Người viết ký ức Đà Nẵng bằng hình ảnh
Là người chụp rất nhiều hình ảnh về Đà Nẵng, nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh gọi công việc của mình đơn giản là góp nhặt những khoảnh khắc đẹp về cuộc sống và con người Đà thành để người dân thành phố có thể tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và quảng bá Đà Nẵng đến những du khách yêu mến thành phố bên dòng Hàn thơ mộng này.
Ông sở hữu một gia tài đồ sộ những bức ảnh về thắng cảnh, con người Đà Nẵng trong suốt chiều dài lịch sử từ 1975 đến nay. Đó là những ghi chép chân thật của riêng ông về sự biến đổi theo thời gian của thành phố bên sông Hàn.
Một trong những bức ảnh mà tác giả rất tâm đắc. Trong ảnh: Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà |
Chụp ảnh vì tình yêu Đà Nẵng
“Ý tưởng chụp ảnh Đà Nẵng của tôi bắt nguồn từ tình yêu mảnh đất này, sau là xuất phát từ nghề nhiếp ảnh của tôi. Từ bao giờ tôi cũng không biết nữa, cứ sau một tuần bận rộn, đến thứ Bảy, Chủ nhật, tôi lại rong ruổi khắp các con đường ở Đà Nẵng để ghi chép bằng hình ảnh”, ông Sinh chia sẻ về niềm đam mê chụp ảnh của mình.
Ban đầu, ông nung nấu sẽ chụp một đề tài nào đó chuyên sâu, như về con người Đà Nẵng, con đường Đà Nẵng, dòng sông, làng nghề, những cây cầu… nhưng sau một thời gian dài khám phá, ông nhận ra rằng, vẻ đẹp của Đà Nẵng là vẻ đẹp hội tụ, muốn hiểu về Đà Nẵng phải có cái nhìn toàn cảnh. Ông nói: “Một góc phố có thể nhận biết Hà Nội, một Chùa Cầu có thể nhận biết Hội An nhưng không một góc phố, con đường nào có thể phản ánh được trọn vẹn Đà Nẵng”. Cảm nhận được vẻ đẹp của Đà Nẵng như vậy nên từ bao năm nay, ông một mình một máy, đi khắp các ngõ ngách Đà Nẵng để khám phá. Theo ông, mỗi người có một cách lưu giữ ký ức khác nhau, có người lưu bằng thơ, bằng nhạc, bằng họa, riêng ông, ông lưu bằng cách chụp lại những gì chân thực nhất.
Tôi hỏi: Vậy ông hứng thú những vẻ đẹp nào của Đà Nẵng, ông đáp: “Tôi thấy Đà Nẵng có rất nhiều cái đẹp, như Ngũ Hành Sơn, biển Đà Nẵng, làng nghề Non Nước, những cây cầu độc đáo, hoặc đơn giản chỉ dọc bờ sông Hàn thôi cũng có rất nhiều cái đẹp để khám phá, để chụp… Với người nghệ sĩ, trước tiên cứ thấy đẹp là phải ghi nhận, lưu lại những khoảnh khắc đó đã, vì khoảnh khắc chỉ đọng lại trong tích tắc thôi, nếu không biết nắm bắt để nó trôi qua thì rất đáng tiếc”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh tại triển lãm "Đời nón - Đời người" của ông, tổ chức năm 2012. |
Những bức ảnh về Đà Nẵng của ông Sinh ngoài thắng cảnh còn có hình ảnh về con người. Đó là những người nông dân ở Hòa Vang đang lao động, những công nhân hăng say làm việc trong các khu công nghiệp, những người thợ thủ công ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước, hay đơn giản là hình ảnh các bà, các mẹ đang đi chợ… Giải thích về việc chọn hình ảnh con người đang hoạt động để lưu lại, ông Sinh cho biết: “Với cảm nhận của riêng tôi, tôi thích những gì chân thật, thực tế. Cuộc sống luôn chuyển động nên con người không thể đứng yên. Và phải biết chắt lọc khoảnh khắc đẹp của cuộc sống thì mới có thể nâng tầm lên thành tác phẩm nghệ thuật, nếu không, bức ảnh đó đơn giản chỉ là ghi chép thông thường”.
Khi tôi thắc mắc không biết chụp ảnh Đà Nẵng ngót 40 năm, có bao giờ ông thấy nhàm chán mà đi tìm đề tài khác không, ông cười: “Lúc nào tôi cũng thấy Đà Nẵng tươi mới. Không chỉ riêng tôi, mà những nghệ sĩ khác cũng cảm nhận rằng Đà Nẵng phát triển nhanh, nhanh đến nỗi người nghệ sĩ đôi khi không bắt kịp, không ghi nhận kịp sự phát triển đó”.
Tuy nhiên, ông Sinh tự nhận cái “dở” của mình là chưa thể sắp xếp các bức ảnh đã chụp theo chủ đề: “Tôi không thống kê được mình đã chụp tất cả bao nhiêu bức ảnh, chỉ biết là rất nhiều thôi. Sau mỗi chuyến rong ruổi, tôi lưu tất cả những hình ảnh chụp được vào một Folder (thư mục-PV), chứ chưa có thời gian để sắp xếp chúng theo chủ đề. Có lẽ thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ tổ chức một triển lãm về ảnh Đà Nẵng toàn cảnh”.
Kỷ niệm không thể quên
Trong suốt khoảng thời gian gần 40 năm đi lưu giữ những hình ảnh đẹp về Đà Nẵng, ông Sinh chia sẻ ông đã gặp không biết bao nhiêu người, chứng kiến không biết bao nhiêu sự đời và giữ lại nhiều kỷ niệm để có dịp đem ra kể cho bạn bè, người thân những lúc “trà dư tửu hậu”.
Ông kể rằng, vào khoảng những năm 1978-1979, khi đó bên bờ Đông sông Hàn có Trường Chính trị (nay là khu vực tòa nhà Azura). Trong trường có một tháp nước để người dân quanh vùng này dùng. Đó là nơi cao nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ. Khi ấy, tôi vào trường rồi trèo lên chỗ cao đó để chụp ảnh. Loay hoay một hồi, lúc đi xuống thì tôi gặp một anh cán bộ trong trường. Trường lúc đó tăng gia sản xuất nên có nuôi heo. Anh cán bộ đó hỏi: “Có phải ông đến tiêm cho heo không?” Tôi chỉ ậm ừ rồi “chuồn lẹ” vì lúc đó vào trường “chui” không xin phép ai.
Nói chuyện xin phép để vào chụp ảnh, ông ông Sinh cười nhớ lại: “Đêm hôm Quảng trường 2-9 khánh thành, Đà Nẵng có bắn pháo hoa. Tôi chọn được một góc chụp rất đẹp, đó là ngôi nhà 2 tầng phía đối diện. Lúc tôi đến thì nhà không có ai nên tôi leo rào vào. Đang chụp ngon lành thì chủ nhà về. Họ lôi tôi xuống và mắng cho một trận vì xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Đợt đó tôi bị chửi tơi bời. Cũng may họ còn tử tế mở cửa chính để tôi xuống, không thì tôi phải leo rào rồi”.
Miên man theo dòng ký ức, ông Sinh tâm sự: "Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, gặp người này, người kia, chuyện này chuyện nọ là đương nhiên, thế nhưng không vì khó khăn mà tôi bỏ nghề. Có những ngày đi lang thang khắp nơi mà không “nhặt nhạnh” được gì, nhưng cũng có những ngày, tay bấm máy liên tục. Đó cũng là việc thường gặp ở đời”.
Vừa làm công việc nhà nước (Ông Sinh hiện đang làm Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Đà Nẵng) vừa nuôi dưỡng đam mê chụp ảnh Đà Nẵng vào 2 ngày cuối tuần trong suốt 40 năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh mang đến cho mọi người những góc nhìn khác nhau về Đà Nẵng. Để rồi, mỗi người sau khi xem ảnh của ông đều đọng lại những ký ức đẹp và ngày càng thêm yêu mến thành phố năng động, trẻ trung bên dòng Hàn thơ mộng.
Quỳnh Trang
Nguồn: baodanang.vn