Ra mắt tập sách Còn lại với thời gian

06.01.2022
Minh Thành
Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại Đà Nẵng vừa tổ chức buổi ra mắt tập sách "Còn lại với thời gian" vào ngày 02/01/2022 tại Công viên Cá Voi. Đây là tập sách được tái bản có bổ sung từ tập Còn lại với thời gian xuất bản vào tháng 7 năm 2000. Tập tái bản này được bổ sung nhiều bài mới, sách dày 448 trang, khổ 14 x 20,5 cm với 31 bài viết của nhiều tác giả, trong đó có các tác giả quen thuộc như Lê Doãn Hợp, Vũ Ngọc Hoàng, Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, Nguyễn Văn Tất, Huỳnh Văn Hoa, Thanh Quế, Trần Trung Sáng, Hồ Sĩ Bình… 

Ra mắt tập sách Còn lại với thời gian

Theo anh Huỳnh Văn Hoa, tập sách đã tập hợp các bài viết của cá tác giả xoay quanh 3 nội dung chính:

“- Một vùng đất – xã Bình Dương - 21 năm (1954-1975), không một ngày yên tĩnh. Đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, của Dương Thị Xuân Quý sẽ thấy, tại vùng đất Bình Dương này, ta gặp quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen nhau, ta gặp những con người đứng lên những triền cát cháy, trên những bãi xương rồng oằn lưng trước gió bão miền Trung, đứng lên, không cam chịu để giành lấy sự sống, để đi tới và để làm người. Những ngày sau 1954, sau thảm sát chợ Được, những ngày sau 1964, 1965, các hàng dương cháy rụi, chỉ còn trơ cát trắng, trần trụi giữa mưa bom, bão đạn, song, vùng đất này vẫn gan lỳ, chịu đựng, không lùi một phân.

- Một gia đình, đó là gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Cận, có 4 người hi sinh, kiên cường trong lửa đạn, cả khi đến người đã mất, không có chỗ đặt bàn thờ, chỉ một bát hương đặt trên tấm đanh. Nhà bị đốt, đốt nhiều lần, không kịp làm lại. Rồi cả miếng cơm không đủ, sống nhờ sự đùm bọc của làng xóm, Quanh những bờ dương bị giặc san bằng/ Đã lại mở những chiến hào gai góc (Dương Hương Ly, Bài thơ về hạnh phúc).

- Một con người, đó là anh Phan Đức Nhạn, gần cả đời người gắn bó với quê hương, tâm tình với quê hương, nặng nợ với quê hương, bao giờ cũng nghĩ về những con đường, những cây cầu, những góc phố của quê hương…”

Các tác giả chụp ảnh lưu niệm tại buổi ra mắt sách

Trong phần mở đầu, nhà văn Thái Bá Lợi nêu: Trong tập sách này, các tác giả đã làm chúng ta hình dung ra những gương mặt, những vùng đất, những sự kiện, trong hoàn cảnh nào cũng toát lên sức mạnh tinh thần, đi tới cùng con đường mà mỗi người đã định hướng cho đời mình không phải chỉ có Phan Đức Nhạn và gia đình anh.

Nhà văn Trần Trung Sáng cho biết: “Đọc lại Nhật ký chiến tranh, qua mấy dòng văn ngắn nói về “cậu bé Nhạn”, mà Chu Cẩm Phong vẫn có thể lột tả rất đầy đủ về tính chất, sở trường và kể cả ước mơ của cậu bé Nhạn thời niên thiếu: Trưa nay mình về nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ. Đây là một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà vẫn nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng, tích cực tham gia công tác kháng chiến. Mình nghe bà con hàng xóm thương tiếc: “Nhà đó mới là cách mạng toàn gia”. Nhà có ba con trai, anh cả đi công tác huyện; người thứ hai đi du kích, hi sinh; cậu út tên là Nhạn, mới 15 tuổi, đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình”.  

Nhà văn Hồ Duy Lệ trong bài viết Vùng Đông yêu thương kể nhiều chi tiết xúc động: “Bấy giờ, chàng trai 15 tuổi mà Chu Cẩm Phong đã nhắc đến trong nhật ký đã là Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển Quảng Nam - người thiết kế chuyến đi với mục đích chính là xin tỉnh cho xây dựng một cây cầu bắc qua sông Trường Giang - một nguyện vọng cháy bỏng của bà con Bình Dương, bà con vùng Đông Thăng Bình. Để rồi, vào ngày 30/9/2001, chiếc cầu ấy bằng xi măng cốt thép đã được hoàn thành như một món quà thiết thực không chỉ riêng Bình Dương, mà cho cả vùng Đông. Và không chỉ có thế, “cậu bé Nhạn” ngày ấy, bằng nhiều hình thức đã không ngừng tham gia đóng góp nhiều phần việc để xây dựng vùng Đông trở thành nông thôn mới, có đầy đủ những yêu cầu cho cuộc sống cả về đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần...”

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất trong bài Trong rừng lớn một chú ong làm mật có tên đã nhận định: “Nếu nói về những đức tính tốt đẹp ở Nhạn, theo tôi, chỉ là một mặt con người này. Điều làm tôi cảm kích, đó là con người kết nối. Thấy Nhạn sống như có cùng một tứ sống thú vị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đại ý, anh Sơn hay nói, mình có nhiều người bạn tốt, thích giới thiệu họ với nhau, tin rằng sẽ có nhiều chuyện tốt cùng nhau. Nhạn quan hệ rộng, nhưng quan trọng nhất là phải có đủ kỹ năng và bản lĩnh để điều hòa các mối quan hệ khi kết nối họ với nhau, nhất là để làm việc cùng nhau”.

Buổi ra mắt ấm áp, chân tình bên bờ biển Mỹ Khê vào ngày đầu năm mới – 2022. Những người đến dự buổi ra mắt hầu hết là những người đã trải qua những ngày gian khổ của chiến tranh, đã nếm trải những mất mát của chiến tranh nên đã thấu cảm những trang viết về anh Phan Đức Nhạn và vùng đất Bình Dương anh hùng.