Nhà văn Thạch Lam: ‘Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực’
Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam
Giữa bộn bề ngột ngạt của cuộc sống hiện đại, đọc lại Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ, Cô hàng xén, Nắng trong vườn… của Thạch Lam, ta thấy tâm hồn mình như lắng lại, như được gột rửa trong sáng hơn, thanh sạch hơn.
Cây bút giàu xúc cảm và tài hoa
Nhà văn Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh ngày 7.7.1910 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức, gốc quan lại. In tập truyện ngắn đầu tay vào năm 1937 và qua đời năm 1942, nên có thể nói, sự nghiệp sáng tác của ông chỉ kéo dài khoảng 5-6 năm, song quãng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ để cái tên Thạch Lam trở nên vô cùng sâu đậm trong lòng độc giả.
Nhận xét về văn chương của Thạch Lam, nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nói rằng: “Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy”.
Là một thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng nhà văn Thạch Lam đã không đi theo lối viết chung của nhóm mà chọn cho mình một lối đi hoàn toàn riêng biệt trong văn chương. Văn chương của ông nhẹ nhàng và trong trẻo nhưng vẫn bám sát vào hiện thực cuộc sống. Thông qua những điều hết sức giản dị, Thạch Lam không chỉ muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của con người mà còn bày tỏ một cái nhìn đầy lạc quan vào cuộc sống. Dưới cái nhìn tinh tế của nhà văn, người đọc phát hiện ra lẩn khuất giữa những tăm tối và khắc nghiệt không thể trốn chạy của hiện thực vẫn còn những vẻ đẹp đầy lấp lánh.
Đó là vẻ đẹp của bình dị thôn quê với đường gạch, hàng cây, với tiếng gió xào xạc hay ngay cả trong ánh đèn của đoàn tàu vụt qua nơi phố huyện nghèo và hơn hết là vẻ đẹp đầy sáng ngời của tâm hồn con người. Đó là: “Tiếng trống thu không trên cái chợ huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” (Hai đứa trẻ). Là những lời lẽ nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng lại gợi ra biết bao xúc cảm đầy mạnh mẽ, thiên nhiên dưới con mắt của Thạch Lam bao giờ cũng là mặt hồ phản chiếu tâm trạng của con người: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi. Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt” (Gió lạnh đầu mùa).
Với ngôn ngữ giản dị mà làm say đắm lòng người, những tác phẩm của Thạch Lam không gân guốc, nhưng thâm trầm và kín đáo. Mỗi truyện ngắn của nhà văn như một bài thơ hàm súc, cô đọng với một âm ba vang vọng. Ở đó, “cái ngữ điệu nhỏ nhẹ và man mác thi vị, những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động” đã làm nên một phong cách ngôn ngữ rất riêng, độc đáo và đặc sắc. Ông đã đưa ngôn ngữ của cảm xúc hay nói cách khác là đưa ngôn ngữ của thơ vào trong văn xuôi tạo nên những áng văn đẹp, gợi cảm và giàu xúc cảm, vừa cho ta nhìn, vừa cho ta cảm nhận thấy bằng ngôn ngữ của sự từng trải, ngôn ngữ của cuộc đời mang đậm chất Việt…
Truyện ngắn của ông như một tấm gương sáng mà ai soi vào đó cũng thấy có mình, thấy ưu điểm, nhược điểm để hiểu mình hơn, hiểu người hơn, để cảm thông hơn và sống đẹp hơn: “… Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta sẽ phải vay trả cái xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh mới trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ đánh đập vì thù hằn? Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng khinh bỉ của tôi ban nãy… sự hối hận thấm thía vào lòng tôi…” (Một cơn giận).
Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét về ngôn ngữ văn chương của Thạch Lam rất sâu sắc “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”. Thạch Lam đã mang tới những đóng góp không nhỏ trong quá trình hiện đại hóa văn học trên phương diện ngôn ngữ và mang dấu ấn rất riêng của cây bút lãng mạn, giàu xúc cảm và tài hoa.
Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực
Giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Thạch Lam viết: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có thể coi đoạn văn ngắn này là “tuyên ngôn văn học” của nhà văn Thạch Lam. Và quả thật, trong toàn bộ gia tài sáng tạo của ông, hầu như không một trang viết nào lại không thắm đượm tinh thần đó. Mỗi tác phẩm là một bức tranh về cuộc đời, về con người nhưng nhất quán lại chính là con người Thạch Lam.
Ông hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Đọc các sáng tác của ông, nhất là truyện ngắn người ta thường cảm thấy bùi ngùi thương xót trước một cảnh đời lầm than hay bâng khuâng, man mác trước trạng thái tâm hồn của ai đó hình như rất quen thuộc với mình. Ấy là vì những sáng tác của Thạch Lam mang trong mình cả giá trị hiện thực lẫn sự cảm thông đối với những mảnh đời ông viết. Quả thật khó mà quên được một mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), bà mẹ nghèo với mười một đứa con bữa rau bữa cháo đắp đổi qua ngày. Sống chen chúc trong căn lều lụp xụp tồi tàn, nhưng tình thương thuần phác và tấm lòng của người mẹ nghèo khổ ấy đã nâng đỡ bao bọc cho những đứa con. Cũng chính vậy, khi mẹ Lê bị chó dữ nhà giàu cắn chết trong ngày đói thì túp lều chật hẹp tồi tàn của mẹ trở nên hư vô, trống trải vô chừng.
Còn biết bao hình ảnh đáng thương, đáng nhớ khác nữa trong từng trang viết của tác giả “Gió đầu mùa”: đó là những cô Dung, một thời thơ trẻ bị quên lãng thiệt thòi; một đời làm dâu và một đời chết trong cõi sống (Hai lần chết); một đứa trẻ cố thức đêm chỉ để nhìn ánh sáng đèn của chuyến tàu đêm với hy vọng được nhìn thấy cảnh náo nhiệt ở sân ga. Là những người lính cũ (Người lính cũ), những anh Bào (Người bạn trẻ), cô Khanh (Người bạn cũ)… mà những con sóng dữ, những làn gió độc của cuộc đời đưa đẩy tới những kết cuộc bế tắc, lầm than, bi đát vô cùng.
Đó là những câu chuyện thật cảm động về những con người vẫn đang nép mình ở đâu đó trong xã hội này. Những mảnh ghép của cuộc đời họ đã được nhà văn Thạch Lam “vẽ” nên thật giản dị, chân chất, mà thấm đượm tình thương, niềm trân trọng. Ông đã tạo ra những trang văn đẹp, giản dị nhưng vô cùng nhân đạo. Những con người dù bị chà đạp vẫn cố gắng vươn tới vẻ đẹp thanh cao, những con người dù khốn khó vẫn tự đấu tranh để vươn tới cái đẹp trong cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng nhưng họ đều có chung tâm trạng dày vò, buồn rầu và lòng khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, cao quý hơn.
Nhà văn Thạch Lam đã từng quan niệm: “Cái thực tài của nhà văn nguồn gốc chính là ở tâm hồn nhà văn, một nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo thôi”. Ông đã lặng lẽ tự mổ xẻ mình để xây dựng nên những con người sống động giữa cuộc đời thường: “Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày kia cũng thế nữa, tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ mình cô; trong những luỹ tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em” (“Cô hàng xén”).
Quả thật khó có thể phân biệt đâu là ngôn ngữ tác giả đâu là ngôn ngữ nhân vật. Nhà văn đã thực sự đặt mình vào địa vị nhân vật để nói lên suy nghĩ về số phận và cuộc đời những cô hàng xén nghèo khó, sớm tối phải tần tảo, vất vả vì gia đình. Và Thế Lữ đã rất xúc động khi nhớ về Thạch Lam: “Sự thật tâm hồn Thạch Lam diễn trong văn chương phức tạp nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, thân mật, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương” (“Thạch Lam và văn chương”).
Văn Thạch Lam đẹp, tinh tế; con người Thạch Lam hồn hậu và rất mực tài hoa. Đó là lý do vì sao mà gần một thế kỷ đã trôi qua, những người yêu văn chương vẫn không thể quên được một dáng hình khiêm nhường, từ tốn “bước những bước thật nhẹ nhàng” vào làng văn học, mang theo những trang văn nồng nàn chất thơ, đó là Thạch Lam, một nhà văn luôn trân trọng và chắt chiu cái đẹp đã để lại một dấu ấn không phai trên văn đàn Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét: “Nói đến Thạch Lam người ta vẫn nhớ đến truyện ngắn nhiều hơn là truyện dài”. Đóng góp của Thạch Lam không chỉ ở nghệ thuật mà còn ở phương diện nuôi dưỡng tinh thần. Nó giúp ta thanh lọc tâm hồn. Vì mỗi truyện của ông “như một bài thơ trữ tình chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm…”.
Có thể nói, nghệ thuật chân chính phải là nghệ thuật vị nhân sinh, vì con người và cuộc đời. Nhà văn chân chính phải biết lấy chất liệu từ cuộc sống mà “dệt” nên những trang văn để đời. Dẫu đời văn ngắn ngủi, với chỉ vỏn vẹn ba tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1941); một truyện dài Ngày mới (1939); tập tiểu luận Theo dòng (1941); tập tùy bút Hà Nội ba sáu phố phường (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong tập Quyển sách hạt ngọc (1940), song những trang viết mà Thạch Lam để lại cho chúng ta hôm nay vẫn mang một giá trị khó ai có thể phủ định. Giá trị ấy đã hòa nhập vào mạch dân tộc và được thử thách bằng thời gian.
(TTXVN)