Văn học của người Việt ở hải ngoại: Tình thế của văn chương di dân
Bức tranh văn học Việt Nam đương đại có thêm nhiều màu sắc về ngôn ngữ, tư tưởng, mĩ học cũng như tính địa lí, lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội... Bên cạnh tác phẩm của các nhà văn trong nước, văn đàn còn được góp tiếng nói bởi tác phẩm của những nhà văn hải ngoại viết bằng tiếng mẹ đẻ như Đi hết đường mưa (Phạm Hải Anh), China Town (Thuận) hay Oxford thương yêu (Dương Thuỵ)... Những nhà văn thuộc nền văn học di dân, sau khi được tái định cư ở ngoại quốc, bắt đầu tiếp xúc với những nền văn hoá mới. Do đó, bản thân họ luôn thường trực ở giữa những xung đột cũ và mới. Vấn đề này luôn được đặt ra trong các tác phẩm của họ. Tác giả Đào Trung Đạo trong cuốn sách Văn chương di dân viết về quê hương từ bên ngoài đã đặt ra ba câu hỏi để chúng ta cùng đi tìm câu trả lời. Đầu tiên, đối tượng của nhà văn di dân là ai. Thứ hai, tính trung thực trong mô tả quê hương của một người ở phía ngoài có đúng hay không. Cuối cùng, di dân luôn chứa những lai ghép về văn hoá, vậy người viết đứng trên lập trường nào để viết. Đó đều là những câu hỏi còn để ngỏ cho những nhà nghiên cứu phê bình tiếp tục khai thác.
Những nhà văn Việt ở hải ngoại - một cuộc di cư của văn chương
Hiện tượng người Việt di cư ra nước ngoài đã có từ trước thời điểm đất nước thống nhất (30/4/1975). Đó là những đợt di cư khác nhau với tâm thế khác nhau của các bộ phận người khác nhau.
Thế hệ nhà văn di cư đầu tiên như Nguyễn Mộng Giác, Tô Thùy Yên, Trần Mộng Tú… chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ. Thế hệ tiếp theo đã khác đi rất nhiều. Họ có thể sáng tác song ngữ, như Đinh Linh, Nguyễn Quý Đức, Đỗ Kh… Họ là thế hệ khoảng giữa, là cầu nối hai thế hệ. Một mặt, tiếng Việt và sợi dây kết nối với quê nhà của họ đủ tốt, không “mất gốc”, đồng thời, khả năng ngoại ngữ và thích nghi của họ cũng tốt để có thể tồn tại ở xứ người. Thế hệ này có người chuyển sang ngôn ngữ hoàn toàn mới: Mộng Lan (tiếng Anh), Linda Lê (tiếng Pháp)... Cũng như các nhà văn thuộc các cộng đồng gốc Á khác vốn sinh ra ở Mĩ hoặc sang Mĩ khi còn nhỏ, những nhà văn như vừa kể chọn lựa viết văn bằng tiếng nước khác có thể vì họ không giỏi tiếng Việt, họ thích và thích nghi tốt với văn hoá của nước nơi họ đang định cư. Cái nhìn cố quốc “từ bên ngoài” tạo lợi thế khi sáng tác đồng thời cũng là thách thức đối với các nhà văn này. Việc làm chủ được ngôn-ngữ-của-đa-số giúp cho sáng tác của họ có số lượng độc giả khá đông đảo.
Tình thế của cuộc sống hình thành nên những giai đoạn sáng tác của các nhà văn di dân. Giai đoạn đầu tiên in dấu khá rõ bối cảnh về sự tan vỡ cuộc sống yên ổn trước đây. Trên vùng đất mới, thế hệ những người di cư đầu tiên còn gặp khó khăn do khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ nên không thể hòa nhập nhanh chóng. Sự cô đơn của người già, sự chối bỏ căn tính trong một “cộng đồng người Việt”, sự li tán của gia đình, sự chia rẽ nội bộ cộng đồng di tản… cũng là áp lực lớn mà họ phải đối mặt. Những gam màu u ám đó luôn là phông nền chủ đạo trong các câu chuyện của Hồ Trường An (Hoà hợp), Nguyễn Bá Trạc (Ngọn cỏ bồng) hay Huy Phương (Hạnh phúc xót xa)... Chẳng hạn, tác phẩm Hạnh phúc xót xa của Huy Phương nói đến những tình cảnh của người Việt tại Mĩ. Đó là những dằn vặt, mâu thuẫn, đấu tranh của nhân vật khi đứng trước quá nhiều khó khăn trong hoàn cảnh sống tha hương.
Cùng với thế hệ di cư đầu tiên, thế hệ di cư tiếp theo sẻ chia lòng yêu mến tiếng Việt, nhưng không sẻ chia gánh nặng tình cảm đối với quá khứ. Người đọc thấy trong tác phẩm của họ sự khắc khoải kiếm tìm tình yêu, hi vọng, niềm tin… Có nhiều người ra đi và đã quay trở về như Nguyễn Quý Đức, Đặng Thơ Thơ... Đi những con đường tưởng khác nhau nhưng họ vẫn có điểm chung bởi những căn rễ đã ăn sâu vào máu thịt. Có thể, họ từ chối nguồn gốc, tự xem mình là người bản địa, thích nghi với văn hoá và lối sống bản địa một cách dễ dàng, thường xuyên có những xung đột với gia đình, cha mẹ - những thành viên thuộc thế hệ di dân thứ nhất..., nhưng đến khi có một sự kiện, một “thời điểm” nào đó trong cuộc đời, họ buộc phải nhìn lại thân phận, gốc gác của mình, và viết. Khi đó, những khao khát được nối kết, được gần lại những thân tình xưa cũ chợt hồi sinh (Thư chết, Linda Lê).
Là một bộ phận của văn học di dân, văn học dịch được thực hiện bởi các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu gốc Việt đã làm gần lại những khoảng cách địa lí và văn hóa. Việc giới thiệu văn học Việt Nam hải ngoại, văn học Việt Nam trong nước, hay quảng bá, giới thiệu các lí thuyết, trào lưu, trường phái văn học..., dịch thuật đã tạo nên môi trường thuận lợi cho quá trình tiếp cận, hiểu biết về nhau của cộng đồng tiếp nhận trong và ngoài nước. Nguyen Quy Duc cùng với John Balaban đã dịch truyện của Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân, Lê Minh Khuê… (Vietnam: A Traveler’s Literary Companion, 1996). Wayne Karlin và Trần Hoài Bắc dịch truyện của Hồ Anh Thái (Behind the Red Mist: Short Fiction by Ho Anh Thai, 1998). Trong nhịp điệu mới này, cần phải ghi nhận những nhà nghiên cứu nước ngoài có hứng thú và tấm lòng với văn học Việt Nam như John Balaban (dịch ca dao Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương…), Peter Zinoman (dịch Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, nghiên cứu về Nhân văn - Giai phẩm…) Nhìn lại, từ giữa những năm 1980, khi luồng gió đổi mới xuất hiện, giao lưu văn hoá, văn học giữa các nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại khởi sắc, các nhà văn gốc Việt bắt đầu dịch sang tiếng Anh những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Năm 1995, tuyển tập truyện ngắn dịch sang tiếng Anh do Truong Vu cùng với Wayne Karlin thực hiện được xuất bản là The Other Side of Heaven: Post War Fiction by Vietnam and American Writers. Tuyển tập bao gồm nhiều truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam và Mĩ viết sau chiến tranh như Nguyễn Mộng Giác, Andrew Lam, Lai Thanh Ha… Trong những động thái có tính không biên giới này, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một dẫn chứng tiêu biểu cho quá trình giới thiệu văn học trong nước ra thế giới bằng nỗ lực của các dịch giả hải ngoại và nước ngoài. Các tác phẩm văn học tiếng Việt tái sinh trong môi trường ngôn ngữ mới, văn hóa mới cho thấy văn học dịch ở hải ngoại trở thành một cầu nối không chỉ của cộng đồng người Việt xa quê hương với trong nước mà rộng hơn là cộng đồng văn chương thế giới với Việt Nam.
Văn học di dân - khắc khoải giữa hai chiều không gian
Trước đây, vì một số lí do khách quan, văn học di dân chưa được đón nhận nhiều ở nước ta. Trong bối cảnh “văn chương không biên giới” như hiện nay, chúng ta đã có cái nhìn cởi mở hơn, nền văn học dân tộc sẵn sàng “dang tay chào đón” một bộ phận không thể tách rời. Những tác phẩm văn học Việt Nam ở hải ngoại hoặc những tác phẩm không phải viết bằng tiếng Việt của các nhà văn gốc Việt cũng được xem như một sắc thái văn hóa Việt Nam ở các nước sở tại.
Linda Lê tự nhận mình là một “nhà văn vô xứ”, hay “kẻ không nhà” (unhoused). Cô để tâm hồn mình trôi vô định giữa hai khoảng không gian: quê gốc và trú xứ. Ở không gian nào, những người như Linda Lê cũng cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Bên cạnh những kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ, quê gốc còn gắn với ẩn ức, nỗi cô đơn, mất mát. Ở không gian này, họ quay quắt nhớ nhung, nhưng nếu có cơ hội hồi hương, họ lại chối từ. Còn trong không gian thứ hai, họ luôn bị đòi hỏi một nỗ lực quá lớn, với xuất phát điểm là hai bàn tay trắng. Các tác phẩm của họ bộc lộ nhiều nỗi bất an, chìm đắm trong đau thương, giằng xé, khi mà nghiêng về bên này là nỗi đau, nghiêng về bên kia lại là sự cô quạnh. Nhân vật người cậu trong tác phẩm Vu khống của Linda Lê là một ví dụ khi lựa chọn bệnh điên để cự tuyệt với gia đình, để được cô đơn và thoát khỏi những ám ảnh về gia đình nhiều rắc rối và tàn nhẫn.
Trong phần lớn các tác phẩm của dòng văn học di dân, không khó để nhận ra những kí ức vụn gãy, rạn nứt, thiếu hụt mảnh đất quê hương của các tác giả. Bởi vì đã từng mất đi hoặc không có được, nên họ ra sức níu giữ và tái hiện chúng, từ sự vui sướng, hạnh phúc đến đau đớn, phũ phàng. Các nhân vật trong tác phẩm văn học di dân luôn để tâm hồn mình trôi vô định ở một nơi chốn nào đó mà không phải là không gian xác định. Họ phải đối mặt với nỗi niềm tuyệt vọng từng phút từng giây. Đặt chân lên một miền đất hứa mới mẻ là họ phải bỏ lại quá khứ và quê hương phía sau lưng. Tình thế này ta bắt gặp ở Monique Truong, trong tác phẩm Sách muối. Người đọc không nhìn thấy những cảnh đẫm máu, chết chóc như trong những tác phẩm viết về chiến tranh khác, bởi tác giả đã khai thác cuộc sống dưới góc độ lương tri con người. Đó là lương tri của những người trong và sau chiến tranh, đồng thời cũng là những người di cư đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày của chính mình. Một nền văn học di dân có thể là phương tiện, cũng có thể là cách ghi chép lại lịch sử của những mảnh đời và số phận khác nhau, hoặc giản dị hơn, là một biểu tượng của đời sống. Nhà văn và trang viết của họ, dù là di cư địa lí hay ngôn ngữ, vẫn đang bền bỉ, khắc khoải với một đời sống riêng giữa những khoảng không gian đầy ám ảnh. Đó có thể là một hạt mầm được ươm thêm vào văn đàn Việt Nam. Nó không chỉ làm giàu cho văn học nước nhà, mà còn làm phong phú thêm cho nền văn hoá của đất nước họ đang sống.
Văn học di dân ngày nay có thể vẫn còn gây nhiều tranh cãi liên quan đến tính địa-chính trị hay quan điểm cá nhân, nhưng không thể phủ nhận, trong những trang viết của bộ phận văn học này, bản sắc dân tộc vẫn giữ vai trò cốt yếu, đã và đang là một tiếng nói cần được lắng nghe nhiều hơn trong không gian nghiên cứu phê bình đương đại. Đó không chỉ là câu chuyện về tác phẩm nghệ thuật, mà còn là về cuộc đời, về số phận con người.
(vannghequandoi.com.vn)