Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích: Tìm trong xưa cũ
Lê Bích sinh năm 1972, có 12 năm cầm máy ảnh. Bàn chân anh đã đi rất nhiều nơi, rong ruổi tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống. Lê Bích đặc biệt yêu mến các làng nghề, quan tâm đến số phận của những con người đóng góp công sức của mình vào gìn giữ, phát triển những nét đẹp độc đáo, tinh hoa của làng nghề. Những giá trị xưa cũ, truyền thống có nguy cơ mất đi luôn cuốn hút ống kính của Lê Bích.
Bảo tàng Phụ nữ vừa trưng bày triển lãm tranh của Lê Bích với chủ đề người phụ nữ trong những làng nghề Việt.
Bích kể, rất vô tình, những bức ảnh chụp phụ nữ của anh lọt vào "mắt xanh" vị nữ Giám đốc Bảo tàng. Chị cảm thấy đồng cảm và xúc động về những ân tình của nghệ sĩ nhiếp ảnh với những người phụ nữ bình thường trong xã hội và quyết định làm một triển lãm ảnh "miễn phí" cho Lê Bích.
Triển lãm "Sắc màu cuộc sống" của anh đã thu hút rất nhiều người xem. Với Lê Bích, trong số 5 triển lãm cá nhân đã từng, thì triển lãm về những người phụ nữ lần này anh dành nhiều tâm huyết nhất. Anh nói: "Mình đã đi đến 300 ngôi làng và rất hiểu cuộc sống của những người phụ nữ, đặc biệt trong những làng nghề cổ truyền. Mình thấy vai trò của phụ nữ ở những làng nghề như vậy rất rõ nét. Họ chính là những người điều tiết kinh tế gia đình, nuôi chồng nuôi con.
Nghệ nhân Vũ Thị Minh Tâm làm đồ chơi Trung thu cho trẻ em.
Tình yêu làng nghề của Lê Bích xuất phát từ những ký ức tuổi thơ. Anh sinh trưởng trong một gia đình có bố là nghệ nhân sơn mài dạy nghề. Từ nhỏ, Lê Bích luôn được bố đưa tới các làng nghề thủ công. Anh tiếp xúc với những nghệ nhân và công việc của họ trong những ngôi làng cảnh sắc đẹp như tranh vẽ.Đằng sau những ông nghệ nhân nổi tiếng luôn là những bà vợ đảm đang. Những người phụ nữ trong các làng nghề, họ không chỉ làm kinh tế, mà còn là giữ gìn các giá trị quý báu của nghề. Họ chính là những người gìn giữ các giá trị văn hóa".
Lớn lên, chàng trai Hà Nội quyết định theo đuổi công việc của một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Và rong ruổi khắp các ngôi làng trên dải đất hình chữ S, Lê Bích càng thêm yêu kho tàng văn hóa dân gian khổng lồ mà cha ông bao đời kiến tạo nên. Yêu những mái đình, giếng nước, những chiếc cổng làng lưu giữ rất nhiều giá trị của ký ức, Lê Bích không quên con người - chủ thể sáng tạo văn hóa.
Anh đau đáu số phận những làng nghề trong thời đại công nghệ nhiều cạnh tranh, và đau đáu những số phận con người trong những làng nghề đó. Lê Bích đặc biệt cảm thông với công việc và cuộc sống của những người phụ nữ đằng sau những ngôi làng nghề.
Anh chia sẻ: "12 năm trước, khi bắt đầu cầm máy ảnh, quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ đối với mình còn khác lắm. Lúc ấy mình nghĩ phụ nữ đẹp là phải xiêm áo lộng lẫy. Nhưng giờ thì mình đã nhìn cái đẹp của người phụ nữ trong một chiều kích khác, nó dung dị đời thường hơn. Tuy nhiên mình vẫn muốn giữ một chút gì duy mỹ trong cái đẹp của họ. Mình chụp ảnh những người phụ nữ trong công việc của họ, thậm chí là lấm lem, nhưng vẫn có ý thức làm sao để cái đẹp đó không quá trụi trần. Nó phải mang ý nghĩa mỹ cảm nhiều hơn. Chân thực nhưng vẫn phải duy mỹ.
Cụ thể trong những bức ảnh triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ đang diễn ra, mình chụp những người lao động nữ trong các làng nghề. Vẫn là những con người cụ thể tự nhiên với công việc hằng ngày của họ, nhưng mình chọn góc chụp, bố cục, ánh sáng làm sao để tôn họ lên nhất. Có ảnh mình chọn chụp ban đêm, bởi bóng tối có thể xóa những chi tiết chưa đẹp xung quanh công việc của người phụ nữ. Hay tấm ảnh mình chụp người phụ nữ ngồi vá lưới trên bãi biển màu xanh, những tấm lưới màu xanh, rất hòa quyện".
Người phụ nữ đó tên Ngần, 32 tuổi, có 2 con. "Ý đồ của tôi là chụp một người tiêu biểu cho kiểu phụ nữ dấn thân trong làng nghề. Ngần 32 tuổi, ở tuổi con bắt đầu cần mẹ trong việc nuôi dạy, hướng dẫn học hành. Nhưng vì chồng không làm ra tiền, cô phải dấn thân làm một công việc có thể nói là vô cùng vất vả. Công đoạn nhúng hương là công đoạn cực nhọc nhất, vì nó là công đoạn quyết định mùi thơm của hương, đây vốn là một loại hương cao cấp.12 năm cầm máy theo đuổi đề tài chụp ảnh người phụ nữ trong các làng nghề, Lê Bích chọn ra 40 tấm ảnh để triển lãm. Có những bức ảnh phải chụp đi chụp lại nhiều lần, trong nhiều năm mới đạt đến độ ưng ý. Lê Bích kể chuyện thuyết phục các nhân vật cho mình chụp ảnh cũng nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, khi đến làng làm hương Cao Thôn, Bảo Khê, Hưng Yên, anh phải mất 2 ngày mới chọn được nhân vật phù hợp cho ý tưởng của mình.
Mình vào xưởng, cùng "dấn thân" với Ngần trong công việc của cô ấy, và thấy rằng, nó còn cực nhọc hơn cả sự tưởng tượng của mình. Trong xưởng nóng kinh khủng, nhưng không được bật quạt vì nếu có gió, bụi hương sẽ bay khắp nơi. Dù vậy, không gian trong xưởng cũng đã đủ mịt mù rồi. Ngần phải mặc quần áo thật dày, trùm khăn và mũ kín đầu chỉ hở hai con mắt. Mình cũng phải dùng khăn rằn bịt kín đầu để vào xưởng chụp ảnh Ngần. Mình chụp nhiều lắm, nhưng bức ảnh triển lãm là bức mình ưng nhất. Bức ảnh đó nhấn vào đôi mắt của Ngần, như một cách nói về thân phận của người phụ nữ trong công việc họ lựa chọn".
Công việc của người dân trong các làng nghề Việt gần như không còn xa lạ đối với Lê Bích. Anh nhớ những buổi chụp ảnh phụ nữ trong xưởng đúc đồng ở làng nghề Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hôm đó trời nóng 40 độ, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng trong xưởng, những người phụ nữ vẫn miệt mài với công việc của mình.
Thời buổi công nghệ rồi, nhưng công việc ở những làng nghề này vẫn thủ công như hàng trăm năm trước. Đồng cảm, trắc ẩn trước sự vất vả của người phụ nữ, vì thế những bức ảnh Lê Bích chụp luôn mang lại một cảm xúc mạnh đập vào trái tim người xem. Tôi nhớ mãi một bức ảnh những người phụ nữ làm công việc dọn vệ sinh trên đường phố cúng giao thừa ở một góc phố nhỏ mà Lê Bích chụp.
Trong thời khắc chuyển giao đó, khuôn mặt của những người phụ nữ trong ảnh kể cho chúng ta nhiều nỗi niềm chung riêng khó có thể kể xiết. Lê Bích nhớ lại, anh theo chân tổ quét rác đó trong suốt đêm giao thừa 3 năm liền. Năm nào cũng chụp, nhưng đến năm thứ 3 mới có tấm ảnh ưng ý. Giây phút giao thừa, giây phút mà nhà nhà quây quần bên nhau, thì các chị lại phải lao động vất vả ngoài đường.
Vẻ đẹp hồn hậu của người phụ nữ làng nghề qua ống kính Lê Bích.
Xem ảnh Lê Bích chụp những người phụ nữ, phảng phất đâu đó một nỗi sẻ chia, xót xa của anh với những phận người. Những người phụ nữ ngồi trong ánh đèn mờ mờ tỏ tỏ ở khu chợ đầu mối, lúc đêm khuya về sáng giá lạnh, chờ xem có ai thuê việc gì thì làm để kiếm sống. Mỗi người đuổi theo một suy nghĩ. Thức cùng họ những đêm như vậy, Lê Bích cũng ngồi cho đến khi họ quen với sự có mặt của anh, không để tâm đến ống kính của anh, trở về với tâm trạng tự nhiên của họ anh mới bấm máy. Và những bức ảnh lay động đến mức, ta có thể nghe được sự sẻ chia sâu sắc trong trái tim người chụp ảnh. Ý tưởng đặt một cái bàn nhỏ góc phố để bày bánh trái, hoa quả thắp hương giúp họ vừa hoàn thành công việc của mình, vừa hướng tâm linh về tổ tiên nguồn cội trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Lê Bích cảm nhận được tâm trạng của những người phụ nữ trong bức ảnh. Tâm trạng của họ cũng chính là tâm trạng của anh trong thời khắc đó. Và tôi nghĩ, bất kỳ ai khi xem bức ảnh này của Lê Bích cũng có thể rưng rưng xúc động, vì những tình cảm đẹp và nhân văn mà người bấm máy đã chuyển tải trong đó.
Phụ nữ là đề tài không mới trong nhiếp ảnh. Nhưng Lê Bích, bằng cảm xúc chân thật và khả năng bấm máy điêu luyện của mình đã góp thêm một tiếng nói mới, ấn tượng mà không kém phần nhân văn trong những bức ảnh chụp phụ nữ của mình. Giống như trong một bức ảnh nào đó, anh để người phụ nữ đứng trước, nổi bật, còn hai người đàn ông đứng sau, như một cách nhấn mạnh vào những đóng góp của phụ nữ ở các làng nghề, các vùng nông thôn xa xôi. Rất nhiều công việc tưởng chừng chỉ có đàn ông mới có thể làm thì phụ nữ đã làm, thậm chí còn làm tốt hơn. Đây cũng là tiếng nói bình đẳng của phụ nữ, thông qua nhiếp ảnh.
Như một người kể chuyện, Lê Bích cùng với chiếc ống kính máy ảnh đã lang thang trên mọi nẻo đường đất nước, kể cho chúng ta nghe về thân phận của bao con người. Không dừng lại ở đề tài phụ nữ trong các làng nghề Việt, tôi biết Lê Bích còn đau đáu một đề tài khác, là nạn bạo hành phụ nữ ở các làng quê hiện nay. Anh muốn bằng tiếng nói của nhiếp ảnh, góp phần cảnh tỉnh, giúp đỡ những người phụ nữ đang phải sống trong bóng tối của sự chịu đựng.
Một câu chuyện nữa mà Lê Bích sẽ kể cho chúng ta nghe, đó là chuyện về những nghệ nhân cuối cùng trên dải đất hình chữ S. Chúng ta thấy làng nghề đang bị mai một dần, cùng với đó, những "báu vật nhân văn sống" là những nghệ nhân cũng mất dần đi. Làm gì để hồi sinh làng nghề cũng như nâng niu, tận dụng được tri thức, hiểu biết, bí quyết của những nghệ nhân cho các thế hệ trẻ sau này tiếp nối gìn giữ các giá trị văn hóa là câu hỏi lớn dĩ nhiên một mình Lê Bích không thể trả lời. Nhưng anh muốn đóng góp một tiếng nói bằng nhiếp ảnh để thay đổi câu chuyện buồn chúng ta đang thấy trong thực trạng làng nghề hiện nay….
Bình Nguyên Trang(vnca.cand.com.vn)