‘Ngày xưa ơi’ thấm đẫm tình đất, tình người xứ Quảng
Tập tản văn của Trần Nguyên Hạnh, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
“Ngày xưa ơi” là tập sách thứ 4 của tác giả Trần Nguyên Hạnh, sau các tác phẩm “Những mùa đông yêu dấu’, “Quà tặng cho con” và “Những ô cửa sắc màu”. Dùng thể loại tản văn để thể hiện, “Ngày xưa ơi” giống như những lời thì thầm của kỷ niệm vừa trôi qua mà vẫn vẹn nguyên từng âm thanh.
Đúng như câu cửa miệng “Kỷ niệm sẽ là thứ duy nhất, đi theo ta cả cuộc đời dài”, tác giả Trần Nguyên Hạnh phục dựng và phơi bày hồi ức lên trang giấy, theo kiểu những thước phim tư liệu có không ít khoảng lặng nhớ thương và mong ngóng.
Tác giả Trần Nguyên Hạnh sinh năm 1992 tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nội vụ, chị trở về công tác tại quê nhà và viết như một tâm sự dành cho tình đất tình người xứ Quảng.
Trong thế giới “Ngày xưa ơi”, tất cả những chuyển động của cuộc sống đều chầm chậm và gần gũi. Thế nhưng, trong dáng vẻ mộc mạc ấy, bỗng hiện ra giá trị đích thực mà ai cũng muốn tìm kiếm, ai cũng muốn sở hữu.
Đó là căn bếp của mẹ. Những bữa cơm chiều bên ánh lửa bập bùng cả nhà quây quần hàn thuyên trò chuyện, những hôm tập tành nhóm lửa giúp mẹ nấu cơm.
Đó là những người hàng xóm miền Trung chân chất nghĩa tình. Họ lầm lũi trong nắng gió mà họ vượt qua nắng gió để hướng về nhau ân cần nương tựa
Đó là con đường ấu thơ. Con đường đi qua cánh đồng xanh ngát, con đường của những ngây ngô học trò và những ước mơ thánh thiện.
Với tác giả Trần Nguyên Hạnh, những mùi hương luôn có khả năng khơi gợi ký ức diệu kỳ. Quê nhà trong “Ngày xưa ơi” luôn được ướp bằng những mùi hương đặc biệt. Suốt những năm tháng tuổi thơ, mùi khói bếp, mùi rơm rạ bám vào quần áo, bát đũa, bám cả vào bước chân mỗi đứa tới trường.
Mảnh đất Quảng Nam hiện lên trong văn của Trần Nguyên Hạnh với đủ đầy phong vị và dư ba. Không chỉ có những địa danh quen thuộc theo suốt hành trình mưu sinh của nhiều thế hệ, “Ngày xưa ơi” gói ghém tiếng gà trưa bất chợt và cả nỗi thèm tô mì Quảng nấu bằng gạo mới vừa thu hoạch.
Dõi theo từng câu chuyện “Ngày xưa ơi”, bỗng ngỡ ngàng phát hiện tác giả nữ đã lớn lên trong bộn bề thiếu thốn, cơ cực mà những trang văn lại luôn ăm ắp chân thành, hào phóng. Đó là vì người viết có được đặc quyền của một đứa trẻ được ăn, được ngủ, được học hành của những hồn nhiên đúng tuổi. Và tất cả được vun vén, nâng niu từ sự tri ân: “Bài học lớn nhất của cuộc sống chính là lòng biết ơn, sự trân trọng. Trân quý sinh mạng chính mình, trân quý mảnh đất ta sinh ra, khung cảnh xinh đẹp ta đang được ngắm nhìn, con đường ta đi, nguồn nước ta uống, bữa ăn ta có, mái nhà ta ở”.
Đâu đó trong “Ngày xưa ơi” vẫn thấy bàng bạc nỗi buồn suy tư, chiêm nghiệm của tác giả Trần Nguyên Hạnh, khi tất cả chỉ còn là hoài niệm. Ai lớn lên rồi cũng phải đi xa, và làng quê cũng dần được thay thế bằng những điều mới mẻ cùng guồng quay mải miết bận rộn làm người lớn.
Dẫu vậy, gam màu chủ đạo của “Ngày xưa ơi” vẫn là niềm vui lấp lánh. “Ngày xưa ơi” của Trần Nguyên Hạnh khiến người ta tin vào giá trị của tình cảm gia đình và láng giềng góp phần bồi đắp tâm hồn một con người nhân hậu. Đứa trẻ được ôm ấp bằng tình thương thì khi lớn lên, dù có vấp ngã thì cũng sẽ luôn quay về những căn cơ lương thiện.
Đọc “Ngày xưa ơi” của Trần Nguyên Hạnh, để thấm thía một điều giản dị: “Nếu thời gian là đường một chiều, kỷ niệm sẽ chính là biển báo bắt mắt đặt hai bên đường. Chúng nói cho ta biết bạn đã đi từ hôm qua tới hôm nay thế nào. Thời gian không bao giờ ngừng lại, những kỷ niệm cũng sẽ không biết mất. Bạn cần ghi nhớ, biến những con số trên tờ lịch trở thành lời nhắc nhở bản thân phải mang theo hoài bão để tiến về phía trước”.
(Báo Nông nghiệp)