Đi tìm người đọc lý luận, phê bình văn nghệ
Nâng cao vai trò của báo chí chuyên ngành
Tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (LLPBVHNT) đến với người đọc chủ yếu qua các xuất bản phẩm. Các tạp chí chuyên môn, báo chí về VHNT là những kênh quan trọng để phổ biến các bài nghiên cứu, LLPB. Nhiều năm qua, các cơ quan báo chí thuộc các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp… đảm trách công việc này, là diễn đàn công bố bài viết, trao đổi, phản biện về các vấn đề văn hóa, VHNT.
Nhưng tạp chí của các viện chủ yếu được phát hành trong giới nghề với số lượng không nhiều. Tạp chí của các Hội VHNT tỉnh, thành phố có đăng các bài LLPB cũng tương tự, cơ bản chỉ trong địa bàn, dành cho các hội viên. Cũng gần như thế trong việc phát hành báo, tạp chí của các Hội VHNT trung ương về văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các cục, viện, trường trực thuộc cũng có những tạp chí chuyên môn về văn hóa nghệ thuật, điện ảnh, kịch trường… cũng hầu như chỉ tập trung trong lĩnh vực, trong ngành.
Có thể thấy, khung cửa mở vào kho tri thức chuyên môn, vào đời sống sinh hoạt nghề nghiệp VHNT rất rộng lớn, với đa dạng tác giả, tác phẩm. Có đến gần trăm ấn phẩm hoặc chuyên sâu hoặc có liên quan đến LLPBVHNT. Nhưng thực tế trên vẫn là phổ biến trong thời gian dài.
Ấn phẩm chuyên môn cho người học, người dạy
Việc thiết thực nên làm, chính là cung cấp, trang bị một cách hiệu quả các ấn phẩm LLPBVHNT cho các bạn đọc có nhu cầu. Rộng hơn là gợi mở, khơi lên nhu cầu cho các đối tượng cần và nên được tiếp cận tác phẩm LLPB.
Hiện có nhiều đơn vị đào tạo về VHNT, trong đó có lĩnh vực LLPB, như hệ thống các trường đại học kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu và điện ảnh - gồm có cả nhiếp ảnh, khoa Văn học - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, khoa Viết văn - Báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội, một số khoa, trường đào tạo về văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh khu vực miền trung, miền nam… Các học viện, viện nghiên cứu có chức năng cũng đào tạo các học viên sau đại học làm công tác nghiên cứu VHNT. Lực lượng sinh viên, học viên này chính là đối tượng bạn đọc dồi dào, tiềm năng và có nhu cầu tiếp cận các tác phẩm LLPBVHNT. Rất nên mở rộng các phương thức tiếp cận để người học và cả người dạy có điều kiện đón đọc, thâm nhập nhiều hơn vào hệ thống các ấn phẩm chuyên ngành, vào diễn biến đời sống VHNT trong hiện tại…, giúp sinh viên, học viên, giảng viên có điều kiện phục vụ tốt hơn cho công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu của mình. Rộng hơn, những người theo học sáng tác, biểu diễn cũng là đối tượng tiềm năng để lan tỏa các giá trị hữu ích của LLPBVHNT.
Cần xây dựng, nâng cấp hệ thống thư viện, phòng đọc của các đơn vị đào tạo về VHNT, giúp người đọc trong các khoa, trường tiếp cận, khai thác nhiều hơn, hiệu quả hơn hệ thống công trình, tác phẩm LLPBVHNT. Cùng với đó, củng cố hơn cho các thiết chế này bằng việc cung cấp, trang bị các ấn phẩm báo chí chuyên ngành của các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp; phần nào sẽ giúp người học nắm bắt rộng rãi hơn về đời sống VHNT, trong đó có hoạt động LLPB.
Về các tạp chí VHNT địa phương, thì chúng tôi có cảm nhận rằng, việc đăng tải các tác phẩm nghiên cứu, LLPB còn hạn chế. Đa phần tập trung vào các bài viết điểm sách, giới thiệu tác phẩm, còn các bài viết nghiên cứu, lý luận mang tính chuyên sâu cần cho người làm công tác này ở địa phương và cả người sáng tác thì thiếu vắng. Lý do có thể là hạn chế trong khả năng mời gọi các nhà nghiên cứu uy tín cộng tác; hoặc nhuận bút thấp nên chưa khuyến khích được những cây bút chuyên sâu; hay còn do cách nhìn của đội ngũ lãnh đạo, biên tập - chưa chú trọng việc đăng tải tác phẩm LLPB, còn dành ít “đất” cho các chuyên mục này. Cải thiện tình hình đó, cần thay đổi, điều chỉnh cách nhìn; mở rộng lực lượng cộng tác cũng như đãi ngộ tốt hơn; tăng trang dành cho các tác phẩm LLPB chất lượng tốt.
Đưa sự kiện đến giảng đường
Nhìn từ hoạt động đào tạo, có thể thấy một thực tế là ngoài việc dạy và học của thầy và trò trong không gian giảng đường, thì sự kết nối, tham gia của các đơn vị đó vào đời sống VHNT vẫn còn có những hạn chế từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. Sinh viên, học viên còn ít có điều kiện, thời gian đến với các hội nghị, hội thảo, các sự kiện VHNT, các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp nói chung của giới nghề. Sự kết nối, phối hợp của các viện, các hội với các đơn vị đào tạo còn tập trung chủ yếu vào giảng viên, nhà quản lý, chưa mở rộng nhiều đến sinh viên, học viên.
Từ đây, nên điều chỉnh, mở rộng, làm cho chặt chẽ, thường xuyên hơn mối liên hệ này, bằng việc các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp mở rộng hơn đối tượng tham dự các sự kiện, hoạt động, các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp đến sinh viên, học viên. Đồng thời, phối hợp mở rộng không gian tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt nghề nghiệp đến các khoa, trường đào tạo về VHNT. Kéo người học đến với hoạt động nghề nghiệp đang diễn ra; đưa thực tế đời sống văn nghệ vào gần hơn các giảng đường là việc nên làm tích cực hơn, trên tinh thần hướng về lớp người trẻ - những người làm công tác LLPBVHNT trong tương lai.
Lan tỏa qua không gian mạng
Một cách làm đang được một số cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện thời gian qua là “điện tử hóa” ấn phẩm LLPB, ấn phẩm VHNT. Như Hội đồng LLPBVHNT Trung ương đã ra mắt tạp chí LLPBVHNT điện tử lyluanphebinh.vn. Thời gian qua, website vanvn.vn của Hội nhà văn Việt Nam cũng đăng tải thường xuyên các bài nghiên cứu, phê bình. Một số tạp chí của các hội khác cũng xây dựng ấn bản điện tử. Một số báo, tạp chí chuyên môn cũng dành riêng trên ấn phẩm điện tử những chuyên mục mang tính chất nghiên cứu, phê bình, trao đổi…
Việc phát triển, cải tiến các ấn bản điện tử của các báo chí chuyên ngành, tạp chí VHNT địa phương rất nên được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cần nghiên cứu tăng lượng người theo dõi, thu hút sự chú ý của giới nghề, bạn đọc với các đề tài LLPB bên cạnh các mảng sáng tác, thông tin khác. Việc này rất cần được các nhà điều hành, tổ chức, biên tập các ấn phẩm, diễn đàn trên mạng đó chú trọng. Theo đó, xây dựng các trang mạng xã hội nhằm giới thiệu rộng rãi các tác phẩm LLPB là một cách nên tham khảo, thử nghiệm.
Bên cạnh đó, đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ điều hành các ấn phẩm, diễn đàn điện tử này trong việc tổ chức nội dung, xây dựng các chủ đề, đề tài LLPBVHNT gắn với các vấn đề VHNT, văn hóa, xã hội thời sự nổi bật đang được công chúng quan tâm. Cần những tác phẩm LLPB có chiều sâu chuyên môn, có sự đánh giá đối với những sự việc, vấn đề đang diễn ra, có sự giải thích, gợi mở về chuyên môn trong lĩnh vực VHNT liên quan để bạn đọc tìm hiểu, tham khảo. Như vậy sẽ góp phần đem đến những tương tác đa dạng, đa chiều giữa tòa soạn, trang mạng với công chúng, giữa người viết và người đọc. Mối quan tâm của bạn đọc với các nội dung LLPB sẽ được khơi gợi, thúc đẩy.
Thực hiện các công việc cải tiến, kiến tạo dành cho lĩnh vực LLPBVHNT, rất cần tâm huyết của các nhà lãnh đạo, quản lý các hội nghề, viện nghiên cứu, đơn vị đào tạo nhằm lan tỏa tiếng nói của tác phẩm LLPB đến lượng bạn đọc đông đảo, rộng rãi hơn. Đây là công việc cần xây dựng cơ chế phối hợp, các chế độ đầu tư, đãi ngộ hiệu quả, sự đánh giá, rút kinh nghiệm, sáng tạo trong cách thức tổ chức, truyền thông, vì những điều ích lợi mà có khi không thể thấy rõ, thấy được ngay trong tương lai gần.
(nhandan.vn)