NHỮNG SAI BIỆT GIỮA BÀI THƠ TỤNG LỖ TẤN ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY, NON NƯỚC VÀ TRÊN NHÂN DÂN NHẬT BÁO

08.07.2021
Phan Nam Sinh
Cuối bài phát biểu tại Đại hội kỷ niệm 20 năm ngày Lỗ Tấn qua đời, tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1956, Phan Khôi có bài thơ Tụng Lỗ Tấn viết bằng tiếng Trung Quốc.

NHỮNG SAI BIỆT GIỮA BÀI THƠ TỤNG LỖ TẤN ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY, NON NƯỚC VÀ TRÊN NHÂN DÂN NHẬT BÁO

Phan Khôi tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lỗ Tấn ở Trung Quốc năm 1956
 
Tôi đã được đọc bài phát biểu và bài thơ ấy trên tờ Nhân dân nhật báo do chính Phan Khôi mang về từ Trung Quốc. Tiếc là một thời gian sau đó, tờ báo ấy đã bị thất lạc, bài thơ chỉ còn trong trí nhớ của tôi. Tôi đã bỏ ra nhiều năm để tìm tờ Nhân dân nhật báo có đăng bài phát biểu và bài thơ ấy, thậm chí còn nhờ cả lưu học sinh là sinh viên, nghiên cứu sinh tại Trung Quốc tìm hộ mà nhiều năm qua vẫn không có kết quả.
Vì vậy nên năm 1990, tôi đã dựa theo trí nhớ, phiên âm và dịch nghĩa bài thơ, đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay và sau đó đã được một vài tác giả đưa vào sách của họ.
Giữa năm 2020, tôi không chỉ phiên âm, dịch nghĩa mà còn thêm vào phần chữ Hán, dịch thơ và đã đăng trên tạp chí Non nước, số 267, ra tháng 5 năm 2020.
Phần nguyên văn và phần phiên âm bài Tụng Lỗ Tấn trong tạp chí ấy như sau, nay có thêm đánh số từng câu để tiện khi viết:
 
Nguyên văn:
1. 反孔子不为己甚
2. 打落水狗
3. 不宽恕谁
4. 反耶苏爱敌如友
5. 巍巍乎鲁迅无产阶级的圣人
6. 我深信此言不谬
7. 我读公书三十年
8. 恨不相见公死前
9. 千幸能及我死前
10. 得见公死新中国的天
 
Phiên âm:
Phản Khổng Tử bất vi dĩ thậm
Đả lạc thủy cẩu
Bất khoan thứ thùy
Phản Gia tô ái địch như hữu
Nguy nguy hồ Lỗ Tấn vô sản giai cấp đích thánh nhân
Ngã thâm tín thử ngôn bất mậu
Ngã độc công thư tam thập niên
Hận bất tương kiến công tử tiền
Thiên hạnh năng cập ngã tử tiền
Đắc kiến công tử tân Trung Quốc đích thiên.
 
Gần đây, tôi đã tìm được bài thơ Tụng Lỗ Tấn đăng trên Nhân dân nhật báo điện tử Trung Quốc, ngày 20 tháng 10 năm 1956 như sau:
Nguyên văn:
1. 反孔子”不为己甚”
2.“打落水狗” , “不宽恕谁”
3.反耶苏“爱敌如友”。
4.巍巍乎鲁迅“无产的圣人”
5.我深信此言不谬。
6.我读公书卅年,
7.恨不相见公死前,
8.偏幸能及我死前,
9.得见公死后新中国的天!
 
Phiên âm:
Phản Khổng Tử “bất vi dĩ thậm”
“Đả lạc thủy cẩu”, “bất khoan thứ thùy”
Phản Gia tô “ái địch như hữu”.
Nguy nguy hồ Lỗ Tấn “vô sản đích thánh nhân”
Ngã thâm tín thử ngôn bất mậu.
Ngã độc công thư tạp niên
Hận bất tương kiến công tử tiền,
Thiên hạnh năng cập ngã tử tiền,
Đắc kiến công tử hậu tân Trung Quốc đích thiên!
 
Bài đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay và Non nước so với bài vừa tìm thấy trên Nhân dân nhật báo điện tử có một số sai biệt như sau:
Bài trên Kiến thức ngày nay và Non nước gồm 10 dòng, bài trên Nhân nhân nhật báo điện tử chỉ có 9 dòng, do câu “打落水狗”, “不宽恕谁” (đả lạc thủy cẩu, bất khoan thứ thùy) Nhân dân nhật báo in thành một dòng, nhưng lúc đăng Kiến thức ngày nay và Non nước, người viết vì không nhớ rõ nên để thành hai dòng.
Bài trên Kiến thức ngày nay và Non nước không có mở đóng ngoặc kép ở các câu nói của các nhân vật nổi tiếng, cũng không có các dấu chấm câu như bài đã tìm thấy trên Nhân dân nhật báo điện tử.
Câu thứ 4 bài đăng trên Kiến thức ngày nay và Non nước thừa hai chữ “giai cấp” (阶级). Chữ đầu tiên câu thứ 8 trên Kiến thức ngày nay và Non nước viết là 千(thiên) tức là “nghìn”, đúng ra phải là 偏 (thiên) nghĩa là “lệch” như trong bản Nhân dân nhật báo điện tử. Câu thứ 10 trên Kiến thức ngày nay và Non nước thiếu chữ “hậu” (后) sau chữ “tử” (死); cả câu này phải là 得见公死后新中国 的天! (đắc kiến công tử hậu tân Trung Quốc đích thiên) như trong Nhân dân nhật báo mới đúng.
Riêng câu thứ 7 đăng trên Kiến thức ngày nay và Non nước (tức câu thứ 6 ở bản Nhân dân nhật báo điện tử, xin được nói kỹ hơn một chút.
Theo trí nhớ của tôi, khi đăng Nhân dân nhật báo, ra ngày 20 tháng 10 năm 1956 mà tôi đọc được chừng nửa tháng sau đó, do chính Phan Khôi mang về từ chuyến đi Trung Quốc, thì câu này là 我读公书三十年 (ngã độc công thư tam thập niên) chứ không phải là 我读公书卅年 (ngã độc công thư tạp niên) như trên Nhân dân nhật báo điện tử vừa tìm được. Điều này khiến tôi ngờ rằng, khi số hóa Tụng Lỗ Tấn của Phan Khôi, người Trung Quốc do không quen với cách đọc Hán Việt của ta, và để tiện lợi, họ đã tự ý thay “tam thập” (三十) bằng “tạp” (卅), bởi “tam thập” (三十) hay “tạp” (卅) đều có nghĩa là “ba mươi”. Bớt đi một âm tiết, rõ ràng đã làm cho câu thơ mất đi cái vẻ uyển chuyển, vốn là đặc tính của tiếng Việt.
Như vậy là, Tụng Lỗ Tấn tôi viết theo trí nhớ đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay và Non nước và Tụng Lỗ Tấn vừa tìm được trên Nhân dân nhật báo điện tử, tuy có một số sai biệt nhưng không đáng kể, không ảnh hưởng đến nội dung và hình thức nghệ thuật bài thơ.
Vì Tụng Lỗ Tấn từng đăng tạp chí Non Nước, một tạp chí uy tín và có nhiều người đọc; vả lại, trước đó cũng đã có một số tác giả đưa vào sách của họ, dựa trên Tụng Lỗ Tấn đã đăng tạp chí Kiến thức ngày nay nên tôi viết bài này, đăng tạp chí Vanviet.info xem như là để đính chính những thiếu sót của bài đã đăng trước.
Vì bài đã khá dài nên tôi không đưa phần dịch nghĩa và dịch thơ vào đây. Bạn đọc nào muốn biết, xin mời xem tạp chí Non nước, số 267, ra tháng 5 năm 2020 hoặc Vanviet.info ngày 2 tháng 1 năm 2021.
 
27-6-2021
Phan Nam Sinh