Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Chỉ còn mùa thu ở lại...
Cây đàn mandolin câm lặng trên nóc tủ. Đã lâu rồi, bàn tay trái của ông không co lại được nên tiếng đàn thưa vắng trong ngôi nhà nơi góc đường Thất Sơn, quận 10. Bây giờ, ông bảo đã ăn ngủ được. Ngày lưng chén cơm nhưng thấy ngon miệng, không phải nhai cho kỹ rồi lại muốn nhè ra như trước. Từ 35 kí giờ lên được gần 40 kí, ông mừng, cười sang sảng. Vậy là căn bệnh viêm phổi hiểm nghèo đã qua đi.
Hai năm trước tôi ghé thăm ông cũng vào một chiều mưa thu thế này. Tấm thân gầy co quắp nằm lặng trên đivăng, hổn hển trong căn phòng tịch mịch, yếu ớt ánh sáng. Nghe tiếng tôi chào, đôi mắt nhắm nghiền khẽ mở, reo vui trong hõm mắt sâu hoắm. Cả mấy tháng trời ông nằm như thế, nỗi buồn kéo kén. Vợ ông nói nhỏ vào tai tôi: “Bác trai yếu lắm, nói không nổi đâu. Cháu ngồi chơi chút xíu rồi về”. Tôi lặng lẽ ngồi bên ông, nắm lấy bàn tay nhăn, xương và lạnh ngắt. Định bụng sẽ chẳng dám hỏi han gì, chỉ lặng bên ông một lúc thôi, rồi về. “Cháu mua quà làm gì cho tốn kém, đến chơi với bác là vui rồi…”. Không ngờ ông là người bắt chuyện trước. Y như khi tôi gọi điện hẹn gặp, giọng ông trong điện thoại vẫn từ tốn: “Cháu cứ đến chơi. Nhưng bác đang bệnh nhé, chắc không trò chuyện được nhiều”.
Ngay cả khi sáng tác, đang lúc cao trào nhất mà bạn bè gõ cửa, ông cũng gác lại để tiếp bạn. “Người ta đường xa lặn lội tới thăm mình, mình quý cái tình thì sao nỡ để người ta chờ hay bảo người ta về. Tình cảm đâu phải là thứ dễ có”.
Ngày ấy, bàn tiếp khách la liệt thuốc Tây y, Đông y. Bây giờ, thay thế vào đó là những tập thơ tình. Ông đang tìm bài thơ hay để phổ nhạc như cái cách mà hàng trăm bài hát ra đời và đi vào lòng người bấy lâu. Ông còn yêu đời lắm lắm. Đợt vừa kết thúc vai trò giám khảo Tiếng hát mãi xanh, ông lao vào những trận cầu nảy lửa của World Cup 2014. Đêm, mấy cha con, ông cháu lại quần tụ bên chiếc tivi. Được một quả vào, con cháu hò reo khoái trá, nhảy cẫng sung sướng, còn ông thấy “đã” quá chừng nhưng không có sức mà “quậy” như tụi nó. Cả mùa giải ông không bỏ sót trận nào. Cứ sau mỗi trận, ông lại lọ mọ ghi lại số điểm, tỉ số vào một cuốn sổ riêng. Nếu FIFA biết chuyện này, dám chắc họ cảm động suýt ngất khi biết lão cổ động viên cuồng nhiệt của mình năm nay đã U100, chân đi không vững mà ngồi thức xuyên đêm cổ vũ.
Tình yêu bóng đá của ông được mai mối từ những trận cầu thời mài đũng quần trên ghế nhà trường. Những mùa thu trong veo của Đà Nẵng luôn được cậu bé háo hức đón chờ bởi đó là dịp để lũ bạn gặp lại, cùng rủ ra sân bãi sau trường đá bóng. Giẻ rách bó lại làm bóng. Giày dép, cặp sách, mũ nón chất thành hai đống làm cầu môn. Có tài bắt bóng nên chú bé Điểu luôn được bạn bè ưu tiên ở vị trí thủ môn. Mọi ngữ hiệu của trận đấu đều dùng tiếng Pháp, “choảng” nhau vì lỗi trên sân cũng oang oang tiếng Pháp. Mê đá bóng đến nỗi phố đã lên đèn mà lũ trẻ vẫn mải hò hét. Ôm cặp và mang hình hài lấm lem bụi đất về nhà, cậu đều rón rén lẻn cửa sau. Mấy lần các anh trai bắt được, nện cho một trận nhừ tử cho chừa cái tội ham đá bóng, lười học. Vậy mà, ngày hôm sau, vừa tan học, nghe lũ bạn “hú” một tiếng là ôm cặp chạy vù ra sân bãi.
Những ngày thu thơ bé để lại cho ông những dấu ấn như thế. Ngồi đây nghe mưa ngâu ve vuốt trên mái hiên, mưa tháng bảy âm lịch cho chàng Ngưu Lang gặp nàng Chức Nữ, người nhạc sĩ già bật chiếc cat-set cũ kỹ. Chiếc cat-set ngân nga bài hát Thơ tình cuối mùa thu mà ông phổ nhạc từ bài thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Ông khẽ bảo: “Thu ở miền Nam chỉ có mưa, thu ở miền Bắc mới thực là mùa thu”. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất yêu mùa thu. Bởi với ông, đó là “mùa dịu dàng nhất trong năm”. Ám ảnh ông, vẫn là mùa thu Hà Nội ngập lá bàng đỏ, gió heo may ùa về, se sắt trong từng con phố. Ngày còn ở thủ đô, ngày nào ông cũng tản bộ ra Hồ Gươm để thấy mặt hồ bảng lảng sương sớm, chiều về hồ nên thơ trong sắc lá vàng, cành cây khô, mặt trời ráng đỏ… Tâm hồn nghệ sĩ của ông cần một nơi như thế, để ý nhạc, cung đàn bật ra da diết. “Đó là khoảng thời gian và không gian tôi có thể sáng tác được nhiều bài hát nhất”- nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bộc bạch.
Yêu cái đẹp lãng mạn của mùa thu, ông không thể kìm lòng khi đọc bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của nữ sĩ Xuân Quỳnh. “Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ/ Chỉ còn anh và em/ Tình ta như hàng cây/ Đã yên mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như ngọn gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em (…)/ Cùng tình yêu ở lại”… lời thủ thỉ chân tình của người đang yêu khiến ông quay quắt nhớ đến người con gái của mối tình đầu. Mối tình tình thơ ngây gắn với trời thu bên con sông Hàn xanh ngắt. Ông đôi mươi, nàng mười tám. Nàng tên Mộng Tân. Nhà gần nhau, ngày ngày ghé mắt trông sang mà nụ tình chớm nở với những tơ tình đầu đời. Ông khi đó đang học nghề sửa ôtô. Còn nàng vun vén chuyện nhà. Yêu nhau, chẳng lời hẹn ước. Đêm đêm, hai người lại hẹn nhau ra con sông Hàn, nàng ngồi nhìn con nước tìm về phía biển, chàng ngồi ngây ngây nhìn tóc nàng hòa theo gió. Những câu hỏi đáp chẳng đâu vào đâu bởi nỗi xấu hổ, thẹn thùng. Đôi khi cả hai lặng im, mải miết nhìn con sông lấp lánh dưới sao trời. Một cái nắm tay khẽ, một cái ôm nhẹ đủ khiến cả hai bịn rịn. Thu về, nàng đan tặng ông cái áo len. Ông cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy áo ra ngắm. Cuối thu, trời se lạnh, ông lấy áo ra mặc thì không thấy. Hốt hoảng sực nhớ, anh bạn mình tới chơi ngày nọ trộm mất cái áo tự khi nào. Chiến tranh, tản cư mỗi người một ngả, tình yêu đầu đứt lìa. Sau giải phóng, ông gặp lại người xưa đôi lần khi trên đầu đã hai màu tóc, gia đình riêng đã đề huề. Con cháu bà Tân biết Phan Huỳnh Điểu là người yêu cũ của mẹ, chúng đều quý ông như cha mình.
Một mối tình mà ông bảo như gió thoảng mây trôi, vô cùng ngắn ngủi. Người ta nói tình đầu làm sao quên. Đôi khi đó là mối tình dễ nhạt nhòa nhất trong vạn mối tình say đắm, khổ đau sau này. Chỉ bởi nhìn lại một quá trình, người ta bao giờ cũng nhắc về mốc đầu tiên mà sực nhớ hoặc phải nhớ ra nó, dù nó có là mối tình tồi tệ, vụng về nhất. Với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, mối tình đó vùi vào tàn úa thời gian. Chỉ khi ai đó gợi về mối tình đầu tiên, thì ông mới chợt nhớ. Nỗi nhớ mơ hồ rồi thoáng chốc đậm dần, day dứt khi đọc những vần thơ dịu dàng của Xuân Quỳnh. Vậy là ông phổ nhạc một mạch, sợ nốt nhạc không kịp dòng cảm xúc ào ạt.
Trong số những nhà thơ ông phổ nhạc, người ông tâm đắc nhất là nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bởi thơ bà là sự ào ạt của tình yêu vô bờ bến. Người nhạc sĩ như ông, tình yêu là mạch nguồn để sống. Dù rằng khi nói về những bóng hồng đi qua đời mình, chẳng bao giờ ông nói rõ. Bởi với ông, họ là cơn gió mát, thoảng qua phút chốc để ông sáng tác lên những vần nhạc tình. Mộng Tân và cả những bóng hồng ấy gợi lại cho ông những rung động từ tình yêu thuần khiết không vướng mùi tục lụy. “Yêu họ, tôi hay tưởng tượng ra nhiều điều quanh họ để đưa vào nhạc của mình. Chứ thực tại không hẳn như vậy. Những bài thơ của Xuân Quỳnh như Thuyền và biển, tôi phải tưởng tượng ra cảnh người con gái chờ ngóng như thế nào, khi mất người yêu thì ra sao để mình đưa giai điệu vào cho đúng”.
Vả chăng, nhắc lại những bóng hồng đã qua đời mình tường tận làm gì khi tình yêu ông dành cho người vợ hiện tại - bà Phạm Thị Vân - quá lớn. Tuổi cao sức yếu nhưng đi đâu, hai ông bà cũng “em anh” có nhau. Dạo ông đi chấm thi Tiếng hát mãi xanh, bà luôn có mặt để chăm cho ông cái áo, miếng nước. Hôm tôi đến thăm, ông cứ đứng ngồi không yên vì bà bị ngã, chân phải bó bột nằm bất động trên giường. Sức ông yếu, chân đau bước không vững, người cứ sấp xuống đất nhưng ông vẫn lọ mọ ra vào chăm vợ, hỏi vợ thích ăn cái gì để mua…
Bây giờ, ước nguyện của ông là sống hết mình, sống căng tràn như mảnh vườn xanh ngắt ngoài kia để đủ sức mà chăm vợ, đủ sức mà đi đây đi đó. Nhưng mãi mãi, mong ước trở lại quán vắng liêu xiêu của Hà Nội, trở lại Đà Nẵng thăm dòng Hàn Giang dưới trời thu xanh ngắt để cắm nén hương lên mộ người con gái đầu tiên của đời mình, giờ với ông chỉ còn trong cơn mơ chập chờn hằng đêm, khi mưa phố thị phương Nam kéo về se lạnh.
Tuổi đã bỏ ông đi, riêng mùa thu ở lạiMai Quỳnh Nga
Nguồn: cand.com.vn