Danh nhân Đào Tấn: Một đời không ít thăng trầm...

05.08.2019


Đào Tấn (1845 - 1907) - Danh nhân Văn hoá, nhà thơ, soạn giả tuồng nổi tiếng, ông quan triều Nguyễn tận trung với nước, tận hiếu với dân - đã đi vào cõi vĩnh hằng cách đây hơn một trăm năm...
Năm ông qua đời, cha tôi tuy mới lên 5 tuổi nhưng đã được xem nhiều tích tuồng của Đào Tấn. Sau này lớn lên, là một nghệ sĩ tuồng, ông rất kính trọng tên tuổi và tài năng lớn lao của nghệ nhân Đào Tấn.

Danh nhân Đào Tấn: Một đời không ít thăng trầm...

Người dân xứ Nghệ chúng tôi, trong đó có các nghệ sĩ tuồng truyền thống, rất tự hào vì đã theo bước chân cụ Đào, gìn giữ lấy nghệ thuật tuồng mà Đào Tấn đã xây dựng, phát triển trên mảnh đất hát phường vải, hát ví, giặm, ca trù... nổi tiếng.

Và nghệ thuật hát bội Bình Định, nhờ công lao của cụ Đào, đã thăng hoa rực rỡ, đạt tới những đỉnh cao chói lọi với thời gian mười năm, ở chính trên mảnh đất quê hương Lam Hồng địa linh nhân kiệt...

 


Tại Kinh thành Huế và thành Vinh (thủ phủ An - Tĩnh), hoạt động nghệ thuật của hậu tổ tuồng Đào Tấn chủ yếu diễn ra tại hai rạp hát “Duyệt Thị Đường” (rạp hát của triều Nguyễn trong Đại Nội được hình thành từ đời vua Minh Mạng); còn rạp “Như Thị Quan” là rạp hát của riêng Đào Tấn cho dựng trong dinh Tổng đốc An - Tĩnh , từ khi ông đến nhậm chức. Phải nói rằng, từ “Duyệt Thị Đường” đến “Như Thị Quan” là cả một cuộc cách mạng trong thế giới quan, nhân sinh quan và trong nghệ thuật tuồng hát Đào Tấn…Đào Tấn đã làm quan dưới triều Nguyễn hơn 30 năm. Ngoài hơn 2 năm đi làm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình) và một thời gian ngắn làm Tổng đốc Nam Ngãi; ông sống ở Kinh thành Huế gần 18 năm với các chức vụ Hiệu thư, Phủ doãn Thừa Thiên, bốn lần làm Thượng thư các bộ Lễ, Hình, Binh và sống ở An - Tĩnh (tức Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay) hơn 10 năm; với hai lần làm Tổng đốc từ 1889 đến 1894 và 1898 đến 1902. Như vậy là, ngoài quê hương Bình Định; có thể nói, Kinh thành Huế và vùng đất An - Tĩnh có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ, nhà hoạt động Tuồng kiệt xuất Đào Tấn.

Thế rồi, trên cương vị Phủ doãn Thừa Thiên - ông quan tưởng chừng chỉ biết làm thơ, hát bội này - đã thế vua hành đạo, dùng thượng phương bảo kiếm do Thành Thái trao, xử chém Bồi Ba, một tên tay sai thân tín của Khâm sứ Pháp và Nguyễn Thân; gây nhiều tội ác với dân lành vùng Đông Ba, An Cựu ở Huế. Vì thế, Khâm sứ và Nguyễn Thân ép vua Thành Thái điều Đào Tấn ra làm Tổng đốc An - Tĩnh, hòng mượn tay phong trào Cần vương xứ Nghệ trừ khử ông tại vùng đất nóng bỏng này.

Rời chốn kinh kỳ, nơi ông đã sống hơn 15 năm, đã thành danh một vị quan thanh liêm, cương trực; được triều đình ban tặng các chữ vàng “Thanh - Thận - Cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “Bất úy cường ngự” (Không sợ uy vua); một nhà biện tuồng được vua bút phê là “Kỹ thuật thần diệu”; để đến với một vùng đất được coi là hết sức dữ dằn, nghèo kiết, lại bị tàn phá kiệt quệ trong loạn lạc là An - Tĩnh.

Đối với nhiều quan lại đương thời, có lẽ đó là một sự đày ải khủng khiếp, nhưng với Đào Tấn, đây lại là một niềm vui, một sự giải thoát lớn, để ông bắt đầu những sáng tạo nghệ thuật mới.

Trước khi ra tựu nhiệm ở An - Tĩnh, Đào Tấn đã là một nhà soạn tuồng nổi tiếng. Từ ngày bước vào cửa quan, Đào Tấn may mắn được ăn lộc vua để làm việc soạn tuồng, một công việc mà ông rất say mê. Hơn mười năm ở trong cung với ông vua mê hát bội Tự Đức, Đào Tấn đã viết được nhiều bộ tuồng như “Đãng khấu”, “Bình địch”, “Tứ quốc lai vương”, “Tam bảo thái giám thủ bửu”, “Quần trân hiến thụy”; hàng chục pho tuồng dựa theo truyện Tàu và 36 hồi chót của “Vạn bửu trình tường” từng được Tự Đức bút phê “kỹ thuật thần diệu”.

Nhưng trừ vở “Tân Dã đồn” hay thường gọi là “Từ Thứ qui Tào” do ông “lén vua” viết để ký thác tâm sự, còn lại đều là những vở theo phụng sắc mà viết, có thể rất hay nhưng chưa phải là những gì tâm đắc nhất của ông. Khác với vua quan nho sĩ đương thời, hầu hết coi tuồng hát là trò mua vui, là nghề “xướng ca vô loại”, Đào Tấn hết sức đề cao vai trò và sức mạnh của tuồng hát.

Theo ông “Muốn làm mới mẻ dân trong một nước, không thể không làm hưng thịnh Tuồng hát. Do đó, muốn làm mới mẻ đạo đức... muốn làm mới mẻ tôn giáo... muốn làm hưng thịnh nghề học thì phải làm mới mẻ Tuồng hát. Đó là Tuồng hát chi phối con đường của người ta vậy”, và “Sức mạnh của Tuồng hát như thuỷ ngân chảy xuống đất, không có lỗ nào là không vượt qua.

Có thể nói là vĩ đại”… Thời đó, có những bậc thức giả coi “Truyện Kiều” của đại thi hào nguyễn Du là “dâm thư”, thì Đào Tấn lại hết sức ca ngợi: “Nguyễn hầu soạn Đoạn trường tân thanh hay vượt xưa nay, trong đó Vương Thuý Kiều há không phải là người đẹp trên đời không ai sánh kịp sao?”.

Và ông muốn nhà soạn tuồng cũng phải học Nguyễn Du “dùng bút mực tỏ rõ thảm cảnh của kỹ nữ, để làm đòn đánh đau vào sự tàn nhẫn độc ác của chính trị đương thời”. Đào Tấn muốn tuồng hát không chỉ là vật sở hữu của số ít người biết chữ, thông thạo văn chương mà còn phải là ngũ kinh, tứ thư của đông đảo quần chúng cần lao, thất học...

 Vì thế, chỉ khi được rời khỏi kinh thành và bắt đầu nhậm chức Tổng đốc An - Tĩnh, thoát được vòng cương toả của triều đình, một mình thống lĩnh một cõi, ông quan yêu nước Đào Tấn, nghệ sĩ tuồng Đào Tấn mới có cơ hội thực hiện những tâm đắc đó.Những quan niệm có tính chất cách mạng về tuồng hát trên đây của Đào Tấn khó có thể thực hiện được trong tuồng hát nô lệ ở cung cấm, trước những khán giả là vua quan, thư lại, hoàng gia, với những uý kỵ hà khắc, với “cánh cửa ngục văn tự” lúc nào cũng sẵn sàng mở ra, với “lưỡi gươm văn tự” lúc nào cũng sẵn sàng kề cổ…

Ngay khi đến Hoan Thành năm 1889, Đào Tấn đã cho dựng  rạp hát bội mang tên “Như Thị Quan”, bên cạnh đó là trường dạy hát bội mang tên “Học bộ đình”. Ông tận dụng gần như tất cả biên chế của nhân viên và lính tráng phục dịch dinh Tổng đốc, tập hợp về đây những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng nhất của đất tuồng Bình Định và của An - Tĩnh, cùng nhau tập luyện và biểu diễn tuồng.

Từ “Duyệt Thị Đường” ở Đại Nội đến “Như Thị Quan” ở thành Vinh, đã báo hiệu một sự thay đổi có tính chất cách mạng của tuồng hát Đào Tấn. Và mười năm trên đất Hồng Lam, tại “Như Thị Quan”, với sự xuất hiện của hàng loạt vở diễn khác hẳn về chất so với những tác phẩm trước đó như “Khuê các anh hùng”, “Sơn Hậu”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”, “Hộ sanh đàn”... cuộc “làm mới Tuồng hát” mà Đào Tấn hằng  ấp ủ bấy lâu đã diễn ra rất mạnh mẽ.

Trước hết, các vở diễn trên, dù về đề tài vẫn mượn tích Tàu, nhưng hoàn cảnh, nhân vật thì đã hoàn toàn Việt Nam; và tất cả đều nóng bỏng ý nghĩa thế sự, mang đậm tính chất chỉ trích, điều trước đây Đào Tấn đã không thể làm được ở tuồng cung cấm. Nếu “Trầm hương các” vạch mặt chỉ tên sự thối nát, thảm hại tột cùng của các bậc thiên tử, thì “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” với tiếng kêu thấu trời xanh của Hoàng Phi Hổ -“Cái chí trung quân nát vụn rồi”- đã chính thức đào huyệt chôn sâu cái tư tưởng trung quân lỗi thời còn ẩn náu đâu đó.

Và cuối cùng, với “Diễn võ đình” và “Hộ sanh đàn”, Đào Tấn đã mạnh dạn trao hy vọng, niềm tin cứu nước, cứu dân vào những người hiện đang bị đặt ngoài vòng pháp luật ở trên núi cao hoặc đang phải tha hương: Triệu Khánh Sanh và Tiết Cương; những người anh hùng đang phải vay rất nhiều nợ gian nan mà Đào Tấn từng nói rằng, đó là hình ảnh của các chí sĩ xứ Nghệ - Phan Bội Châu và Phan Đình Phùng - trên sân khấu của ông...

Đã trên một thế kỷ từ ngày Đào Tấn đi xa - nhưng một  nghệ sĩ lớn mà cuộc đời đã trải qua không ít thăng trầm đó - đã trở thành niềm tự hào của Bình Định quê hương ông; cũng như của xứ Nghệ và của cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử hình thành và phát triển nền sân khấu truyền thống dân tộc!

Lê Huy Quang
(vnca.cand.com.vn)