"Hát mãi Trường Sa ơi!" - Sách chuyên luận về âm nhạc của Phạm Việt Long

17.03.2017

“Hát mãi Trường Sa ơi” là chuyên luận về âm nhạc của Tiến sĩ Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Dân trí xuất bản năm 2016. Sách dày 383 trang, gồm 3 chương và một phụ lục, được tổ chức theo phương pháp quy nạp.

     Chương I: Ca khúc về Trường Sa và chủ quyền Tổ quốc

     Tác giả giới thiệu, phân tích các ca khúc về Trường Sa và chủ quyền của Tổ quốc, như “Trường Sa ơi”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Bay qua biển Đông”, vở nhạc kịch “Lá đỏ”, một số nhạc sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng, để kết thúc bằng bài viết mang tính khái quát hóa: “Dòng nhạc cách mạng luôn luôn cuộn chảy”.

     Qua chương này, tác giả giới thiệu một cách sinh động sự đóng góp của âm nhạc với việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và khẳng định: ‘’Dòng nhạc cách mạng đang tiếp tục cuộn chảy trong cuộc sống, vừa phản ánh, vừa cổ vũ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dòng nhạc cách mạng không bao giờ cạn kiệt, cho dù vật đổi sao dời, bởi dòng nhạc ấy khởi nguồn từ nhân dân, vì nhân dân và sống bằng sinh lực của nhân dân!’’

     Chương II: Đời sống âm nhạc

     Tác giả tiếp tục giới thiệu chân dung một số nhạc sĩ, ca sĩ đang được chú ý trong đời sống âm nhạc đương đại, như Trần Hoàn, Trung Kiên – Thu Hà, Thuận Yến, Đỗ Hồng Quân, Quang Thọ, Phạm Ngọc Khôi, Đức Long, Việt Hoàn, Hiền Anh, Hồng Nhung Sao Mai… Cùng với đó là những bài viết về hoạt động âm nhạc, đặc biệt là ngợi ca những nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tác giả cũng thể hiện sự trăn trở, đề xuất những kiến giải của mình đối với một số vấn đề quan trọng trong đời sống âm nhạc, như vấn đề bảo vệ và phát huy âm nhạc dân tộc, vấn đề bản quyền âm nhạc, vấn đề làm mới các ca khúc đã đi cùng năm tháng, sự hài hòa trong ca khúc Việt Nam… Qua đây, tác giả phác họa chân thực, tương đối sinh động đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại.

     Chương III: Xe duyên thơ – nhạc

     Sau khi giới thiệu, phân tích một số ca khúc phổ thơ, tác giả viết sâu về vấn đề lý thú của âm nhạc là phổ nhạc cho thơ, với lời kết được dẫn từ phát ngôn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Sự kết hợp của nhạc sĩ và thi sĩ luôn khiến tác phẩm trở nên đẹp và đáng nhớ hơn. Vì nhạc sĩ hiếm khi nào trau chuốt được từng câu, từng chữ như thi sĩ đã làm với bài thơ của mình. Và chiều ngược lại, cho dù bài thơ có tính nhạc thế nào, cũng khó bằng được một bài nhạc với những âm giai trầm bổng thật sự. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đem phổ nhạc một bài thơ là chuyện dễ dàng. Chính vì lẽ đó, tôi luôn tranh cãi tới cùng khi có ai không công nhận tài năng của một nhạc sĩ nào đó, bằng quan điểm cho rằng vì thiếu vốn ngôn từ nên các nhạc sĩ mới phải mượn những vần thơ. Nhạc sĩ khi phổ nhạc cho thơ, phải cảm được bài thơ sâu sắc hơn nhiều so với độc giả khi đọc bài thơ ấy. Và nếu họ truyền được cho độc giả cái thứ cảm nhận đó, ấy là họ đã thành công’’.

     Phần Phụ lục: Những bài liên quan

     Tác giả giới thiệu một số bài viết liên quan tới chính tác giả với tư cách một nhạc sĩ sáng tác. Đáng chú ý là lời nhận xét của cố Nhạc sĩ Hồ Quang Bình trong chương trình giới thiệu Album “Giàn thiên lý” của Phạm Việt Long: “Bởi thế, chỉ có thể có một cảm nhận duy nhất. Đó là những bài ca, như đã nói đến đầu tiên, của tiếng lòng được cất lên một cách trung thực và chân thành, từ những chấn động mạnh mẽ và thiết tha, bởi những cảm xúc dâng trào nhiệt huyết.”

Những văn nghệ sĩ là nhân vật trong cuốn sách này: Nguyễn Việt Chiến, Lê Việt Khánh, cố nghệ sĩ Lê Dung, cố nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, Quốc Hưng, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thị Hồng Ngát, cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, Trần Lệ Chiến, cố nhạc sĩ Trần Hoàn, Trung Kiên, Trần Thu Hà, cố nhạc sĩ Hồ Quang Bình, cố nhạc sĩ Thuận Yến, Quang Thọ, Phạm Ngọc Khôi, Đức Long, Việt Hoàn, Hiền Anh, Trần Bình, Hoàng Anh Tú, Trần Hồng Nhung Sao mai, Thanh Phan, cố nhạc sĩ Phan Văn Bích, Tùng Dương, Doãn Nho, Bá Phổ, Nhóm Xẩm Hà Thành, nhóm Mặt trời đỏ, Trịnh Thanh Sơn, Tôn Nữ Hỷ Khương, Lê Thị Quý, Đỗ Quý Doãn, Nguyễn Phan Hách.
(Nxb Dân Trí)