Nguyễn Hữu Hồng Minh: Ngọn núi lửa 'phun thơ'
Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ Vnexpress lúc mới in tập truyện “Ổ Thiên Đường” năm 2011, Nguyễn Hữu Hồng Minh tự bạch rằng “Văn chương chữa bệnh điên cho tôi”. Tuy rằng chữ “điên” ở đây chỉ là một cách nói, nhưng niềm đam mê văn chương của Nguyễn Hữu Hồng Minh, như chính Minh nói: Tôi vì thơ mà nhiều phen bị “hành” cho lên bờ xuống ruộng.
Hải cảng cũ
Tôi thật sự kết giao với Nguyễn Hữu Hồng Minh vào năm 2003 tại Đà Nẵng. Khi đó, tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng làm phóng viên thường trú. Tôi có hỏi nhà báo Minh Tự ở Huế là: “Em vào Đà Nẵng muốn giao lưu với một số bạn viết văn”, anh Tự đã cho tôi số điện thoại của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tới thời điểm đó, tôi chưa đọc bài thơ nào của Hồng Minh.Tôi còn nhớ, khi tôi gọi điện, Minh hẹn với tôi ở một quá cà phê nhà rường rất đẹp và Minh làm tôi sửng sốt bằng việc đưa cho tôi xem một tập bài viết về chính anh đã đăng trên các báo, tạp chí và các trang mạng. Một cách giới thiệu thật là ấn tượng. Tôi cũng biết một số người viết rất thích lập các loại kỷ lục và đi vào sử sách, được thiên hạ thừa nhận, nhưng lần đầu tiên thấy một nhà thơ trẻ giới thiệu về chính mình khá long trọng bằng một tập hợp các bài viết khoảng 300 trang phô tô, tôi cảm thấy khá thú vị.
Nguyễn Hữu Hồng Minh nói: “Ông không nhớ là tôi đã gặp ông trong phòng làm việc của báo Tiền Phong Chủ Nhật, khi tôi ra Hà Nội và ghé thăm thư ký tòa soạn Nguyễn Hoàng Sơn?”. Khi đó, khoảng năm 1997 thì phải. Nguyễn Hữu Hồng Minh từng đoạt giải ba cho thể loại truyện ngắn trong cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh nổi tiếng của báo Tiền Phong, song vào thời điểm đó, tôi chỉ thấy Minh nói chuyện về thơ.
Một trong những bài thơ mà tôi thích nhất của Minh là bài “Ăn hải cảng”, có những câu:
Tôi đã ăn một hải cảng ba tiếng đồng hồ
Hải cảng đó hai mươi năm xa, quay về
Không nghĩ mình có thể ăn nhiều thế!
Ăn những âm thanh nhỏ xíu như tiếng gió
Tiếng những con hà biển hát trên rêu trên sóng
Ðến con hải âu quen hai mươi năm bay không mỏi trong kí ức
Cánh chim hay cánh thời gian
Những chấm phá đời tôi cao vời
Tác giả đưa tôi đến tận cái hải cảng cũ đang gần như không hoạt động ấy ở bán đảo Sơn Trà. Chúng tôi đi giữa trời nắng chang chang, cái cảng lác đác vài bóng người. Ngay cửa hải cảng có mấy cái quán gội đầu của những “cô môi xanh mỏ đỏ” có lẽ kiếm sống nhờ những tay thủy thủ quen sống xa nhà và lênh đênh nay đây mai đó. Họ đến bến cảng này, vui chơi quanh cầu cảng, rồi lại lên tàu ra đi.
Cuộc đời của Nguyễn Hữu Hồng Minh có lẽ cũng phiêu bạt như những người thủy thủ vậy. Cùng lứa, cùng lớp, bạn bè sớm có công việc ổn định, gia đình, sự nghiệp. Còn khi tôi gặp, nhà thơ bảo: “Tôi đang thất nghiệp. Một xu tôi cũng không có. Tiền cà phê ông nhớ trả cho tôi”. Hỏi về dự định sắp tới làm gì, đáp: “Thôi đừng hỏi những câu mà tôi không biết trả lời thế nào”.
Người ta thường hay gọi Nguyễn Hữu Hồng Minh là nhà báo – nhà thơ, thật ra ít ai biết Minh làm việc cho tòa soạn nào. Cứ độ mấy năm, ông bạn này lại in một danh thiếp mới với địa chỉ báo mới. Là một người được đào tạo bài bản từ ngành báo chí, Nguyễn Hữu Hồng Minh có thể làm báo tốt. Có điều… thời gian chẳng được bao lâu!
Sau cái dạo thất nghiệp ở Đà Nẵng ấy, Minh đầu quân cho báo điện tử Evăn, một tờ báo văn chương vừa có duyên, vừa nhiều cái mới. Qua Minh giới thiệu, tôi đã gặp hai biên tập viên của tờ này là nhà phê bình Đinh Bá Anh và dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Tờ báo giới thiệu nhiều tác giả, tác phẩm mới, những tác phẩm khá gai góc mà có lẽ chẳng bao giờ lọt vào tầm ngắm của những tờ báo văn nghệ khác. Công bằng mà nói, Nguyễn Hữu Hồng Minh với tư cách phụ trách phía Nam đã giới thiệu cho công chúng rất nhiều gương mặt thơ trẻ của Sài Gòn, nhưng hầu như Hồng Minh không đăng tác phẩm của mình trên chính tờ báo mình làm. Một thành viên của nhóm thơ nữ “Ngựa trời” là Nguyệt Phạm, mấy năm sau đã trở thành vợ của Nguyễn Hữu Hồng Minh.
Nhà thơ Đông Trình, bố của Nguyễn Hữu Hồng Minh ngạc nhiên thấy tôi, Trần Tiễn Cao Đăng và Đinh Bá Anh đi xe đò từ Hà Nội vào Đà Nẵng dự đám cưới Hồng Minh – Nguyệt Phạm, bác bảo: “Tình bạn văn chương như các cháu thật là hiếm”. Hồng Minh thì nói với tôi: “Cuộc đời tôi xa nhà đi học, lang thang trong đất Sài Gòn, nay đây mai đó, giao lưu cùng với những bọn du thủ du thực. Bây giờ mới biết cảm giác của một gia đình. Đêm tân hôn, tôi không biết nói gì với vợ tôi, tôi mừng quá mà tôi đã khóc”.
Ổ Thiên Đường
Nguyễn Hữu Hồng Minh nổi tiếng về thơ và từng được mời đọc thơ ở Đức, ở Hàn Quốc. Thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng. Gọi là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, có thể gọi là nhà phê bình nữa (có lần nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét với tôi là bài phê bình của Hồng Minh còn chất lượng hơn nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp), nhưng nhà riêng mãi chưa có. Hồng Minh, Nguyệt Phạm thuê nhà ở một khu chung cư tại quận 3. Chúng tôi lên chơi, thấy ngổn ngang sách, tranh, ảnh.
Một hôm, Nguyễn Hữu Hồng Minh tặng tôi tập truyện ngắn vừa in, có tên “Ổ Thiên Đường”. Cái tên sách lạ quá. Minh giải thích: “Tôi mới mua nhà trả góp ông ạ, căn hộ chung cư nhỏ ở Thủ Đức để vợ tôi về quê cho gần. Nhà nhỏ lắm nên mọi sinh hoạt của tôi đều diễn ra ở phòng khách, nên tôi gọi là ổ. Lần đầu tiên trong đời tôi có chỗ ở riêng cho mình, với tôi nó vẫn là thiên đường!”.
Minh nói thêm: “Vì chán cảnh ở nhà thuê mà có lần vợ tôi đập đầu vào tường như đập một trái dừa khô”. Với chúng tôi, Minh là người rất ngang tàng, có thói quen phê phán tất cả, nhưng không muốn ai phê phán mình. Nhưng với cô vợ Nguyệt Phạm, thi sĩ luôn nhận là mình “lép vế”. Thi sĩ Nguyễn Đức Vân, cũng là một nhà thơ, có lần ghé nhà Hồng Minh ăn cơm, sau đó nhận xét: “Minh yêu thơ thế nào thì yêu vợ như thế ấy”.
Trong bài thơ đề tặng Nguyệt Phạm có tên “Con Ngựa Trời”, Nguyễn Hữu Hồng Minh viết:
“Em con ngựa trời xinh đẹp
Ăn anh ngon lành mỗi ngày
Bởi thế bài thơ loang lổ
Như những lá bài bị bùa chú”
Minh chơi rất thân với nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. Một lần Tiến từ Hà Nội bay vào với Minh, chỉ để gặp và nói một câu: “Ông ạ! Đừng bao giờ để gia đình tan vỡ nhé”. Minh hỏi lại: “Ông thì thế nào?”. Tiến bảo: “Chúng tôi tan rồi, nên tôi mới bay vào dặn ông rồi lại ra Hà Nội luôn bây giờ”.
Nhưng xem ra lời dặn tha thiết của bạn lại trở thành một điềm báo.
Những vỉa thơ
Cách đây mấy hôm, Nguyễn Hữu Hồng Minh có tặng tôi tập thơ “Vỉa Từ” mới được xuất bản. Minh rất tâm đắc, một nỗi niềm rất khác những năm xưa.
Trước kia, Nguyễn Hữu Hồng Minh rất tự tin khi nói về thơ mình và vị trí của mình trong làng văn. Đôi khi cao hứng “kiểu nhà thơ”, Minh còn nói: “Sau này, thời gian qua đi, có lẽ chỉ còn lại thơ tôi!”. Có khi bảo: “Đời người phải để lại cho hậu thế một cái gì, không thể là hư danh”. Ấy vậy mà lần mới nhất gặp tôi và nhà văn Trần Đại Nhật để tặng cuốn “Vỉa Từ”, chúng tôi thấy Nguyễn Hữu Hồng Minh đã thâm trầm hơn xưa, Minh bảo: “Có lẽ sự nghiệp thơ của tôi chẳng có gì đáng kể cả. Tôi làm thơ ngần ấy năm, quăng quật sống chết với thơ, nhưng có lẽ chẳng để lại gì. Tôi rất hy vọng vào tập Vỉa Từ này”.
20 năm kể từ khi gặp Nguyễn Hữu Hồng Minh, câu chuyện đa phần đều là thơ. Mà đôi khi nó chỉ quanh quẩn quanh thơ khiến người ta “ngán”. Bẵng đi sáu tháng, thậm chí một năm không gặp, xem sao. Nhưng gặp lại, cà phê chưa đem ra, câu chuyện lại bắt đầu như muôn năm cũ: thơ là gì? Với “Vỉa Từ”, Nguyễn Hữu Hồng Minh muốn xem lại định nghĩa câu thơ, bài thơ. Vì tập này gồm những câu thơ khá suy tư, nhưng rất rời rạc, câu trước không liên quan gì câu sau. Đại khái, câu chuyện thơ của Hồng Minh vẫn là đi kiếm tìm dung mạo của nàng thơ của mình, mỗi lần lại tìm thấy một nét nào đó hấp dẫn và đôi khi cũng đáng sợ.
Nhà thơ Nhật Lệ, công tác ở báo Lao Động nói: “Nguyễn Hữu Hồng Minh có mẹ là người gốc Huế, chỗ bà con với tôi. Minh rất yêu thơ và tập “Vỉa Từ” này là một tập thơ hậu hiện đại. Nghĩa là người ta thích đọc câu nào thì đọc, không cần phải đọc câu nọ liền lạc với câu kia”.
“Vỉa Từ” vẫn là một bút pháp của sự tuôn trào cảm xúc và tuôn trào suy nghĩ tưởng như vô tận của một tình yêu thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Năng lượng thơ trong Nguyễn Hữu Hồng Minh tuôn trào như núi lửa phun nham thạch mà tạo ra những hình thù bất ngờ có khi đẹp đẽ nhưng cũng có khi quái đản.
“Tôi là Tổng thống trong chính phủ thơ ca.
Tôi thường ít bất ngờ với những gì tôi đã viết bởi tôi không tin chính tôi đã viết ra.
Bao giờ với thơ tôi cũng tự phản và nổi loạn.
Tôi tồn tại được bởi chưa bao giờ tôi thiết tha với sự sống. Không rõ khi tôi thiết tha với sự sống cuộc đời còn chật chội như thế nào?” (Vỉa Từ)
11/2017
“Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh như một thỏi vật chất góc cạnh. Ở phía này, góc này ta sẽ thấy nó không giống ở phía khác góc khác. Phức điệu sáng tạo đa chiều, dẫn đến đa nghĩa. Đấy là chỗ đáng được trân trọng và khách quan khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật”. Hoàng Vũ Thuật
Trần Nguyễn Anh
(tienphong.vn)