Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết “Trong vô tận” của Vĩnh Quyền
Giải thưởng Văn học Đông Nam Á/ Southeast Asian Writers gọi tên nhà văn Vĩnh Quyền (nguyên Trưởng VPĐD báo Lao Động tại miền Trung-Tây nguyên) với “Trong vô tận” (NXB Trẻ, 2019). Tác phẩm này đã nhận Giải nhì Giải Tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Lời kể, lời tả và lời bình luận trong Trong vô tận được tác giả tạo nên nét riêng biệt. Các kiểu lời đó đậm dấu ấn cảm quan lịch sử lẫn tố chất văn hóa hoàng gia trong ngòi bút Vĩnh Quyền. Ông từng chinh phục người đọc bởi vẻ quý phái trong Qua miền phủ đệ, tập tản văn về cố đô Huế, với tư cách là một người con của Huế, một hậu duệ của hoàng gia. Trong tiểu thuyết cũng vậy, văn phong của Vĩnh Quyền thư thái, ung dung. Lối kể chậm rãi, khoan thai đó phù hợp với kiểu truyện giàu chất hồi cố như Trong vô tận.
Ngôn ngữ kể chuyện mang tính tự thuật trong Trong vô tận luôn nặng cảm xúc và suy tư, thể hiện nội tâm phức tạp của nhân vật. Với người kể chuyện 1, nhân vật người con, giọng kể dường như là sự khẳng định những chiêm nghiệm của chính mình: “Với tôi, hình thức ngôn từ nào, kể cả thơ và nhạc,đều bất lực và thậm chí lệch lạc khi cất tiếng nói về mẹ, dẫu với chính mình, vì khi ấy mẹ là nhân vật, là khách thể. Tôi chỉ muốn kết nối với mẹ bằng sợi nhau vô hình trong niềm cô quạnh vô biên của vũ trụ” (tr.21). Ngôn từ thật nhẹ nhàng nhưng da diết nỗi niềm.
Dòng hồi ức miên man trong cơn hôn mê của người kể chuyện 2, nhân vật người cha, cũng thấm đẫm cảm xúc, dù là với những kỉ niệm khô khan nhất của tuổi thơ. Mỗi đứa trẻ trong gia đình Tôn Thất của ông đều phải chép gia phả như một cách tìm hiểu dần lịch sử dòng tộc.
“Bài học vỡ lòng về lịch sử dòng tộc và đất nước cứ tự nhiên chảy thấu vào kí ức mỗi đứa trẻ… bởi sao chép là một cách ghi nhớ có hiệu quả. Khi đứng tuổi, có dịp về phủ thờ, mở xem cuốn gia phả chính tay mình cày cục chép, ai cũng xúc động như đang khẽ chạm vào tuổi thơ, chạm vào một thời đẹp đẽ đã xa và khôngthể không bật cười rớm nước mắt thấy lại nét chữ non dại của mình ở những chương đầu” (tr.48).Trong lời kể đan lồng lời tả và bình luận, ngôn ngữ kể chuyện trở thành ngôn ngữ độc thoại, đối diện với chính mình trong nỗi xúc động về một kỉ niệm đã xa.
Có những trường đoạn ngôn ngữ kể chuyện của Trong vô tận xen lẫn miêu tả, có sức lay động hồn người từ không gian, thời gian cho đến hành động và suy nghĩ của nhân vật. Với người kể chuyện 2,từ khi còn là thơ ấu, cậu đã chú ý đến thanh kiếm treo đầu giường ông nội. Cậu kể lại rằng, toàn thấy ông đem kiếm ra lau bụi, mà cậu thì rất muốn được xem ông múa kiếm.
Ông cười, giọng trầm hẳn và xa xôi: “Thời của kiếm cũng như thời của ta qua lâu rồi” (tr.135). Cuối cùng, cậu cũng được xem ông múa kiếm, nhưng không như mong đợi. Cuối thu năm ấy, trời lạnh nhẹ, gió khuya bỗng thổi mạnh,cậu bé tỉnh giấc nhìn ra sân, “sửng sốt với cảnh ông điều khiển xe lăn bằng tay trái, nhanh nhẹn tiến thoái, xoay trở trong khi tay phải múa thanh kiếm vun vút giữa cơn mưa lá vàng đêm trở gió. Hết bài kiếm, người ông rũ xuống như chẳng còn sức lực, hai vai nhô lên rung khẽ. Không nghe nhưng tôi biết ông khóc. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi thấy ông khóc… Rồi tôi nhận ra vị mặn nước mắt trên môi mình.
Khi tôi quyết định mở mắt ra, ông tôi và chiếc xe lăn đã biến mất, gió cũng thôi xao xác, chỉ xác lá còn vương vãi trên sân im ắng” (tr.136). Đây không chỉ là cảnh (dù cảnh rất đẹp) hay mộtmàn nghệ thuật (dù nghệ thuật cao siêu), mà còn là tình – tình của người xem và của người múa kiếm. Người xem thì cảm thông, người múa kiếm thì chua xót. Không một lời giãi bày hay an ủi, sự im lặng của con người, của đất trời như thấu được nỗi buồn của người người tráng sĩ chí lớn chưa thành thân đã bại, anh hùng để hận đến nghìn năm.
Ngôn ngữ văn chương của Trong vô tận giàu tính triết luận và luận đề. Vì thế, rất nhiều thông điệp được chuyển tải trực tiếp đến người đọc: “Một đất nước như Việt Nam, nếu được cho là cường quốc vào một thời kì nào đó, thì xuất phát điểm không hoàn toàn thuộc về thành tựu khoa học, kinh tế, quân sự mà chính là sự hưng thịnh của nguyên khí quốc gia. Nói cách khác, tùy thuộc vào việc đào tạo hiền tài và sử dụng hiền tài”; “Người Việt khác người Hoa, một trong nghìn cái khác là xã hội người Việt không tồn tại giới hiệp khách giang hồ.
Người Việt xưa chỉ động đến cây thương, thanh kiếm khi tính mạng bị đe dọa, đất nước bị xâm lăng. Đuổi giặc rồi, họ quay về với con trâu cái cày, với ca dao. Có lẽ vì vậy, hầu như người Việt không có những danh tướng sở hữu vũ khí tinh xảo quý giá hay lưu danh thiên cổ. Bảo tàng Trung Hoa, Nhật Bản giữ được nhiều bảo kiếm của các nhân vậtlịch sử, còn bảo tàng của ta chỉ có vài thanh kiếm cũ cùn mẻ, han gỉ là vậy” (tr. 222, 137). Chínhnhững câu nói mang tính suy nghiệm đó đã khiến cho người đọc cảm thấy như đang trò chuyện vớinhững nhà thông thái khi đọc Trong vô tận.
Qua cách miêu tả của Vĩnh Quyền, không gian Trong vô tận đẫm chất thơ, chất thiền của văn hóa Huế. Chính đặc trưng văn hóa đã đem lại cho tác phẩm một phong cách nghệ thuật độc đáo. Chỉ cần điểm xuyết trong không gian truyện một vài chi tiết, vài hình ảnh, vài ngôn từ, thì cái chất quý tộc, chất cố đô đã hiển hiện: “Hàng năm vào hai dịp tết và hè, đại gia đình tôi tổ chức cho con cháu khắp nơi về phủ thờ gặp nhau để sau này biết anh biết em, vừa vui chơi vừa tìm hiểu dần lịch sử dòng tộc, trong đó có mục chép gia phả”; “Cái cổng mái vòm ngoài đời trông chẳng khác mấy trong ảnh chụp…
Từ dạo ấy, nơi đây đã rêu phong đến độ không thể rêu phong hơn”; “Hạnh đưa tôi lên chùa cổ lưng chừng núi Kim Phụng đầu nguồn sông Hương, nơi bảy đời gia đình tôi quy y” (tr.48, 84, 81). Không gian hoài cổ, không khí tịch liêu, lễ nghi nghiêm túc và cách giới thiệu “bảy đời gia đình tôi” chính là chất Huế không lẫn vào đâu được. Đôi khi, văn chương khiến người ta rung cảm chỉ vì một vài chữ gieo thả tự nhiên như chảy ra từ trong huyết thống của người cầm bút. Một vài chữ đó trong văn của Vĩnh Quyền là bóng dáng của thời hoàng kim một đi không trở lại của xứ Huế…
Chạm đến hầu hết những “chủ đề vĩnh cửu” của văn chương nên nội dung của Trong vô tận đề cập muôn mặt của cuộc sống. Đồng thời, kết cấu dung hợp thể loại đã khiến cho ngôn ngữ của văn bản mang tính liên văn bản. Để trình bày quan điểm lịch sử, chính trị, nhân vật của Trong vô tận thường sử dụng kiểu ngôn ngữ giàu tính chính luận và tính khoa học như những trích dẫn minh chứng để tăng tính thuyết phục. Cuộc tranh luận giữa người kể chuyện 1 và người bạn làm báo về đề tài “Nước Đại Nam – cường quốc Đông Á” là sự kết hợp thành công giữa văn phong nghệ thuật và văn phongkhoa học: “Nghĩ xem, một nước ba lần cản vó ngựa quân Mông Cổ từng chinh phục Trung Hoa, Nga, hàng chục nước Tây Á và châu Âu mà không cường quốc thì là gì? Một nước hơn một ngàn năm, từ năm 111 trước công nguyên đến năm 905 không ngừng kháng chiến chống Tàu để cuối cùng giành được độc lập mà không cường quốc thì là gì?
Người Pháp chỉ cần ba tháng đến ba năm để đánh bại và đặt nền đô hộ lên hàng chục nước trên thế giới, nhưng phải mất ba mươi năm mới lập được chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam, đất nước như vậy không cường quốc thì là gì? Trong hồi kí L’Empired’Annam xuất bản năm 1904 của đại úy Charles Gosselin và hồi kí L’Indochine Francais xuất bảnnăm 1905 của toàn quyền Paul Doumer, về sau là Tổng thống Pháp, đều tự hào nước Pháp của họ thắng được một cường quốc tại Đông Á là Annam” (tr.17). Việc chêm chen ngôn ngữ khoa học vào tiểu thuyết là mục đích nghiên cứu quá khứ để có một tầm nhìn rõ hơn về hiện nay chứ không xuất phát từ tâm thế của típ người xem quá khứ mới là thời hoàng kim. Đó chính là mục đích sử dụng ngôn ngữ mà Vĩnh Quyền đã bày tỏ.
Theo nhà nghiên cứu Lã Nguyên, “văn bản nghệ thuật không phải là cái bọc đựng nghĩa một cách thụ động, mà là tổ chức truyền đạt, lưu giữ và sáng tạo thông tin”, “nó là thiết chế có phẩm chất trí tuệ”. Thiết chế đó trong cấu trúc của Trong vô tận là sự đa dạng của chủ đề, cốt truyện và kết cấu; được Vĩnh Quyền tổ chức từ một kiểu “ngôn ngữ đặc biệt” với mã văn hóa riêng thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của một cây bút mang phong cách hậu hiện đại. Được chưng cất từ văn hóa và lịch sử, đồng thời mang đậm hơi thở của thời đại, ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn Vĩnh Quyền trong tiểuthuyết Trong vô tận vừa sống động, vừa mực thước, đa biến và ảo diệu. Ngôn ngữ nghệ thuật đã là một ấn tượng đặc biệt mà Trong vô tận khắc ghi trong sự tiếp nhận của người đọc. Đó cũng là điểm để khẳng định thành công trong cấu trúc văn bản nghệ thuật của tác phẩm.
(laodong.vn)