Trước cửa là biển - Truyện ngắn Nguyễn Hiệp

19.10.2018

Tôi đánh thêm dấu hoa thị đen trước tên một truyện ngắn trong bản danh mục các truyện đã gửi đăng báo rồi thở ra ngao ngán nhìn lướt các tít truyện đều kín cả ba dấu hoa thị: xanh tức đã gửi đăng các tờ tin chuyên ngành và báo địa phương, đỏ tức đã gửi đăng báo tỉnh, đen tức là gửi cho một tỉnh khác ở cách xa tỉnh đã đăng trước đó và đã đổi tên truyện. Cả nửa năm nay, tôi chưa viết nổi một trang văn, chỉ loay hoay tính toán vắt kiệt những đồng nhuận bút ít oi trên những trang viết cũ rích của mình. 

Trước cửa là biển - Truyện ngắn Nguyễn Hiệp

Tôi “cơm gạo” đến mức chưa bao giờ dám“cắn miếng to hơn miệng mình”, cứ lai rai gặm nhắm nỗi buồn vui của mình để có những trang viết tầm tầm, lách kỹ để không động gì đến ai, vậy mà điều đó giờ cũng khó khăn. Đôi khi ngẫm lại thấy buồn cho mình: nguyên thời gian dài tôi đã quá lệ thuộc vào sự đăng tải, quá lệ thuộc vào những đồng nhuận bút ít oi, giờ muốn viết một điều gì đó thật tâm, hết mình để gửi cho báo Văn của trung ương lại rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Biết làm sao được, nồi cơm của hai cha con chỉ trông hết vào đó. Tôi thầm mỉm cười chua chát với cách thường ví von của mình: Một trang văn đăng được, có nghề phải biết chế biến sao cho lượng “thịt” và “rau” vừa phải, văn tôi mấy năm nay độn “rau” nhiều quá, biết nhưng đành chấp nhận, vậy mà bạn bè có người nhận xét: “Anh đụng trần rồi!” thì lại tiu nghỉu mặt mày. Đôi lúc vào nhà vệ sinh, đi ngang qua miếng kính tráng thủy, liếc thấy tóc mình muối nhiều hơn tiêu, mường tượng thân xác mình bắt đầu có mùi đất, mùi nhang làm như sống mũi cay cay, nong nóng. Tuổi này rồi còn gì, lừa người khác còn được chứ lừa mình sao nổi… Tôi đang chìm trong mớ bòng bong lo nghĩ ấy thì giật mình vì tiếng mô- tô đột ngột rồ mạnh trước cửa, biết là con gái mình đi làm về mà sao vẫn cứ giật mình, con bé ào vào nhà mang theo luồng gió nồng nặc mùi son phấn và rượu bia. Tôi không buồn ngẩng lên, đưa tay đùa mấy cái phong bì chưa dán tem lại rồi thổ thổ trên mặt bàn.

- Mày lại say hả con gái?

- Hỏng…dám say … đâu… ba…

Nó ngồi phịch xuống cạnh cái băng dài hàn ráp từ những vỉ sắt và trụ sắt cũ vừa dùng để ngồi viết, vừa uống trà, vừa ăn cơm luôn. Tôi quay lại nhìn nó: tóc đẫm keo, môi bôi son màu chì bóng đến rờn rợn. Tôi lắc đầu:

- Con bôi chi cái màu môi gớm ghiếc vậy con?

- Ông già lạc hậu… Mốt đó… Huyền bí, mê hoặc…và rất “bia ôm”

Nó nói xong bung lên cười, “cái con này, tiếng cười con gái mà nghe nhừa nhựa”, tôi định nói gì đó với nó, chợt tiếng cười im bặt, nó cố ngồi thẳng lại vẻ quan trọng rồi thò tay sâu vào áo thun, chỗ khe giữa hai bầu vú, kẹp hai ngón tay cặp lôi ra từng tờ giấy bạc cong queo. Tôi  định quay mặt nhìn chỗ khác nhưng rồi như bị trời trồng để cho mọi động tác nhỏ của nó in hằn lên mắt. Nó đặt từng tờ bạc lên chồng bản thảo của tôi, xoay bàn tay dựng lên rồi miết từ từ, những tờ bạc vẫn ương bướng quăn queo, nó miết lại lần nữa rồi lại kẹp hai ngón tay thò sâu vào lấy ra tờ bạc cong cuốn nhăm nhúm khác. Mỗi lần như thế tim tôi lại nhói một cái, tôi hình dung đến những bàn tay lông lá, to ù của bọn bợm gái cố gắng nhét những đồng tiền “bo” vào thật sâu để mua chút khoái lạc khi tiếp xúc với phần ngực nở nang của con gái tôi. Khi ủi xong tờ bạc cuối cùng, nó cầm lên xoay xoay rồi xìa hai tờ mười ngàn đo đỏ trước mặt tôi: -Ông  già hết tiền mua tem gửi bài… phải không? … -Ba tự lo được mà con! Tôi ngồi nhìn hai tờ mười ngàn đo đỏ để trên chồng bản thảo trong trạng thái bần thần, tê dại cả người.

Đến khi tắt đèn, ngả lưng, trùm kín mền lên mặt, nước mắt tôi mới bắt đầu ứa rịn. Tháng nay, từ ngày nó đi bán bia ôm, tôi không dám thắp nhang cho má nó, tôi thật có lỗi với bà ấy. Bằng tuổi nó, má nó còn là một cô bé trong sáng, vậy mà giờ đây… Tại tôi, tại tôi bất tài vô dụng, tại tôi hết! Trong mền, bàn tay tôi tự nhiên co rút lại đưa lên ngực rồi cứ thế ấn mạnh vào, ấn đến cong người, thắt thóm, đau nhói tim can. Tôi khóc rưng rức trong bụng nhưng không dám bật thành tiếng, sợ nó nghe thấy. Trăn trở mãi, qua gà gáy canh ba tôi mới chợp mắt được tí chút, dạo này, tôi hay nghĩ về má nó nên trong giấc mơ tôi cũng thường thấy bà ấy khi còn trẻ, đó là những kỷ niệm giúp tôi giữ được thăng bằng khi một ngày mới bắt đầu.

Bao giờ tôi cũng bắt đầu giấc mơ bằng hình ảnh ngôi nhà trên Đảo Đèn, đó là ngôi nhà xây từ thời Pháp thuộc, nguyên dưới nền nhà là một hồ chứa nước mưa khổng lồ nên trong nhà mát lạnh quanh năm. Ngôi nhà này còn một điều đặc biệt nữa là mở cửa ra đã chạm tới biển, điều đó đặc biệt đến nỗi tôi hay lầm rầm một mình mỗi khi nhơ nhớ: “Trước cửa là biển!” Sau, tôi thường nhắc chừng con gái mình bằng câu ấy khi thấy lo lo trước những cạm bẫy đầy rẫy ngoài đời. Tôi nhớ có lần nhập tâm đã viết đâu đó: “ Trước cửa là biển, đương nhiên sân nhà là biển, mở cửa ra đã thấy mênh mông trước mắt, mở mắt chào buổi sáng đã gặp phải sóng gió dập dồn, đóng cửa chào buổi chiều, biển vẫn còn ầm ào liếm ướt gót chân, ra khỏi cửa đã không tìm được chốn nương thân…”. Má nó ơi, rồi đây nếu con nó đòi mãi, tôi chìu nó bán nhà thì bà sẽ về đâu? Tôi sẽ mang bàn thờ bà theo, bà cố tìm theo, tôi sẽ hương khói cho bà. Già rồi, thấy, nghĩ cái gì cũng xù xì, nhiều tầng nhiều lớp, cái khuynh hướng nội tại hoá chết tiệt ấy của con người mà ai cũng mang thôi, chứ thường thì biển là một viên ngọc, nhiều lúc lặng lờ đến mê người ấy chứ. Khi tôi mới sinh ra, nhà tôi còn là chiếc thúng chai lênh đênh nay bãi này, mai bến nọ thì cửa nẻo gì, bốn bề là biển, ừ mà nếu ví biển là cuộc đời đầy sóng gió thì ta cũng từ đó mà đi chứ đâu nữa. 

Hồi đó, ba má tôi là những người xấu số, trong một cơn bão biển họ đã đi mà không về, tôi còn đỏ hỏn được gửi cho các chú ở Đảo Đèn trông coi và trở thành thành viên bất đắc dĩ của cái thế giới không có đàn bà đó. Khi đã trở thành một cậu chàng vạm vỡ, cao to tôi mới chèo thúng vào đất liền học chữ. Những buổi biển lặng như mặt ngọc êm ả vừa đủ cho ánh sáng phản chiếu lấp lánh, tôi chèo thúng chai ra khỏi chân đảo đến mấy ghềnh đá rồi neo thúng, nằm nghiêng người trên tấm ván gác mà học bài. Trong một lần như thế tôi bỗng nghe có gì va lộp cộp vào mạn thúng, chồm người dậy, thấy cái chai, định bụng cầm lên ném ra xa, chợt tôi sựng người vì thấy trong chai có mảnh giấy mà miệng chai cũng nút kỹ. Tôi tháo mớ dây thun mới bóc được lớp ni-lon bao quanh miệng chai. Trên tờ giấy vở học trò vàng đục là mấy dòng chữ nắn nót tròn trịa kiểu con gái: “ Ba ơi! Con nhớ ba. Nhận thư này ba về liền với con nha ba! Con: Lê Thị Hai” Tôi đọc xong, ngực chợt nhói đau, tôi cũng nhớ ba má tôi, những người đã ra đi trên biển và không bao giờ trở về nữa, rồi cứ thế một thằng trai to ngồng như tôi mà cứ để nước mắt tràn ra cay xè sống mũi, ướt nhèm môi má. Tôi buột miệng chai lại rồi ném ra xa với một niềm tin cùng cô bé Lê Thị Hai không quen biết: Cầu mong cho làn nước xanh thẳm này đưa thư đến tận tay người cha xa xôi của cô ta. Tự dưng tôi ngoái đầu nhìn vào bờ, nhìn làng xóm lấp ló trong những mảng màu xanh lá cây mà lòng dâng lên cảm giác bồi hồi.

Một thời gian sau đó có một sự kiện thôi thúc tôi tìm bằng được người con gái có tên là Lê Thị Hai: Hôm ấy, tôi chèo thúng chai ra Hòn Trứng để nhặt trứng chim về cải thiện bữa ăn. Hòn Trứng, đúng như cái tên của nó, trứng của các loài chim biển nằm la liệt, trứng lẫn trong các hòn cuội, trứng rải rác từng cụm trong các bãi đá san hô: trứng trắng, trứng hồng, trứng xanh, trứng ngọc xanh điểm tím, ngọc trắng điểm vàng lấp lánh dưới những tia nắng thả từ trời cao. Khi đã lấy vừa đủ, tôi lom khom mở dây neo thúng thì sựng lại: Trong kẹt đá, cả bầy chai lọ đủ kiểu đang tập họp, làm như nơi đây đang có cuộc hội hè đình đám của thế giới chai lọ, cả chai và lọ đang nhảy múa vặn vẹo theo cơn giật cục của sóng nước. Tôi bước tới nhặt một cái chai lên nhìn, rồi nhặt cái khác, một cái khác nữa… tất cả đều có thư bên trong. Tôi biết chủ của những bức thư này tên gì nhưng vẫn mở vài cái coi thử, tôi chợt thấy thương cô bé chưa quen biết này quá. Tôi định lên thúng chèo thẳng vào bờ tìm cô ta, nhưng sóng cứ giật ngang bãi Tam Bản, tôi loay hoay đang tìm cách thì… Tiếng gà chợt gáy vang vọng, có tiếng lục đục của con gái tôi đang rửa mặt, đánh răng làm tôi thức dậy. Giấc mơ dở dang nhưng chất chứa đầy đủ một thực tại huy hoàng đã qua trong đời tôi làm tôi bàng hoàng giây lâu. Không biết từ khi nào tôi muốn nhớ lại quá khứ đều phải nhờ vào giấc ngủ, kỷ niệm có thật mà lại như mộng mị, cũng những hình ảnh ấy mà trước đó tôi chỉ cần nhớ lại là lập tức có một hiện thực được tái hiện đầy đủ trong trí nay chỉ có thể nhớ dễ dàng duy nhất một điều là « trí nhớ mình đã kém cỏi », có người nói đó là triệu chứng cho biết mình già thật rồi.

Trời sáng bạch, mặt trời  lên cả cây sào, con gái tôi đã đi làm từ lâu, tôi vẫn ngồi trước bình trà được ủ ấm trong trái dừa khô cưa nắp. Tôi thấy đỡ hơn với câu chuyện quá khứ nhưng lại không thể chịu nỗi sự cô đơn của mình nên vói miệng gọi anh Tư San Hô nhà cạnh bên sang uống trà. Anh Tư San Hô là cái tên bà con đặt cho anh khi còn ở làng cũ, hồi ấy nhà anh Tư ở sát biển, cứ đi biển vào, phơi mấy tay lưới bén lên cây sào xong xuôi là anh Tư cắp rá đi lượm đá san hô về tấn  quanh móng nhà, vậy mà cứ năm nào cũng vài lần sóng lớn, tất cả lại mòn xói, lại bị cuốn trôi, anh lại cắp rá đi lang thang dọc bãi biển mà nhặt những hòn đá san hô bằng nắm tay màu nâu nâu, bóng anh thấp thoáng mỗi lúc chiều tà đã là hình ảnh quen thuộc của bà con làng biển. Thế rồi cơn bão số Năm đã đến, nguyên một dọc bãi sạch sẽ, mới nguyên như chưa từng có ngôi làng ở đó, chúng tôi dắt díu lên khu Mười Héc Ta này và thành bạn láng giềng của nhau. Anh Tư San Hô quơ quơ bàn tay hộ pháp, các ngón tay chai bụng bè be, vàng chạch như bụng con dông hương, anh khó nhọc chế thêm trà vào hai chiếc cốc rồi đặt bình trà ngay ngắn vào trong trái dừa khô cắt nắp : -Anh có tâm sự gì mà ngó mặt mày bơ phờ vậy ? Tôi định kể khoe anh chút quá khứ vừa hiện về trong giấc mơ chợt tôi chần chừ thay đổi ý định: - Có gì đâu anh, chừng chừng cho có bạn chứ có gì đâu, « vô thường nhất đán vạn sự hưu », tôi sợ không kêu nhau rồi một buổi sáng nào đó mọi chuyện kết thúc, không kịp kêu nhau đó mà. Tôi lại định trong bụng khi nào giấc mơ được nối tiếp trọn vẹn sẽ kể cho anh Tư San Hô nghe luôn thể nên cả buổi sáng đó chúng tôi chỉ uống trà với vài câu nói bâng quơ về thời tiết, về mấy cái triệu chứng bệnh già.

Đêm sau, tôi đang loay hoay với trang viết, tôi đặt một câu chuyện tuổi mới lớn của mình vào thực tại chiều tà cuối đời rồi chăm chú suy nghĩ quanh nó, giả sử mọi điều  quanh nó, mãi mà không viết nổi nửa câu văn. Tôi nghĩ nhiều về con gái tôi, một đoá hoa toả hương bằng cách nào, hương sắc nó ra sao không phải vì nó muốn như vậy mà vì tự trong bản chất của nó là như vậy phải không ? Hay do hoàn cảnh tác động mà như vậy như trường hợp con gái tôi, tâm trí nó bị rối loạn bởi quá nhiều nhu cầu thúc bách, quá nhiều dòng chảy đan xen tác động nên mới dẫn con bé tới con đường đó ? Nó đòi bán nhà để mua xe, để làm ăn, để đổi đời :

- Cơ hội chỉ một lần, mình bán mới mong có đổi đời.

- Bán rồi chỗ đâu mà nhang khói cho má hở con ? Người khuất mặt khuất mày cũng cần chỗ để đi về chớ !

- Ba về Đảo Đèn đi, ba mang bàn thờ theo, dễ ợt mà. Ba viết làm gì cho mệt, mấy đồng mấy cọc.

- Ba không nở, con không tiếc nuối chỗ mình lớn lên sao con ?

- Tiếc nuối để rồi nhục nhã, thua bạn thua bè cả đời à ? Người ta làm ăn lên ào ào, mình cứ bo bo giữ cái nghèo mãi vầy sao ba ?

- Cố gắng tìm cách khác, ba sẽ nhờ mấy anh bạn giới thiệu cho con một việc làm đàng hoàng.

- Không ! Nếu ba không thương con nữa con sẽ đi bán bia ôm.

Và nó đã làm thật. Tôi viết văn nói những điều cao đạo còn con gái mình lại sa vào con đường lầy lội nhớp nhúa như vậy. Trăm ngàn nhát dao đã đâm vào tim tôi. Tôi thấy thương con bé quá. Tại tôi ! Tại tôi bất tài vô dụng mà đẩy con bé tới nước này. Đang lúc đó thì con gái tôi ào vào nhà, hôm nay trong ngọn gió của nó mang về ngoài hơi hướm rượu bia, son phấn còn thêm cặp mắt lấc láo và một bộ râu cắt tỉa tươm tất của một anh chàng mà nó giới thiệu là « bạn trai con mới quen đó ba! » Thằng trai kia đưa mắt quét qua các góc nhà, con gái tôi lắc đầu rồi kéo tay ra ngoài hiên, chúng xầm xì gì đó với nhau đến tận khuya. Cuối cùng rồi con gái tôi cũng vào nhà, nó lại cố ngồi thẳng người vẻ quan trọng rồi thò tay sâu vào áo thun, chỗ khe giữa hai bầu vú, kẹp hai ngón tay cặp lôi ra từng tờ giấy bạc cong queo. Chợt nó sà vào ôm cổ tôi: -Ba ơi! Con khổ quá ba ơi! Nó oà lên, tôi rưng rưng, trời đất rưng rưng, tất cả nhoè nhoẹt trong nước mắt và nỗi đau. Bàn tay tôi tự nhiên co rút lại đưa lên ngực rồi cứ thế ấn mạnh vào, ấn đến cong người, thắt thóm, đau nhói tim can. Tại tôi! Tại tôi hết! Tại tôi bất tài vô dụng, không nuôi nổi một đứa con thành người đàng hoàng. Con gái tôi chợt dụi mắt lia lịa: -Ba à! Hay là ba… Nói tới đó nó bỏ lửng, bối rối đi vào buồng ngủ. Tôi chờ nghe tiếp lời của nó nhưng chỉ có sự im lặng. Vài cơn gió chợt lồng lên đập vách phên phành phạch. Tôi ngả lưng cùng với tiếng thở ra kéo dài. Tôi cố nối lại giấc mơ dang dở đêm trước, đó là phương cách để cố nguôi ngoai nỗi đau vì sự bất lực của mình. Vậy mà suốt đêm đó, trong giấc chập chờn nửa thật nửa mơ của mình, cố gắng lắm tôi cũng chỉ thấy lại hình ảnh đầu tiên khi lần đầu tiên tôi gặp được cô gái tên Lê Thị Hai là mẹ đứa con gái bây giờ…

Đó là một cô gái rách rưới, lang thang, mang một cái túi rút dây màu nâu đất trước ngực luôn đưa đôi mắt điếng dại nhìn chằm chằm ra biển. Đám choai choai con cái chủ ghe thường lấy cô bé Hai tội nghiệp ấy làm mục tiêu cho thoả thích sự nghịch ngợm trong các trò ma quỷ của chúng: chúng ném cát, chọc ghẹo… Thường Hai vẫn nhịn nhục đi sang chỗ khác để lại được yên ổn đứng ngóng đợi điều gì đó ngoài khơi xa. Chợt một con cá đuối bằng hai bàn tay theo cơn sóng lị vào bờ, đám trẻ kia liền nhào tới vây ráp, chúng hò nhau sắp bắt được một con cá như được một trò chơi mới trong ngày. Nhưng ngay lúc ấy, chẳng biết bằng sức mạnh tiềm ẩn nào, Hai đã băng ra, gạt phăng tất cả, Hai dùng hai bàn tay ôm con cá bé nhỏ vào lòng rồi lội băng đi trước những cái miệng há hốc của bọn trẻ. Khi nước đã ngấp nghé ngực, Hai thầm thì điều gì đó rồi từ từ thả hai tay ra. Hai đứng nhìn mãi con cá quẫy mình bơi đi. Tôi hỏi vài người và biết đó chính là Hai. Một ngư dân già kéo lưới rùng nói với tôi: -Ở đây chỉ có con Hai lang thang, nó hay lượm chai tấp vào bờ rồi viết cái gì đó bỏ vào chai ném trở ngược ra biển? Tội nghiệp, con cái nhà ai mà tội quá! Chắc là nó đi tìm người thân… Gà lại gáy vang, tôi lại thức giấc, lại ngồi bần thần trước trái dừa khô cắt nắp và mân mê mãi cốc trà trên tay, vài lần tôi liếc qua bàn thờ vợ nhưng không dám nhìn lâu. Tôi thấy đỡ hơn với câu chuyện quá khứ nhưng lại không thể chịu nổi sự cô đơn của mình nên vói miệng gọi anh Tư San Hô nhà cạnh bên sang uống trà. Vừa đặt người xuống ghế anh Tư San Hô đã hỏi: -Anh nghe gì chưa? Nhìn vẻ mặt hớn hở của anh tôi đoán đó là một tin vui. Quả thật như vậy, anh vội vàng: -Người ta vừa thông báo nay mai sẽ khai thác mỏ dầu Sư Tử Đen ở ngay ngoài biển mình đây, ống dẫn dầu sẽ đặt ngay làng này, nơi đây sẽ thành khu du lịch nổi tiếng. Anh biết không mấy tay cán bộ biết trước ráo riết đi săn mua đất cả tháng nay mà mình có hay gì đâu. Đất bây giờ có giá lắm đó! Anh kể tôi nghe chuyện một người bên phố mướn được một cô bé giúp việc. Đã trao đổi, hai bên đã thoả thuận cách thức và tiền công, người chủ đợi nửa tháng không thấy con bé đến nhận việc nên nóng ruột tìm đến nhà. Con bé ra đón với đôi môi trề ra cong cớn: -Tôi mới bán đất được tám trăm triệu, tôi cũng đang tìm người mướn để sai vặt đây. Người chủ trên phố điếc đầu, nghe mà không tin vào tai mình nữa. Tôi nghe vậy thì hay vậy, đã lâu những chuyện như thế không còn làm tôi quan tâm hay hằn học nữa, có chăng chỉ là trong bụng thấy mừng mừng cho quê hương mình có cơ hội phát triển. Câu chuyện của chúng tôi lại cũng chỉ xoay quanh vài câu nói bâng quơ về thời tiết, về mấy cái triệu chứng bệnh già.

Đêm đó, Con gái tôi lại đi làm về, nó lảo đảo ào vào vịn vai tôi rồi thả phịch người xuống nền xi-măng.

-  Mày lại say hả con gái?

-  Hỏng…dám say … đâu… ba…

Nó lại cố ngồi thẳng vẻ quan trọng rồi thò tay sâu vào áo thun, chỗ khe giữa hai bầu vú, kẹp hai ngón tay cặp lôi ra từng tờ giấy bạc cong queo. Tôi thật bối rối. Cảm giác mình là một thằng ăn bám dâng lên nghẹn nghẹn nơi cổ họng. Tôi đang có tội với con mình. Phải, Tại tôi ! Tại tôi bất tài vô dụng mà đẩy con bé tới nước này.

- Ba có biết con khổ lắm không ba?

- Có…có, ba biết, nhưng…

- Ba có thương con không hở ba?

- Con, ba xin con ! Ba biết làm gì bây giờ ?

- Sao ba có thể thờ ơ trước nỗi đau của con ?

- Ba biết làm gì bây giờ ?

- Ba là người sống với quá khứ nhưng con là người của hiện tại, con cần tiền !!! Con bé gào lên. Tôi chết trân người.

- Con?

-Sao ba không hỏi : Có đồng tiền nào cho con mà họ không nhét vào chỗ đó không ?

- Có không con ? Tôi mếu máo, bị lôi cuốn bởi một lực quán tính, không còn biết mình hỏi gì.

- Tiền cha con mình sống cả tháng vừa rồi đều ở đó lấy ra cả ba ơi…hu hu…u… Có, cũng có một lần không lấy từ đó ra nhưng còn nhục hơn ba à: Một người khách dúi tiền vào tay con một cách đàng hoàng, chỉ có người đó, một lần duy nhất. Hôm ấy, (nó khóc ré lên) có một gã sờ mó con bạo tay hơn cả, gã bóp nắn vồ vập như một tên khát đàn bà lâu ngày, gã cuồng loạn và buông những lời văn vẻ, cải lương, gã đã say. Con chống chọi mãi không xong, cuối cùng con nói: - Thưa thầy ! Thầy không nhận ra em sao thầy ?

- Thôi ! Đừng kể nữa con !

- Không ! Con phải kể… Đến khi đó hai tay ông ta mới chịu rớt ra khỏi cơ thể con. Ông ta dúi tiền vào tay con rồi ...

- Con ơi ! Ba lạy con ! Thôi mà !

- … Đó là thầy dạy con môn văn hồi lớp sáu, thầy của con ba ơi! Ba nghe chưa ?

- Ba lạy con! Lỗi tại ba ! Ba bất tài vô dụng nên đẩy con vào… tình cảnh này, con ơi.

- Ba! Con chán làm nghề này quá rồi, con chán lắm, nhục lắm… Ba phải cứu con !!!

- Mình bán nhà nghe con ! Con có tiền sẽ có việc làm đàng hoàng phải không con !?

- Ba ơi !!! Nó gào lên, ôm mặt, đứng dậy ngã nghiêng đi vào buồng ngủ. Tôi bần thần ngã phịch người xuống cái băng dài hàn ráp từ những vỉ sắt và trụ sắt cũ. Bàn tay tôi tự nhiên co rút lại đưa lên ngực rồi cứ thế ấn mạnh vào, ấn đến cong người, thắt thóm, đau nhói tim can. Tại tôi! Tại tôi hết! Tại tôi bất tài vô dụng, không nuôi nổi một đứa con thành người đàng hoàng, để cho con phải chịu đau khổ, tủi nhục đến mức đó.

Sáng hôm sau, khi đã trải qua một đêm thức trắng, tôi kể với anh Tư San Hô tình cảnh của cha con tôi đêm vừa rồi. Tôi hỏi anh : -Nếu bán căn nhà này có đủ tiền để giúp con bé thoát khỏi cảnh khổ không ? Anh Tư San Hô im lặng hồi lâu rồi hỏi lại : -Anh định về đâu ? -Đảo đèn. -Anh nhớ má con bé à ? - … »

Một năm trôi qua kể từ ngày nhà văn già thất thểu về tá túc ở Đảo Đèn, người viết lại truyện này tình cờ có chuyến đi chơi ở đó. Trước căn nhà bỏ hoang sát biển, căn nhà có một hồ chứa nước mưa khổng lồ dưới nền, tôi đã gặp một ông già suốt ngày ngồi cặm cụi loáy hoáy viết gì đó vào những trang giấy vở học trò rồi thả xuống biển, đứng nhìn từ xa cứ thấy thỉnh thoảng ông đưa tay vói ra xa, một tờ giấy vàng đục chao đảo bay lên rồi đáp nhẹ xuống mặt sóng, một hình ảnh giống lễ phóng sinh, phóng sinh những trang giấy. Tôi có nhặt vài tờ lên xem nhưng chẳng thấy gì nhiều, chỉ một câu được lặp đi lặp lại: «Trước cửa là biển». Chỉ vậy mà trí tò mò của tôi bị đánh thức. Tôi đã làm quen với ông già và lần lượt hỏi thăm được mọi chuyện như vừa kể. Khi đã trở nên thân thiện,  ông còn say sưa kể cho tôi nghe chuyện tình của mình với « má con bé đó», một chuyện tình lãng mạn và lắm nhiêu khê của miệt biển xa xôi, nghèo khổ này. Hạnh phúc chẳng tày gang, người vợ đã bị băng huyết trong một đêm mưa gió bão bùng, khi người ta đặt cô ấy lên võng khiêng đi dọc bãi biển để đến trạm xá, cô ấy đột ngột nắm vói tay ông nói trong nấc nghẹn : -Anh ráng nuôi… con dùm em! Anh nhớ : nó là con gái, cuộc đời đầy những cạm bẫy đó anh ! Bàn tay ấy từ từ lơi dần và buông thõng giữa đường… Kể tới đó những nếp nhăn trên đôi má già nua của ông dồn ép lại và một dòng ánh sáng bàng bạc, anh ánh loang ra dọc sống mũi bên phải, nước mắt được vắt ra từ một cái gì đó cạn cùng, khô quắt.  Ông hỏi tôi nhưng chẳng phải để tôi trả lời : -Anh đã được ai thương chưa ? Nếu một người nằm xuống, cái ngày người ta rút dây, ném cho nắm đất mà chưa được yêu thì quả là một cuộc đời bất hạnh, vô nghĩa, vô lý lắm. Thượng đế sinh ra con người để làm gì vậy ? Thưa, là để chứng minh Tình yêu có thật.  Đúng là một nhà văn, ông ấy không có tuổi già khi nói về tình yêu ! Tôi thầm nhận định về ông như vậy khi nhìn thấy mắt ông chợt sáng lên, chỉ duy lúc ấy tôi mới thấy như vậy, thời gian còn lai, đôi mắt kia như hai khung cửa của một căn nhà chất chứa quá đủ sóng gió phũ phàng. Người viết truyện này tự dưng rùng mình thấu cảm nỗi đau đớn, lo lắng của người cha dành cho con gái trên những tờ giấy phóng sinh: «Trước cửa là biển». Trước cửa là biển thật : tôi chợt lắng tai nghe tiếng sóng biển xa dần, xa dần, không phải, đó là tiếng thổn thức, tiếng âm vang gào thét của hoài bảo, của ước mơ giữa không gian im lặng mà tôi vừa có được trong cái náo nhiệt, ồn ào, bất an của cuộc đời, tôi mường tượng ánh sáng lấp loá trên đầu sóng như những hoa thị đủ màu đang nhảy múa trên từng trang văn đầy âu lo
 
N.H