, an phận cuộc sống. Nhưng không ít người vẫn bám lấy con đò nhỏ ngày ngày mưu sinh như một phần cuộc sống của bản thân không thể tách rời.

Tôi đến Cảng cá Thọ Quang vào buổi bình minh. Giữa những hoạt động tấp nập, huyên náo nơi đây, tôi nghe tim mình như thắt lại, bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu lại ùa về khi bất giác nghe tiếng gọi “Đò ơi...!”, bởi tuổi thơ tôi cũng gắn liền với những chuyến đò chòng chành khi được mẹ đưa sang bên kia sông thăm họ hàng.

Sau mỗi con đò là một câu chuyện dài

Nhìn những chiếc đò nhỏ mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược, ai biết được mỗi nhịp chèo của những người phụ nữ nghèo ấy chất chứa bao nỗi niềm vui buồn đến khó tả. Trong số họ có những người gắn chặt đời mình với nghiệp chèo đò, đến khi tuổi xế chiều họ vẫn không có đến một mái nhà đúng nghĩa để an cư. Có những chị có chồng nhưng cũng như không có, có người đến với nghề vì cuộc sống mưu sinh, nhưng cũng có người “nối nghiệp”... Phận chèo đò như những người phụ nữ ấy tâm sự, chỉ gói gọn trong cụm từ “gian truân”.

Ngót nghét cũng đã hơn 20 năm trôi qua từ khi cầu sông Hàn được thông lưu, cuộc sống của những người chèo đò cũng có phần đổi khác. Có người xuôi thuyền, gác mái lên bờ định cư, lập nghiệp, nhưng không ít những dì, những bà vẫn bám lấy con đò nhỏ mưu sinh như một phần máu thịt không thể tách rời.

Dì Chín - người hàng xóm của họ hàng tôi ở làng cá Nại Hiên Đông ngày trước thường đưa đò cho chúng tôi sang sông hiện nay vẫn ngày ngày xuôi thuyền theo dòng nước tại Cảng cá. Thoạt nhìn dì sau bao nhiêu năm vẫn vậy, chỉ có thời gian qua đi điểm lại những dấu ấn rõ nét trên mái tóc lúc nào cũng búi củ tỏi của dì, làn da dường như thêm phần sạm nám vì cái nắng, cái gió của biển khơi. Được ngồi lên chiếc ghe nhỏ của dì, tôi thả hồn theo những gợn để tìm lại một phần ký ức của tuổi thơ. Giữa tiết trời tháng mười của biển khơi thi thoảng tôi bắt gặp những làn gió heo may, se lạnh nhưng lại thấy ấm lòng vì dì vẫn nhớ và hỏi thăm gia đình tôi.

Theo những “đò viên” tại đây cho biết hiện ở Cảng cá Thọ Quang tập trung khoảng 40 chiếc ghe hành nghề, một số sinh sống tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà và một số ở các vùng ven như Quảng Nam,... đến hoạt động mưu sinh. Công việc buộc họ phải thức từ đêm khuya đến sáng, thậm chí có thể qua trưa. Trò chuyện cùng tôi bà mẹ đơn thân Trần Thị Mỹ trú khu chung cư Vũng Thùng trải lòng “làm nghề chèo đò mấy mươi năm, chưa bao giờ có giấc ngủ yên, chỉ mong kiếm được chút tiền đem về trang trải cuộc sống, lo cho các con đến trường.”

Gắn với nghề chèo đò đã 30 năm. Cô Trần Thị Dâng vẫn không quên được những năm tháng chèo ngược xuôi trên sông Hàn. “Hồi chưa có cầu bắc qua sông, nghề chèo đò cũng tấp nập lắm. Phần lớn người dân Nại Hiên Đông đều làm nghề chèo đò, nhờ đó mà nuôi lớn được con cái thành người. Chừ chuyển sang chèo đò ở Cảng cá có phần khó khăn hơn, nhưng cũng được dăm bảy đồng đủ sống qua ngày” - Cô ngậm ngùi nói. Trong giọng nói rưng rưng của người phụ nữ ấy dường như chất chứa sự mệt mỏi vì phải thức trắng đêm để chèo đò, vận chyển cá và đưa người ra vào bờ mua sắm nhu yếu phẩm cho chuyến đi biển dài ngày.

Với hoàn cảnh của dì Huỳnh Thị Mai vẫn còn nhớ như in những năm tháng vất vả ngược xuôi trên dòng sông Hàn. Đôi mắt với ánh nhìn xa xăm dì kể: “Chồng bị nạn trong cơn bão khi đi đánh bắt xa bờ. Lúc ấy dì mới hạ sinh đứa con út được 10 ngày. Bao năm trời gồng gánh một nách bốn đứa con nhiều lúc khổ lắm nhưng tụi nó đứa nào cũng ngoan và học giỏi, nên dì như được tiếp thêm động lực ngày ngày chèo đò. Hồi xưa còn ở nhà chồ, nắng mưa lo thắc thỏm mà thân gái đơn độc chèo đò lấy đâu ra tiền xây nhà trên bờ”. Hiện nay, con dì 3 đứa đã tốt nghiệp đại học và đã lập gia đình, đứa út hiện đang là học sinh cuối cấp của một trường chuyên có tiếng tại Đà Nẵng. Niềm vui lại càng nhân đôi khi “cách đây 3 năm dì mới xây được mái nhà đúc kiên cố để ở, như thế so ra cũng đỡ khổ hơn bao chị em chèo đò khác.” - Dì Mai tâm sự.

Cũng theo dì Mai “đoàn ghe đò mưu sinh ở đây đa phần là chị em nghèo, nhiều người chồng nhậu say cả ngày, rồi đôi lúc lại còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” khi về nhà sau mỗi cuộc nhậu. Thiệt kể ra có cũng như không” - vừa nói dì vừa thở dài. Tiếng thở dài của dì Mai nghe như tiếng lòng của bao “phận hồng nhan” suốt ngày lầm lũi bên con đò nhỏ mưu sinh mà quên đi thời gian dường như đã làm tàn phai nhan sắc.

Vừa gác mái sau ba chuyến đò chở cá cho chủ tàu, mặt mày nhăn nhó, nhễ nhại mồ hôi, bà Ngô Thị Hoa cho ghe đậu dưới gầm cầu cảng để tránh cái nắng gắt đầu hè. Người chèo ghe có thâm niên “kỳ cựu” nhất tại đây, bắt đầu được mẹ truyền  nghề từ năm 17 tuổi, nhẩm tính bà nói “đến nay cũng ngót hơn 40 năm lăn lội với con nước”. Không chịu nổi cảnh bấp bênh, chồng bà vào Nam làm ăn, nhưng đi mãi gần 10 năm không thấy về và chẳng hồi âm đến một lần. Mặc nhiên bà ngầm hiểu ông hoặc bỏ hoặc đã có việc gì đó xảy ra. Theo bản năng người vợ, bà khăn gói vào Nam kiếm chồng thì mới vỡ lẽ ông đã có gia đình khác và hiện đang sống hạnh phúc. Ngậm ngùi đành ra về tiếp tục bám đò nuôi hai con khôn lớn, có những lúc rơi vào đường cùng nhưng bà cũng cố vượt qua nghịch cảnh. Giờ đây con gái lớn của bà cũng tiếp nối mẹ đang bám trụ cùng chiếc ghe nhỏ mỗi ngày. Họ xem việc chèo đò như một kế sinh nhai gia truyền và cũng là một thói quen sinh hoạt, vận động hàng ngày. Bởi “thiếu nó thấy chịu không được” - chị Liễu con gái bà Hoa cười nói.

Gặp tôi khi đang ngồi nghỉ mệt gần mép bờ bà Phan Thị Vân tâm sự 40 “đò viên” hành nghề ở bến này thì có đến một nửa là phụ nữ đơn thân, nhiều người chồng mất tích do đi biển hoặc phụ bạc bỏ đi, họ phải ngày ngày bươn chải với con đò nhỏ để nuôi con mà không một lời than trách. Tiền đò mỗi chuyến khoảng độ 10 - 20 ngàn đồng, trung bình mỗi ngày kiếm được dao động từ 80 - 100 ngàn đồng. Hôm nào may mắn các tàu được mẹ thiên nhiên ban nhiều cá, các dì, các bà có thu nhâp khoảng 200 ngàn đồng. Tiền đò không đủ, nhiều người tranh thủ lúc rảnh rỗi đi vớt chai nhựa, lon… trôi nổi trên sông để kiếm thêm thu nhập chạy chợ, đắp đổi qua ngày.

Nghĩa tình phận đò

Nghề chèo đò vận hành tương đối vào mùa nắng, nhưng “sợ nhất là đến trời đông, chèo xong ghe cá cho chủ tàu hay đưa người vào bờ mà tay run cầm cập, mặt mày đơ cứng vì gió và mưa thổi xộc vào mặt” - chị Phan Thị Vân (ngụ Quảng Nam) nói. Mùa mưa, biển động, tàu ít ra vào bến, người ra vào bờ cũng vắng nên thu nhập của họ cũng giảm hẳn. Những tháng mùa mưa khó khăn, nhưng những người phụ nữ hành nghề chèo đò nơi đây vẫn “chia sẻ” với nhau như chị em ruột.

Đoàn ghe đò tại đây không chịu sự quản lý hay giám sát của một ai, nhưng họ làm việc khá nguyên tắc và nghiêm túc trong việc phân chia “khu vực” rạch ròi để khỏi mất lòng nhau, người chở cá vụn, nguời chở cá lớn, người chở mực, người chuyên đưa người, người chuyên chở cá cho tàu Đà Nẵng, cũng có người chỉ chở cá cho tàu Quảng Ngãi, Bình Định,…Vì thế, ai cũng có mối lái quen thuộc của mình nên việc ẩu đả, to tiếng, tranh giành khách ở đây xưa nay không hề tồn tại. Những người có hoàn cảnh khó khăn ít thường nhường cho những người có hoàn cảnh đặc biệt hơn chở thêm vài cuốc trong ngày, nhằm kiếm thêm đồng vào đồng ra lo cho gia đình. Thông thường, “sẽ có 3 - 4 chiếc đậu một chỗ để dễ dàng hỗ trợ nhau” - dì Dâng nói. “Những chuyến đò khi ấy là chuyến đò nghĩa tình. Ở đây ai cũng khổ, chị em hiểu nhau, thương nhau còn không hết nữa là...” - dì Chín bồi hồi nói.

Tình cờ được dì Chín giới thiệu, tôi chợt nhận ra chị Ngô Thị Hằng - người phụ nữ được sinh ra trong gia đình có ba đời làm nghề chèo đò. Ngày trước khi tôi cùng mẹ hay đi đò sang sông chị Hằng thường theo phụ mẹ chèo đò, khi ấy chị mới là thiếu nữ xuân xanh, dù làn da bánh mật rám nắng mang đậm nét đặc thù của dân làng chài nhưng chị vẫn rất duyên. Giờ đây, chị đã là mẹ của hai con, bao nhiêu năm sống chung với gia đình chồng. Nhưng gần đây số lượng thành viên trong gia đình một đông, nảy sinh những bất hòa với người nhà nên chị ra khu bến cá che đỡ lán ở tạm, tiện việc đi làm, gởi con về nhà ngoại đi học. “Mấy năm trước Đà Nẵng có bão lớn, sóng đánh ghe tan tác, chị phải vay tiền đóng ghe khác và trả dần đến 2 năm mới xong” - chị Hằng bộc bạch. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng mấy năm nay vợ chồng chị  kiên trì lui tới để xin căn chung cư dành cho người thu nhập thấp, với mong muốn có nơi để “ rúc ra, rúc vào” và có chỗ để con cái tiện học tập. Nhưng đợi mãi đơn của chị vẫn không thấy phản hồi. Vừa nói, chị vừa lau vội dòng nước mắt, quyện cùng mồ hôi lăn dài trên má. Người phụ nữ ấy mới chỉ bước sang tuổi 40, nhưng dáng dấp, gương mặt dường như hằn chi chít những vết chân chim, thâm quầng vì thiếu ngủ, vì cái nghèo cứ mãi bám theo.

Tiếng gọi đò của cặp vợ chồng người Bình Định làm ngắt quãng câu chuyện đầy hoàn cảnh của chị Hằng. Đội vội chiếc nón lá cũ, chị nhanh tay khua mái chèo đưa khách ra thuyền. Nhìn tấm thân gầy guộc của chị đang gồng mình chèo ngút dần về phía biển tôi như thấy da diết, nặng lòng hơn khi vô tình nghe được câu hò “chèo đò khổ lắm ai ơi. Chồng chê, chồng bỏ, một mình cô đơn”.  Tôi bồi hồi suy nghĩ về số phận người phụ nữ làng chài, bất chợt tôi nhớ đến nhân vật người đàn bà trong tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Một câu hỏi lóe lên và âm ỉ mãi trong tôi cho đến hôm nay, khi ngồi chấp bút viết nên bài ký này rằng “không lẽ tất cả số phận của những người phụ nữ làng chài đều phải thế sao...?”

Nắng đã lên đến đỉnh đầu, chợ Cảng cũng dần tàn. Tôi rời Cảng cá Thọ Quang nhưng trong lòng vẫn mang một sự khắc khoải về tiếng gọi “Đò ơi...!” Đằng xa ngoài kia những chiếc đò vẫn ngày ngày chòng chành theo sóng nước, những thân hình nhỏ bé vẫn gồng mình chao nghiêng theo con nước như chính cái số phận của họ vậy. Dù cuộc đời có không tốt với họ, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn cố vuơn lên bằng một nghị lực phi thường, và hơn thế sâu thẳm trong tâm hồn, họ vẫn ánh lên một niềm tin yêu, một niềm vui trong cuộc sống, dù cuộc sống có khó khăn có xô đẩy họ vẫn tin vào một ngày mai. Họ vẫn ở đây, lặng lẽ chèo khua từng con nước như một nét chấm phá đặc trưng, nhưng lặng lẽ cho bức tranh phố biển Đà thành đầy màu sắc và hoa lệ.

T.G