Người Đà Nẵng với Nguyễn Trãi

06.05.2022
Bùi Văn Tiếng
Vào niên hiệu Thiệu Bình thứ hai tức năm Ất Mão 1435, khi Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông giao nhiệm vụ biên soạn cuốn Dư địa chí - cuốn địa chí do chính người Việt ghi chép và được xem là sớm nhất ở nước ta hiện còn lưu giữ được, Đà Nẵng đã trải qua hơn một thế kỷ thuộc lãnh thổ Đại Việt - cụ thể là đương trực thuộc huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong lộ Thuận Hóa.

Người Đà Nẵng với Nguyễn Trãi

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng dâng hoa tại tượng Nguyễn Trãi.              Ảnh Hải Châu - Infonet

Tuy nhiên trong hình dung của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ, Đà Nẵng đơn thuần chỉ là vùng đất phía nam núi Hải Vân: “Nay xét Thuận Hóa về mặt đường bộ thì qua Ải Vân đã tới Thăng Hoa” (Nguyễn Trãi, Ức Trai tướng công di tập - Dư địa chí, Sài Gòn, 1966). Và dẫu Nguyễn Trãi không gặp nạn trong chốn quan trường vào năm Nhâm Tuất 1442 thì với tuổi chín mươi xưa nay hiếm, Nguyễn Trãi cũng khó đủ sức tháp tùng vua Lê Thánh Tông trong cuộc nam chinh năm 1471 để có dịp vào thực địa tại Vịnh Đồng Long, để từ trên chiến thuyền nhìn lên núi Hải Vân mà ông từng chép vào Dư địa chí - nói chung là Nguyễn Trãi chưa từng đến Đà Nẵng.

Thế nhưng hầu như người Đà Nẵng có chút học vấn ai cũng đều biết và ngưỡng mộ Nguyễn Trãi với tư cách tác giả Bình Ngô đại cáo - được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta, sau bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Do tính hàm súc của ngôn ngữ thi ca nên mở đầu bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, Lý Thường Kiệt chỉ có thể hàm ý Đại Việt đồng cấp với Trung Hoa qua hai chữ Nam đế - chứ không phải Nam vương như vẫn thường bị áp đặt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư (câu thơ dịch Sông núi nước Nam vua Nam ở không đủ thể hiện được hàm ý đồng cấp này giữa Nam đế và Bắc đế). Trong khi đó thì thể cáo có thể giúp Nguyễn Trãi rộng đường thể hiện ý thức độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hóa: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương (Ngô Tất Tố dịch).

Ngoài Bình Ngô đại cáo thường xuyên vang lên đầy hào sảng trong các nhà trường Đà Nẵng nhiều thập niên qua và chắc rằng dẫu phải thay đổi chương trình dạy-học cho phù hợp với thực tiễn thì những áng thiên cổ hùng văn như Bình Ngô đại cáo vẫn có cơ hội đồng hành với sự nghiệp trồng người của đất nước, nhiều thế hệ học sinh lớp 7 ở Đà Nẵng trước năm 1975 từng được học vài trích đoạn trong Gia huấn ca với tư cách là một tác phẩm văn chương của Nguyễn Trãi. Thực ra đây là sự nhầm lẫn của các nhà văn học sử đương thời, bởi kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy Nguyễn Trãi không phải là tác giả Gia huấn ca, nhưng qua sai lầm đó dấu ấn Nguyễn Trãi trong kiến thức phổ thông của người Đà Nẵng lại càng thêm sâu đậm. Đặc biệt khi học lịch sử, vụ án oan Lệ Chi viên năm Nhâm Tuất 1442 càng khiến người Đà Nẵng thương quý Nguyễn Trãi nhiều hơn…  
Ở Đà Nẵng, không chỉ học sinh phổ thông mới được học về văn chương và thân thế sự nghiệp Nguyễn Trãi, mà một số học sinh trung học chuyên nghiệp cũng được tiếp cận hình tượng Nguyễn Trãi trong lúc học nghề. Nhớ lại thuở mới bắt đầu đến với nghề hát bội, Nghệ sĩ ưu tú Phan Văn Quang của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kể lại: “Năm 1988 tôi được tin đoàn Tuồng Quảng Nam Đà Nẵng cùng với Trường Văn hóa Nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng tiếp tục tuyển sinh lớp diễn viên Tuồng (...) Tôi được Hội đồng thi tuyển thống nhất lựa chọn và thông báo trúng tuyển nhưng lúc bấy giờ lớp học đã được khai giảng, các bạn đã vào học được một thời gian, vậy là tôi phải học dự thính (lớp sân khấu học tại đường Thanh Sơn phường Thanh Bình). Sau một thời gian ngắn, tôi đã học được bốn vai diễn tiêu biểu là vai Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn. Các vai diễn này tôi được diễn báo cáo cho Hội đồng Nghệ thuật và lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Từ thành công này tôi chính thức được vào học diễn viên tuồng khóa 1987-1990”. 

Một số trường phổ thông còn được vinh dự mang tên Nguyễn Trãi. Có thể kể đến trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi trên địa bàn quận Thanh Khê - sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, trường Phổ thông cấp II Nguyễn Trãi Đà Nẵng được hình thành trên cơ sở tiếp quản trường Trung học tư thục Ánh Sáng. Cũng có thể kể đến trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam quận Liên Chiểu: Năm 1980, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng quyết định khởi công xây dựng một trường trung học phổ thông ở xã Hòa Khánh huyện Hòa Vang. Đây cũng là thời điểm Nguyễn Trãi vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO tôn vinh nhân kỷ niệm 600 năm năm sinh của ông (1380-1980), do vậy Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã đổi tên Trường Phổ thông trung học Hòa Khánh dự kiến đặt ban đầu thành tên Trường Phổ thông trung học Nguyễn Trãi và chính thức khai giảng từ năm học 1982-1983.
Đầu năm 2014, Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng đã dựng tượng ba danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, Nguyễn Du và Nguyễn Trãi trong khuôn viên nhà trường. Cả ba bức tượng đều được chế tác từ đá cẩm thạch nguyên khối đem về từ Thanh Hóa, có chiều cao 1,5m - nếu kể cả bệ tượng thì có chiều cao 2,6m, mỗi tượng nặng trung bình 4 tấn, do nghệ nhân Phạm Đình Vũ cùng các nghệ nhân làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước chế tác và do ThS.KTS Lê Thị Ly Na thiết kế công trình. Xin nói thêm rằng ngay tại Lê Chi viên ở xã Đại Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh bên bờ sông Đuống có bức tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - người bạn đời cùng chịu oan khuất với Nguyễn Trãi - bằng đá trắng do Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu tạc và cung tiến từ năm 2010.  
 

Không chỉ vinh danh Nguyễn Trãi qua việc đặt tên trường, người Đà Nẵng còn vinh danh ông qua việc đặt tên đường. Từ năm 1958 đến nay, trên bản đồ Đà Nẵng đã có đường Nguyễn Trãi nối đường Trần Bình Trọng với đường Ông Ích Khiêm. Sau này người Đà Nẵng còn đặt tên Nguyễn Phi Khanh - thân phụ của Nguyễn Trãi - cho một con đường cùng ở quận Hải Châu với đường Nguyễn Trãi và đặt tên Trần Nguyên Đán - ông ngoại của Nguyễn Trãi - cho một con đường ở quận Liên Chiểu. Tất cả đều là cách người Đà Nẵng bộc lộ giãi bày tình cảm và thiết thực tưởng nhớ Nguyễn Trãi - nhà thơ, người sáng lập văn học cổ điển Việt Nam, anh hùng dân tộc Việt Nam./.

B.V.T