Người họa sĩ có “hai trái tim”

03.05.2017

Tôi hẹn họa sĩ Hoàng Đình Tài, nhưng lại đến hơi muộn, chắc anh chẳng để phí thời gian chờ đợi, thế là lôi giấy ra vẽ. Có lẽ thế. Khi đến, tôi thấy anh vẫn ngồi bệt và còng lưng với cây bút, như mọi bận. 
Không trách tôi, anh ngẩng đầu cười rồi lại cắm cúi vẽ, một hình bóng của Trường Sơn năm nào lại ùa về trong ký ức chăng? Tôi đứng lặng nhìn anh, quả nhiên đôi mắt ấy rưng rưng trong nỗi nhớ trào dâng; Một cánh võng đu đưa, hay một mái lá binh trạm ở tiền tiêu; một đôi bím tóc của cô lính trẻ hay một chiếc điếu cày tựa bên lán trại... 

Người họa sĩ có “hai trái tim”



Không tôi đã đoán nhầm. Mà đó là một nấm mộ vô danh bên dòng suối. Một chiếc mũ tai bèo úp lên, bên cạnh đó một bông hoa tím đang cố vươn ra ánh sáng như một tín hiệu, với đất trời rằng, đây một người con của Trường Sơn... 

Một trái tim với nhịp đập của bom đạn...

Một trái tim của tuổi hai mươi, đầy nhiệt huyết và quả cảm với đúng nghĩa của một người lính chiến trong con người Hoàng Đình Tài. Tôi nhớ, cùng xung phong đi chiến trường cùng với anh, năm 1965 ở đất cảng Hải Phòng, còn có nhà thơ Thi Hoàng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, và nhà văn Vũ Hữu Ái. Khi ấy anh vừa tròn 18 tuổi, và trở thành chiến sĩ của sư đoàn bộ binh 320.

Hoàng Đình Tài say mê vẽ, tranh thủ cầm bút mọi nơi, mọi lúc có thể. Đơn vị đi đến đâu anh ký họa đến đấy. Ngay cả khi đơn vị vừa dừng sau một cuộc chiến, vừa treo súng lên vách là anh lại vớ lấy giấy và bút để vẽ lại cảnh chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm của đồng đội. Nhiều hình ảnh của những bức ký họa, đến giờ đây vẫn còn ám khói lửa của bom đạn một thời khốc liệt. Dường như trong anh có hai con người, một nghệ sĩ và một chiến sĩ là một để sẵn sàng sống, chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Có người lo sau trận đánh là một giấc ngủ say, là một điếu thuốc lá rừng sảng khoái hay một miếng lương khô thơm phức, thì Hoàng Đình Tài lại chỉ vẽ và vẽ. Hết giấy thì vẽ trên mặt gỗ, hay lên tấm lá khô bên lán trại; hay thậm chí cả trên vạt áo đang mặc. Không có bút thì vẽ bằng than bằng gạch non, hay bằng cành cây nhựa trắng... Dường như Hoàng Đình Tài sợ không vẽ kịp những gì đang cảm xúc cuồn cuộn trong tâm hồn mình...

Chính vì sự đam mê kỳ lạ ấy đã được mọi người biết đến và sau khi ngắm những bức ký họa sinh động của Hoàng Đình Tài, người chính ủy đơn vị đã không đắn đo đưa anh về sư đoàn bộ để làm việc. Vậy là sau 3 năm vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút vẽ, Hoàng Đình Tài trở thành họa sĩ chuyên trách của phòng tuyên huấn của Cục chính trị, thuộc Bộ tư lệnh 559. Ở đây anh làm việc cùng với nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Lê Lựu. Sau đó là những chuyến đi sáng tác dài ngày tại Trường Sơn, từ năm 1969 mở đầu cho một sự nghiệp hội họa chiến tranh của một cái tên mới Hoàng Tài Vị. Anh lấy cái tên này với những nỗi niềm thương nhớ người mẹ ở quê, đang ngày đêm mong anh về. Mẹ anh tên là Tô Thị Vị.

Rất có thể, vì với cái tên ấy mà mẹ anh đã che chở cho người con thoát được bao hiểm nguy bất chợt ập đến. Anh kể có lần anh ra khỏi lán và đi về hướng chiến hào của các đơn vị chiến đấu để vẽ, như mọi khi. Và anh đâu có ngờ, máy bay địch phát hiện từ phía lán trại, nơi bộ phận anh làm việc, có khói do anh em luộc bánh bay lên. Thế là chúng dội bom cháy rụi làm mấy người bị thương và hy sinh. Rồi có lần đi cùng nhà thơ Phạm Tiến Duât vượt hàng chục cây số, qua đỉnh núi để sang Lào sáng tác, với bao hiểm nguy rình rập. Bởi con đường Trường Sơn của ta có phần phải mở sang phía tây nước bạn để thuận tiện đường vận tải, chuyển vũ khí và lương thực vào miền Nam, nên thường bị giặc Mỹ ném bom, bắn phá dữ dội. Chuyến đi ấy kéo dài đến nửa tháng, với nhiều khó khăn và gian khổ thật khó lường, không ít ngày phải nhịn ăn và thiếu nước uống, nhưng cây bút Hoàng Tài Vị không hề ngơi nghỉ. Từ đây, những bức ký họa giàu tính chiến đấu và đầy cảm xúc ra đời. Đó là những bức tranh miêu tả hình ản thanh niên xung phong làm việc ở đường 20, hay cảnh chiến sĩ vượt đỉnh núi Ta Lê sang Lào, hoặc cảnh sinh hoạt của chiến sĩ trong hang đá. Cùng thời điểm này, nhà thơ Phạm Tiến Duật có bài thơ “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” và “Tiểu đội xe không kính”... thì Hoàng Tài Vị lại cực kỳ sống động và đầy sức thuyết phục với hàng trăm bức ký họa chiến tranh, qua các tác phẩm như “Lòng dân A Lắc”, "Giữa hai trận đánh”, “Trọng điểm Văng Mu”, “Bản mới giải phóng”...

Có thể nói, liên tục trong hai năm từ 1970 đến 1972, hàng chục ký họa chiến tranh của Hoàng Tài Vị được in khắp trên các báo chí từ mặt trận đến trung ương. Đó là những tác phẩm còn nóng bỏng thuốc súng từ Trường Sơn được gửi ra làm xúc động hàng triệu con tim chiến sĩ và độc giả trên toàn quốc. Và cái tên Hoàng Tài Vị được coi như một hiện tượng và ghi dấu ấn sâu sắc trong làng hội họa Việt Nam. Người ta nói trong ký họa của anh có lửa đồng thời lại có ngọc, để khẳng định một tài năng và để vinh danh một cái tên Hoàng Tài Vị. Chính vì thế mà anh được đặc cách kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, ngay tại mặt trận, với những thành tựu xuất sắc trong hoạt động mỹ thuật ở chiến trường. Tính đến nay, anh là người duy nhất, không qua trường lớp nào, và cũng là người trẻ nhất, được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam, ở tuổi 25.

Sau này cho đến năm 1974, được giải ngũ về Hà Nội học, hàng nghìn bức ký họa, với cái tên Hoàng Tài Vị đã trở thành một kho báu đầy tiềm năng cho sự trở lại cái tên quen thuộc đó là họa sĩ Hoàng Đình Tài, chuyển sang một lĩnh vực mới, một sự dấn thân không kém phần kỳ lạ của anh, đó là hội họa sơn mài.

Và... một trái tim theo nhịp Rock cuồng si

Nói có vẻ thật mâu thuẫn cho một họa sĩ khi chọn cho mình con đường đến với sơn mài. Vì sao vậy, có lẽ trong những năm học tại trường Mỹ Thuật, họa sĩ trẻ Hoàng Đình Tài đã gặp gỡ một kỳ nhân trong làng hội họa, đó là Nguyễn Sáng. Trước hết là sự mến mộ một tính cách Nam bộ bộc trực và đam mê với cuộc sống, sau đó là sự cảm phục về tài năng, nhất là sự sáng chói của Nguyễn Sáng về lĩnh vực sơn mài, một đại thụ trong làng hội họa Việt Nam. Ngay từ đầu, cậu sinh viên Hoàng Đình Tài đã thường xuyên tiếp xúc với người thày này để học hỏi và tìm hiểu cho tường tận bí quyết trong sáng tạo nghệ thuật hội họa sơn mài của ông. Sự quyến rũ của Nguyễn Sáng đối với Hoàng Đình Tài quả là có một không hai. Ngoài sự học hỏi về kỹ thuật lẫn tư duy hình tượng, Hoàng Đình Tài còn bị lây nhiễm cả cung cách làm việc và sinh hoạt của Nguyễn Sáng. Thậm chí có thời, người ta có cảm giác cậu học trò này vẽ giống thày quá. Vậy mà chẳng bao lâu, Hoàng Đình Tài đã chứng tỏ một tư chất sơn mài khác hẳn, một kiểu chơi sơn ta, một chất liệu truyền thống độc đáo cho riêng mình.

Để xác định một con đường hội họa cho sơn mài không phải dễ dàng gì. Bởi trước anh, đã có một Nguyễn Sáng, thâm trầm, ẩn ức, đồng thời lại còn có một Nguyễn Tư Nghiêm rực rỡ, lãng mạn. Chưa hết, còn đó lưu danh một cái tên lững lẫy Nguyễn Gia Trí sang trọng cung đình. Vậy ta sẽ là cái gì đây? Câu hỏi ấy trăn trở ngày đêm trong tâm trí Hoàng Đình Tài. Lúc này còn có thể coi là sự thay máu cho một cơ thể sơn mài mới, một hơi thở mới, một nhịp đập mới trong dòng chảy sáng tạo. Đó là câu chuyện bứt phá, khi Hoàng Đình Tài từ bỏ cuộc sống công chức sau khi ra trường, làm 10 năm ở Xưởng Mỹ thuật Trung ương (1980-1990), về làm họa sĩ tự do. Đó là một quyết định táo bạo của một chiến sĩ Trường Sơn năm nào.

Sau 20 năm dấn thân thực sự vào niềm đam mê sơn mài, Hoàng Đình Tài đã có một dòng nghệ thuật mới, đúng với nghĩa đã tạo nên một nhịp điệu lạ cho bản hòa tấu hiện đại, trên cái nền sơn mài truyển thống. Ba lần triển lãm là ba lần Hoàng Đình Tài cho người xem thưởng thức ba cung bậc chuyển động trong sáng tạo về hình tượng và sắc màu trong tranh sơn mài của anh. Sự nổi trội của Hoàng Đình Tài ở nhịp điệu của đời sống tràn lên mặt sơn, náo nhiệt và rạo rực sức trẻ, khác hẳn những người đi trước, tranh của họ đều trầm tĩnh và biểu hiện ý tưởng kín đáo, với anh sáng cổ điển. Chính vì thế, ba lần triển lãm (1992-2000-2008) anh đã để lại cụm tranh “Nhảy múa”, “Tình yêu” hay “Nhạc rock”. Chúng là những vũ điệu mới của tranh sơn mài, với một cách xử lý màu hiện đại nhưng vẫn nằm trong cái cốt cách thuần Việt.

Quả là người xem đã bất ngờ với nhịp điệu sơn mài hiện đại của Hoàng Đình Tài. Sau hàng chục năm trăn trở sáng tạo, anh đã vượt ra khỏi cái rào cản sơn mài Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm hay Nguyễn Gia Trí để tìm ra cho mình một ngôn ngữ riêng. Hay với đúng nghĩa hơn, tranh sơn mài của anh có giai điệu của hình tượng và lời ca trong mầu sắc thật sống động, khẳng định một phong cách hội họa sơn mài. Họa sĩ Hoàng Đình Tài được Giải thưởng Nhà nước năm 2007, cũng vì lẽ đó, cùng với thành tựu hội họa, mà anh đóng góp trong thời kỳ Trường Sơn rực lửa, mãi mãi chẳng thể nào quên.

Vương Tâm
(vanhocquenha.vn)