Truyện ngắn về chiến tranh của Bảo Ninh
Bên cạnh một Bảo Ninh tiểu thuyết là một Bảo Ninh truyện ngắn. Kí ức chiến tranh với tất cả những gì đau thương, đẹp đẽ còn được Bảo Ninh thể hiện hấp dẫn và sâu sắc nơi những tự sự ngắn này.
Truyện ngắn của Bảo Ninh được dựng từ mô-típ gặp gỡ. Đó là cuộc gặp gỡ bên đường chiến tranh, trước khi anh tân binh vào chiến trường, giữa không gian núi đồi hậu phương trong xanh và lãng mạn (Giang). Là cuộc gặp gỡ bất ngờ của những người lính tăng T54 và thiếu nữ trên đà tiến công vũ bão vào tháng 3/1975 ở một thị trấn thuộc Nha Trang (Ba lẻ một). Là cuộc gặp gỡ giữa rừng mưa thâm u, nơi chiến trường B3 sau tan tành bom đạn để lắng nghe những kỉ niệm đau đớn dai dẳng về tình yêu và phận người (Trại 7 chú lùn). Những cuộc gặp gỡ thường bất ngờ. Có khi thoáng chốc, có khi giằng dứ miên man. Nhiều cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí sặc mùi súng đạn, cận kề chết chóc, giữa rừng hoang đồi cháy heo hút phận người (Ngôi sao vô danh). Những phút giây như thế trôi đi chóng vánh. Nhưng chúng không bao giờ bị lãng quên, bởi niềm hoài nhớ luôn day dứt, bởi kết cục của những phận người trong bom đạn là rất khó đoàn viên, là chia lìa, li biệt. Có những kí ức bi hùng, đau đớn, như một mảnh bom sắc lẻm găm mạnh, cứa cắt, gây ra vết thương nhức nhối. Nhức nhối những phận người bị đẩy vào chiến tranh, bị kẹt giữa hai làn đạn (Gió dại). Nhức nhối một thế hệ đẹp đẽ của hai phía thù nghịch lao vào cuộc tàn sát, bị tước hủy hiện tại, đoạt mất tương lai (Lá thư từ Quý Sửu). Nhức nhối bởi những hi sinh, mất mát và bất ngờ trước sự truyền sinh bí ẩn (Bí ẩn của làn nước, Bằng chứng). Buồn bã, day dứt, giày vò, nuối tiếc, hi vọng là cảm giác mà người đọc nhận được qua các truyện ngắn của Bảo Ninh.
Hà Nội với phố xá vắng vẻ, thanh bình, tiếng tàu điện leng keng hoài niệm (Hà Nội lúc không giờ); miền tây Quảng Bình, chiến trường B3 Tây Nguyên với những cánh rừng hoang phế, lem cháy loang lổ hoặc bị phun đẫm chất độc da cam (Ngôi sao vô danh, Rửa tay gác kiếm); những dòng suối ngầu đục màu máu; bầu trời rách nát, ầm ù máy bay gầm rú hăm dọa; không khí khẳm mùi thịt rữa, tanh tanh mùi máu… là bối cảnh thường xuất hiện lặp đi lặp lại trong các truyện của Bảo Ninh. Ẩn trong không gian chết chóc và tuyệt vọng ấy là thời gian ngậm ngùi của lễ giao quân, là đường hành quân miên man phấp phỏng, là mùa mưa ậm ì trương phềnh thối rữa, là khoảnh khắc “năm cùng tháng tận trời rét căm căm”, khoảnh khắc của “đêm trừ tịch”, lúc “không giờ”, lúc đạn chuyển làn, đêm trước hòa bình, khoảnh khắc trước khi đổ nhào xối máu bất đắc kì tử vì bom đạn. Trong truyện của Bảo Ninh, cảnh sum vầy dường như để chuẩn bị cho xa lìa rình đón. Tất cả nhuốm một màu hoài niệm mụ mị và xót tiếc quá khứ thanh bình đã vuột mất.
Nhân vật chính của Bảo Ninh là lính trận ở cả hai phía, là những thiếu nữ mỏi mòn nhung nhớ ở hậu phương, những cô thanh niên xung phong bị lãng quên trong rừng sâu tút hút, những người mẹ âm thầm ở quê nhà vô vọng gọi con nơi chiến tuyến. Những người ra đi phần lớn còn rất trẻ. Họ tràn trề sức sống, non dại, trong vắt. Một số ít trong họ rất mực tài hoa, quả cảm và quyết liệt. Dường như tất cả những người đẹp nhất, đáng kì vọng nhất của thế hệ này, nghiệt ngã thay, đều thành nạn nhân của chiến tranh (Hà Nội lúc không giờ, Trại 7 chú lùn, Gọi con). Những người may mắn thoát khỏi cuộc chiến chẳng còn cảm nhận được vinh quang, bởi thân thể rã rời, tàn tạ, già nua, tâm hồn bệch bạc. Họ lận đận, khó khăn khi thích ứng, luôn bị kí ức sừng sững ngăn cách, vò nhàu để rồi có nguy cơ mắc kẹt đâu đó trong quá khứ đau nhói tàn tích bom đạn (Rửa tay gác kiếm).
Nhân vật của Bảo Ninh sầu buồn mà không tuyệt vọng, hẳn nhiên là thế, bởi luôn có một tâm hồn thiếu nữ, người yêu, người chị, người vợ, người mẹ lành ngát, trong ngần, vững chãi gìn giữ, lay thức bản lĩnh của họ, vực họ ra khỏi trống rỗng chán chường do bom đạn chiến tranh đào khoét. Đọc Bảo Ninh, sẽ nhận ra thông điệp của nhà văn về chủ nghĩa hòa bình, về đức hiếu sinh, về tình cha nghĩa mẹ cao dày, về nỗ lực khắc khoải, điềm tĩnh vượt lên quá khứ đau thương và hận thù, lần đến hòa giải, hòa hợp. Chủ đề ấy, qua chữ nghĩa tinh tế, văn phong sầu buồn, đưa Bảo Ninh đến với người đọc, giúp họ trân trọng giá trị to lớn của hòa bình trên thế gian này.
Kế thừa truyền thống sử thi lãng mạn vốn nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê, truyện ngắn Giang của Bảo Ninh như bông hoa lạ bên lề cuộc chiến. Mối tình đầu mới chớm, có chăng có thể gọi được như thế, còn mong manh phảng phất trong một truyện ngắn khác - Hà Nội lúc không giờ. Tình cảm mới nhen, đậm màu lãng mạn, chứa chan tình người nồng hậu đã vào sinh ra tử cùng người lính rồi cô đặc thành kí ức không thể nào quên.
Là các truyện ngắn hay nhưng những truyện kể trên chưa phải là những truyện ngắn hay nhất viết về chiến tranh của Bảo Ninh. Vinh dự ấy thuộc về Trại 7 chú lùn và Gió dại. Ở những truyện này, bi kịch chiến tranh song hành với bi kịch tình yêu. Trong Trại 7 chú lùn, Bảo Ninh, có thể từ vô thức, đã tái sinh kiểu nhân vật người lùn trong huyền thoại, kẻ vốn nắm giữ những bí mật của chốn khuê phòng và tiết lộ nó trong những hình thức khác nhau của ngôn từ và biểu tượng. Mộc đã tiết lộ với “tôi” điều gì thông qua câu chuyện của mình? Đó là bí mật về cuộc sống chiến đấu không súng đạn mà vô cùng gian khổ của người lính tăng gia. Đó là bí mật về những cái chết đau đớn không hề có vòng hào quang nào: chết vì cây đè, vì sốt rét, vì cháy rừng. Đó là bí mật về những anh bộ đội khao khát tình yêu, tình dục mà luôn phải kìm nén, ức chế đến thành lầm lì bất thường. Đó là bí mật về tình yêu tay ba và những phức cảm nảy sinh giữa những người đồng chí, đồng đội xoay quanh sự éo le này. Đây rõ là những bí ẩn phức tạp của chiến tranh. Tuy nhiên, Bảo Ninh vừa phơi mở vừa che đậy. Những lời lẽ “khàn khàn” của Mộc trong trận mưa “lật mùa” trùm phủ nhiều ẩn ý. Câu chuyện cơ bản là buồn bã nhưng nguồn mạch của chủ nghĩa anh hùng và lãng mạn cách mạng vẫn ri rỉ chảy. Bảo Ninh tiết lộ một chủ nghĩa anh hùng khác, một chủ nghĩa anh hùng không được đánh bóng cho sáng lên mà như cây gỗ lớn kia, tuy thô mộc nhưng trụ rất vững giữa đại ngàn, rễ bám chắc vào lòng đất, có khả năng che chở cho con người qua cơn giông tố cuộc đời. Mộc là biểu tượng của sức mạnh nội tâm - sức mạnh giúp anh có đủ khả năng chế ngự các xung động bản năng, vượt qua và vượt lên chính mình khi cận kề người con gái xinh tươi, sôi nổi suốt mấy năm trời. Anh là người một đời kiên trì bền bỉ chịu đựng gian khổ, tận tụy hi sinh, một đời thủy chung với lời thề hẹn, một đời nguyện làm thần thổ địa đợi chờ nơi ngã ba Đông Dương heo hút. Liệu Mộc có phải là người lùn trong truyện cổ Grimm “tàn nhẫn, bạc bẽo” hay anh là biểu tượng của người đàn ông can đảm, nặng nghĩa sâu tình, người đã chịu đựng và vượt qua những thử thách ghê gớm nhất của chiến tranh?
Như Trại 7 chú lùn đã trình hiện, kết cục của những con người trong bom đạn là rất khó đoàn viên, là chia lìa, li biệt. Mộc càng kì vọng gặp lại Nga thì nỗi đau khổ mà anh gánh chịu càng thêm dai dẳng. Dường như đối với những người như Mộc, nếu không kể ra được, không được tâm sự với ai, sẽ phải đau đớn làm mồi cho thinh lặng. Trại 7 chú lùn vì thế nhận được sự cảm thông, chia sẻ, cổ vũ của bạn đọc. Nhưng với Gió dại, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Cho đến tận bây giờ, Gió dại vẫn chưa được đọc - hiểu đầy đủ, cho dù đây là truyện ngắn quan trọng viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1986.
Với Gió dại, Bảo Ninh đã trở lại với một đề tài rất xưa trong văn học Việt Nam: người tài hoa gặp thời loạn lạc. Khác với Trại 7 chú lùn, các nhân vật trong Gió dại thuộc về cả hai phe: những người lính phía bên này và những thường dân phía bên kia. Bảo Ninh đã làm sống lại thứ ngôn ngữ thù nghịch một thời ngăn cách những con người vốn là đồng bào máu đỏ da vàng. Xác đôi tình nhân trốn chạy hứng trọn cơn mưa đạn tố cáo sự phi lí cùng cực của chiến tranh. Gió dại phơi bày trần trụi sự hèn nhát, tàn bạo của lòng người và hé mở vẻ đẹp vĩnh cữu và cao cả của tình yêu. Nghịch lí mà Bảo Ninh đã viết trong phần kết truyện ngắn này có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc.
Cụ thân sinh của Bảo Ninh là một giáo sư ngôn ngữ học. Truyền thống gia đình có thể đã ảnh hưởng nhiều đến lối viết của nhà văn. Văn chương của Bảo Ninh đẹp bởi ngôn từ phong phú, được chọn lựa kĩ càng, chính xác. Kí ức chiến tranh với mọi ngóc ngách của nó đều được chữ của Bảo Ninh đánh thức. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận định, Bảo Ninh đã “dồn tối đa sức mạnh vào những mô tả”, “những mô tả toát lên vẻ đẹp thi ca trên cả hai mặt ngôn ngữ và cảm xúc”(1). Quả thực, Bảo Ninh là nhà văn có biệt tài mô tả. Ông tả tỉ mỉ, chính xác đến đau nhói về những vết thương chiến tranh, về trận mạc, chết chóc và những hoang hoải phận người dưới làn đạn chéo. Hiếm có nhà văn Việt Nam đương đại nào có khả năng dựng được không khí chiến tranh, li loạn rõ nét, sinh động và sâu thẳm như ông. Trầm lắng, gần như bị vùi lấp giữa tiếng gầm thét của máy bay, rú rít của xe tăng, tiếng thác đổ, mưa xối, còi hú vang báo động, nồi bánh chưng sôi sục…, giọng của người kể chuyện từng trải, kiệm lời khe khẽ cất lên nhịp chậm và buồn khía vào tâm can.
Truyện ngắn Bảo Ninh cực nhiều âm thanh mà vẫn cực độ âm thầm. Nhiều màu sắc mà lại như tranh mực tàu cổ điển. Nét từng trải sầu buồn trong văn ông sang quý hiếm gặp mà vẫn là nỗi đau thế kỉ trong mỗi người Việt Nam. Từ khi xuất hiện, Bảo Ninh đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Rất nhiều ý kiến khẳng định tài năng và vẻ đẹp văn chương của ông. Đọc văn Bảo Ninh, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Bảo Ninh thuộc số rất ít nhà văn có văn đẹp và văn hay”(2).
(vannghequandoi.com.vn)
--------
1. Xem: Lời giới thiệu, Bảo Ninh tác phẩm chọn lọc, Nxb Phụ nữ, 2011. Bài viết khảo sát các truyện ngắn của Bảo Ninh từ tập sách này.
2. Xem: Bìa 4, Bảo Ninh tác phẩm chọn lọc, sđd.