Người tình của bố - Truyện ngắn Phương Quý

24.10.2016

Con bạn cùng làm với tôi nhiều lúc ngồi ngẩn ra, bảo: “Bố cậu tuyệt vời thật đấy! Nếu như đẻ sớm vài năm nữa,  nhất định tớ sẽ yêu bố cậu!”. Tôi chỉ cười pha chút tự hào: “Thì yêu đi! Bố tớ đầy cô phải lòng, chẳng riêng gì cô mình”.
Bố tôi cao mét bảy mươi, hơi béo, người chẳng có gì hấp dẫn, ngoài nụ cười hiền. Hai chị em tôi coi bố như thần tượng, bởi vì bố là một nhà khảo cổ học nổi tiếng, những công trình khai quật, nghiên cứ của bố được nhiều người biết đến, nhất là cánh sinh viên. Mẹ tôi là giáo viên, yêu bố như một người mẹ yêu con trai, người chị yêu đứa em vụng về. Bọn tôi thường bảo: “Bố là em bé của mẹ. Ở nhà bố được mẹ chiều chuộng chẳng phải làm việc gì ngoài đọc sách, nghiên cứ hay viết lách. Mọi việc khác, mẹ dành làm tất, bố có đụng vào chậu quần áo, mớ rau thì mẹ gạt đi: “Em làm nhoáng cái là xong, anh có làm gì nên hồn đâu mà mó vào”.

Người tình của bố - Truyện ngắn Phương Quý

 Mẹ tôi là người xinh đẹp, duyên dáng, đảm đang. Nghe hai ông bà kể lại thì trước kia bố đeo đẳng mấy năm trời mới cưa đổ mẹ. Không phải mẹ cành cao gì, mà là bố vừa chia tay cuộc hôn nhân ban đầu, còn mẹ tôi ghét nhất sự chung chạ. Mẹ bảo yêu bố vì tính chân thật, nhưng bọn tôi lại nghĩ có lẽ mẹ yêu thương cả sự nổi tiếng của chồng. Rất nhiều cô gái mê bố tôi.  Có người chưa chồng, có người đã bỏ chồng và cả những người còn đang sống với chồng con. Mẹ tôi chẳng lo lắng gì. “Mấy cô đó mẹ không chấp. Xét về toàn diện họ bằng mẹ thế nào được”. Tôi lớn hơn nên tỏ ra lo lắng: “Lỡ bố có bồ thì sao hở mẹ?”. Mẹ cười rất tự tin: “Lấy đâu ra! Bố mày kỹ tính lắm. Nếu có ai hơn được mẹ thì tao nhường”. Hình như không có ai hơn được mẹ.

Bố dẫn một cô gái người nhỏ nhắn đến ăn cơm khách ở cơ quan tôi. Bữa cơm là do đích thân sếp tôi mời vì sự nổi tiếng, làm tôi xúc động. Con bạn cùng làm tranh đi chợ với vợ sếp. Nó muốn tỏ thái độ cảm tình với bố tôi, nhưng cô gái đi cùng làm nó thất vọng. Nó kéo tôi ra ngoài: “Chết! Bố có người yêu?”. Tôi cãi: “Làm gì có! Chắc chị ấy là lính thực tập đi theo nịnh bố tớ đấy!”. Cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, chắc chỉ hơn tôi một, hai tuổi, người còn nhỏ hơn bọn tôi nữa. Khi hỏi thăm xã giao, tôi mới biết chị ấy đã ba mươi tuổi, cũng khá giỏi giang trong chuyên môn. Hai người không có biểu hiện thân mật nên tôi cũng yên tâm. Khi sếp tiễn hai người về rồi, nhỏ bạn lắc đầu nói với tôi: “Cậu không phát hiện ra à? Lúc ăn cơm chị ấy chỉ nói chuyện với sếp, nhưng khi bước ra cửa, lại cẩn thận nhặt một vụn bánh trên ngực áo bố. Còn ánh mắt thì…Trời ơi! Khó tả lắm…Đắm đuối, ngưỡng mộ. Tớ mà là nhà văn thì tớ tả được ngay”.

Tôi đem chuyện mách với mẹ, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Yên tâm con gái rượu ạ. Chấp gì bọn trẻ con ấy. Bố con rời tay mẹ ra chỉ có nước nhịn đói”. Tôi không tin mẹ. Linh tính của người phụ nữ mách bảo tôi rằng bố có người tình. Một lần tranh thủ tạt qua chỗ bố, tôi thấy cô gái và bố đang trồng rau thơm. Vạt đất nhỏ trước phòng bố tôi trước giờ bỏ không, nay đã có vạt rau húng quế xanh mướt. Loại rau thơm bố tôi rất thích. Cô gái bảo: “Anh tha hồ ăn rau sạch nhé. Nói thật, mua rau ngoài chợ em cứ sờ sợ…Kìa anh! Xem nước sôi thì bắc ra không mì nát khó ăn lắm”. Bố tôi mở nồi cơm điện để trên chiếc ghế gỗ đầu hè, thành thạo lấy đũa nếm thử, bỏ một chút mì chính, chút hành lá. Thật là lạ. Bố chưa bao giờ biết nấu ăn. Điều lạ nữa là cô gái gọi bố tôi bằng anh. Bố lớn hơn chị ta hai lăm tuổi, sao lại…Nguy to rồi. Tôi chạy ngay về nhà, khóc lóc, kể với mẹ. Không ngờ mẹ bình tĩnh như không: “ Cứ để điều tra xem thế nào đã con gái. Bao nhiêu năm nay ở với mẹ, có bao giờ bố mày đổ đốn thế đâu. Phải giữ uy tín cho bố, không được làm ầm ĩ lên”.Tôi được giao nhiệm vụ tìm hiểu về “đối thủ” của mẹ. Cô ta họ Trương, ba mươi tuổi, học vị tiến sĩ. Được cơ quan đánh giá là người có năng lực, tính nết dễ chịu, vừa ly hôn năm ngoái vì chồng ham cờ bạc quá. Là cộng sự đắc lực của bố trong nghiên cứu khảo cổ. Rất nhiều đàn ông độc thân chạy theo nhưng chị không chịu ưa ai. Chắc cô ta có bố  tôi rồi. Tôi mạnh dạn mời cô Trương đi uống nước. Cô bảo: “Bố em là viên ngọc quí đấy, mà hình như mẹ chẳng chịu đánh bóng, lau chùi cho sáng thêm lên”. Tôi có ác cảm với kẻ đi giành giật, nhưng lại có cảm tình với giọng nói cuốn hút của cô.

Mẹ tôi im lặng đến đáng sợ: “Để mẹ dạy cho con ranh một bài học”. Tôi gàn mẹ đừng làm gì lớn. Đánh ghen bây giờ cũng cần có văn hóa. Bà gật đầu: “Con bảo nó có mái tóc đẹp lắm à? Để mẹ gọt đầu nó đi”. Mẹ sắm ba chiếc kéo, rồi lôi hai chị em tôi đi tìm chị Trương. Tôi đi theo mẹ, nhưng lòng lại lo lắng cho cô gái. Tôi ân hận vì đã cho mẹ biết nhà cô ta. Đang chuẩn bị lên đường thì bố gọi điện về: “Em ơi! Anh thấy đau bụng quá!”. Mẹ hét lên: “Đau thì cũng chịu đựng một chút. Tôi đi tìm xử lý con bé Trương rồi sẽ về lo cho ông”. Tôi bảo mẹ hay là đến xem bố đau thế nào, mẹ gạt phắt: “Ông ấy giả vờ đấy. Từ ngày lấy mẹ có thấy đau bụng bao giờ đâu”.

Bà giúp việc mở cổng, ngạc nhiên nhìn bộ dạng hùng hổ của ba mẹ con nhà tôi. Bà bảo cô Trương không có nhà, hình như vừa có điện thoại gọi cô ấy ra bệnh viện thành phố chăm người ốm. Em gái tôi ném chiếc kéo xuống rãnh nước: “Con phải về lên mạng. Tự nhiên kéo nhau ra đây vô duyên. Chuyện bồ bịch là chuyện thường ngày ở huyện, cản bố làm gì.Tháng nào bố chả mang đủ lương về cho mẹ?”.

Mẹ đứng ngẩn người. Nó vào bệnh viện làm gì? Hay bố chúng mày ốm thật? Ba mẹ con tức tốc phi vào bệnh viện. Mẹ định lao vào tìm, tôi ngăn lại. “Để con hỏi phòng hành chính xem có tên bố không”. Bà nhân viên phòng hành chính nhăn như khỉ ăn mắm tôm, đủng đỉnh mãi mới tìm thấy tên bố tôi.  Nằm trong phòng cấp cứu! Ba mẹ con tá hỏa chạy vội vào thang máy. Trước cửa phòng cấp cứu, chị Trương ngồi khóc lặng lẽ. Mẹ tôi cuống lên lắc vai chị: “Ông ấy bị làm sao?”. “Anh… bị đau ruột thừa cấp, ở trong phòng một mình không có ai đưa đi. Bị…bị vỡ. Đang…đang mổ”. Tự dưng tôi ôm lấy chị, nước mắt chảy dài. Tôi nhìn mẹ trách móc. Sao mẹ không hiểu bố con chứ?...

 

                                                                                                                                                                                                                                        P.Q